|
BOT không phải là sản phẩm của doanh nghiệp |
TS Phạm Sỹ Liêm. |
TS Phạm Sỹ Liêm
BOT là một loại hợp đồng sản xuất dịch vụ công theo đặt hàng của nhà nước, giá cả sẽ do hai bên ( nhà nước và nhà đầu tư thỏa thuận), chứ không phải như ông bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói là “Giờ xem BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của Nhà nước”
Về việc dùng từ “thu giá” thay “thu phí” khá ngộ nghĩnh mà nhiều báo đã nói, xin không nói nữa.
Dân chỉ biết chính quyền không biết đến cá nhân công chức
Nhưng việc ông Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng “Thời gian qua, trạm thu phí BOT là rất nóng, chưa lúc nào nóng như 2017 nhưng đây là sản phẩm của giai đoạn trước, nhiệm kỳ trước” là không đúng, vì hai lẽ:
Thứ nhất, công tác quản lý nhà nước là một quá trình liên tục, việc thực thi quản lý có thể có thể sai (hoặc đúng), thì người kế nhiệm cũng không thể “quy trách nhiệm đó, hoặc ngụ ý quy trách nhiệm” cho người tiền nhiệm. Bởi anh ta được/bị kế thừa toàn bộ khối công việc của người tiền nhiệm, chứ không phải chỉ kế thừa cái đúng, cái sai thì không chịu kế thừa. Còn nhân dân chỉ biết đến chính quyền, chứ không biết đến từng cá nhân công chức. Vậy sai- đúng chính quyền phải chịu trách nhiệm, chứ không phải chuyện các cá nhân công chức đổ lỗi cho nhau. Chưa nói đổ lỗi cho người khác còn là hạ phẩm giá của chính mình.
Thứ hai, việc "thống nhất vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng quốc lộ đoạn tránh qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT" do chính ông Nguyễn Văn Thể thứ trưởng bộ Giao thông Vận tải ký (báo Tuổi Trẻ ngày 04.12.2017). Xin nhớ đây là một điểm rất nóng điển hình, vậy nó là sản phẩm của giai đoạn, nhiệm kỳ nào, và của ai đây?
BOT giao thông là sản phảm của doanh nghiệp là sai
Các nhà nước đều phải có nghĩa vụ cung cấp ba loại dịch vụ công cộng cho nhân dân (là những người đóng thuế cho nhà nước) : dịch vụ hành chính công (tư pháp..), dịch vụ sự nghiệp công (y tế, văn hóa, giáo dục...) và dịch vụ công ích (điện, nước, đường sá..). Nhưng sự phát triển của kinh tế xã hội nói chung, đặc biệt là xu thế đô thị hóa trên toàn cầu, đã khiến các nhà nước không đủ nguồn tài chính để cung cấp đầy đủ các loại dịch vụ nói trên. Nên cơ chế đối tác công- tư ra đời (gọi tắt PPP), mà BOT chỉ là một loại hợp đồng thuộc cơ chế này. Đây không phải câu chuyện từ nay nhà nước thoái thác các các trách nhiệm cung cấp dịch vụ công mà là một phương cách thu hút vốn xã hội để có thêm sản phẩm phục vụ người dân được tốt hơn.
Như vậy BOT là một loại hợp đồng sản xuất dịch vụ công theo đặt hàng của nhà nước, giá cả sẽ do hai bên (nhà nước và nhà đầu tư thỏa thuận), chứ không phải như ông bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nói là “Giờ xem BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của Nhà nước”. |
Đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá là việc ngớ ngẩn. Phí là một loại thu, tất cả các loại thu đều có giá, xác định bằng giá. Chẳng hạn thu vé vào rạp hát, thu học phí, thu tiền phạt, thu thuế...
|
Nhà nước giữ quyền tổ chức đấu thầu công khai các dự án làm theo lối BOT và ra giá, các nhà đầu tư có quyền từ chối nếu giá thấp, không hợp lý..., tóm lại giá sẽ hình thành qua quy luật cung cầu và cạnh tranh. Và lợi nhuận ở đây chủ yếu là lợi nhuận định mức, tuy thường không cao nhưng bù lại thường khá ổn định đối với nhà đâu tư.
Tức là không thể nói “BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá” được. Hiểu về BOT như thế là sai. Và xin nói luôn bất cứ các khoản thu nào đều phải (có cơ chế) hỏi ý kiến nhân dân, chứ không thể tùy tiện áp đặt.
Trần Vũ ghi
|