Thủy lợi phục vụ phát triển bền vững nuôi thủy sản ở tỉnh Sóc Trăng. [07/6/08]
07/06/2008 06:54
THỦY LỢI PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NUÔI THỦY SẢN Ở
TỈNH SÓC TRĂNG
Sở Thuỷ sản Sóc Trăng.
Sóc Trăng là một tỉnh trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, nằm ở hạ lưu sông Hậu, tiếp giáp biển Đông, tổng diện tích tự nhiên 3.200 km2, có trên 72 km bờ biển, với 3 cửa sông lớn là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, do điều kiện tự nhiên đã hình thành 3 vùng sinh thái nước mặn, lợ và ngọt, với tiềm năng trên 100.000 ha diện tích có khả năng đưa vào nuôi thuỷ sản với các loại hình như nuôi chuyên, nuôi ao, mương vườn, nuôi kết hợp trên ruộng lúa, kết hợp với trồng rừng......
Bản đồ tự nhiên tỉnh Sóc Trăng |
Từ đó Thuỷ sản Sóc Trăng được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và ưu tiên tập trung đầu tư phát triển. Thời gian qua, Chính phủ đã có Nghị quyết 09 về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2000 - 2005 trong lĩnh vực phát triển thuỷ sản; kế hoạch 07 của UBND tỉnh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Ngành tiếp tục vận dụng 3 chương trình trọng tâm của Chính phủ về khai thác, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ sản giai đoạn 2000 - 2010, ngành thuỷ sản phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng chương trình quản lý và đầu tư cho sản xuất. Các công trình thuỷ lợi được đầu tư từng bước hoàn chỉnh tạo được nguồn nước thông thoáng phục vụ nuôi thuỷ sản nhất là hai công trình lớn là dự án kênh Trà Niên và kênh Thạnh Mỹ đã, đang phát huy tác dụng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất và góp phần thay đổi diện mạo thuỷ sản tỉnh nhà so với thời gian qua.
Trên cơ sở Quy hoạch thuỷ sản của tỉnh đến năm 2010, giai đoạn 2001 - 2007 Sóc Trăng đã triển khai 59 dự án thuỷ sản gồm vốn chương trình mục tiêu thuỷ sản, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động khác, chủ yếu đầu tư các công trình thuỷ lợi phục vụ vùng nuôi, tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách đầu tư gần 75,5 tỷ đồng, chiếm 15% trên tổng số vốn thực hiện. Ngoài ra được Bộ Nông nghiệp & PTNT đầu tư hai công trình kênh Thạnh Mỹ huyện Mỹ Xuyên, kênh Trà Niên huyện Vĩnh Châu và đang tiếp tục đầu tư thuỷ lợi vùng 6 xã huyện Mỹ Xuyên.....từ đó hệ thống thuỷ lợi vùng nuôi từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, tạo nguồn nước được thông thoáng, hạn chế thấp nhất diện tích thiệt hại xảy ra hàng năm, góp phần thúc đẩy phong trào nuôi thuỷ sản của tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Sau khi triển khai các dự án trong vùng diện tích nuôi thuỷ sản ngày càng tăng, cụ thể: Vùng nước mặn, lợ đã chuyển đổi được trên 15.000 ha đất hoang hoá, đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm sú và nâng cấp trên 20.000 ha đất nuôi thuỷ sản. Vùng nuôi thuỷ sản nước ngọt nâng cấp, mở mới 9.100 ha.
Kết quả nuôi thuỷ sản:
- Giai đoạn 2001 – 2006: Diện tích nuôi thuỷ sản năm 2001 là 38.311 ha đến năm 2006 đạt 61.397 ha tốc độ tăng bình quân năm là 9,89%, trong đó diện tích nuôi công nghiệp và bán công nghiệp 22.527 ha, so với năm 2001 tăng 18.788 ha. Sản lượng thuỷ sản năm 2001 là 51.880 tấn, năm 2006 đạt 115.941 tấn (trong đó sản lượng tôm nuôi 54.000 tấn), tốc độ tăng bình quân là 17,5%/năm. Từ đó nguồn nguyên liệu hàng năm tăng, sản lượng chế biến thuỷ sản năm 2001 là 18.500 tấn, năm 2006 đạt 38.800 tấn tăng hơn 2 lần; Kim ngạch xuất khẩu từ 202 triệu USD năm 2001 tăng lên 327 triệu USD năm 2006, tăng 161%.
- Năm 2007: Hai công trình thuỷ lợi Thạnh Mỹ và Trà niên hoàn thành đưa vào sử dụng, từ đó diện tích nuôi thuỷ sản tăng 2000 ha so với năm 2006. Đặc biệt vùng tôm lúa Mỹ Xuyên được nâng cấp do có nguồn cấp thoát nước hoàn chỉnh, nhiều mô hình nuôi đạt hiệu quả cao, giảm được diện tích thiệt hại so với các năm trước. Diện tích nuôi bán thâm canh tăng nhanh. Cụ thể diện tích thuỷ sản năm 2007 đạt 63.334 ha, đạt 103% kế hoạch. Trong đó diện tích nuôi tôm 48.725 ha, có 26.552 ha nuôi tôm sú công nghiệp và bán công nghiệp, tăng 4.025 ha so với năm 2006; diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến là 22.173 ha; cá và thuỷ sản khác 14.609 ha. Tổng sản lượng thuỷ sản 132.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi 99.000 tấn (có 58.900 tấn tôm). Sản lượng chế biến ước đạt 55.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 370 triệu USD.
Về mô hình nuôi: Vùng nước mặn, lợ chủ yếu mô hình nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp, năng suất bình quân đạt từ 3 đến 5 tấn/ha, mô hình nuôi tôm lúa đạt 600 đến 800 kg/ha. Nhờ được đầu tư các công trình thuỷ lợi đã nâng cấp diện tích từ độc canh cây lúa sang kết hợp nuôi tôm, do đặc điểm khí hậu và điều kiện tự nhiên trong năm chỉ có 2 mùa mưa và nắng, Ngành đã khuyến cáo nông dân chỉ sản xuất một vụ tôm, trồng lại một vụ lúa hoặc thả nuôi cá, cua biển....để cải tạo tốt môi trường, sản xuất mang tính bền vững. Ngoài ra vùng ven biển có mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng rừng, nuôi atermia trên ruộng muối, nên hiệu quả kinh tế tăng lên, doanh thu bình quân 1 ha đạt trên 60 triệu đồng đối với mô hình nuôi một vụ tôm - vụ lúa; riêng mô hình nuôi tôm công nghiệp doanh thu đạt từ 270 đến 450 triệu đồng/ha.
Vùng nước ngọt sau khi đầu tư thuỷ lợi, tháo chua rửa phèn đã phát triển nuôi các loài cá đen kết hợp với trồng lúa, các mô hình nuôi chuyên, nuôi trong ao mương vườn, diện tích nuôi thuỷ sản vùng ngọt đạt 14.779 ha, năng suất bình quân từ 600 - 800 kg/ha. Doanh thu bình quân đạt trên 30 triệu đồng/ha.
Vùng ven sông Hậu gần đây đã phát triển mạnh mô hình nuôi cá tra, diện tích đã nuôi 130 ha, năng suất bình quân từ 160 - 180 tấn/ha; đặc biệt có hộ nuôi năng suất trên 200 tấn/ha; giá cá hiện nay dao động từ 12.500 - 14.000 đ/kg.
* Về tình hình thiệt hại trong nuôi thuỷ sản: các năm trước do hệ thống thuỷ lợi đầu tư chưa đáng kể, nguồn nước cấp – thoát chưa đáp ứng yêu cầu cho vùng nuôi, môi trường nước bị tù đọng, gây ô nhiễm từ đó diện tích thiệt hại hàng năm tăng, cụ thể các năm từ 2001 đến năm 2004 diện tích nuôi tôm thiệt hại trên 25%, năm 2005 đến nay diện tích thiệt hại bình quân 8 %/năm.
Đạt được những thành tựu trên, ngoài sự hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương đầu tư các công trình thuỷ lợi lớn, ngân sách địa phương hàng năm tập trung đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi cấp II, cấp III, kết hợp với giao thông nông thôn, huy động nhân dân làm tốt thuỷ lợi nội đồng, tạo môi trường thông thoáng giảm thiểu ô nhiễm môi trường....Ngành đã tập trung khuyến cáo, hướng dẫn nông dân kỹ thuật nuôi thuỷ sản, tăng cường quản lý về thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản, tuyên truyền kiến thức về pháp luật thuỷ sản....nhằm nâng cao nhận thức của người dân, góp phần thuận lợi phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nông dân vùng nông thôn.
II. CÁC ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NUÔI THUỶ SẢN BỀN VỮNG
- Mặt dù các năm qua được Trung ương và tỉnh tập trung đầu tư các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất đạt được những kết quả đã nêu trên, tuy nhiên so với tiềm năng và yêu cầu phát triển sản xuất vẫn còn hạn chế. Để khai thác tiềm năng nhất là phát triển nuôi thuỷ sản đạt được hiệu quả cao và mang tính ổn định, bền vững, Ngành thuỷ sản Sóc Trăng kiến nghị một số nội dung sau:
1. Đề nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư thuỷ lợi hoàn chỉnh cho vùng đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo tính liên hoàn thông suốt giữa các vùng, các tỉnh với nhau. Riêng tỉnh Sóc Trăng đề nghị sớm đầu tư hoàn chỉnh dự án thuỷ lợi vùng 6 xã huyện Mỹ Xuyên để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, nâng cấp trên 18.000 ha diện tích nuôi tôm lúa huyện Mỹ Xuyên, vì hiện nay do chưa đủ điều kiện cấp thoát nước nên hàng năm diện tích thiệt hại phần lớn của tỉnh tập trung ở vùng tôm lúa Mỹ Xuyên.
2. Cần rà soát lại các giải pháp thuỷ lợi thực thi vừa qua:
- Tránh trường hợp khê đọng vùng giáp nước, dòng chảy yếu dẫn đến bị bồi lắng cục bộ. Vấn đề bồi lắng dòng chảy ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long nói chung sau mùa lũ mức độ bồi lắng tăng rất nhanh ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy.
- Tránh trường hợp nguồn nước cấp - thoát bị đọng, nên tạo hướng tiêu thoát mạnh ra biển Đông; tiêu úng xổ phèn ở vùng trũng thấp phải được độc lập. Tránh hiện tượng xả ngọt, phèn gây chết tôm nuôi hàng năm nhất là vùng giáp ranh nguồn nước mặn, ngọt như ở Nhu Gia - Mỹ Phước, Sóc Trăng.
3. Đầu tư thuỷ lợi dự án vùng trũng thuộc các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, Ngã Năm để thau chua rửa phèn nâng diện tích lúa 1 vụ lên canh tác hai vụ lúa kết hợp nuôi thuỷ sản. Hiện nay vùng này do trũng, phèn năng suất thấp. Đề xuất hướng phân lũ cho vùng này theo hướng hiệu quả và bền vững, khắc phục tình trạng tồn dư nông dược trong sản phẩm thuỷ sản ở các vùng nuôi trồng kết hợp.
4. Đối với vùng dự án ven biển: Hình thành hệ thống công trình thuỷ lợi cấp và thoát nước phục vụ sản xuất thuỷ sản cho toàn vùng dự án, bố trí điều chỉnh một số công trình cấp nước qua đê sông Mỹ Thanh, sữa chữa lại các cống dưới đê biển Vĩnh Châu, hoàn thiện hệ thống kênh Trà Niên từ cấp I đến cấp II, cấp III nhằm đảm bảo cấp nước cho vùng giữa trung tâm dự án.