Tổng kết công tác lựa chọn nhà thầu năm 2014, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiết kiệm hơn 700 tỷ đồng
P.N.Thương
Chuyên viên Cục Quản lý XDCT
Ngay khi Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị để triển khai với sự tham gia của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để giới thiệu, phổ biến các quy định mới trong công tác lựa chọn nhà thầu.
Công tác tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến việc thực hiện các quy định trong công tác quản lý đầu tư xây dựng được lồng ghép việc giới thiệu các nội dung mới, quán triệt thực hiện Luật Đấu thầu 2013, Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Chỉ thị của Thủ tướng về công tác đấu thầu được Bộ giao cho các đơn vị Tổng cục, Cục, Vụ có quản lý dự án chủ động tổ chức tại một số khu vực cho các đối tượng liên quan.
Để tăng cường quản lý công tác đấu thầu, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các Chỉ thị: số 2069/CT-BNN-TTr ngày 06/7/2012 về chấn chỉnh việc thực hiện hoạt động đấu thầu sử dụng vốn nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan, các quy định của nhà tài trợ về công tác đấu thầu, số 4339/CT-BNN-XD ngày 05/12/2013 về việc tăng cường quản lý công tác đấu thầu các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý và số 8084/CT-BNN-XD ngày 08/10/2014 về việc đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân và tăng cường công tác quản lý lựa chọn nhà thầu. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ thị cho các đơn vị trực thuộc quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: số 1315/CT-TTg ngày 03/8/2011 về chấn chỉnh việc thực hiện hoạt động đấu thầu sử dụng vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả đấu thầu và số 37/CT-TTg ngày 30/12/2014 về việc chấn chỉnh công tác quản lý đấu thầu, thương thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng trong các dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Việc lập Hồ sơ mời thầu, Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, Báo cáo thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, cung cấp thông tin đăng tải trên Báo đấu thầu cơ bản tuân thủ theo quy định và mẫu đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành và quy định của Luật Đấu thầu.
Để hướng dẫn thêm trong công tác lựa chọn nhà thầu, phù hợp với đặc điểm, đặc thù của ngành, phù hợp với Luật Đấu thầu 2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tổ chức thực hiện xây dựng Thông tư quy định một số nội dung về công tác đấu thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý để ban hành áp dụng trong toàn Ngành.
Phân cấp trong đấu thầu được thực hiện tuân thủ các quy định, văn bản hướng dẫn của Nhà nước và Luật Đấu thầu. Các tổ chức thẩm định thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, Chủ đầu tư tổ chức đấu thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được người quyết định đầu tư phê duyệt, thực hiện đúng chức năng và trách nhiệm được phân cấp trong công tác lựa chọn nhà thầu.
Người quyết định đầu tư phê duyệt kế hoạch đấu thầu của dự án và xử lý kiến nghị trong đấu thầu thuộc thẩm quyền (nếu có), hoặc các tình huống phức tạp có khiếu kiện trong đấu thầu. Giúp cho người quyết định đầu tư quản lý công tác đấu thầu của từng dự án là các Tổng cục, Cục, Vụ quản lý chỉ đạo thực hiện dự án được Bộ trưởng giao.
Đội ngũ cán bộ tham gia công tác đấu thầu của chủ đầu tư các dự án thuộc Bộ đều có chứng chỉ tham gia khóa học đấu thầu theo quy định. Hàng năm, theo nhu cầu, các đơn vị đều tiếp tục cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về đấu thầu để nâng cao năng lực, nghiệp vụ trong công tác đấu thầu. Dù vậy, năng lực, kinh nghiệm của tổ chuyên gia đấu thầu do một số các chủ đầu tư thành lập vẫn còn hạn chế (đặc biệt là đối với các cơ quan, tổ chức không có chuyên môn về đầu tư, xây dựng), thiếu am hiểu về các lĩnh vực chuyên môn của từng gói thầu, từng nội dung đánh giá do đó việc đánh giá hồ sơ dự thầu còn nhiều thiếu sót.
Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các chủ đầu tư tiếp tục quán triệt, thực hiện việc sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước, triệt để tuân thủ Chỉ thị 494/CT-TTg. Việc sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước cũng được các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ tăng cường kiểm tra, rà soát ngay từ bước thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư.
Công tác kiểm tra về đấu thầu được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao nhiệm vụ cho Tổng cục, Cục, Vụ quản lý chỉ đạo dự án được phân công (đơn vị chủ trì thẩm định dự án) chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng năm để Bộ phê duyệt và tổ chức thực hiện, chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu trong việc kiểm tra (nếu có).
Năm 2014, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức 14 lượt kiểm tra công tác đấu thầu đối với chủ đầu tư, dự án. Nhìn chung, các chủ đầu tư cơ bản tuân thủ các thủ tục, trình tự quy định trong đấu thầu, không có dấu hiệu vi phạm các quy định về đấu thầu. Kết quả kiểm tra đã phát hiện một số chủ đầu tư còn hạn chế, thiếu sót trong việc lập, thẩm định phê duyệt HSMT, KQĐT… đã kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.
Những sai sót, tồn tại thường thấy qua công tác kiểm tra:
- Thời gian lựa chọn nhà thầu chưa đúng với kế hoạch đấu thầu được duyệt: đây cũng là một tồn tại khách quan do việc tổ chức đấu thầu phụ thuộc vào nguồn vốn được phân bổ.
- Chất lượng hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu chưa tốt dẫn đến lúng túng trong đánh giá hoặc trong thương thảo, ký hợp đồng do việc dập khuôn, máy móc trong soạn thảo nội dung hồ sơ mời thầu, điều kiện cụ thể hợp đồng nêu trong hồ sơ mời thầu không rõ ràng, chung chung. Do đó, khi có phát sinh, việc xử lý phức tạp, kéo dài.
- Việc tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của một số gói thầu chưa thực sự tốt do tổ chuyên gia còn thiếu, yếu về năng lực, kinh nghiệm.
Năm 2014, không có kiến nghị đến người có thẩm quyền của nhà thầu dự thầu về việc phê duyệt kết quả đấu thầu của chủ đầu tư.
Qua thống kê số liệu, trong năm 2014 các dự án do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý (không tính các gói thầu sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên) đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 1.006 gói thầu (trong đó: Phi tư vấn: 55 gói thầu; Tư vấn: 416 gói thầu, Mua sắm hàng hóa: 103 gói thầu; Xây lắp: 432 gói thầu) với tổng giá trị trao thầu là: 7.009,984 tỷ đồng/7.717,45 tỷ đồng theo giá gói thầu được duyệt. Trong đó, chỉ định thầu là 450 gói thầu với tổng giá trị chỉ định thầu là: 1.118,2 tỷ đồng (chiếm 16 % giá trị trao thầu).
Ngoài 02 gói thầu thuộc hợp phần Bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư Hồ chứa nước Bản Mồng được chính phủ cho phép chỉ định thầu (giá trị: 587,066 tỷ đồng), 438 gói thầu chỉ định thầu còn lại có tổng giá trị: 531,12 tỷ đồng. Số lượng gói thầu chỉ định thầu nhiều là do các dự án (đặc biệt là các tiểu dự án vốn ODA, các dự án vốn ngân sách nhỏ do các Viện nghiên cứu, các Chi cục, các Trường, Trung tâm làm chủ đầu tư có rất nhiều các gói thầu tư vấn, mua sắm hàng hóa, chi khác có giá trị nhỏ (thậm chí giá gói thầu chỉ từ 2-10 triệu đồng) như các gói thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá kết quả đấu thầu, tư vấn thẩm tra thiết kế - dự toán, tư vấn thẩm định giá, bảo hiểm xây dựng các gói thầu xây lắp nhỏ...(Cá biệt có các gói thầu có giá trị lớn là các gói thầu rà phá bom mìn, vật nổ được chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ).
Kết quả lựa chọn nhà thầu về cơ bản đã đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch; lựa chọn được nhà thầu có năng lực thật sự, tiết kiệm chi phí xây dựng công trình là 707,46 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm giá 9,17% so với giá gói thầu.
Năm 2014 các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã thực hiện lựa chọn nhà thầu cho 39 gói thầu sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên với tổng giá gói thầu là 30,399 tỷ đồng, tổng giá trị trao thầu là 26,293 tỷ đồng, tiết kiệm 4,106 tỷ đồng so với giá gói thầu được duyệt (~13,5%).
(Theo: Báo cáo số 1618/BNN-XD ngày 13/2/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT)
|