“Bảo bối” cứu hộ đê trong mùa mưa lũ. [24/7/08]

23/07/2008 13:19

12

“BẢO BỐI” CỨU HỘ ĐÊ TRONG MÙA MƯA LŨ

 

                                             Phạm Đăng Ấp

                                       KS.cao cấp,  Nguyên Trưởng phòng QHKT
Cục Đê điều

 

            Sổ tay kỹ thuật thường thức hộ đê là cẩm nang giúp cho cán bộ chống lụt ở  cơ sở có những kiến thức cơ bản để xử lý những hư hỏng thường gặp. Song đối với một số cán bộ mới được tham gia ứng cứu đê lần đầu, khi gặp sự cố lớn, phức tạp sẽ lúng túng không biết chuyển hướng xử lý ra sao, để cho sự cố phát triển quá nhanh dẫn đến vỡ đê (như ở đê Nhất Trai tháng 8/1971).

            Để khắc phục tình trạng trên, tôi xin trao đổi kinh nghiệm xử lý một vài sự cố ít gặp, sử dụng “bảo bối” cuối cùng để “thoát hiểm”. Dưới đây xin nêu cụ thể:

I. ĐỐI VỚI ĐÊ

            1. Gặp trường hợp phía đồng, hố khoan địa chất chưa lấp hoặc lấp  chưa kỹ, lũ lớn áp lực mạnh phụt lên cột nước khá cao.

Dùng ngay những cây xoan, phi lao, bạch đàn… dài, thẳng, một đầu nhỏ, một đầu to, đường kính của đầu to lớn hơn đường kính lỗ phụt 1 ít. Dùng sức của nhiều người cùng cầm một cây nói trên, lựa đưa đầu nhỏ cắm vào lỗ phụt trước rồi cùng nhau ấn, đóng cây gỗ bịt tắc lỗ phụt. Chú ý: Phải chuẩn bị từ 2~3 cây để đề phòng hẫng hụt; dài thì cắt bớt, ngắn thì nối thêm; trên cùng phải làm lọc thoát nước bình thường.

2. Lỗ phụt lớn ở chân đê phía đồng có đường kính ³ 0,60 m:

- Làm giếng lọc như sách hướng dẫn.

- Nếu phụt mạnh, nước mang theo nhiều bùn cát thì thả xuống 1 vài viên đá hộc để phân nhỏ dòng chảy, đồng thời đặt ngay phên rơm dày  0,50m  thay cát, có đường kính rộng hơn lỗ phụt; đắp bờ quây xung quanh; phủ các lớp đá dăm, đá ba, đá hộc lên trên phên rơm, làm máng dẫn nước cho giếng lọc. Nếu thấy không có hiệu quả, nước chảy ra mang theo nhiều bùn cát hơn thì không chần chừ chuyển hướng xử lý sang phương án 2: Cắm cừ thả bao tải đất, đất hòn, mở rộng thân đê ra phía sông đề phòng đê sập.

3. Trường hợp đê bối ngoài đê chính cố giữ dài ngày, nhưng không giữ được, khi vỡ làm cho đê chính bị thấm nước đột ngột  gây sạt trượt mái phía đồng với quy mô lớn liên tục tới vài trăm mét, phạm vào thân đê, có đoạn trượt hết cả mặt đê. Trường hợp này tuyệt đối không được đóng cừ tre, vì đóng cừ tre càng gây chấn động và sạt trượt thêm, mà phải tiến hành đồng thời mấy việc sau đây:

- Làm rãnh thoát nước, đắp cơ phản áp để giữ khối đất trượt theo sách đã hướng dẫn.

- Đắp áp trúc mở rộng cơ đê phía sông, thực hiện nguyên tắc: “ngoài chắn trong thoát” nhằm hạn chế nước thấm qua đê, tăng cường ổn định và chống lũ cho đê. (Đây là kinh nghiệm  quý xử lý đê sông Hoài – Trung Quốc trong lũ 1954 và đê sông Hồng đoạn Quán Các - Nam Định tháng 8/1971 giữ được đê không vỡ).

II. ĐỐI VỚI CỐNG

            - Nếu gặp các trường hợp hư hỏng thông thường thì xử lý theo sách đã hướng dẫn.

            - Nếu gặp trường hợp lũ to làm gẫy trôi mất hết cánh cửa cống thì làm và đặt ngay cánh cửa giả thay cánh cửa chính đã bị trôi, rồi đánh bí và lấp bịt theo cách hoành triệt cống như sách đã hướng dẫn, nếu có khó khăn sẽ sử dụng đập dâng để hỗ trợ.

            - Gặp trường hợp cống bị sập vòm: Khi chỗ sập còn nhỏ thì dùng “mẹo” làm khung, lưới, vải bạt nhẹ đặt lên chỗ sập. Tuyệt đối không được đè nặng gây sập thêm.

            - Nếu thấy không có hiệu quả thì chuyển hướng xử lý sang phương án 2: làm đập dâng phía đồng để hỗ trợ lấp bịt cửa cống phía sông.

            - Nếu không có điều kiện làm đập dâng phía đồng thì bắt buộc phải đắp đê đá ra phía sông trước cống (như cống Nội Doi -  Quế Võ, Bắc Ninh lũ tháng 8/1986).

III. ĐỐI VỚI KÈ

            Xử lý hư hỏng của kè trong mùa lũ là việc làm “vạn bất đắc dĩ” vì rất khó khăn, tốn kém, khó đạt được yêu cầu kỹ thuật và rất nguy hiểm nên phải lấy bảo đảm an toàn là hàng đầu.           Hư hỏng của kè trong mùa lũ thường chia thành 02 trường hợp:

            1. Trường hợp nước lũ chưa ngập bãi và bãi còn tương đối rộng:         

Đối với trường hợp này, có xử lý hay không xử lý? và nếu xử lý thì nên làm với biện pháp, quy mô và mức độ như thế nào... sẽ là tùy thuộc vào sự đánh giá về mức độ nguy hiểm, đe dọa đến sự mất an toàn của đê lớn hay nhỏ? Vấn đề này rất quan trọng, phần lớn phụ thuộc vào kinh nghiệm nghề nghiệp và tính quyết đoán của người cán bộ kỹ thuật được giao trọng trách quản lý theo dõi công trình kè đó quyết định, không có sách và chuyên gia nào có thể nói trước được.

2. Trường hợp bãi đã bị ngập lũ, đoạn sạt lở cũng không còn bãi, thậm chí đã phạm vào thân đê (Kè Quảng Lãng – Phú Xuyên, Hà Tây lũ tháng 8/1969). Đây là trường hợp cực kỳ nguy hiểm vì lũ đã trực tiếp đe dọa đến an toàn của đê và hàng triệu con người phía đằng sau đê. Vì vậy phải khẩn trương triển khai ngay phương án “Bảo vệ trọng điểm” theo phương châm “04 tại chỗ”, bố trí lực lượng, đồng thời thực hiện tốt 04 biện pháp sau đây:

a) Khoanh vùng bảo vệ, đặt biển, rào ngăn cấm người, súc vật, các phương tiện giao thông qua lại, các vật, chất nặng, gây chấn động trong phạm vi kè đang bị nguy hiểm.

b) Tiến hành thả các cụm cây to và vừa để hướng và cản dòng ở phía trên và trong khu vực kè bị sạt lở.

c) Tăng cường lực lượng thả rồng vì đây là khâu quyết định nhất nhằm nhanh chóng tạo lớp “áo giáp” chống xói bảo vệ kè.

d) Đắp đất mở rộng thân đê về phía đồng: đây là khâu quan trọng không kém gì khâu thả rồng vì phải chạy đua với tốc độ xói lở kè. Phải luôn luôn bảo đảm mặt đê mới bằng hoặc to hơn mặt đê cũ để đề phòng bất trắc khi các biện pháp khác chưa có kết quả./.

 

            xử lý hư hỏng của kè trong mùa lũ là rất khó khăn, tốn kém  và nguy hiểm, nên phải lấy bảo đảm, an toàn lao động là hàng đầu. Thường có 2 trường hợp sau:

            - Trường hợp kè chưa ngập bãi và còn bãi tương đối rộng:

            + Thả cụm cây vừa trong phạm vi sạt lở, quá ra 2 đầu mỗi phía 30m.

            + Thả rồng đoạn sạt lở mạnh nhất để củng cố chân kè.

            - Trường hợp bãi đã bị ngập, đoạn sạt lở cũng không còn bãi, thậm  chí phạm vào thân đê. (Kè Quang Lãng – Phú Xuyên - Hà Tây trong lũ 8/1969): Thực hiện đồng thời 3 việc sau:

            + Thả cụm cây hướng và cản dòng trong khu vực kè bị sạt lở.

            + Thả rồng tre bỏ đá hoặc rồng đá lưới thép bọc nhựa để củng cố chân kè, ưu tiên thả rồng ở những chỗ sạt lở nghiêm trọng trước. Thả liên tục bao giờ không còn sạt lở nữa mới dừng.

            + Đắp đất mở rộng thân đê về phía đồng, luôn bảo đảm mặt đê mới rộng trắc, xấp xỉ hoặc lớn hơn mạt đê cũ để đề phòng bất trắc./.

Phạm Đăng Ấp

Nguyên trưởng phòng Quy hoạch kỹ thuật

Cục đê điều

 

                                                                       

(www.vncold.vn)