Điều tiết hệ thống Liên hồ chứa phát điện và cấp nước tại Đồng bằng sông Hồng[24/03/08]
23/03/2008 20:02
ĐIỀU TIẾT HỆ THỐNG LIÊN HỒ CHỨA PHÁT ĐIỆN VÀ CẤP NƯỚC
TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG
GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, GS.TS. Vũ Tất Uyên,
TS. Nguyễn Văn Hạnh; TS. Nguyễn Thanh Hùng,
Viện Khoa học Thủy lợi
Bài báo này trình bày phương pháp và nội dung thực hiện khi xây dựng qui trình vận hành liên hồ chứa trên sông Đà và sông Lô, bao gồm tổng quan về xây dựng qui trình vận hành liên hồ chứa trên thế giới và trong nước, phương pháp xây dựng qui trình, các vấn đề liên quan đến xây dựng qui trình, và khả năng áp dụng cho các hệ thống sông tại Việt Nam.
Ngày 24 tháng 12 năm 2004 Thủ tuớng Chính phủ, tại thông báo số 251/TBCN, đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chủ trì việc xây dựng Qui trình điều hành liên hồ chứa trên sông Đà và sông Lô, phục vụ chống lũ và đảm bảo an toàn công trình. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo và Ban Biên tập xây dựng Qui trình điều hành liên hồ chứa với nhiệm vụ được thể hiện trong Quyết định số 199/QĐ/BNN-TL ngày 27 tháng 1 năm 2005 là xây dựng Qui trình phục vụ đa mục tiêu, ngoài mục tiêu chống lũ còn thêm các mục tiêu phat điện và cấp nước. Qui trình vận hành hệ thống hồ chứa trên sông Đà và sông Lô trong mùa lũ hàng năm do Viện Khoa học Thủy lợi xây dựng đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 1 tháng 6 năm 2007 (Qui trình 2007) và hiện đã đưa vào sử dụng để vận hành các hồ chứa Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà.
Ngày 14 tháng 4 năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg của phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020”, trong đó đề án "Xây dựng qui trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông lớn, quan trọng” là một trong 5 đề án đầu tiên được ưu tiên thực hiện. Chiến lược Quốc gia về Tài nguyên nước trong giai đoạn 2006-2010. Đây là một dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong thời gian tới vì các công trình hồ chứa lớn đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của các lưu vực sông.Về các hệ thống sông, hiện nay nước ta có 13 sông lớn với diện tích lưu vực lớn hơn 10.000 km2 , bao gồm 9 hệ thống sông chính: Hồng, Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Thu Bồn-Vu Gia, Ba, Đồng Nai và sông Cửu Long, và 4 sông nhánh (Đà, Lô, Sê San, Srê Pôk). Trên lưu vực hệ thống sông Thái Bình, Bằng Giang-Kỳ Cùng, Cả, Cửu Long không có các hồ chứa lớn. Trên lưu vực sông Mã hiện chỉ có một hồ chứa lớn là Cửa Đạt đang được xây dựng. Các hồ chứa lớn trên các sông nhánh Đà, sông Lô nằm trong hệ thống hồ chứa lớn thượng nguồn sông Hồng. Các hệ thống hồ chứa lớn đang hoạt động và dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2006-1010 chủ yếu phân bố tại 6 lưu vực sông lớn là Hồng, Thu Bồn- Vu Gia, Ba, Đồng Nai, Sê San, Srê Pôk. Vì thế Bộ Tài nguyên Môi trường hiện đang chuẩn bị đề án "Xây dựng qui trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông lớn, quan trọng”. Các quy trình vận hành cần đảm bảo được các yêu cầu về phục vụ đa mục tiêu và đảm bảo duy trì dòng chảy môi trường. Bài báo này trình bày phương pháp và nội dung thực hiện khi xây dựng qui trình vận hành liên hồ chứa trên sông Đà và sông Lô, bao gồm tổng quan về xây dựng qui trình vận hành liên hồ chứa trên thế giới và trong nước, phương pháp xây dựng qui trình, các vấn đề liên quan đến xây dựng qui trình, và khả năng áp dụng cho các hệ thống sông tại Việt Nam.
Sơ đồ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và hạ lưu sông Thái Bình
và các trạm đo mực nước chính
(Bài đã được báo cáo trong "Hội nghị khoa học công nghệ Nông nghiệp 2006-2007 các tỉnh phía Bắc" tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2007")