Thủy lợi phục vụ thủy sản ở Bến Tre. [20/3/08]
19/03/2008 23:39
CÔNG TÁC THỦY LỢI PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN BỀN VỮNG Ở
BẾN TRE
I. HIỆN TRẠNG NUÔI THỦY SẢN
Với hệ thống sông ngòi nội địa chằng chịt được bắt nguồn từ hệ thống sông Mêkông đổ ra biển Đông thông qua bốn cửa sông lớn Cổ Chiên, Ba Lai, Hàm Luông và Cửa Đại, với tổng chiều dài hơn 382 km kết hợp với 65 km bờ biển; thiên nhiên đã ưu đãi tạo thành cho Bến Tre hơn 60.000 ha có khả năng nuôi trồng thủy sản ở cả 3 vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt và vùng biển đặc quyền gần 24.000 km2 với hàng trăm giống loài thủy sản đa dạng phong phú. Hơn 100.000 lao động nghề cá thông minh cần cù, với tay nghề truyền thống và kinh nghiệm đang ngày đêm bám ngư trường thông qua các hoạt động nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy hải sản góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng đời sống gia đình ngày càng ấm no hạnh phúc hơn.
Từ những năm 2000, Bến Tre đã hoạch định chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản với mục tiêu phát triển hiệu quả, bền vững trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế thủy sản đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, xây dựng quy hoạch chi tiết nuôi thủy sản ở 3 huyện ven biển và các vùng nuôi thủy sản trọng điểm, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển nuôi thủy sản đã được triển khai, hơn 500 cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý đã được thu hút ngòai tỉnh và đào tạo tại tỉnh, nhiều mô hình tổ chức lại sản xuất tiên tiến được xây dựng và nhân rộng, hệ thống thể chế từng bước được hòan thiện , phù hợp với xu thế phát triển và đã đạt một số kết quả khả quan.
Đến năm 2007, Bến Tre phát triển gần 42.000 ha nuôi thủy sản, với 04 đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú, nghêu, cá tra và tôm càng xanh, bên cạnh đó còn xây dựng cho người nuôi nhiều mô hình đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá bống tượng, cá chẽm, cá chình và các loài cá bản địa. Sản lượng nuôi thủy sản năm 2007 ước đạt trên 80.000 tấn, trong đó sản lượng phục vụ xuất khẩu chiếm trên 80%, giá trị sản xuất từ nuôi thủy sản tăng bình quân trên 15%/năm, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, xoá đói giảm nghèo đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.
II. CÔNG TÁC THỦY LỢI PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NUÔI THỦY SẢN TẠI BẾN TRE
Thực hiện quyết định 224 của thủ tướng Chính Phủ và Nghị quyết 02 của Tỉnh Ủy Bến Tre về Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành Chương trình phát triển nuôi thuỷ sản thời kỳ 2001-2005 và định hướng 2010. Ngành Thủy sản Bến Tre đã xây dựng kế họach thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản dựa trên các nội dung cụ thể như sau:
- Xây dựng quy họach phát triển nghề nuôi của tỉnh.
- Xây dựng kế họach đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
- Xây dựng kế họach phát triển giống thủy sản
- Xây dựng kế họach nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ.
- Xây dựng kế họach đào tạo cán bộ.
- Xây dựng kế họach chế biến, xúc tiến thương mại và xuất khẩu thủy sản.
Trong đó kế họach đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi được xem là họat động quan trọng chi phối đến hiệu quả nghề nuôi thủy sản của tỉnh.
* Xây dựng quy họach nuôi trồng thủy sản:
Dự án quy họach nuôi trồng thủy sản của tỉnh giai đọan 1996- 2010 đã được xây dựng hòan thiện từ năm 1996, nhưng đến đầu những năm 2000 dự án quy họach đó đã không còn phù hợp với thực tế sản xuất. Do vậy, đầu năm 2001 Bến tre đã tiến hành xây dựng lại dự án Quy hoạch tổng thể Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bến Tre đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, dự án đã được Ủy Ban nhân dân tỉnh chính thức phê duyệt năm 2002 .
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, năm 2003 tỉnh đã tiếp tục triển khai xây dựng Quy hoạch chi tiết Nuôi trồng thủy sản trên 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú và năm 2006 tiến hành thực hiện quy hoạch chi tiết nuôi cá da trơn trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2006 - 2010.
* Xây dựng kế họach đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng:
Trên cơ sở Chương trình phát triển thủy sản và các quy hoạch được phê duyệt trong giai đọan 2001-2005 và 2010 Bến Tre sẽ phải đầu tư xây dựng trên 1000 Km hệ thống thủy lợi phục vụ cho chương trình nuôi với tổng mức vốn đầu tư là 200 tỷ đồng để nâng cao hiệu quả và mở rộng diện tích phát triển nghề nuôi lên 49.000 ha vào năm 2010.
Nhưng thực tế qua 6 năm thực hiện từ 2001-2007 Sở Thủy sản đã phối hợp với các ngành, các cấp cũng chỉ mới thực hiện 36 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản với tổng mức vốn đầu tư là 75 tỷ đồng, chủ yếu là nạo vét và đào mới cho thông thoáng một số hệ thống thủy lợi để phục vụ cho các vùng nuôi tôm sú quảng canh và quảng canh cải tiến ở 3 huyện ven biển, chỉ đáp ứng hơn 37% nhu cầu cấp thoát nước thông thoáng cho các vùng nuôi thủy sản tập trung, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả cho nghề nuôi thủy sản.
* Xây dựng kế họach nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ :
Với định hướng của tỉnh là phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững cho giai đọan 2001-2010. Năm 2000 Bến Tre đã xây dựng mô hình nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao KHCN trên lĩnh vực nuôi tôm sú thâm canh ở CADET- Bình Đại . Kết quả từ mô hình này đã rút ra bài học kinh nghiệm trên các lĩnh vực: qui trình kỹ thuật, mô hình tổ chức quản lý sản xuất; xây dựng hoàn chỉnh công trình trong hệ thống ao nuôi; đặc biệt chú ý đến qui họach kỷ thuật hệ thống thủy lợi cho khu nuôi thâm canh tập trung cần phải có hệ thống hoàn chỉnh và đồng bộ với qui mô lớn, đáp ứng được yêu cầu cấp thoát riêng biệt nhằm cung cấp đủ nước có chất lượng tốt cho các vùng nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh, nhất là các vùng nuôi thủy sản tập trung.
Căn cứ vào các tiêu chí nêu trên, ngành thủy sàn Bến Tre đã đưa vào xây dựng qui họach kỷ thụât hệ thống thủy lợi cho dự án 400 ha Bình Thắng, Thạnh Phước – Bình Đại đã được Bộ Thủy sản phê duyệt dự án đầu tư “Nuôi tôm sú công nghiệp 400ha xã Thạnh Phước, Bình Thắng huyện Bình Đại” với tổng vốn đầu tư là 69 tỷ đồng trong đó có 27 tỷ đồng là vốn ngân sách còn lại là vốn góp của nhân dân, đây là một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển nuôi thủy sản khá đồng bộ, với các hạng mục công trình bao gồm : hệ thống kênh cấp, kênh thoát hoàn toàn riêng biệt, nguồn nước cấp được lấy từ sông Cống Bể thông trực tiếp ra biển Đông, nước thoát được xử lý sinh học thông qua hệ thống rừng ngập mặn trước khi đổ ra sông Tiền; hệ thống cống cấp, cống thoát chính để điều tiết nước; cầu giao thông nối liền giữa vùng dự án với đường giao thông chính; đường giao thông nội vùng; hệ thống điện hạ thế phục vụ sản xuất; khu tái định cư để bố trí cho nông dân ổn định cuộc sống với đầy đủ cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm… Bên trong vùng dự án được bố trí thành nhiều lô sản xuất, mỗi lô có diện tích từ 20ha–30ha được xây dựng các hạng mục công trình theo từng hệ thống đã được qui họach kỷ thuật bao gồm : hệ thống ao chứa, lắng và xử lý nước để cấp cho toàn bộ hệ thống ao nuôi thông qua hệ thống máng cấp bằng bê tông, hệ thống ao nuôi, hệ thống ao và kênh xử lý nước thải để xử lý nước trước khi thải ra kênh thoát chung của toàn vùng dự án, hệ thống ao chứa bùn thải, rác thải được bố trí hòan chỉnh theo vị trí qui họach kỷ thuật nhất định; nhằm đảm bảo an tòan vệ sinh môi trường và tránh lây lan, ô nhiểm khi rũi ro dịch bệnh xảy ra tại một ao hoặc một lô nào đó trong khu nuôi thì vẫn đảm bảo điều kiện cách ly với các ao khác trong khu họặc lô nuôi.
* Xây dựng mô hình tổ chức quản lý sản xuất :
Do điều kiện đặc thù của Bến Tre nói chung và vùng dự án 400ha nói riêng, đất sản xuất của người dân manh mún, nhỏ lẻ nên rất khó cho việc đầu tư xây dựng dự án tập trung với qui mô lớn mà người dân không mất đất sản xuất. Để triển khai thực hiện mục tiêu dự án, bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, bố trí tái định cư để di dời dân sống ổn định tại nơi ở mới, thì việc tổ chức sản xuất phù hợp với qui mô và trình độ sản xuất thật sự cần thiết nhằm tạo điều kiện cho người dân có đất trong vùng dự án ổn định việc làm, nâng cao mức sống và dự án được triển khai đúng theo phương án và tiến độ sản xuất. Dựa trên cơ sở này mỗi lô đất sản xuất được hình thành với hình thức tổ chức quản lý sản xuất mới có sự hợp tác sản xuất của các thành phần kinh tế, trong đó ưu tiên cho người dân có đất trong vùng dự án được cho thuê đất hoặc sang nhượng đất và góp vốn đầu tư với hình thức Tổ hợp tác để phát triển sản xuất.
Kết quả từ mô hình này cho thấy, trước khi xây dựng dự án đây là vùng đất sản xuất lúa một vụ năng suất thấp, hiệu quả bấp bênh do đất bị nhiễm mặn, cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn. Sau khi dự án được hình thành với phương án tổ chức sản xuất hợp lý đời sống của người dân trong vùng chuyển biến rỏ rệt, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng lên gấp 30 lần so với trước khi có dự án. Với mô hình qui họach kỷ thuật của dự án 400ha đã được nhân rộng cho các vùng nuôi thâm canh , bán thâm canh khác trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo nên tính ổn định và bền vững cho môi trường nuôi.
Mặc khác, qua thực tế sản xuất cho thấy các vùng nuôi được đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh và đồng bộ thì sản xuất đạt hiệu quả cao, giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh, thúc đẩy nghề nuôi phát triển theo hướng ổn định và bền vững. Cụ thể trong các năm qua tình hình nuôi tôm sú của Bến Tre vẫn có xảy ra dịch bệnh, tuy nhiên các khu nuôi trong các vùng dự án tập trung ít xảy ra dịch bệnh và đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nuôi, nhịp độ phát triển nghề nuôi ở nơi đó vẫn duy trì bền vững.
* Xây dựng và hòan thiện hệ thống thể chế quản lý hệ thống thủy lợi :
- Qui định tạm thời về chế độ xử lý môi trường trước khi xả thải ra ngòai tự nhiên. Qui định khu nuôi phải có ao chưa bùn, ao xử lý nước thải, nước phải được xử lý trước khi thải ra môi trường tự nhiên .
- Qui định về chế độ sử dụng nguồn nước từ hệ thống thủy lợi:
Trên cơ sở các qui định của ngành về tiêu chuẩn chất lượng nước cho nuôi trồng thủy sản; kết quả quan trắc môi trường, Sở Thuỷ sản Bến Tre khuyến cáo cho người nuôi trên địa bàn tỉnh thời điểm lấy nước cho các vùng nuôi một cách hiệu quả nhất, về chế tài thì chưa có qui định.
* Một số khó khăn hạn chế:
Bên cạnh các dự án thủy lợi được đầu tư đã phát huy được hiệu quả cao, góp phần phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng hiệu quả và bền vững, việc đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản của Bến Tre vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế như:
- Thiếu vốn đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi cấp, thoát riêng biệt mang tính liên vùng và các hạng mục công trình phụ trợ nhằm đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển ổn định nghề nuôi thủy sản.
- Diện tích đất sở hữu của người dân manh mún, nhỏ lẻ nên phần nào đã ảnh hưởng đến việc xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, do một số người dân bị mất đất nhưng không hưởng lợi trực tiếp từ dự án nên họ còn kỳ kèo không chịu di dời hoặc nhận bồi hòan giải tỏa theo giá cả nhà nước qui định.
- Một số hộ dân chạy theo lợi nhuận từ nghề nuôi thủy sản đã tự phát nuôi trong những vùng chưa được qui họach hoặc qui họach phát triển nông nghiệp nên thiếu hệ thống thủy lợi hoặc hệ thống thủy lợi không phù hợp chẳng những đã dẫn đến thiệt hại cho người nuôi mà còn gây ra hậu quả nghiêm trọng là lây lan cho các vùng nuôi lân cận và gây mất cân bằng hệ sinh thái trong vùng nuôi.
- Quy hoạch nuôi thủy sản của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong đó có quy hoạch thủy lợi đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh, đã ảnh hưởng đến việc quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch của từng địa phương.
- Các thể chế quản lý và đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản chưa được xây dựng đồng bộ và hòan chỉnh nên chưa thúc đẩy phát triển nhanh hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu nuôi một cách có hiệu quả.
III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn chỉnh quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đặc biệt chú trọng quy hoạch về hệ thống thủy lợi làm cơ sở để từng địa phương điều chỉnh quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản và quy hoạch thủy lợi phù hợp với quy hoạch chung của toàn vùng, tránh tình trạng khủng hoảng thừa, khủng hoảng thiếu và tình trạng ô nhiễm môi trường do quá sức tải của hệ thống thủy lợi.
Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, cần tập trung vốn để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi thủy sản, nhất là những vùng nuôi thủy sản tập trung cung ứng nguyên liệu cho xuất khẩu và những vùng dân cư nghèo thiếu năng lực để đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản.
Sớm hòan thiện hệ thống thể chế quản lý và khuyến khích đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản đúng quy họach và khai thác sử dụng có hiệu quả.
Ngành thủy sản Bến Tre luôn tin tưởng rằng, với lợi thế về tiềm năng kinh tế thủy sản của tỉnh, với sự nổ lực phấn đấu của ngành Thủy sản và lực lượng lao động nghề cá của tỉnh, sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Ủy Ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nghề nuôi thủy sản ở Bến Tre sẽ tiếp tục phát triển ổn định, bền vững theo định hướng chung của cả nước với ý nghĩa và mục đích cao cả của tòan Đảng , tòan dân ta là “ Làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh!”
(www.vncold.vn; theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre)