» Mở tất cả ra       » Thu tất cả lại
English and French
Tìm kiếm

Bài & Tin mới
Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam [17-01-2024]
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục Quản lý xây dựng công trình [26-12-23]
Chùm ảnh các công trình thuỷ lợi tiêu biểu ở VN 20 năm 2003-2023 [30-11-2023]
Danh mục các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt [26-10-2023]
BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG LẠI NGÀNH XÂY DỰNG THÔNG QUA CHUYỂN ĐỔI SỐ [26-10-2023]
Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 thay thế Luật Đấu thầu trước đây và có hiệu lực từ 01/01/2024 [15-10-2023]
Dự thảo TCVN 8731-20xx Phương pháp xã định hệ số thấm của đất bằng phương pháp đổ nước và múc nước trong hố đào và hố khoan [15-10-2023]
Đập Đắk N’Ting (Đắk Nông) trước nguy cơ bị vỡ [05-09-23]
QUYẾT ĐỊNH: Về việc hủy bỏ Tiêu chuẩn quốc gia [05-09-23]
Nghị định 35/2023/NĐ-CP [07-08-23]
Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ ĐỘNG ĐẤT Ở KONTUM NGÀY 14-07-2023 (2)[07-08-23]
HOẠT ĐỘNG HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỔI NĂM [04-08-23]
Đô thị ngoại ô: cuộc chiến đất vùng rìa [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thủy lợi 2021-2030 [25-07-23]
NHỮNG NỘI DUNG KHÔNG PHÙ HỢP VÀ KHÔNG ĐÚNG trong Tiêu chuẩn TCVN 8637:2021(về Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt và nghiệm thu máy bơm)[14-07-23]
Ý kiến trao đổi về động đất ở Kontum [14-07-23]
Tiếp tục xảy ra 7 trận động đất tại Kon Plông (Kon Tum) [14-07-23]
Bàn thêm về dung tích phòng lũ ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện [13-07-23]
 Số phiên truy cập

81290541

 
Tư liệu
Gửi bài viết này cho bạn bè

Kết quả thực hiện khôi phục, nâng cấp hệ thống đê biển, đê cửa sông đồng bằng sông Cửu Long 1999 -2007. [20/6/08]
Đê biển, đê cửa sông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ năm 1997 trở về trước chủ yếu do nhân dân địa phương tự đắp để bảo vệ sản xuất nông nghiệp; các tuyến đê thấp bé, bao thành nhiều ô nhỏ ven theo bờ biển, cửa sông, chưa khép kín và thiếu ổn định

 

 

KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KHÔI PHỤC, NÂNG CẤP

HỆ THỐNG  ĐÊ BIỂN, ĐÊ CỬA SÔNG  ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

GIAI ĐOẠN 1999 -2007     

Cục Quản lý Đê điều và phòng chống lụt, bão

 

I . LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA HỆ THỐNG ĐÊ BIỂN, ĐÊ CỬA SÔNG ĐBSCL

Đê biển, đê cửa sông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ năm 1997 trở về trước chủ yếu do nhân dân địa phương tự đắp để bảo vệ sản xuất nông nghiệp; các tuyến đê thấp bé, bao thành nhiều ô nhỏ ven theo bờ biển, cửa sông, chưa khép kín và thiếu ổn định.  Cơn bão số 5 tháng 11/1997 đã tàn phá hầu hết các tuyến đê, nước mặn tràn sâu vào nội đồng làm thiệt hại nặng nề diện tích hoa màu, vườn cây ăn trái; nhiều diện tích đất nông nghiệp không phục hồi được, phải chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Thiệt hại do bão số 5 gây ra là thiệt hại lớn nhất trong các thiên tai ở nước ta và ở khu vực Nam bộ trong những năm qua:

+ 788 người người chết, 1.142 người người bị thương, 2.541 người mất tích;  

+ 2.789 chiếc tàu, thuyền bị chìm và  mất tích; hư hỏng do va quẹt: 1.735chiếc;

+ 294.128 căn nhà,  7.597 phòng học và 93 trạm xá bị sập, tốc mái, hư hỏng;

+ 308.837 ha lúa; 77.065 ha hoa màu,cây ăn trái; 39.675 ha mía, 42.614 ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại;

+ DT nuôi trồng thuỷ sản bị hư hại: 230.900 ha;                           

+ Đê biển bị tràn, sạt lở và hư hỏng: 216,152 km; cầu, cống hư hỏng: 366 chiếc; đường GT nông thôn bị sạt lở, hư hỏng : 862 km.         

Tổng thiệt hại do bão số 5 gây ra : ước tính trên 7.200 tỉ đồng.

            Do thiếu hệ thống đê bảo vệ và hệ thống cống ngăn mặn, hạn mặn  năm 1998 xảy ra và trên diện rộng đã gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất nông lâm nghiệp , công nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống dân cư ở  các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là ở các tỉnh ven biển.  Hạn - mặn đã ảnh hưởng đến 15.900 ha lúa đông xuân (mất trắng 7.770ha) .

Sau bão số 5, thực hiện  chủ trương của Chính phủ về việc khôi phục, nâng cấp hệ thống đê biển, đê cửa sông ĐBSCL tại Thông báo số 119/TB-VPCP ngày 02/7/1999, Bộ Nông nghiệp - PTNT đã khẩn trương chuẩn bị về kỹ thuật, kế hoạch và chỉ đạo các địa phương triển khai nhiệm vụ. Bộ đã giao cho Phân viện Qui hoạch Thủy lợi Nam bộ lập Qui hoạch tổng thể hệ thống đê biển, đê cửa sông ĐBSCL. Quy họach tổng thể đã được Chính phủ phê duyệt quí II/2000.

 

II. HỆ THỐNG ĐÊ BIỂN, ĐÊ CỬA SÔNG THEO QUY HỌACH ĐƯỢC DUYỆT

1. Quy mô của hệ thống công trình:

            Theo quy họach trình Chính Phủ phê duyệt:

- Tổng chiều dài các tuyến đê biển, đê cửa sông là 1.359km (chưa tính tuyến ngoài ven biển(lâu dài) của Cà Mau). Trong đó, tổng chiều dài các tuyến Đê biển là 618km, tổng chiều dài các tuyến đê sông là 741km. Tổng cộng có 21 tuyến đê, dài nhất là tuyến Trà Vinh II với 129 km, ngắn nhất là tuyến Gành Hào(Bạc Liêu) 20km.

 - Hệ thống công trình dưới đê gồm 280 cống các loại( 204 cống hở, chiều rộng từ 2 m đến 15m; 76 cống ngầm, gồm các lọai cống tròn có đường kính 100cm và các cống hộp có kích thước: 2 x (1,5 x 2,0m); 07 công trình ngăn triều và 7 cầu giao  thông lớn.

- Tổng khối lượng đất đào 12,2 triệu m3; đất đắp, hơn 42 triệu m3 ; khối lượng bê tông bê tông, hơn 322.100m3.

- Hệ thống đê biển, đê cửa sông ĐBSCL bảo vệ cho hơn 1.242.000ha đất sản xuất nông nghiệp và bảo vệ trực tiếp cho khoảng 4, 4 triệu dân vùng ven biển.

2. Tiêu chuẩn thiết kế:

+ Các công trình được thiết kế đảm bảo an toàn khi gặp bão trên cấp 9, tổ hợp nước dâng khoảng 0,3 - 0,5m, triều cao với tần suất đảm bảo 5% với mục tiêu chống xâm nhập mặn, giữ ngọt, tiêu úng, thoát lũ nhanh.

            + Cao trình đỉnh các tuyến đê được xác định từ 2,5 m đến 4,0m.

+ Chiều rộng mặt đê: Tối thiểu là  6m, để kết hợp nâng cấp thành đường giao thông.

+ Hệ số mái đê: Mái ngoài từ 3,0 đến 4,0.  Mái trong từ 2, 0 đến 3,0.

            + Tính toán thiết kế:  Yếu tố địa chất nền mềm yếu ở ĐBSCL được  đặc biệt quan tâm để đưa vào tính toán chiều cao gia thăng phòng lún cho thân đê, nền đê.

            3. Biện pháp, công nghệ thi công :

            - Áp dụng công nghệ xây dựng đê, kè, cống trên nền đất mềm yếu.

            - Thi công bằng cơ giới kết hợp thủ công, vật liệu tại chỗ.

            4. Về kinh phí xây dựng :

            - Tổng kinh phí đầu tư xây dựng theo quy họach ban đầu (năm 2000) là 2.310 tỉ đồng, trung bình 1,7 tỉ đồng cho mỗi km. Trong đó, Trung ương hỗ trợ khoảng 70%. Địa phương góp một phần vốn đầu tư khoảng 20%. Nhân dân đóng góp ngày công xây dựng, ước tính khỏang 10%.

            - Dự kiến kinh phí đầu tư xây dựng theo từng hạng mục: Các tuyến đê: 1.064 tỉ đồng. Công trình xây đúc: 1.246 tỉ đồng.

            - Dự kiến kinh phí theo thành phần: Đê biển1.422 tỉ đồng. Đê cửa sông: 888 tỉ đồng.

5. Trình tự xây dựng:

 - Ưu tiên xây dựng các tuyến đê trước để có thể bảo vệ sản xuất với diện tích rộng và có thể huy động mọi lực lượng tham gia. Trong đó, những điểm xung yếu và đê biển ưu tiên thi công trước.

            - Về xây dựng các công trình xây đúc : Trước hết là  xây dựng các cống ngầm, sau đó xây dựng các cống hở và công trình ngăn triều.

            - Trình tự xây dựng được thực hiện theo 2 giai đoạn :

                        +  Giai đoạn 1 ( 5 năm, từ 2000 - 2004) : Tập trung xây dựng phần đê biển và đê cửa sông. Tổng kinh phí xây dựng giai đoạn I dự kiến là 830 tỷ, với 30 triệu m3 đất đắp và 4,0 triệu m3 đất đào ; bình quân mỗi năm 166 tỉ đồng.

                        + Giai đoạn 2 (từ 2005 - 2009):  Xây dựng phần còn lại, chủ yếu là công trình xây đúc. Tổng kinh phí đầu tư cho giai đoạn này dự kiến là 1.480tỷ đồng, bình quân mỗi năm khoảng 300 tỷ đồng. Trong đó ngân sách TW hỗ trợ 1.036 tỷ đồng. Địa phương đóng góp 296 tỷ. Phần còn lại, do nhân dân tự đóng góp bằng ngày công xây dựng.

 

III . CÔNG TÁC TRIỂN KHAI XÂY DỰNG

            1. Các bước triển khai xây dựng :

- Thực hiện chủ trương của Chính Phủ, ngay sau cuộc họp ngày 25/6/1999 của Chính phủ với các Bộ, Ngành và UBND các tỉnh ven biển  ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp - PTNT khẩn trương chuẩn bị về kỹ thuật, kế hoạch và chỉ đạo các địa phương triển khai nhiệm vụ.

-  Trong khi tiến hành lập qui hoạch tổng thể đê biển, đê cửa sông ĐBSCL, Chính phủ cho phép đẩy mạnh đầu tư nâng cấp các tuyến đê biển, đê cửa sông quan trọng, đã rõ về qui hoạch và kỹ thuật không chờ phải lập xong qui hoạch mới tiến hành xây dựng.

            -  Bộ Nông nghiệp & PTNT có văn bản số 3197/BNN - PCLB ngày 03/9/1999 hướng dẫn tạm thời về tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế, thi công đê biển, đê cửa sông ĐBSCL để các địa phương thống nhất áp dụng.

            - Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án,  Bộ đã có văn bản số 3282/BNN-PCLB ngày 13/9/1999 hướng dẫn các tỉnh lập kế hoạch đầu tư và tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng , nâng cấp đê biển, đê cửa sông.

            - Tháng 9/1999, Bộ đã cử 3 đoàn công tác xuống các địa phương cùng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT và các ngành liên quan đi thực địa để kiểm tra các dự án để thông nhất danh mục công trình ưu tiên xây dựng trong năm 1999 -2000.

            - Ngày 24/9/1999, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức họp với lãnh đạo các Sở Nông nghiệp - PTNT 8 tỉnh ven biển tại TP. Hồ Chí Minh để bàn biệp pháp đẩy nhanh tiến độ của dự án năm 1999, chuẩn bị kế hoạch năm 2000 và các năm tiếp theo.

            - Hàng năm, Cục Quản lý đê điều & PCLB đã cùng các địa phưong tổ chức đi kiểm tra tiến độ xây dựng các công trình, nắm bắt  các khó khăn  vướng mắc và các kiến nghị của các địa phương để kiến nghị lên Bộ và Chính Phủ giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Đồng thời tổ chức các đợt tập huấn về nghiệp vụ quản lý đê điều cho các bộ quản lý đê nhằm rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, đôn đốc công tác quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình đã được xây dựng .

- Các tỉnh có tuyến đê biển, đê cửa sông :

+ Đã tích cực chuẩn bị các dự án đầu tư, khảo sát thiết kế các công trình và xét duyệt theo hướng dẫn về chỉ tiêu kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp - PTNT.

+ Tổ chức đấu thầu thi công các hạng mục công trình theo qui định. 

+ Phối hợp chặt chẽ và tổ chức tốt công tác giải phóng, bàn giao  mặt bằng để thi công các tuyến đê. 

+ Đặc biệt, các địa phưong đã tích cực huy động sức người, sức của, ứng vốn trước để triển khai thi công sớm các công trình thuộc dự án.

+ Đồng thời rà soát, kiến nghị điều chỉnh  qui hoạch đê biển, đê cửa sông của tỉnh cho phù hợp với quy họach phát triển chung của địa phương mình.

            Bằng nguồn vốn của trung ương và địa phương, sự đóng góp công sức của nhân dân. Đến nay tuyến đê biển ,đê cửa sông của 8 tỉnh Nam bộ đã được hình thành và bước đầu phù hợp với yêu cầu sản xuất và phát triển của các địa phương.

IV. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN

            1. Công tác Quy hoạch:  Phân viện Qui hoạch Thủy lợi Nam bộ  là đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ lập thiết kế qui hoạch. Do yêu cầu cáp bách của việc xây dựng hệ thống đê biển, đê cửa sông, việc nghiên cứu lập quy họach chỉ đựoc thực hiện trong thời gian 4 tháng(12/1999 đến 3/2000) trong điều kiện kinh phí hạn chế. Nhưng Phân viện đã cố gắng nỗ lực hoàn thành thiết kế quy họach đúng tiến độ. Và đến quí II/2000, thiết kế qui hoạch đã thẩm định và phê duyệt

2- Công tác chuẩn bị đầu tư :

a)       Lập và xét duyệt dự án NCKT :

Các tỉnh đã khẩn trương lập dự án NCKT nâng cấp các tuyến đê trọng điểm , xác định, thống nhất về thứ tự ưu tiên các vùng bức xúc nhất để làm trước với mục tiêu ngăn mặn trước để phát huy ngay, từng bước nâng đê cao dần, sau hai đến ba năm sẽ đạt đến cao trình thiết kế chống được bão  trên cấp 9, ổn định lún trên nền đất yếu.

            Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thoả thuận các vấn đề về kỹ thuật; giúp đỡ, hướng dẫn các tỉnh xây dựng các dự án khả thi trước khi trình duyệt .

b)       Chất lượng dự án :

- Nhìn chung các dự án NCKT trình Bộ thoả thuận kỹ thuật đạt mục đích yêu cầu.

 - Song cũng có một số dự án cần phải rút kinh nghiệm về lựa chọn giải pháp kỹ thuật thích hợp như:  Dự án kè Gành Hào (Bạc Liêu) thi công không đúng với giải pháp kỹ thuật được Bộ thoả thuận, giá thành công trình đắt. Dự án kè bảo vệ đầu cù lao Phong Nẫm - huyện Kế sách - tỉnh Sóc Trăng(giai đoạn I, vốn của tỉnh) áp dụng phương án đóng cọc bê tông bị sóng đánh, xoáy chân làm đổ gần hết các cọc.

            3. Vốn đầu tư xây dựng :

-  Thực hiện ý kiến của Chính phủ tại văn bản số 3893/VPCP-NN ngày 25/8/1999 về việc đầu tư khôi phục nâng cấp đê biển, đê cửa sông các tỉnh ĐBSCL,  Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã bổ sung kịp thời vốn kế hoạch năm 1999  cho các tỉnh  81.400 triệu đồng.  Năm 2000,  Chính Phủ đã chấp thuận kế họach vốn là 110 tỉ đồng và yêu cầu Bộ Kế họach - Đầu tư có thông báo vốn sớm để triển khai nối tiếp ngay từ đầu mùa khô và tiếp tục tập trung đầu tư trong kế họach 2001 – 2005.

- Từ năm 2000 đến nay, do khó khăn về nguồn vốn, kinh phí xây dựng đê biển, đê cửa sông được Bộ Kế hoạch - Đầu tư  cấp chung trong tổng vốn ngân sách cấp cho các tỉnh hàng năm.

- Mặc dù, hàng năm được thông báo cấp vốn chậm nhưng các tỉnh đã tự ứng vốn và huy động vốn tự có của các đơn vị trúng thầu xây dựng, tranh thủ mùa khô triển khai đắp đê để đảm bảo tiến độ thi công. Năm1999, Tỉnh Trà Vinh có kế họach nhưng chưa được thông báo vốn nhưng đã tự ứng vốn 7.400 triệu đồng để triển khai kịp thời dự án. Tỉnh Cà Mau không những hoàn thành kế hoạch năm 1999 đúng thời hạn mà còn đắp vượt kế hoạch năm 1999 với giá trị  8.600 triệu  đồng.

            - Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của TW,  các tỉnh đã cân đối ngân sách địa phương, bố trí ngân sách cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, trồng rừng phòng hộ, đắp các tuyến đê sông nội đồng.

            - Nhân dân các vùng dự án đóng góp bằng nhiều hình thức như :  Dân tự nguyện di dời, hoặc nhận một phần tiền ít ỏi để di chuyển nhường đất ở, đất trồng trọt cho tuyến đê đi qua. Đóng góp công san sửa đê và trồng cây chống sóng.

4- Đấu thầu xây dựng :

Nhìn chung công tác đấu thầu các dự án đã đảm bảo đúng qui định, thủ tục về xây dựng cơ bản, hạ được giá thành công trình.

5- Đền bù giải phóng mặt bằng :

Đây là công viêc khó khăn, đụng chạm đến đất đai, nhà cửa, cây trồng, mồ mả vv...của dân. Nhưng các tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành trong tỉnh, các huyện, xã, có đê đi qua đã họp dân, động viên sự giúp đỡ của nhân dân, đền bù cho dân để sớm giải  toả mặt bằng, triển khai đắp đê theo đúng tiến độ.

            6- Chất lượng thi công :

- Rút kinh nghiêm việc thi công tuyến đê Bình Đại(Bến Tre) và một số tuyến đê khác trước đây, thi công vội vã trên nền đất yếu, không dọn vệ sinh nền đê và bãi vật liệu làm đê lún nhanh, sạt, trượt xảy ra hoặc sẽ bị lún xẹp dần trong các năm sau, các tỉnh đã   kịp thời rút kinh nghiệm khắc phục ngay.

            - Những tuyến đê đã có nền ổn định, lấy đất từ xa, phơi khô, đắp từng lớp,  có đầm nén, chất lượng công trình tốt như các tuyến đê Gò Công I - Tiền Giang, đê Sóc Trăng và một số đoạn đê ở Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh.

- Những tuyến đê có nền yếu, đất  ướt phải thi công bằng xáng cạp: Lấy đất đắp xa chân đê, để đất khô chuyển dần vào đắp đê, nâng dần cao trình đắp đê nhiều lần, đê ít lún, ổn định hơn. Biện pháp này, hiên nay đã được các tỉnh áp dụng phổ biến trong xây dựng các công trình đê, đập ở ĐBSCL.

7- Tiến độ thực hiện :

- Ngày 25/6/1999 mới được chính thức  thống nhất chủ trương về phục hồi nâng cấp đê biển đê cửa sông ĐBSCL.

- Từ tháng 7,8,9/1999, vừa làm qui hoạch vừa lập dự án NCKT vừa hướng dẫn vừa trình thoả thuận vừa thiết kế vừa họp bàn với dân.

- Từ tháng 11 /1999 trở đi mới thực sự bắt tay vào di dời  giải phóng mặt bằng, vận chuyển xe máy đến công trường. Tuy vậy ngay cuối năm 1999, việc xây dựng đê đã mở ra đồng loạt trên một chiều dài  gần 270 km ở 7 tỉnh ven biển.

- Từ năm 2001 đến nay, do khó khăn về nguồn vốn nên nhịp độ thực hiện dự án đã chựng lại. Kết thúc giai đoạn I, mới chỉ có tỉnh Bạc Liêu hoàn thành kế hoạch phần đắp đê, các tỉnh còn lại vẫn chưa hoàn thành kế hoạch phần thi công đào đắp đê của giai đoạn I.

            Theo báo cáo của các tỉnh, tính đến hết quý I/2007, kết quả tổng hợp thực hiện dự án cụ thể  như sau:

7.1. Kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng đê biển:

- Chiều dài thực hiện:                                557,47 / 1.435 km

- Chiều dài hoàn thiện:                              532,6 km

- Số cống đã xây dựng:                              133 cái

- Số cầu đã xây dựng:                                  13 cái cầu

- Khối lượng thực hiện được :     20.034.515 m3 đất đào, đắp đê

- Khối lượng bê tông:                          16.147 m3

            - Kinh phí thực hiện :                        387.098 triệu đồng

- Mặt các tuyến đê, phần lớn trải đá đỏ. Mái đê, một số đoạn kè bê tông, còn lại trồng cỏ tự  nhiên.

7.2.  Kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng đê cửa sông :

-          Chiều dài thực hiện:                          202,38 km

-          Chiều dài hoàn thiện:                        190 km

-          Khối lượng đất đào đắp đê:      3.795.771  m3

-          Khối lượng bê tông :                         1.062  m3

-          Số cống đã xây dựng:                             92 cái

-          Số cầu đã xây dựng:                               12 cái cầu

-          Kinh phí thực hiện :                   80.461 triệu đồng .

-          Mặt các tuyến đê, phần lớn trải đá đỏ. Mái đê, một số đoạn kè bê tông, còn lại trồng cỏ tự  nhiên.

Tỉnh Bạc Liêu: Các tuyến đê cửa sông ngưng chưa xây dựng do tỉnh điều chỉnh quy họach, thay đổi diện tích, cơ cấu vật nuôi, cây trồng (tăng diện tích nuôi tôm nước mặn).

- Theo quy họach, tổng số cầu giao thông dự kiến xây dựng là 7 chiếc. Nhưng hiện nay số cầu dự kiến xây dựng sẽ tăng thêm nhiều so với quy họach ban đầu do các địa phương điều chỉnh quy họach cơ cấu cây trồng vật nuôi, do vậy quy họach xây dựng các cầu trên đê, cống dưới đê cũng được điều chỉnh theo để đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất đa ngành (nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, ngư ngiệp, diêm nghiệp, ..). Tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt dự án đê biển Bạc Liêu giai đọan II, thay việc xây dựng các cống dưới đê bằng việc xây dựng 24 cầu giao thông bê tông cốt thép kiên cố để nối liền và nâng cấp toàn bộ tuyến đê biển thành đường giao thông ven biển(cấp V). Các tỉnh khác cũng có sự điều chỉnh nhưng ở mức độ ít hơn.

 

7.3. Kết quả trồng cây chắn sóng :

Theo số liệu thống kê năm 1997, vùng ven biển ĐBSCL có khoảng 192.112ha đất rừng ngập mặn, trong đó đất còn rừng là 71.817ha, riêng Cà Mau có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất với 48.164ha (chiếm 67,77%). Các tỉnh khác có diện tích rừng ngập  mặn khá là Trà Vinh và Bến Tre.

Ngoài diện tích rừng ngập mặn phòng hộ đã có sẵn từ trước, các tỉnh ven biển bằng nhiều nguồn vốn đã tổ chức trồng  thêm  diện tích cây chắn sóng, trồng cỏ ở các  mái đê,  nhưng kết quả trồng mới chưa được nhiều do thiếu vốn và gặp khó khăn trong kỹ thuật trồng ở những khu vực biển lở.  Theo báo cáo của các tỉnh, diện tích rừng ngập mặn phòng hộ hiện có của các tỉnh như sau: Cà mau 48.324ha(trồng mới 160ha), Trà Vinh : 8.927ha(trồng mới 10ha), Tiền Giang: 1.778ha(cả diện tích mới và cũ), Bến Tre: 3.588ha (cả diện tích mới và cũ), Bạc Liêu: 4.175ha (cả diện tích mới và cũ), Sóc Trăng : 4.723ha(cả diện tích mới và cũ), các tỉnh Kiên Giang, Long An chưa có số liệu thống kê.

            8.  Công tác quản lý: 

            - Tỉnh Tiền Giang: Các công trình đê biển, đê cửa sông sau khi hoàn thành đã được bàn giao cho Công ty khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh quản lý, công ty có tổ quản lý đê.

-  Tỉnh Bến Tre: Tỉnh đã bàn giao tuyến đê biển Bình Đại 43,178 km cho công ty xây dựng và khai thác công trình thuỷ nông lý. Ban quản lý dự án rừng phòng hộ đặc dụng Bến Tre được giao quản lý phần lưu không đê để trồng rừng phòng hộ.

- Tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu: Các tuyến đê biển xây dựng xong đã bàn giao cho Công ty Quản lý Khai thác Công trình Thuỷ lợi quản lý, khai thác và bảo vệ.

- Tỉnh Kiên Giang, Cà Mau : Các tuyến đê biển xây dựng xong đã bàn giao cho Chi Cục Thuỷ lợi & PCLB tỉnh quản lý.

 

V. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN 

1. Về chủ trương phục hồi, nâng cấp đê biển, đê cửa sông :

- Dự án khoi phục và nâng cấp hệ thống đê biển, để cửa sông ĐBSCL được hình thành, mang  một ý nghĩa chiến lược to lớn đối với chiến lược phát triển tổng thể  ĐBSCL . Vì vậy sau khi dự án được hình thành đã được sự quan tâm chỉ đạo  trực tiếp của Chính Phủ và các Bộ Ngành Trung ương. Đảng bộ và chính quyền các địa phương ven biển ĐBSCL đã tích cực khẩn trương triển khai các công việc nên chỉ trong một thời gian rất ngắn từ lúc hình thành quyết định chủ trương (6/1999) đến bước triển khai thực hiện trên toàn vùng chỉ trong vòng 3 tháng (10/1999). Tốc độ khẩn trương thực hiện dự án trong thời gian khởi đầu dự án đã được đánh giá là hiếm thấy đối với những dự án có quy mô lớn và diện rộng đòi hỏi phải có sự chuẩn bị phức tạp  cả về kỹ thuật và triển khai thực hiện ở ĐBSCL.

            - Chủ trương phục hồi nâng cấp hệ thống đê biển, đê cửa sông là một chủ trương ra đời đúng lúc, đúng tầm, phù hợp với lòng dân nên kết quả đạt được ở giai đọan vừa qua cho phép chúng ta khẳng định đây là một mục tiêu trọng điểm để thúc đẩy sự phát triển đi len nhanh chóng của  ĐBSCL trong thời gian tới.

2. Về Phân cấp quản lý :

            - Việc lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư cũng như các bước tổ chức thực hiện, phân cấp trực tiếp cho UBNN các tỉnh làm chủ quản đầu tư như vừa qua là linh họat, tạo điều kiện phát huy các nguồn lực địa phương, kết hợp chặt chẽ các lợi ích tổng hợp cả về kinh tế  và xã hội .

            - Bộ NN & PTNT chựu trách nhiệm về quy họach tổng thể , xác định các chỉ tiêu kỹ thuật phù hợp với từng vùng, trên cơ sở đó phối hợp với Bộ Kế họach và Đầu tư  để cân đối đầu tư cho  các tỉnh đã đảm bảo được mục tiêu và tính công bằng trong việc thực hiện dự án.

            - Trên cơ sở quy họach tổng thể và kế họach từng giai đoạn các tỉnh lựa chọn công trình ưu tiên, lập và phê duyệt dự án đầu tư trên cơ sở thỏa thuận về giải pháp kỹ thuật của bộ NN & PTNT.  Trên cơ sở đó Bộ Kế họach & Đầu tư trình Chính Phủ bố trí đầu tư t vốn trực tiếp cho các tỉnh theo kế họach hàng  năm.

            Qua thực hiện cho thấy cơ chế trên là phù hợp , vừa đảm bảo sự  thống nhất về quy họach và kỹ thuật, vừa đảm bảo tính linh họat của từng tỉnh trong tổ chức thực hiện, huy động được các nguồn lực trên địa bàn, hiệu quả phát huy nhanh và kịp thời xử lý nhũng vấn đế phát sinh. 

3.       Về Kỹ thuật :

- Đến nay đã duyệt 34 dự án khả thi với tổng chiều dài đê là: 985km và đang triên khai lập dự án khả thi cho  một số đọan mới. Đã triển khai thi công với chiều dài đê gần 760km. .Nhìn chung các dự án đã thi công đều phù hợp với quy họach, chỉ tiêu thiết kế, có dải rừng phòng hộ theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & PTNT, nhưng phần lớn các dự án mới chỉ hoàn thiện đồng bộ phần đất, còn các cầu, cống tiêu nước, hệ thống cung cấp nước cho các  vùng nuôi trồng Thủy sản, cho nghề muối chưa được thiết kế, thực hiện đồng bộ. Hiện tại,  mới có tuyến đê Gò công( Tiền Giang), đê Vĩnh Châu(Sóc Trăng) là hòan thành đồng bộ, đê biển Bạc Liêu đã xong phần đất nhưng chưa liền tuyến vì chưa có cầu, cống theo đê.  Đê biển Trà Vinh, cơ bản đã hoàn thành phần đắp đê, nhưng chưa có cầu, cống lên phải bắc cầu tạm để phục vụ giao thông nông thôn. 

- Khi Dự án mới triển khai, một số đọan, tuyến chưa bám sát sự chỉ đạo về quy họach và kỹ thuật của Bộ như đọan Nhà Mát - đọan  Tượng Bà  Nam Hải( Bạc Liêu), tuyến đê lấn ra biển nên nền chưa ổn định, đất đắp bị lún, sụt trên một đọan 600m, tuyến rừng phòng hộ mỏng nên muốn duy trì thì  phải tăng mức đầu tư,  tốn kém hơn. Một số thiết kế cu thể qua vùng cát ở Bến Tre chưa được xử lý phù hợp. Việc đào đất để đắp đê nhiều nơi chưa đảm bảo lưu không cần thiết cho ổn định nền đê.  Những vấn đề trên đều đã được các tỉnh khắc phục và rút kinh nghiệm kịp thời.

- Nhìn chung, chất lượng kỹ thuật của các dự  án đều đảm  bảo., việc thỏa thuận của Bộ NN & PTNT về mặt kỹ thuật của các dự án là chặt chẽ , đối với các dự án như đê biển Cù Lao  Dung tỉnh Sóc Trăng khi thẩm kế chưa đạt yêu cầu, Bộ yêu cầu bổ sung thì đã được chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, có một vài dự án cần rút kinh nghiệm như :

+ Dự án kè Gành Hào(Bạc Liêu), cần rút kinh nghiệm trong việc thực thi ý kiến thỏa thuận về giải pháp kỹ thuật của Bộ Nông Nghiệp & PTNT để tiết kiệm kinh phí, giảm giá thành xây dựng.

+ Dự án kè bảo vệ đầu cù lao Phong Nẫm - huyện Kế sách - tỉnh Sóc Trăng(giai đoạn I, vốn của tỉnh) dùng phương án đóng cọc bê tông bị sóng đánh, xoáy chân làm đổ gần hết các cọc. Tỉnh sóc Trăng đã cho dừng dự án và đã có văn bản nhờ Viện nghiên cứu khoa học thuỷ lợi miền Nam nghiên cứu lập lại dự án khả thi.

- Một số đoạn đê sát biển, rừng cây chắn sóng bị phá hủy do bị sóng đánh, sạt lở đã phải xử lý bằng kè bê tông lát mái, như : Đoạn khu Nhà Mát, Gành Hào - tỉnh Bạc Liêu, đoạn đê biển xung yếu Gò Công Đông (Tiền Giang).  Tuy vậy, hiện nay ở khu vực đê biển Gò Công Đông,  hiện tượng xói lở bờ biển vẫn diễn ra nghiêm trọng, nhiều chỗ mất hết cả dải rừng phòng hộ, trồng lại nhiều lần vẫn không thành công. Dải rừng phòng hộ ven biển, nhiều chỗ có hiện tượng suy thoái, cây chết không rõ nguyên nhân. Cần ngành liên quan phải kết hợp với địa phương nghiên cứu  và đầu tư để khắc phục.

- Việc phá đê lấy nước mặn vào đồng để nuôi tôm, làm muối  như ở Bạc Liệu, vv... đã được chấn chỉnh, người dân đã nhận thấy cái hại của việc phá đê và tự nguyện đắp lại. Tuy nhiên, vấn đề lấy nước mặn vào đồng để nuôi tôm thâm canh ở 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà mau cần phải được xem xét cẩn trọng và thấu đáo để tránh thiệt hại vê môi trường lâu dài.

4.       Về tổ chức thực hiện và tiến độ của dự án :

- Từ chủ trương đến bươc thực hiện chỉ trong một thời gian ngắn các tỉnh đã đồng lọat khởi công. Thời gian bắt đầu dự án, nhiều tỉnh đã tổ chức giao ban, lãnh đạo tỉnh thường xuyên xuống kiểm tra, đôn đốc đẩy mạnh tiến độ thi công, hòan thành gọn từng phần để phát huy hiệu quả kịp thời. Đây là cố gắng và nỗ lực rất lớn của các tỉnh cả về chỉ đạo cũng như thực hiện. Các thủ tục về XDCB  nhất là việc thực hiện đấu thầu và chỉ định thầu đều theo đúng quy chế.

- Vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng đã được các tỉnh chỉ đạo chặt chẽ, động viên được sự đóng góp của nhân dân nên đã sớm giải tỏa được mặt bằng. Việc đền bù phù hợp , theo phương châm Nhà Nước và nhân dân cùng làm nên đã tiết kiệm được ngân sách và đây chính là nguồn bổ sung cân đối quan trọng của các địa phương .

- Đến nay, nhìn chung các tỉnh đã hòan thành gọn, dứt điểm từng đọan đê. Đê biển Gò Công(Tiền Giang),  Giồng Bàng(Trà Vinh) là hình mẫu định hình của đê biển ĐBSCL, hình thành được các vùng rõ nét, tạo thế đẩy mạnh các giai đọan tiếp theo của dự án.

- Về mặt thời gian, đến nay đã kết thúc giai đoạn I, bước sang giai đoạn II, nhưng qua số liệu tổng hợp cho chúng ta thấy về khối lượng đào, đắp đê và cấp vốn trong giai đoạn I của dự án là còn rất chậm so với kế hoạch đề ra:

+ Chiều dài đê biển, đê cửa sông đã hoàn thiện:   760/1.359km, đạt 51 % kế hoạch theo quy hoạch ban đầu.

+  Khối lượng đất đào, đắp:  41,8 / 54,2triệu m3, đạt 77 % kế hoạch đề ra theo quy hoạch ban đầu.

+ Tổng kinh phí đã thực hiện: 468,8/ 830 tỷ đồng, đạt 56,4% kế hoạch đề ra theo quy hoạch ban đầu.

+ Vốn đầu tư bình quân mỗi năm:  93,76/ 166 tỷ đồng, đạt 56,4 % kế hoạch đề ra theo quy hoạch ban đầu.

Như vậy, về cơ bản toàn dự án mới hòan thành được khoảng 51%  mục tiêu giai đoạn I  về đào, đắp đê. Vốn đầu tư hàng năm chỉ đạt 56,4% so với kế hoạch. Đặc biệt, riêng tỉnh Long An mới chỉ thực hiện được 8,7/47km đê(đạt 18,5% kế hoạch của giai đoạn I).  Với kết quả này, đồi hỏi Dự án cần phải được rà sóat, đánh giá, rút kinh nghiệm, ưu tiên bố trí vốn đầu tư,, phấn đấu tích cực mới có thể đạt được mục tiêu và đảm bảo tiến độ  như kế họach đã đề ra là hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình của dự án tổng thể vào cuối năm 2009.

5.       Hiệu quả của dự án:

Các tuyên đê biển , đê cửa sông sẽ góp phần mở mang diện tích và bảo vệ một vùng sản xuất rộng lớn, còn nhiều tiềm năng nhưng lại là vùng còn rất  nghèo để tạo nên sức phát triển và chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Dự án đã tạo điều kiện để mở rộng thêm diện tích đất nông nghiệp được ngọt hóa, đồng thời cũng tạo thế cho việc phát triển thâm canh nuôi trồng thủy sản bền vững, sản xuất muối, tạo điều kiện hình thành các cơ sở hạ tầng, khu dân cư của vùng ven biển, hình thành dải rừng phòng hộ ven biển,  phát triển mạng lưới đường giao thông, đảm bảo an ninh quốc phòng. Dự án đã tạo ra thêm nhiều việc làm cho hàng trăm ngàn hộ dân vùng ven biển,  góp phần tích cực trong việc cải thiện, nâng cao đời sống người dân ven biển cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Dự án đã góp phần vào việc phân bổ lại dân cư, lao động,  làm thay đổi diện mạo của các làng quê, khu dân cư ven biểntheo hướng ngày càng trở lên trù phú và phát triển. Dọc theo các tuyến đê mới hoàn thành, nhiều nhà cửa, công trình cơ sở hạ tầng (đường điện, trường học, trạm y tế, cơ sở văn hóa vui chơi giải trí, khu du lịch ven biển, ....) được đầu tư xây dựng mới. Nhiều đoạn đê biển đã được nâng cấp trải sỏi, đá dăm, nhựa đường, xây dựng cầu giao thông tạm và kiên cố để nối liền các  tuyến, tạo sự tiện cho việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân.

- Dự án đê biển Gò Công(Tiền Giang) đã bảo vệ sản xuất và đời sống cho khu vực 60.411ha đất tự nhiên, trong đó có 36.732ha đất canh tác và khoảng nửa triệu dân.

- Dự án đê biển Trà Vinh đã giúp kiểm soát mặn, đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản cho khoảng 49.000ha. Đồng thời nâng cao đời sống nhân dân.

- Dự án đê biển Bạc Liêu giúp kiểm soát ngăn mặn cho 58.129ha, trong đó có 51.111ha đất sản xuất, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản tăng thêm 36.000ha. Dự  án đã góp phần ổn định cuộc sống và sản xuất cho khoảng 45.650 hộ(240.000 người), tạo việc làm cho hơn 106.000 lao động(trong đó lao động nữ chiếm 45%). Nhờ có hệ thống đê biển, diện tích rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển phát triển nhanh, mỗi năm tăng khoảng 200ha rừng tự nhiên.

-  Dự án đê biển Kiên giang đã kiểm soát ngăn mặn cho 40.000ha, chuyển đổi tăng 13.743ha DT nuôi trồng thủy sản, tạo điều kiện cho 20.000 hộ dân sinh sống ổn định. Tạo việc làm và tăng thu nhập cho 40.000 lượt người, trong đó lao động nữ là 22.000 lượt người.

- Các dự án đế biển, đê cửa sông của các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre cũng đã mang lại những hiệu quả tương tự cho nhân dân trong vùng dự án đi qua. 

Đồng bào và chính quyền các địa phương ven biển đánh giá cao về hiệu quả của dự án và mong được Chính phủ quan tâm đầu tư tiếp tục để hoàn tất đồng bộ dự án. 

 

VI. KẾ HOẠCH XÂY DỰNG ĐÊ BIỂN GIAI ĐOẠN II (2005 – 2009)

1.     Mục tiêu kế hoạch :

- Phát huy những thành tích đã đạt được giai đọan I, kế hoạch của giai đoạn 2 là tiếp tục huy động mọi nguồn lực (vốn, phương tiện, lực lượng,...) để đẩy nhanh việc hoàn thành những khối lượng công việc còn tồn lại của giai đoạn I và nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đầu tư  để triển khai thi công các hạng mục công trình xây đúc của giai đoạn II, phấn đấu hoàn thành đồng bộ  kế hoạch của dự án đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.  Tranh thủ  thời gian các tháng mùa khô, ứng vốn triển khai thi công để đảm bảo tiến độ xây dựng theo kế họach đề ra.

2.     Kế hoạch :

- Tính đến hết quý I năm 2007, các dự án triển khai đến nay mới chỉ thực hiện được tổng cộng 557km đê biển và 202km đê cửa sông, chủ yếu là phần đất đắp đê,  chiều dài đê của giai đoạn II cần phải tiếp tục hoàn thành là : gần 700 km, cần phấn đấu làm gọn trong 2 đến 3 năm tới.

 - Hiện nay, các tỉnh đang tiếp tục lập dự án khả thi cho các tuyến còn lại, như : Dự án đê biển ba tri, Thạnh Phú (tỉnh Bến tre)  và những dự án còn lại của tỉnh Cà mau.

- Có một số dự án đã có dự án khả thi được phê duyệt nhưng thiếu vốn lên chưa thi công hoàn tất như: Dự án nâng cấp đê cửa sông Long Hựu và đê cửa sông hạ Cần Giuộc ( Long An), dự án kè Gành Hào (Bạc Liêu)...

- Rà sóat, điều chỉnh quy họach xây dựng các cầu qua đê và cống dưới đê để đáp ứng yêu cầu phục vụ đa mục tiêu (sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giao thông, du lịch, quốc phòng,…) và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng để nhanh chóng khép kín các tuyến đê đưa vào khai thác phục vụ sản xuất và đời sống.

            - Kế hoạch vốn đầu tư :

            Căn cứ vào thực tế tiến độ đắp đê giai đọan I và năng lực tổ chức thực hiện, tháng 04 năm 1995, các tỉnh đã đề nghị Chính phủ cấp vốn để hoàn tất Kế họach xây dựng, khôi phục, nâng cấp hệ thống đê biển, đê cửa sông ĐBSCL cụ thể như sau :

 

KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐÊ BIỂN, ĐÊ CỬA SÔNG

GIAI ĐOẠN II (2005 – 2009) DO CÁC TỈNH ĐỀ NGHỊ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

TỈNH

ĐỊA PHƯƠNG ĐỀ NGHỊ

ĐỊA PHƯƠNG

 

 

Tổng số

Trong đó vốn TW

Vốn địa phương

ĐÓNG GÓP

1

LONG AN

54.433

52.133

2.300

Đền bù giải toả mặt bằng

2

TIỀN GIANG

86.000

86.000

0

Đền bù giải toả mặt bằng

3

BẾN TRE

396.790

396.790

0

Đền bù giải toả mặt bằng

4

TRÀ VINH

310.000

310.000

0

Đền bù giải toả mặt bằng

5

SÓC TRĂNG

12.720

10.360

2.360

Đền bù giải toả mặt bằng

6

BẠC LIÊU

264.000

264.000

0

Đền bù giải toả mặt bằng

7

CÀ MAU

434.000

434.000

0

ĐBGT + k ênh cấp 1.2.3

8

KIÊN GIANG

235.000

195.000

40.000

Đền bù giải toả mặt bằng

TỔNG CỘNG

1.792.943

1.748.283

44.660

 

 

VII-  Kết luận và kiến nghị :

            Chủ trương khôi phục nâng cấp đê biển, đê cửa sông ĐBSCL thực sự là nhu cầu cấp bách, hợp với nguyện vọng của nhân dân, được Đảng và Nhà nước quan tâm. Dự án đã động viên được sức mạnh tổng hợp của các cơ quan ban nganh từ TW đến địa phương các cơ quan nghiên cứu, tư vấn khoa học và các công ty, nhà thầu xây dựng tham gia xây dựng. Đặc biệt là sự quyết tâm chỉ đạo kịp thời, có hiệu của  UBND các tỉnh có công trình đi qua. Bước đầu dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công việc phòng chống thiên tai, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản, tính mạng, của nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của vùng ven biển ĐBSCL. Để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phù hợp với qui hoạch thủy lợi phục vụ phát triển đa mục tiêu, qui hoạch phát triển kinh tế xã hội bền vững vùng ven biển , Dự án đê biển, đê của sông ĐBSCL cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung và hoàn chỉnh tiếp một số công việc sau : 

            - Về mặt qui hoạch :

            Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện qui hoạch tổng thể dựa trên phương án đã có để đáp ứng nhu cầu đa mục tiêu của dự án là phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, rừng ngập mặn ; kết hợp giao thông, bố trí dân cư, an ninh quốc phòng và môi sinh môi trường. Trên cơ sở quy họach đã được bổ sung, đề ra các bước đi thích hợp, vững chắc làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch, xây dựng mục tiêu phấn đấu của các địa phương có tuyến đê đi qua.

            - Về mặt kỹ thuật :

            Thống nhất các vấn đề về kỹ thuật, giúp đỡ các tỉnh xây dựng các dự án khả thi , thiết kế kỹ thuật tuân thủ trình tự bước đi và  các tiêu chuẩn, kỹ thuật, qui trình qui phạm. Rút bài học kinh nghiệm đắp đê, làm kè cống trong thời gian qua, tổ chức tốt việc giám sát chất lượng, giám sát tác giả, xử lỹ kịp thời những phát sinh trong qúa trình thi công các công trình tới nhằm đạt tiến  độ, chất lượng cao. Có biện pháp tổ chức quản lý ngay từ đầu để chống vi phạm hành lang an toàn đê, tích cực  trồng cây chống sóng bổ sung những khu vực chưa có rừng bảo hộ.

- Vốn đầu tư  xây dựng :

- Đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư thêm kinh phí để các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình còn lại, nhất là các cầu và cống dưới đê để khép kín, liền tuyến công trình, phục vụ có hiểu quả hơn cho việc phòng chống thiên tai, bảo vệ sản xuất, nuôi trồng thủy sản và kết hợp nâng cấp thành tuyến giao thông ven biển phục vụ phát triển du lich và bảo vệ an ninh quốc phòng.

            - Việc phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật sau khi có sự thoả thuận về kỹ thuật của Bộ, UBND tỉnh cần có biện pháp thẩm định chặt chẽ nhất là các chỉ tiêu về đền bù , chi XDCB khác.

- Các tỉnh căn cứ vào khả năng ngân sách địa phương cùng với khoản thuế nông nghiệp được để lại và các nguồn vốn khác của tỉnh, hàng năm chủ động bố trí cân đối ngân sách thích đáng cho việc xây dựng đê biển đê  cửa sông. Huy động sự đóng góp của nhân dân phù hợp với sức dân vùng hưởng lợi trực tiếp và sự đóng góp của nhân dân trong tỉnh vì đây là dự án có tính chiến lược phục vụ cho sự nghiệp phát triển KTXH chung của tỉnh.

- Về công tác quản lỹ, khai thác và bảo vệ :

Từ sau ngày giải phóng miền Nam, nhất là từ sau năm 1997 đến nay, Trung ương và các địa phương đầu tư cả ngàn tỷ đồng để xây dựng các tuyến đê biển, đê cửa sông. Đây là hệ thống công trình thủy lợi lớn phục vụ sản xuất đa ngành, đa mục tiêu, phòng chống thiên tai, bảo vệ sản xuất, tính mạng và tài sản của nhân dân vùng ven biển, đồng thời kết hợp làm tuyến giao thông vận tải, phòng tuyến an ninh quốc phòng. Vì vây, công tác quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống công trình này cần phải được quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc: 

+ Những công trình đã xây dựng hoàn thành phải phân cấp ngay cho chính quyền các xã có tuyến đê đi qua quản lý. Gắn việc bố trí dân cư, quản lý đê, rừng ngập mặn, bảo vệ đê là một thể thống nhất đồng bộ.

            + Hàng năm duy trì việc tập huấn, rút kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về kỹ thuật hộ đê, duy tu, bảo dưỡng và tổ chức quản lý đê cho các cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý đê.

+ Hướng dẫn kinh nghiệm và tạo  mọi điều kiện để đẩy mạnh việc trồng cây chắn sóng, trồng cỏ Vertiver để chống xói lở bờ đê.

+ Các cơ quan chức năng thường xuyên cung cấp thông tin về các sáng chế, giải pháp công nghệ mới trong quản lý và xây dựng các công trình phòng chống thiên tai để các địa phương triển khai áp dụng vào thực tế, nhằm giảm chi phí xây dựng và tăng chất lượng, tuổi thọ công trình.

            + Xây dựng hệ thống đê biển đê cửa sông là sự nghiệp của toàn dân phải được dân bàn bạc dân chủ, công khai  theo phương châm "dân biết , dân bàn, dân tham gia xây dựng , dân quản lý" ./.
(www.vncold.vn)


Đóng góp ý kiến về bài viết này 

Mới hơn bài này
Các bài đã đăng
Tiêu điểm
Biến đổi khí hậu và An ninh nguồn nước ở Việt Nam.[08/07/21]
Đại hội lần thứ IV, sự kiện lớn của Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.[27/04/19]
Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp phát triển thủy lợi của đất nước.[18/04/19]
Danh sách Hội viên tập thể đã đóng niên liễm 2018.[11/01/19]
Chùm ảnh Đại hội lần thứ 2 Hội Đập lớn Việt Nam.[13/08/09]
Nhìn lại 5 năm hoạt động của VNCOLD trong nhiệm kỳ đầu tiên.[10/08/09]
Thông báo về Hội nghị Đập lớn Thế giới.[17/07/09]
Thư chào mừng của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
VNCOLD đã thành công tại cuộc họp Chấp hành ICOLD Sofia (Bulgaria), 6/6/2008
Phó Thủ tướng khai mạc Hội thảo “ASIA 2008.
Tạo miễn phí và cách sử dụng hộp thư @vncold.vn
Website nào về Thủy lợi ở VN được nhiều người đọc nhất?
Giới thiệu tóm tắt về Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Download miễn phí toàn văn các Tiêu chuẩn qui phạm.
Đập tràn ngưỡng răng cưa kiểu “phím piano".
Đập Cửa Đạt
Lời chào mừng
Qu?ng c�o