Thủy lợi phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.[27/3/08]

27/03/2008 08:00

18

BÁO CÁO

Về công tác thủy lợi phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

vùng đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, là một vùng đất thấp, khá bằng phẳng, đặc trưng bởi hoạt động tương tác mạnh và đan xen giữa các hệ nước mặn với nước ngọt trên một không gian rộng lớn. Toàn vùng có 22 cửa sông, lạch lớn, nhỏ với diện tích vùng triều khoảng 800.000 ha, trong đó diện tích bãi triều cao trên khoảng 70 – 80%. Mùa khô, độ mặn ven bờ cao 20 -30%0, mùa mưa 5 – 20%0, thâm nhập mặn theo các nhánh sông vào nội đồng nhiều nơi đến 40 – 60 km. Diện tích tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long khoảng 4 triệu ha, chiếm khoảng 12% diện tích của cả nước, trong đó có 3,8 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 31,46% diện tích đất nông nghiệp của cả nước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản trên cả 3 loại hình mặt nước: nước mặn, nước lợ, nước ngọt. Đến năm 2005, tổng diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản khoảng 1, 37 triệu ha; trong đó diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản mặn, lợ là 896.571 ha, chiếm 90% tổng diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản mặn lợ của cả nước; diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản vùng bãi triều khoảng 157.174 ha; diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản nước ngọt khoảng 477.741 ha, bằng 52% diện tích nuôi nước ngọt của cả nước.

Thực hiện Nghị quyết 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ về một số chủ trương về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong giai đoạn 2001-2005, thông qua Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 173/2001/QĐ-TTg ngày 06/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2001-2005, đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển dịch cơ cấu đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang phát triển nuôi trồng thủy sản khá mạnh, tạo điều kiện cho ngành thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành ngành sản xuất hàng hoá lớn, mạng hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế các vùng nông thôn ven biển; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo trong cộng đồng ngư dân và đã thu hút được sự quan tâm phát triển của nhiều thành phần kinh tế. Và thực tế, trong những năm qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vùng trọng điểm phát triển thủy sản nói chung và phát triển nuôi trồng thủy sản nói riêng của cả nước, đóng góp 55 – 70% sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.

Bấm vào đây để xem chi tiết (PDF; 396KB)
(www.vncold.vn)