» Mở tất cả ra       » Thu tất cả lại
English and French
Tìm kiếm

Bài & Tin mới
TÍNH TOÁN CÁC ĐẶC TRƯNG THỦY VĂN THIẾT KẾ [27/01/2024]
CÔNG TRÌNH THỦY LỢI - ĐẬP BÊ TÔNG VÀ BÊ TÔNG CỐT THÉP - YÊU CẦU THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU [22/01/2024]
CÔNG TRÌNH THỦY LỢI - KẾT CẤU BÊ TÔNG VÀ BÊ TÔNG CỐT THÉP THỦY CÔNG - YÊU CẦU THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU [20/01/2024]
Như thế nào là Trạm bơm lớn, trạm bơm nhỏ? [29/01/2024]
Quyết định số 20/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể lưu vực sông Mã thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 [17-01-2024]
Quyết định số 21/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể lưu vực sông Hương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 [17-01-2024]
Quyết định số 22/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 [17-01-2024]
Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam [17-01-2024]
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục Quản lý xây dựng công trình [26-12-23]
Chùm ảnh các công trình thuỷ lợi tiêu biểu ở VN 20 năm 2003-2023 [30-11-2023]
Danh mục các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt [26-10-2023]
BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG LẠI NGÀNH XÂY DỰNG THÔNG QUA CHUYỂN ĐỔI SỐ [26-10-2023]
Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 thay thế Luật Đấu thầu trước đây và có hiệu lực từ 01/01/2024 [15-10-2023]
Dự thảo TCVN 8731-20xx Phương pháp xã định hệ số thấm của đất bằng phương pháp đổ nước và múc nước trong hố đào và hố khoan [15-10-2023]
Đập Đắk N’Ting (Đắk Nông) trước nguy cơ bị vỡ [05-09-23]
QUYẾT ĐỊNH: Về việc hủy bỏ Tiêu chuẩn quốc gia [05-09-23]
Nghị định 35/2023/NĐ-CP [07-08-23]
Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ ĐỘNG ĐẤT Ở KONTUM NGÀY 14-07-2023 (2)[07-08-23]
HOẠT ĐỘNG HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỔI NĂM [04-08-23]
 Số phiên truy cập

81489383

 
Tư liệu
Gửi bài viết này cho bạn bè

Tìm hiểu chính sách nhà ở các nước.[22/08/09]
Luật Nhà ở năm 2005 có Điều 6 đề cập đến chính sách nhà ở, tuy vậy cho đến nay nước ta vẫn chưa có chính sách nhà ở hoàn chỉnh. Luật Nhà ở chỉ là khuôn khổ pháp lý của chính sách, còn chính sách phải bao gồm các mục tiêu, thời hạn, các nguồn lực và kết quả mong muốn cùng với bộ công cụ được dùng để đạt tới kết quả

TÌM HIỂU CHÍNH SÁCH NHÀ Ở CÁC NƯỚC

 

TS.  Phạm Sỹ Liêm

Viện Nghiên cứu Đô thị

 & Phát triển Hạ tầng

Mở đầu

TP. Vancouver (Canada) được coi là một trong mấy thành phố có điều kiện sống tốt nhất thế giới.

 
Luật Nhà ở năm 2005 có Điều 6 đề cập đến chính sách nhà ở, tuy vậy cho đến nay nước ta vẫn chưa có chính sách nhà ở hoàn chỉnh. Luật Nhà ở chỉ là khuôn khổ pháp lý của chính sách, còn chính sách phải bao gồm các mục tiêu, thời hạn, các nguồn lực và kết quả mong muốn cùng với bộ công cụ được dùng để đạt tới kết quả. Từ khi nước ta thực hiện chủ trương xoá bỏ chế độ bao cấp nhà ở, tôi bắt đầu tìm hiểu chính sách nhà ở các nước, nay có dịp thuận tiện bèn  xin giới thiệu vắn tắt thu hoạch của mình về chủ đề này.

 

Hai mục tiêu tổng thể của chính sách nhà ở

Chính sách là sự can thiệp của chính phủ để hạn chế, khắc phục các bất cập của thị trường (market failures), nhằm đưa lĩnh vực nào đó của quốc gia phát triển theo hướng mong muốn. Trong lĩnh vực nhà ở, sự can thiệp của chính phủ có hai  mục tiêu tổng thể là:1/ phát triển nhà ở để cân đối cung cầu, và 2/ thực hiện phân phối nhà ở  công bằng.

Mục tiêu cân đối cung cầu nhà ở nhằm tạo điều kiện mọi gia đình đều có nhà ở thích đáng theo khả năng chi trả của họ. Tuy đây là nhiệm vụ của thị trường nhưng chính phủ không thể hoàn toàn phó mặc cho thị trường vì mấy lẽ sau đây:

·         Ngoài thuộc tính kinh tế, nhà ở còn có thuộc tính xã hội, bảo đảm ổn định xã hội;

·         Phát triển nhà ở cần nhiều đất đai là tài nguyên có tính khan hiếm tương đối, mà muốn sử dụng thì phải có quy hoạch và đủ dịch vụ hạ tầng, đều là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của chính quyền;

·         Đầu tư nhà ở thường chiếm 20~30%tổng vốn đầu tư tài sản cố định của quốc gia, bằng 3~8%GDP, giá trị do dịch vụ nhà ở tạo ra bằng 5~10% GNP (Nguồn: Shlomo Angel. Housing Policy Matters-A Global Analysis.Oxford University Press.2000).Thị trường nhà ở được xem là nhiệt kế của nền kinh tế quốc dân. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay chính là bắt nguồn từ tình trạng cho vay thế chấp nhà ở vượt tầm kiểm soát của Hoa kỳ.

Mục tiêu thực hiện phân phối nhà ở công bằng có vị trí quan trọng trong chế độ phúc lợi xã hội của mọi quốc gia, kể cả quốc gia phát triển. Cầu trong thị trường nhà ở phải có hai điều kiện: có nguyện vọng chi trả (willingness to pay) và có khả năng chi trả (ability to pay). Khi phát triển nhà ở để cân đối cung cầu thì vẫn có một bộ phận nhân dân không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện cầu, tức là có nguyện vọng chi trả nhưng không đủ khả năng chi trả. Thực hiện mục tiêu phân phối nhà ở công bằng có nghĩa là chính phủ thông qua tái phân phối của cải xã hội mà giúp đỡ nâng cao khả năng chi trả cho nhóm người này để họ có nhà ở đạt chất lượng cần thiết và đủ diện tích tương ứng với quy mô gia đình.

Chú: Có nhiều tên gọi loại nhà ở được chính phủ giúp đỡ. Nhà ở công (public housing) là nhà ở thuộc sở hữu chính phủ trung ương hay địa phương. Nhà ở xã hội (social housing), còn gọi là nhà được trợ cấp (subsidized housing), là tên gọi chung nhà  cho thuê giá hạ ( Pháp gọi là habitation à loyer modéré-HLM) thuộc sở hữu nhà nước hoặc các tổ chức phi lợi nhuận. Nhà ở giá rẻ (low cost housing, affordable housing) là nhà được chính phủ tạo điều kiện hạ giá thành xây dựng để bán cho người thu nhập thấp. Nhà ở hợp tác (co-operative housing) là nhà ở do người ở cùng góp tiền xây dựng và quản lý.

Chính sách nhà ở của mỗi quốc gia xuất phát từ thực trạng kinh tế-xã hội và truyền thống chính trị nước đó mà đặt trọng tâm vào mục tiêu này hay mục tiêu kia hoặc coi trọng cả hai mục tiêu.

 

Hai mô hình chính sách nhà ở

Nói chung, chính sách nhà ở các nước tuỳ theo thể chế kinh tế từng nước mà có thể quy về hai dạng mô hình sau đây:

1/ Mô hình “thị trường+giúp đỡ”(tiêu biểu là Hoa Kỳ)

Theo mô hình này, thị trường nhà ở đóng vai trò chủ đạo, chính phủ làm “người canh cổng”, chỉ điều chỉnh hậu quả thiếu công bằng của sự vận hành của cơ chế thị trường chứ không thay đổi hay xoá bỏ sự vận hành của cơ chế đó.

2/ Mô hình “thị trường+phúc lợi” (tiêu biểu là Thuỵ Điển)

Mô hình này vẫn lấy thị trường nhà ở làm cơ sở nhưng thực hiện rộng rãi chế độ phúc lợi nhà ở. Trong mô hình này thì Nhà nước tái phân phối của cải xã hội mạnh mẽ hơn rất nhiều so với mô hình trước.(Chính sách nhà ở bao cấp của nước ta trước đây thuộc mô hình hoàn toàn phúc lợi, không có thị trường).

 

Các công cụ chủ yếu của chính sách nhà ở

Để tác động đến thị trường nhà ở theo chính sách của mình, các chính phủ phải sử dụng nhiều công cụ, bao gồm:

1/ Trợ cấp

Mục đích trợ cấp của chính phủ là giúp đỡ người thu nhập thấp thuê được nhà ở thích hợp. Việc trợ cấp thực hiện theo hai hướng: trợ cấp bên cung (supply subsidy) bằng tiền hoặc giảm thuế để hạ giá cho thuê nhà và tăng lượng nhà cho thuê, do đó còn gọi là trợ cấp cho khách thể (object subsidy); và trợ cấp bên cầu (demand subsidy) nhằm tăng khả năng chi trả cho người thu nhập thấp, vì vậy còn gọi là trợ cấp cho chủ thể (subject subsidy). Xu hướng chung hiện nay là thiên về trợ cấp bên cầu nhằm đảm bảo sự giúp đỡ đến đúng mục tiêu cần giúp, tuy như vậy có thể làm tăng giá thuê nhà và không khuyến khích tăng lượng nhà cho thuê.

2/ Công cụ tiền tệ

Đầu tư nhà ở cần vốn lớn, dài hạn, nhiều rủi ro, dễ thành nợ xấu, ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ, vì vậy chính phủ cần giám sát chặt chẽ dòng vốn đầu tư nhà ở và khi cần thiết thì giúp tăng nguồn cung thông qua các công cụ tiền tệ như sau:

·     Lập tổ chức chuyên trách tham gia thị trường tiền tệ, chẳng hạn Hoa kỳ có Ngân hàng Liên bang cho vay nhà ở được chính phủ bảo lãnh nhằm huy động các nguồn tài chính để cho cả bên đầu tư và bên mua nhà vay;

·     Nhận bảo lãnh thế chấp cho các khoản vay nhà ở trong thị trường thế chấp sơ cấp (Hoa Kỳ);

·     Cho hộ thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất thấp, chẳng hạn Kho bạc nhà nước của Nhật năm 1982 cho vay thấp hơn lãi suất thị trường 1.8%;

·     Điều chỉnh tỷ lệ và lãi suất vay thế chấp.

3/Kiểm soát giá cho thuê nhà

Nhằm điều chỉnh quan hệ cung cầu, chính phủ tuỳ tình hình mà điều chỉnh mức trần của giá cho thuê các loại nhà, chẳng hạn Chính phủ Anh trước Thế chiến II     quy định giá trần cho thuê nhà tư nhân cùng lúc với phát triển nhà ở công để ứng phó với tình hình giá cho thuê nhà leo thang.

4/ Kiểm soát đất đai xây nhà

Hồng Kông có chế độ đất đai công hữu, khi thị trường nhà ở lên cơn sốt thì chính phủ tăng cung ứng đất đai xây nhà, khi thị trường suy thoái thì ngược lại. Tại nhiều nước khác, chính phủ thực hiện chủ trương mua đất để dự trữ, khi cần thì cung ứng cho thị trường với giá rẻ để hạ gía bán nhà hoặc cho thuê nhà.

5/ Công cụ pháp luật

Chính sách trợ cấp nhà ở, kiểm soát giá cho thuê nhà và lãi suất tín dụng phát triển nhà v.v. đều được quy định cụ thể bằng luật pháp.

6/ Phát triển nhà ở công

Phát triển nhà ở công cho người thu nhập thấp mua hoặc thuê là biện pháp được nhiều nước sử dụng trong một số giai đoạn.

 

Mục tiêu từng giai đoạn của chính sách nhà ở các nước châu Âu

Nguồn: Michael Oxley & Jacqueline Smith. Housing Policy and Rented Housing in Europe.1996

Tuy mục tiêu tổng thể đã được xác định nhưng trong quá trình thực hiện thì tuỳ tình hình cụ thể mà chính sách nhà ở có mục tiêu giai đoạn khác nhau như sau:

1/ Xây dựng nhà ở mới

Sau Thế chiến II, chính sách nhà ở các nước châu Âu đều đặt mục tiêu xây dựng nhà ở mới để khắc phục hậu quả chiến tranh. Các nước khác tuy không qua chiến tranh nhưng cũng có mục tiêu tương tự để đáp ứng tăng trưởng đô thị sau chiến tranh. Hàng năm các nước đặt ra chỉ tiêu phải xây dựng bao nhiêu căn hộ, chẳng hạn nước Anh trong giai đoạn 1946-1976 bình quân hàng năm xây dựng 143 000 căn hộ, khoảng một nửa là nhà ở công.

2/ Nâng cấp nhà ở

Từ giữa thập kỷ 70 thế kỷ trước, các nước đã xây dựng được khá đủ nhà ở do đó chuyển sang mục tiêu nâng cấp nhà ở để cải thiện các tiện nghi trong nhà như lắp đặt trang bị hiện đại cho nhà bếp, khu xí tắm, đổi mới vật liệu hoàn thiện, và chú trọng tăng cường môi trường ngoại thất.

3/ Xử lý tình trạng mất cân đối cục bộ nhà ở

Tại các nước phát triển, khi nhà ở cả nước đã phát triển đến mức nhiều hơn số hộ gia đình thì lại xuất hiện tình hình mất cân đối nhà ở cục bộ, do một số đô thị lớn phát triển quá nhanh nên bị thiếu nhà và do tầng lớp thu nhập thấp đô thị cùng với nhóm người “dễ bị tổn thương”(vulnerable group) như người già cô đơn, người tàn tật, người điên, trẻ mồ côi, kẻ lang thang v.v. phải ở trong điều kiện mất vệ sinh, tạo ra “căn bệnh đô thị” khá phổ biến và nghiêm trọng tại nhiều nước phát triển, khiến chính sách nhà ở các nước đó phải  đưa việc xử lý tình trạng mất cân đối nhà ở cục bộ này thành mục tiêu cấp bách.

4/ Tăng cường tính lưu động của nhà ở

Đối với nhà ở xã hội có hai vấn đề nẩy sinh: một là người ở thuê có nhu cầu di chuyển đến nơi khác vì lý do việc làm và, hai là người ở thuê trở nên giàu có nhưng vẫn tiếp tục được ở nhà giá rẻ của người thu nhập thấp.

Nước Anh rất quan tâm đến mối quan hệ giữa nhà ở với tính lưu động (mobility) của thị trường nhân lực nên trong “sách xanh về chính sách nhà ở” nêu lên vấn đề  tăng cường tính lưu động của nhà ở nhằm tạo điều kiện cho công nhân chuyển nhà để đổi nghề khi  tái cơ cấu kinh tế. Nhà ở “dư thừa” chính là tiền đề để đạt mục tiêu này.

Để khắc phục tình trạng thiếu công bằng là người giàu vẫn được ở thuê nhà xã hội trong khi người thu nhập thấp lại đang thiếu nhà, Hà Lan quy định gia đình có mức thu nhập nào thì được ở loại nhà có diện tích và chất lượng tương ứng với mức thu nhập đó. Điều lệ nhà ở của Đan Mạch cũng quy định tương tự, gọi là “điều hoà tiền thuê”(Rent Harmonization), để tăng thêm tiền thuê nhà của hộ có thu nhập vượt ngưỡng thấp. Biện pháp điều chỉnh “chênh lệch tiền thuê nhà” (Rent Gap) nhằm tăng tính lưu động nhà ở có lúc đã trở thành một mục tiêu của chính sách nhà ở các nước Hà Lan, Đan Mạch, Đức, không những đảm bảo sự công bằng mà còn giúp khắc phục tình trạng dư thừa nhà ở xã hội mới xây.

5/ Phát triển nhà ở công

Một số nước châu Âu cho rằng nên có thêm nhiều hộ gia đình được thuê nhà ở công chứ không riêng gì các hộ thu nhập thấp vì vậy đưa phát triển nhà ở công vào mục tiêu của chính sách nhà ở. Trong khi đó, có nước như Anh, Ai Len lại đẩy mạnh bán nhà ở công  theo đường lối khuyến khích khu vực tư nhân.

6/ Khuyến khích mua nhà

 Từ thập kỷ 70,80 thế kỷ trước, nhiều nước có trào lưu chính trị tôn sùng vai trò thị trường, do đó chuyển mục tiêu chính sách nhà ở sang phát triển thị trường nhà ở, giảm mạnh xây nhà công, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ gia đình thu nhập thấp mua nhà.

 

Đặc điểm chính sách nhà ở một số nước

Hoa Kỳ

Tuy được chính phủ tạo điều kiện nhưng đến thập kỷ 60 thế kỷ trước vẫn chỉ có 60% gia đình có nhà ở riêng. Hàng năm chính quyền mỗi khu vực xác định mức thu nhập bình quân khu vực ( AMI- Area Median Income). Có thu nhập trong khoảng 80~120%AMI là hộ thu nhập trung bình, trong khoảng 50~80%AMI là hộ thu nhập thấp, dưới 50% là hộ thu nhập rất thấp. Nhà ở thích hợp ( Affordable housing) là nhà ở đủ tiện nghi mà gia đình phải chi cho nó không quá 30% tổng thu nhập, nếu phải chi quá mức đó thì nhà này không còn thích hợp với gia đình ấy nữa.

Chính sách nhà ở Hoa Kỳ đề cao vai trò thị trường trong cung ứng nhà ở, đồng thời quan tâm giúp đỡ tầng lớp thu nhập thấp, người già và người tàn tật có chỗ ở thích hợp. Luật Nhà ở Hoa Kỳ (The United States Housing Act) năm 1937 đặt cơ sở pháp lý cho phát triển nhà ở công.Đến năm 1949 và 1954, Quốc hội hai lần thông qua Luật Nhà ở( Housing Act), thực ra là hai kế hoạch lớn về xây dựng hàng triệu nhà ở công để khắc phục tình trạng thiếu nhà sau chiến tranh và nâng cấp các khu dân nghèo có nhiều tệ nạn xã hội, góp phần xoá bỏ phân biệt chủng tộc.

Năm 1965, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị Liên bang được thành lập, chuyên nghiên cứu chính sách nhà ở và phát triển đô thị. Năm 1968 Quốc hội thông qua Luật Phát triển Nhà ở và Đô thị ( Housing and Urban Development Act), quy định bên đầu tư phát triển nhà ở được vay tín dụng với lãi suất thấp hơn thị trường, đồng thời Cục Quản lý Nhà ở Liên bang bảo lãnh cho bên mua được vay thế chấp với lãi suất ưu đãi. Năm 1974, Luật Phát triển Nhà ở và Cộng đồng (Housing and Community Development Act) có Mục 8 quy định phương thức trợ cấp tiền thuê nhà cho một số đối tượng đủ tiêu chuẩn như sau: bên thuê nhà trả tiền thuê tương đương 25%(sau nâng lên 30%) thu nhập của toàn gia đình, phần còn lại của tiền thuê sẽ do chính phủ trợ cấp và trả trực tiếp bên cho thuê. Năm 1986, 3.5 triệu gia đình được trợ cấp 11.5 tỷ USD tiền thuê nhà. Phương thức trợ cấp này có ưu điểm là bên thuê được tự do chọn nhà để thuê chứ không nhất thiết là nhà ở công, miễn là phù hợp với tiêu chuẩn quy định; tiền trợ cấp cũng chỉ được dùng vào việc thuê nhà.

Đặc điểm của thị trường thế chấp nhà ở Hoa Kỳ là thị trường thế chấp cấp 2 với ba thể chế tài chính cực lớn có cơ chế quản lý và vận hành khá phức tạp là  Fannie Mae ( Federal National Mortgage Association, thành lập năm 1938), Ginnie Mae ( Government National Mortgage Association, tách ra từ Fannie Mae năm 1968) và Freddie Mac ( Federal Home Loan Mortgage Corporation, thành lập năm 1970). Ginnie Mae hoàn toàn dùng vốn chính phủ, chuyên mua lại các khoản vay thế chấp được chính phủ trợ cấp và khoản vay của cựu chiến binh, còn hai tổ chức kia là GSE-doanh nghiệp được chính phủ bảo trợ (Government-sponsored Enterprises) thì mua các khoản vay thế chấp thông thường. Các thể chế nói trên chứng khoán hoá các khoản vay thế chấp trong thị trường cấp 1 rồi đem lưu thông trên thị trường chứng khoán Nữu Ước, được các nước như Trung Quốc và Nhật mua rất nhiều để làm dự trữ ngoại tệ. Năm 2008, kinh tế Mỹ suy thoái nên thị trường thế chấp cấp 1 bị nợ xấu quá lớn, dẫn đến sự mất giá của các chứng khoán hữu quan trong thị trường cấp 2, kéo theo sự phá sản của một loạt ngân hàng lớn,rồi lan truyền thành cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay vẫn chưa kết thúc. Sau đây chính phủ chắc sẽ giám sát chặt chẽ hơn mức độ huy động vốn của các thể chế tài chính này.

 

 

Anh

Năm 2003, 70% gia đình Anh có nhà ở riêng. Trong số nhà cho thuê thì nhà ở công chiếm gần một nửa.

Sau Thế chiến II, chính phủ tập trung xây dựng nhà ở công cho thuê để khắc phục hậu quả chiến tranh, đồng thời trợ cấp một phần tiền thuê nhà cho tầng lớp thu nhập thấp. Năm 1980, để giảm bớt gánh nặng cho Ngân sách,  chính phủ chủ trương tư hữu hoá nhà ở công, ưu tiên bán nhà công cho người đang ở thuê đã 2 năm trở lên với giá giảm khởi điểm là 30%, cứ mỗi năm ở thuê được giảm 1% nhưng tổng cộng không giảm quá 60%, nhà chất lượng kém thì không quá 70%. Công cụ tiền tệ đóng vai trò quan trọng tạo điều kiện cho dân mua nhà ở: Ngân hàng tín dụng nhà ở có thể cho vay đến 90% giá trị nhà muốn mua, nói chung bằng 3~3.5 lần thu nhập hàng năm của người vay, thời hạn cho vay 20~25 năm, cá biệt đến 35 năm. Nếu trong thời hạn trả nợ mà người vay gặp khó khăn, như ốm đau, thất nghiệp, thì có thể xin chỉ trả phần lãi, không trả phần vốn một thời gian; nếu cả lãi cũng không trả nổi thì xin cơ quan phúc lợi giúp đỡ.

Năm 2004, để đối phó với giá thị trường cho thuê nhà ở leo thang, chính phủ đưa ra kế họach khẩn cấp xây dựng trong ba năm 7 vạn nhà ở công trị giá 3.5 tỷ bảng Anh để cho thuê giá thấp, trong đó 6000 căn dành cho thầy giáo, cảnh sát, hộ lý v.v.

Chính phủ coi trọng vấn đề ở xen kẽ của các tầng lớp có thu nhập và có bối cảnh văn hoá khác nhau để tạo sự hoà hợp xã hội, do đó chủ trương xây nhà ở công phân tán chứ không tập trung như trước và trong quy hoạch đô thị thì yêu cầu mỗi dự án phát triển nhà ở nhất thiết phải có nhà ở cho người thu nhập thấp với tỷ lệ 15~50%căn hộ, bình quân hiện nay là 25%.

Đức

Sau Thế chiến II, nước Đức tập trung sức lực để nhanh chóng khôi phục nhà ở và đô thị hoang tàn, đạt được thành tựu quan trọng. Tiếp theo đó, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ đã thúc đẩy sự phát triển mới của nhà ở và đô thị. Sau khi thống nhất quốc gia, nước Đức liền tiến hành cải cách chế độ nhà ở Đông Đức. Nhìn chung, chính sách nhà ở của Đức bao gồm các nội dung sau đây:

1/ Chỉ đạo và khống chế gía cho thuê nhà;

2/ Tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội bằng các khoản tín dụng dài hạn lãi suất thấp và ưu đãi về thuế;

3/ Trợ cấp tiền thuê nhà cho người thu nhầp thấp, tương tự như Hoa Kỳ;

4/ Lập Ngân hàng tín dụng nhà ở, tương tự như Anh;

5/ Tư nhân hoá nhà ở công tại Đông Đức.

Pháp

Hiện nay cả nước Pháp có khoảng 26 triệu nhà ở, 55% các hộ gia đình có nhà ở riêng, 17% số hộ ở thuê nhà công và 38%ở thuê nhà tư. Bình quân mỗi năm xây thêm 30 vạn nhà ở mới. Chính sách nhà ở bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1/ Trợ cấp nhà ở. Sau Thế chiến II, nước Pháp xây dựng loại nhà ở công để cho tầng lớp thu nhập thấp và trung bình thuê với gía vừa phải, gọi là HLM ( Habitation à loyer modéré). Vào thập kỷ 80 thế kỷ trước, Pháp chuyển trọng tâm chính sách từ trợ cấp xây nhà sang trợ cấp tiền thuê nhà. Năm 1998 chi trợ cấp nhà là 80 tỷ franc, trong đó chính phủ trung ương chi 34%, quỹ bảo hiểm xã hội chi 39%, hiệp hội chủ cho thuê nhà chi 27%. Tuy không hào phóng như trước nhưng chính phủ vẫn tiếp tục trợ cấp tư nhân xây nhà cho thuê với mức 12% giá thành nhà.

2/ Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập khi gửi tiền vào Ngân hàng tín dụng nhà ở và đối với thu nhập của tư nhân từ tiền cho thuê nhà; giảm thuế giá trị gia tăng khi xây nhà cho thuê còn 5.5%;

3/ Ưu đãi cho vay thế chấp để mua nhà ở, kể cả cho vay không lãi nếu quá nghèo;

4/ Chế độ bảo hiểm. Bắt buộc mua bảo hiểm nhân thọ khi vay thế chấp mua nhà, phòng khi người vay bị chết trong thời hạn trả nợ thì cơ quan bảo hiểm sẽ trả nốt. Nếu có mua cả bảo hiểm thất nghiệp thì khi thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm sẽ trả nợ thay trong 18 tháng thất nghiệp đầu tiên;

5/ Năm 1993 lập Quỹ bảo lãnh cho vay mua nhà ( FGAS ) để giảm rủi ro cho ngân hàng;

6/ Năm 1975 lập Cơ quan thông tin nhà ở toàn quốc về nhà ở (ANIL) có chi nhánh tại các địa phương, cung cấp miễn phí thông tin về pháp luật, thuế, tín dụng, tình hình thị trường nhà ở v.v.

Nhật Bản

 Những năm gần đây nước Nhật đẩy mạnh phát triển nhà ở, bao gồm nhà ở công, nhà ở do xí nghiệp và cá nhân đầu tư xây dựng và nhà ở do Kho bạc Nhà ở cho vay tiền xây dựng. Cuối Thế kỷ 20, 62.2% gia đình Nhật có nhà riêng.  

Ba trụ cột kinh tế nhà ở của Nhật là: Kho bạc Nhà ở (thành lập năm 1950) là cơ quan quản lý và thao tác nguồn vốn xây dựng nhà ở; Công đoàn chỉnh bị nhà ở đô thị là người tổ chức xây dựng nhà ở; và Công xã công doanh nhà ở địa phương là tổ chức quản lý nhà ở công. Chính phủ giúp đỡ người thu nhập thấp bằng cách phát triển nhà ở công (cả nước hiện có khoảng 3 triệu nhà ở công).

 

 

 Singapore

Khi được Singapore được quyền tự trị năm 1959 rồi độc lập năm1965, tình trạng nhà ở rất bi thảm: 40% trong số hai triệu dân sống trong khu nghèo và ổ chuột. Năm 1960, Cục Phát triển Nhà ở (HDB) được thành lập. Ngày nay Singapore trở thành quốc gia phát triển có bình quân thu nhập đầu người là   .

Chính sách nhà ở Singapore bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1/ Cung ứng nhà ở theo 4 loại thu nhập của dân cư: đối với người giàu(3% dân số), thu tiền giao đất và thuế tài sản rất cao; đối với hộ thu nhập thấp và trung bình        ( 80% dân số) cung ứng căn hộ chung cư  ; đối với hộ khó khăn (8.5% dân số), cung ứng căn hộ chung cư cũ giá rẻ, diện tích 60~70 m2; đối với số hộ rất khó khăn (8.5%dân số), cung ứng căn hộ chung cư cũ, diện tích khoảng 42 m2, thu tiền thuê tượng trưng;

2/ Chính phủ xây chung cư rồi bán trả góp căn hộ cho dân theo mức độ thu nhập;

3/ Thực hiện chế độ tiền công tích theo quy định của Luật ban hành năm 1955 như sau: thành lập Cục Tiền công tích Trung ương; lập Quỹ bảo hiểm Trung ương; người làm công và bên thuê người cùng đóng tiền bảo hiểm vào Quỹ đó theo tỷ lệ quy định; Cục Tiền công tích có trách nhiệm bảo tồn và tăng giá trị của Quỹ này, đợi đến khi người góp tiền về hưu hay bị mất sức lao động thì họ hay gia đình họ được nhận tiền một cục để bảo đảm nhu cầu cuộc sống.

Năm 1957, Quỹ bắt đầu hoạt động, mỗi bên đóng góp 5%lương tháng, cộng là 10%. Sau đó mức đóng góp mỗi bên tăng dần đến 8%, 10%, 15% rồi 25%. Từ năm 2001,  người làm công ăn lương dưới 55 tuổi góp 20% lương, bên thuê góp 16%, tổng cộng 36%.

4/ Cưỡng chế thu hồi đất theo Luật trưng dụng đất năm 1960, giao cho HDB thực hiện và bồi thường “theo giá thị trường”. Trên thực tế HDB chỉ trả khoảng 20% giá thị trường và cưỡng chế thi hành rất nghiêm khắc.

 

 

 Ngày 17 tháng 8 năm 2009

 

Đóng góp ý kiến về bài viết này 

Mới hơn bài này
Các bài đã đăng
Tiêu điểm
Biến đổi khí hậu và An ninh nguồn nước ở Việt Nam.[08/07/21]
Đại hội lần thứ IV, sự kiện lớn của Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.[27/04/19]
Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp phát triển thủy lợi của đất nước.[18/04/19]
Danh sách Hội viên tập thể đã đóng niên liễm 2018.[11/01/19]
Chùm ảnh Đại hội lần thứ 2 Hội Đập lớn Việt Nam.[13/08/09]
Nhìn lại 5 năm hoạt động của VNCOLD trong nhiệm kỳ đầu tiên.[10/08/09]
Thông báo về Hội nghị Đập lớn Thế giới.[17/07/09]
Thư chào mừng của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
VNCOLD đã thành công tại cuộc họp Chấp hành ICOLD Sofia (Bulgaria), 6/6/2008
Phó Thủ tướng khai mạc Hội thảo “ASIA 2008.
Tạo miễn phí và cách sử dụng hộp thư @vncold.vn
Website nào về Thủy lợi ở VN được nhiều người đọc nhất?
Giới thiệu tóm tắt về Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Download miễn phí toàn văn các Tiêu chuẩn qui phạm.
Đập tràn ngưỡng răng cưa kiểu “phím piano".
Đập Cửa Đạt
Lời chào mừng
Qu?ng c�o