Phát triển thuỷ lợi ở Việt Nam giai đoạn 1996-2005
25/12/2006 17:34
Đầu tư phát triển thuỷ lợi giai đoạn 1996-2005
Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển thuỷ lợi thời kỳ 1996-2000 được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII tháng 7/1996 xác định là: “Phát triển mạnh mẽ hệ thống thuỷ lợi ở tất cả các vùng, đặc biệt là khôi phục, sửa chữa, nâng cấp và mở rộng hệ thống thuỷ lợi đã có ở hai vùng đồng bằng lớn của đất nước; thực hiện chương trình chống nhiễm mặn, chua phèn và chống lũ toàn diện ở đồng bằng sông Cửu long. Xây dựng các hồ chứa nước ở các vùng trung du, miền núi cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho dân cư...”. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (tháng 4/2001) nhiệm vụ thuỷ lợi được xác định:
- Phát triển mạng lưới thuỷ lợi bảo đảm cải tạo đất thâm canh, tăng vụ và khai thác các vùng đất mới. Hoàn thành xây dựng các CTTL kết hợp phòng tránh lũ ở miền Trung.
- Xây dựng củng cố hệ thống đê biển các công trình ngăn mặn, thuỷ lợi cho nuôi trồng thuỷ sản ở ĐBSCL.
- Kiên cố hoá các tuyến đê xung yếu, tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương.
- Phấn đấu đến năm 2005 đưa năng lực tưới lên 6,5 triệu ha gieo trồng lúa và 1,5 triệu ha rau màu cây công nghiệp (tăng 60 vạn ha).
Thực hiện mục tiêu nhiệm vụ của Đại hội Đảng đề ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cùng chính quyền địa phương tập trung đầu tư phát triển thuỷ lợi ở khắp mọi vùng trong cả nước. Riêng phần vốn ngân sách do Bộ quản lý đã đầu tư 16.700 tỷ đồng (giai đoạn 1996-2000 là 7.700 tỷ, giai đoạn 2001-2005 là 9.000 tỷ, trong đó vốn TPCP: 2.200 tỷ đồng), đã hoàn thành 406 công trình loại lớn, tăng thêm năng lực tưới 156 nghìn ha, tạo nguồn trên 361 nghìn ha, ngăn mặn trên 335 nghìn ha, tiêu nước trên 396 nghìn ha. Đến năm 2000 đã đạt và vượt các chỉ tiêu của Đại hội VIII đề ra, đưa diện tích tưới nước cho các loại cây trồng đạt 7,52 triệu ha (tăng 1,1 triệu ha so với năm 1995), diện tích tiêu nước đạt 1,61 triệu ha (tăng 0,24 triệu ha so với năm 1995). Đến năm 2005 diện tích tưới các loại cây trồng đạt 7,6 triệu ha (3 vụ), màu 1 triệu ha, tiêu úng 1,7 triệu ha, nâng mức ổn định cao hơn, vượt chỉ tiêu Đại hội IX đề ra,... góp phần đưa sản lượng lương thực (có hạt) là: 39,6 triệu tấn, tăng 13,5 triệu tấn có với năm 1995.
Các chương trình trọng điểm đều được tập trung đầu tư và đưa lại hiệu quả kinh tế cao như: Chương trình an toàn đê, kè, cống ở Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc khu 4, cứng hoá mặt đê kết hợp giao thông 5.700 km, chương trình an toàn hồ chứa nước lớn ở miền Trung, Tây nguyên, chương trình kiên cố hoá kênh mương (15.000 km kênh các loại (I, II, III)), chương trình đê biển (2.000 km), chương trình đê bao, chống lũ ở Đồng bằng Sông Cửu Long (20.000 km)... Về vùng: Chương trình kiểm soát lũ, ngọt hoá, thau chua, xổ phèn, ngăn mặn ở ĐBSCL, xây dựng hồ đập miền Trung, Tây Nguyên, phục hồi nâng cấp các công trình thuỷ lợi ĐBSH, chương trình thủy lợi nhỏ miền núi cũng được tăng cường đầu tư.
Về nguồn vốn đầu tư: Ngoài nguồn vốn ngân sách tập trung hàng năm giao cho Bộ quản lý (vốn ODA, vốn trong nước), Nhà nước còn đầu tư vốn TPCP (giai đoạn 2003-2010) cho ngành thuỷ lợi 24.090 tỷ đồng, trong đó đầu tư:
- 25 công trình thuỷ lợi lớn: 12.450 tỷ đồng.
- Các dự án cấp bách: 2.330 tỷ đồng.
- Thuỷ lợi nhỏ miền núi: 7.000 tỷ đồng.
- Các dự án bổ sung theo đề nghị của Quốc hội: 310 tỷ đồng
- Thuỷ lợi đồng bằng sông Cửu Long: 2.000 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện trên các vùng sau:
1- Đồng bằng sông Hồng
Là trọng điểm lương thực hàng hoá miền Bắc được thuỷ lợi hoá sớm và cao kể từ sau ngày hoà bình lập lại 1954, bước đầu đã hình thành sơ đồ khai thác hợp lý nguồn nước trong lưu vực. Các công trình thuỷ điện lớn đầu nguồn như hồ Thác Bà trên sông Chảy có công suất 108 Mw, Hoà Bình trên sông Đà có công suất 1920 Mw và đang xây dựng thuỷ điện Sơn La 3000 Mw, Tuyên Quang trên sông Gâm 322 Mw và một số hồ chứa đã xây dựng có tác dụng cắt lũ và cấp nước cho hạ du, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại và chưa đáp ứng yêu cầu cho bước phát triển kinh tế xã hội cao hơn. Một số vùng ở trung du miền núi đất dốc vẫn chưa có điều kiện phát triển thuỷ lợi ổn định.
Toàn vùng đã có 33 hệ thống thuỷ nông, trong đó có 16 hệ thống tưới tiêu lớn (có 5 hệ thống xây dựng trước năm 1945 như: hệ thống sông Nhuệ, Liễn Sơn, An Kim Hải, sông Cầu, Phù Sa), đến nay công tác thuỷ lợi đã đảm bảo tưới cho hơn 1,5 triệu ha trong đó tưới cho lúa Đông Xuân: 63 vạn ha, lúa Mùa 76 vạn ha và 20 vạn ha rau màu công nghiệp...
- Mục tiêu sản xuất nông nghiệp: Tập trung phát triển sản xuất lương thực (lúa, ngô...) cây ăn quả (nhãn, vải...) rau, hoa, cây cảnh, chăn nuôi lợn, gia cầm... nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, nước ngọt...
- Về thuỷ lợi: tập trung đầu tư phục hồi nâng cấp các hệ thống công trình thuỷ lợi đã có như: hoàn thành dự án vay vốn ADB khoản vay 75 triệu USD giai đoạn (1995-2000) khôi phục và nâng cấp 17 hệ thống thuỷ nông gồm 30 tiểu dự án nâng mức ổn định của 86 vạn ha về tưới, tăng 4,4 vạn và 6 vạn ha tiêu úng với 2,1 triệu hộ nông dân hưởng lợi.
- Tiếp tục thực hiện dự án thủy lợi lưu vực sông Hồng giai đoạn 2 (ADB3) giai đoạn (2003-2007) nâng cấp 18 tiểu dự án thuỷ nông và 12 tiểu dự án chống lũ vốn vay 148 triệu USD.
- Một số dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tập trung hàng năm, nội dung đầu tư: chủ yếu là sửa chữa nâng cấp các công trình hiện có, bổ sung xây dựng mới các công trình đầu mối, cống, trạm bơm, kiên cố hoá kênh mương, bước đầu hiện đại hoá điều kiện quản lý vận hành. Nhìn chung ở ĐBSH vấn đề tưới đã cơ bản được giải quyết (ở mức tần suất tưới 75%). Vấn đề tiêu úng còn khoảng 4 vạn ha hệ số tiêu còn thấp, nên sản xuất vụ Mùa còn bấp bênh (nếu lượng mưa vượt quá 300 mm trong 3 ngày thì diện tích ngập úng còn lớn hơn). Do phải tiêu cả phần đất thổ cư và đô thị nên thuỷ lợi phí thu không đủ chi phí tiền điện bơm nước nên tình trạng nợ tiền điện kéo dài của các hệ thống thuỷ nông, không có kinh phí để duy tu, sửa chữa nhỏ thường xuyên, công trình xuống cấp, kết quả phục vụ tưới, tiêu giảm sút.
- Tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch, chuẩn bị đầu tư xây dựng cho bước phát triển mới, trong đó chú trọng khai thác tiềm năng đất dốc ở miền núi, trung du, vùng bãi và vùng ven biển,... để tăng diện tích canh tác, phân bổ hợp lý lao động trong vùng, bù đắp diện tích mất đi do XDCB và phát triển dân cư.
- Nghiên cứu và đưa ra các biện pháp bảo đảm cấp nước an toàn cho khu tam giác công nghiệp Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đồng thời phải tiến hành một số giải pháp công trình tiêu úng triệt để cho các thành phố và các biện pháp quan trắc và sử lý nước thải cho công nghiệp và dân sinh tránh gây ô nhiễm nguồn nước.
- Về phòng chống lũ lụt
a- Vấn đề lũ sông Hồng vẫn là hiểm họa thường xuyên, sau công trình Hòa Bình phía hạ du có những diễn biến bất lợi, xói lở cục bộ, mực nước lũ không cao song ngâm lâu ngày đe dọa sự phát triển bền vững của ĐBSH. Chống lũ luôn luôn là nhiệm vụ hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng và Trung du sông Hồng - sông Thái Bình. Nhiệm vụ này ngày càng quan trọng do dân số ngày càng đông, kinh tế ngày càng phát triển, giá trị tài sản của nhân dân cũng như của Nhà nước ngày càng lớn, trong khi đó xu thế dòng chảy sông Hồng và sông Thái Bình ngày càng gia tăng.
b. Các giải pháp chống lũ:
- Về đê điều: Mực nước lũ thiết kế đê đối với đồng bằng sông Hồng tương ứng mực nước 13,3m tại Hà Nội và 7,21 m tại Phả Lại. Vì ở cao độ này mực nước sông đã cao hơn mặt đất trong đê 5-7 m, luôn luôn là mối đe doạ đối với 2700 km đê được xây dựng từ ngàn năm, với chất lượng nền và thân đê yếu kém, lún, nứt nẻ, nhiều mạch đùn, mạch sủi. Càng nâng cao đê thì hiểm họa vỡ đê càng tăng, tổn thất càng lớn. Do vậy ở Trung du và Đồng bằng sông Hồng vấn đề đầu tư vật chất, kỹ thuật để đảm bảo cho sự làm việc ổn định và an toàn của hệ thống đê điều là hết sức cấp thiết, đặc biệt khi chưa có thêm các hồ chứa lớn ở thượng du. Mặt khác, hệ thống đê điều được cứng hoá kết hợp làm đường giao thông nông thôn rất thuận lợi, không chỉ là biện pháp chống lũ quan trọng và thiết thực trong những năm trước mắt mà còn là giải pháp cơ bản lâu dài để cùng với các biện pháp chống lũ khác, từng bước nâng cao mức bảo đảm chống lũ cho Thủ đô và toàn bộ Trung du, Đồng bằng sông Hồng.
- Biện pháp giải phóng lòng sông, chỉnh trị sông cùng với tuyến đê tạo thành hành lang thoát lũ để duy trì khả năng thoát lũ của dòng sông là rất quan trong. Biện pháp này cùng với việc thực hiện Nghị định số 62/1999/NĐ-CP có thể giảm được mực nước Hà Nội vào khoảng 0,30-0,60 m. Tuy nhiên đây là giải pháp rất khó khăn, tốn kém và phức tạp về đền bù, tái định cư trong việc thực hiện và kiểm soát lâu dài cũng như trước mắt.
- Biện pháp chậm lũ và phân lũ sông Đáy là biện pháp dự phòng và cấp cứu khi xảy ra tình huống khẩn cấp mà không còn sự lựa chọn nào khác. Biện pháp này gây tổn thất lớn về Dân sinh, Kinh tế và Xã hội trong vùng chậm lũ và phân lũ mà hiệu quả lại không cao, khó vận hành, chỉ có thể hạ được mực nước sông Hồng tại Hà Nội khoảng 0,20 - 0,40 m trong trường hợp phải cải tạo triệt để lòng dẫn phía hạ lưu đập Đáy. Nhưng biện pháp này ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất không những trong thời gian phân và chậm lũ mà còn cả trong những năm tiếp theo của hơn 1 triệu dân, với trên 70.000 ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên sau này khi có công trình Sơn La đi vào vận hành chống lũ thì hiệu quả của biện pháp phân chậm lũ sẽ giảm đi.
- Biện pháp dùng hồ chứa cắt lũ là biện pháp chủ động và mang lại hiệu quả cao hơn. Dung tích cắt lũ thường trùng với dung tích phát điện và cấp nước mùa kiệt. Hồ Hòa Bình với dung tích chống lũ 4,6 tỷ m3 (từ cao trình 88-115 m) đã giữ được mực nước lũ cao nhất tại Hà Nội là 12,47 m vào tháng 8 năm 1996. Qua tính toán có thể đảm bảo giữ mực nước Hà Nội dưới 13,3 m tương ứng với lũ các tháng 8/1945, 8/1969 và 8/1971.
- Biện pháp phi công trình bao gồm: Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn “cây to là kho nước”, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ cây trồng, dự báo, cảnh báo lũ,... cũng là một biện pháp quan trọng trong các biện pháp phòng chống lũ, lụt và giảm nhẹ thiên tai.
Về đầu tư:
- Đầu tư đảm bảo an toàn hệ thống đê điều bằng nguồn vốn tập trung hàng năm khoảng 160 tỷ /năm. Riêng tuyến đê hữu Hồng 45km được đầu tư bằng nguồn vốn vay ADB 49 triệu USD giai đoạn 1995-2000.
- Đầu tư cụm công trình thuỷ lợi Hát Môn - Đập Đáy (cống cẩm Đình, cống Hiệp Thuận, kênh dẫn) 530 tỷ đồng vốn TPCP giai đoạn 2003-2007.
- Tiếp tục đầu tư đê biển bằng dự án PAM 5325 hơn 20 triệu USD, hoàn thành năm 2003 và ngân sách địa phương, sức dân để duy trì và nâng mức đảm bảo chống được các trận bão có sức gió cấp 9 đến cấp 10 trong điều kiện có triều cường.
2- Đồng bằng sông Cửu Long
Với diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, dân số 17 triệu người, là địa bàn kinh tế có tiềm năng to lớn về nhiều mặt, nhất là về nông nghiệp và thuỷ sản, có vị trí trọng yếu đối với sự phát triển của cả nước. ĐBSCL hiện đang đóng góp gần 50% sản lượng lương thực, 65% sản lượng thủy sản và phần lớn lương thực xuất khẩu của cả nước, góp phần quyết định đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Tuy nhiên nguồn nước sông Mê Kông (khoảng 500 tỷ m3 nước/năm) mang nhiều phù sa, thuỷ sản có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với dân sinh, kinh tế trong vùng, nhưng phân bố rất không đều theo thời gian và không gian, 90% lượng nước tập trung vào mùa mưa (từ tháng VI đến tháng XI), gây úng lụt lớn . Những tháng mùa khô thường xảy ra thiếu nước nghiêm trọng, mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Do bất thường của khí hậu và những tác động tiêu cực từ thượng nguồn mà chỉ trong mấy năm gần đây, chúng ta đã phải liên tiếp đối phó với các trận lũ lớn lịch sử và các đợt hạn hán cực kỳ gay gắt. Hệ thống thuỷ lợi ở ĐBSCL (gồm những kênh trục lớn tạo nguồn, kênh nhánh, các cống điều tiết,..) gắn liền với nguồn nước của sông Tiền và sông Hậu luôn luôn làm nhiệm vụ tổng hợp: dẫn nước ngọt cho toàn đồng bằng vào mùa khô, còn vào mùa mưa thì tham gia kiểm soát lũ, tiêu phèn.
A. Đầu tư hạ tầng.
Trong những năm 1996-2005 thực hiện các quyết định 99 TTg và 173 TTg, Chính phủ đã đầu tư thủy lợi 7.261 tỷ đồng (giao Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý 3.890 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 54%, và vốn địa phương quản lý là: 3371 tỷ đồng, chiếm 46%), trong đó, 5 năm đầu chủ yếu triển khai các công trình ở vùng ngập sâu và 5 năm gần đây chủ yếu cho dự án ODA Thuỷ lợi ĐBSCL (WB2 Thuỷ lợi)) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với tổng mức đầu tư là 2133 tỷ đồng tại TP Cần Thơ và 6 tỉnh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh.
1. Vùng tứ giác Long Xuyên:
Là vùng ngập sâu, diện tích gần 50 vạn ha (thuộc 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang), chịu ảnh hưởng trực tiếp lũ tràn qua biên giới và dòng chính sông Hậu. Đã cơ bản hoàn thành tuyến ngăn lũ tràn biên giới bờ nam kênh Vĩnh Tế gồm các đoạn Châu Đốc-Tịnh Biên và Ba Chúc-Hà Giang. Kênh Vĩnh Tế (đáy rộng 30 m ở cao trình -3m) để dẫn lũ có lưu lượng 1500m3/s, tới cao trình +3,8m (về mùa khô có thể dẫn lưu lượng tưới 37 m3/s). Xây dựng đường tràn Xuân Tô để thoát lưu lượng 1220m3/s, các đập cao su Trà Sư, Tha La để thoát lũ có lưu lượng 700m3/s về hướng Tri Tôn-Hòn Đất. Đào kênh T5, 23 kênh thoát lũ nối kênh Rạch Giá-Hà Tiên ra biển Tây cùng với các cống cuối kênh, mở rộng các kênh T3,T4,T6, Tám Ngàn,... Những kênh này vừa làm nhiệm vụ thoát lũ, vừa góp phần tiêu phèn, cấp nước mùa khô, tạo nên một vùng sản xuất trù phú. Khi đào kênh, đã có sự phối hợp tốt giữa giao thông và thuỷ lợi, kịp thời mở rộng các cầu giao thông để tăng khả năng thoát lũ và đảm bảo đi lại thông suốt trên Quốc lộ 80 trong mùa lũ.
Xây dựng đê biển Tây dài 74km (kiểm soát được mực đỉnh triều tại Rạch Giá với cao trình đê 2m, chiều rộng đỉnh đê 3 m).
Đây là vùng được đầu tư tương đối hoàn chỉnh (theo quy hoạch kiểm soát lũ, đạt khoảng 80% kế hoạch, tham gia thoát lũ có hiệu quả).
2. Vùng Đồng Tháp Mười:
Là vùng ngập sâu trong nội địa (thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Long An và một phần Tiền Giang), diện tích 70 vạn ha, tiêu thoát lũ khó khăn. Trước đây, do thiếu nước, nhiễm phèn và ngập lụt, nên chỉ canh tác 1 vụ lúa nổi năng suất thấp. Cùng với một số kênh trục tạo nguồn nước từ sông Tiền đã có từ trước, các kênh nối sông Tiền với sông Vàm Cỏ Tây như: Hồng Ngự, Tân Thành-Lò Gạch, Sở Hạ-Long Khốt,.. được đào và mở rộng đã góp phần tăng diện tích canh tác (khai hoang 8 vạn ha), tăng vụ (2 vụ “ăn chắc”) đạt năng suất cao. Kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng phát triển nhanh chóng. Khi đào và nạo vét các kênh Sở Hạ-Long Khốt, Tân Thành-Lò Gạch, đất đào được đắp lên bờ phía nam tạo tuyến giao thông, dân cư và góp phần hạn chế lũ tràn qua biên giới vào trung tâm Đồng Tháp Mười. Đã nạo vét, mở rộng các kênh 79, Sở Hạ - Cái Cỏ, Cái Bèo, Hưng Điền, 307, Ông Mười, Bà Kỳ,.. tạo tuyến giao thông, dân cư dọc bờ kênh, dẫn nước tưới trong mùa khô và thoát lũ ra dòng chính sông Tiền., Một số đê bao (Tân Hồng, Sa Rài, Tân Hưng, Mộc Hoá, Vĩnh Hưng, Cao Lãnh,..) kết hợp ngăn lũ và giao thông đã phát huy hiệu quả cao, ổn định sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư.
Nhìn chung tiến độ thực hiện chậm, do thiếu vốn đầu tư, công trình thi công kéo dài, hiệu quả hạn chế.
3. Vùng bắc kênh Vĩnh An là vùng ngập sâu đầu nguồn diện tích hơn 3 vạn ha, dân số 61 vạn người (thuộc 2 huyện An Phú và Tân Châu, tỉnh An Giang), chịu ảnh hưởng trực tiếp lũ tràn qua biên giới giữa dòng chính sông Tiền và sông Hậu. Đã nạo vét và đắp bờ đoạn chính kênh “7 xã” kết hợp làm tuyến dân cư và đường giao thông an toàn vượt lũ (toàn bộ tuyến dài 85km).
4. Các dự án ngọt hoá với hệ thống đê ngăn mặn, kênh dẫn nước ngọt và cống tiêu úng, chủ động ngăn lũ úng, ngăn mặn, tiêu phèn, được triển khai tại những vùng ít chịu ảnh hưởng lũ nhưng bị ảnh hưởng mặn trong mùa khô đạt hiệu quả cao
* Các hệ thống Gò Công (khoảng 5 vạn ha tại Tiền Giang) , Nhật Tảo - Tân Trụ (khoảng 2 vạn ha giữa 2 sông Vàm Cỏ tại Long An) đã được hoàn thành. Hệ thống Bắc Vàm Nao (hơn 3 vạn ha nằm giữa sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao và kênh Vĩnh An, chủ yếu là huyện Phú Tân (An Giang)) đã xây dựng các đê bao và cống tưới tiêu. Hệ thống Bảo Định (khoảng 6 vạn ha tại Tiền Giang) đã làm một số cống.
* Trong hệ thống Bắc Bến Tre đã làm xong cống Ba Lai (các hạng mục khác như : đê, cống trên các sông Giao Hoà, Chẹt Sậy, Hàm Luông, Mỹ Tho,.. chưa thực hiện).