63 năm xây dựng và phát triển ngành Thủy lợi Việt Nam. [01/9/08]­

30/08/2008 22:27

24

63 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

NGÀNH THUỶ LỢI VIỆT NAM

 

       

               I. CHẶNG ĐƯỜNG 63 NĂM 
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

 

Lịch sử xây dựng và phát triển Thuỷ lợi Việt Nam gắn liền với lịch sử dựng nước và phát triển đi lên của dân tộc. Hàng nghìn năm trước đây, bằng những hình thức: đào kênh tiêu thoát nước, đắp bờ giữ nước, làm phai đập, guồng, cọn, cống để lấy nước, đắp đê phòng lụt… Tổ tiên ta đã đẩy lùi sình lầy ngập lụt, úng, hạn, mở ra những vùng đất canh tác màu mỡ từ miền núi, trung du đến các vùng châu thổ rộng lớn của các dòng sông để trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra nền văn minh lúa nước sớm ở Đông Nam Châu Á.

Kinh nghiệm phong phú về làm thuỷ lợi ở mọi miền đã ngày càng được bổ sung nâng cao qua các thời kỳ:

Sau Cách mạng Tháng 8 thành công, ngày 28/8/1945 theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban Dân tộc Giải phóng tự cải tổ thành Chính phủ Lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Bộ Giao thông Công chính có phần chức năng nhiệm vụ thuỷ lợi, do Cụ Đào Trọng Kim - Kỹ sư thuỷ lợi - giữ chức Bộ trưởng. Ngày 2/3/1946 Quốc hội đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, trong đó Bộ Giao thông Công chính do Cụ Trần Đăng Khoa – cũng là Kỹ sư thuỷ lợi – làm Bộ trưởng.

Ngay sau khi thành lập, trong muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài và thiếu thốn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền cách mạng đã tổ chức động viên toàn dân khắc phục hậu quả lũ lụt, đắp lại hơn 10 đoạn đê bị vỡ khiến 26 vạn ha đồng lúa bị ngập chìm trong nước, đồng thời khôi phục các công trình thuỷ lợi.
       
·   Trong những năm kháng chiến chống Pháp 1946-1954:

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ”, phong trào nhân dân làm thuỷ lợi được tổ chức mạnh mẽ nhằm khai thác và mở rộng những công trình thuỷ lợi lớn trong vùng giải phóng có đủ đầu mối nhưng còn thiếu kênh mương như Bái Thượng, Đô Lương nhờ đó đã tưới thêm được 15.000ha. Ngoài ra, phong trào làm thuỷ lợi nhỏ được phát động khắp nơi từ miền núi, trung du đến miền biển đã góp phần tưới thêm được 50.000ha.

Công tác đắp đê chống lụt được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 70-SL thành lập tại Bắc bộ Uỷ ban Trung ương hộ đê. Đến ngày 28/5/1948 Hồ Chí Minh lại ký Sắc lệnh 194-SL thành lập Uỷ ban Bảo vệ đê điều từ cấp liên khu đến tỉnh, huyện, xã. 
       
·   Thời kỳ 1955-1974:

Sau khi miền Bắc được giải phóng, bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế (1955-1974). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua trong ngành thuỷ lợi được phát triển nên đã khôi phục nhanh các hệ thống thuỷ lợi bị chiến tranh tàn phá và đẩy mạnh được việc xây dựng các công trình thuỷ lợi từ vừa, nhỏ đến lớn như các hồ Cấm Sơn, Núi Cốc…; các hệ thống trạm bơm ở Bắc Nam Hà; Bắc, Nam Thái Bình… Thành quả thuỷ lợi trong những năm này đã tạo cơ sở cho ổn định sản xuất vụ mùa, mở ra vụ Chiêm – Xuân còn hạn hẹp, bấp bênh trở thành vụ sản xuất chính có năng suất cao, nhờ có thuỷ lợi cùng các biện pháp nông nghiệp đã tạo ra những cánh đồng 5 tấn trên diện rộng từ đồng bằng đến trung du, miền núi.

 ·   Thời kỳ 1976-1985:

+ Ở miền Bắc: Trên cơ sở quy hoạch các lưu vực sông được lập, đã xây dựng thêm nhiều công trình thuỷ lợi mới và khai thác các công trình đã có. Củng cố và nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển, công trình phân lũ sông Đáy và các công trình phân chậm lũ khác.

+ Ở miền Nam: Đã tập trung lập quy hoạch thuỷ lợi Đồng bằng Sông Cửu Long, hệ thống sông Đồng Nai và phụ cận, các sông ở miền Trung, Tây Nguyên để lựa chọn và thực hiện xây dựng những công trình đợt đầu theo các bước đi thích hợp.

Thành công lớn nhất đối với Đồng bằng sông Cửu Long là đã có chủ trương kỹ thuật và bước đi đúng để cải tạo môi trường nước từ ngập lũ, chua phèn, mặn xâm nhập bằng các hệ thống kênh trục, kênh ngang, cống, bờ bao nên đã chuyển được vụ lúa mùa nổi năng suất thấp sang 2 vụ lúa Đông – Xuân, Hè – Thu có năng suất cao trên các vùng rộng lớn Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, Tây Sông Hậu (riêng ở vùng Đồng bằng Tháp Mười sản lượng lúa đã tăng 4 lần so với năm 1976), nhiều dự án ở vùng mặn đã đạt được những thành công to lớn như các dự án Gò Công, Ba Tri, Mỏ Cày… đã góp phần tăng năng suất, tăng diện tích canh tác. Nhiều hệ thống tưới mới như Dầu Tiếng, Sông Quao, Iazunhạ, Phú Ninh, Kẻ Gỗ, Thạch Nham… đã được xây dựng. Công tác tiêu úng ở miền Bắc được tập trung giải quyết, nâng cao. Nhiều hệ thống đê điều được mở mới, củng cố. Nước sinh hoạt cho vùng cao từng bước được lo giải quyết nguồn…

          ·   Thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay:

+ Tiếp tục củng cố và phát triển các hệ thống thuỷ lợi ở các vùng để nâng cao mức đảm bảo tưới, tiêu và mở rộng thêm diện tích tưới cho những vùng còn có nhiều tiềm năng đất đai như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

+ Ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh thêm nhiều công trình có quy mô lớn hơn để ngăn mặn, dẫn ngọt, thau chua, ém phèn; Hoàn chỉnh dần các hệ thống kênh trục, kênh ngang, các hệ thống cống, bờ bao để tiêu thoát lũ, ngăn mặn, thau chua, bảo vệ sản xuất, dân sinh và chủ động kiểm soát lũ trong các vùng được quy hoạch.

+ Ở Đồng bằng sông Hồng đầu tư thêm để nâng cao năng lực tiêu úng và khai thác chiều sâu các công trình phục vụ cho thâm canh, mở rộng diện tích vụ đông và chuyển đổi sản xuất.

+ Trước sự phát triển nhanh chóng của đô thị và các khu công nghiệp cũng như nhu cầu tăng vụ, chuyển đổi sản xuất; nhu cầu cấp nước tăng, ô nhiễm mở rộng, đặc biệt nhu cầu tiêu tăng rất lớn, các trục tiêu nội đồng như sông Nhuệ, Bắc Hưng Hải không đáp ứng được yêu cầu tiêu…  việc rà soát quy hoạch để nâng cao hệ số tưới, tiêu đã và đang được đặt ra để thực hiện; Nhiều công trình lớn phục vụ đa mục tiêu được thực hiện như Cửa Đạt, Định Bình…

+ Về đê điều: Đã nâng cao mức đảm bảo của các hệ thống đê sông, đê biển trước diễn biến của thiên tai và biến đổi khí hậu gần đây.

Nhìn lại chặng đường 63 năm qua, kể từ khi thành lập ngành thuỷ lợi trong Bộ Giao thông Công chính (1945-1955), qua các giai đoạn của Bộ Thuỷ lợi Điện lực, Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc đến Bộ Thuỷ lợi (1958-1995), rồi Bộ Nông nghiệp & PTNT mặc dù tổ chức có thay đổi, tên gọi có khác nhau nhưng bất kỳ ở đâu và trong thời gian nào, các nhiệm vụ thuỷ lợi vẫn luôn được toàn thể cán bộ công nhân viên trong ngành và nhân dân các địa phương thực hiện với quyết tâm cao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Bác Hồ và toàn nhân dân.

Tấm Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho ngành Thuỷ lợi năm 1995 nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Ngành đã thể hiện sự đánh giá và ghi nhận công lao to lớn của Ngành, của nhân dân và đội ngũ cán bộ công nhân viên các thế hệ trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Từ cuối năm 1995 đến nay, trong Bộ Nông nghiệp & PTNT hợp nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ NN&PTNT, đội ngũ cán bộ công nhân viên thuỷ lợi đương chức vẫn tiếp bước các thế hệ trước đây, tiếp tục đưa sự nghiệp thuỷ lợi có thêm những bước phát triển mới. Có thể nói đây là thời kỳ được quan tâm đặc biệt vì nguồn vốn đầu tư với mức bình quân 5.000 tỷ đồng trong một năm do vậy rất nhiều hệ thống thuỷ lợi đã và đang được xây dựng.

Dưới đây là tổng hợp những thành tựu cơ bản của ngành thuỷ lợi trong 63 năm qua.

1. Về tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp

Tính đến năm 2007 trên phạm vi cả nước, các hệ thống thuỷ lợi lớn, vừa và nhỏ đã đảm bảo:

- Tưới trực tiếp cho 3,45 triệu ha đất nông nghiệp;

- Tạo nguồn tưới cho 1,13 triệu ha;

- Tiêu cho 1,4 triệu ha;

- Ngăn mặn cho 0,87 triệu ha;

- Cải tạo chua phèn cho 1,6 triệu ha;

- Chống sa mạc hoá.

Trong điều kiện dân đông, đất canh tác ít, cần phải quay vòng 2,3 vụ nên các công trình đều được thiết kế tưới cho 2,3 vụ. Đến nay toàn bộ các công trình thuỷ lợi trên toàn quốc đã tưới cho 7,61 triệu ha lúa và 1 triệu ha rau màu cây công nghiệp. Trong 7,61 triệu ha lúa được tưới có: 2,89 Đông – Xuân; 2,25 triệu ha lúa Hè – Thu; 2,51 triệu ha lúa mùa.

Với tổng diện tích gieo trồng lúa và rau màu cây công nghiệp được tưới đạt 8,6 triệu ha, Việt Nam đã đứng vào hàng thứ 6 của thế giới sau các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Pakistan, Iran.

2. Đê điều – Phòng chống giảm nhẹ thiên tai

Đã nâng cấp và xây dựng mới 5.700 km đê sông, 3.000 km đê biển, 23.000 km bờ bao, hàng nghìn cống dưới đê, hàng trăm cây số kè.

+ Về đê sông:

Ở miền Bắc, nhờ sự hỗ trợ điều tiết của hồ Hoà Bình, Thác Bà, hệ thống đê sông Hồng và Thái Bình đã đảm bảo chống được lũ Hà Nội ở cao trình 13,40m ứng với tần suất 125 năm/lần. Khi hồ Tuyên Quang đi vào vận hành, tần suất được nâng lên 250 năm và khi hồ Sơn La đi vào vận hành, tần suất được nâng lên 500 năm.

Ở Bắc Trung bộ: Đê sông Mã, sông Cả chống được lũ lịch sử chính vụ không bị tràn.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long: Hệ thống bờ bao đã chống được lũ sớm, lũ tiểu mãn để bảo vệ vụ lúa Hè – Thu và các điểm dân cư trong vùng kiểm soát lũ.

+ Đê biển: Hệ thống đê biển ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ có thể ngăn mặn và triều tần suất 10% khi gặp bão cấp 9.

3. Cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản

Đi đôi với mở rộng diện tích tưới nước để đảm bảo nước ngọt quanh năm cho nhiều vùng rộng lớn ở cả đồng bằng, trung du, miền núi mà trước kia nguồn ngọt rất khó khăn; tạo điều kiện phân bổ lại dân cư; tạo điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển thuỷ sản.

- Đối với nông thôn: Đã cấp nước sạch ở nông thôn được 50% số hộ.

- Nhiều hồ chứa đã cấp nước cho công nghiệp và đô thị, khu đô thị đang được xây dựng như: hồ Sông Ray (Bà Rịa – Vũng Tàu), hồ Mỹ Tân (Ninh Thuận), cụm hồ Thuỷ Yên - Thuỷ Cam (Huế), hồ Hoà Sơn (Khánh Hoà), hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Hà Tĩnh), hồ Bản Mòng (Sơn La), hồ Nậm Cát (Bắc Cạn), còn rất nhiều hồ kết hợp tưới, cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt.

- Đối với thuỷ sản: Đã đảm bảo nguồn nước cho nuôi trồng thuỷ sản nội địa và tạo điều kiện cho mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản vùng nước ngọt, nước lợ lên 600.000 ha.

4. Tham gia phát triển thuỷ điện

Từ những năm 1960 khi Uỷ ban Trị thuỷ và Khai thác sông Hồng được thành lập và đi vào hoạt động, trong nghiên cứu quy hoạch tổng hợp để phục vụ cho chống lũ, phát điện, cấp nước, vận tải thuỷ… , đã xác định 3 bậc thang sông Đà, lập luận kinh tế kỹ thuật hồ Hoà Bình, xác định các bậc thang trên hệ thống Lô – Gâm, cùng với quy hoạch trị thuỷ khai thác sông Hồng đã mở rộng ra các sông ở miền Trung và sau này mở ra trên phạm vi cả nước. Những đề xuất về thuỷ điện trên các hệ thống sông đã là cơ sở giúp cho ngành điện tham khảo để quy hoạch và xây dựng các công trình thuỷ điện sau này.

Cùng lực lượng quy hoạch, các lực lượng khảo sát, thiết kế, thi công, xử lý nền móng của thuỷ lợi trong các thập kỷ qua cũng đã có những đóng góp đáng kể vào việc phát triển thuỷ điện, và chính qua tham gia phát triển thuỷ điện nhiều đơn vị như Tổng Công ty Cơ điện Xây dựng Nông nghiệp & Thuỷ lợi, Tổng Công ty Xây dựng 4, Công ty Xây dựng 47, các Công ty xử lý nền thuỷ lợi, Trung tâm Thuỷ điện - Viện Khoa học Thuỷ lợi (nay là Viện Thuỷ điện và Năng lượng tái tạo) đã có những bước phát triển đáng kể.

5. Đóng góp vào việc bảo vệ, cải tạo môi trường, tạo tiền đề xây dựng cuộc sống văn minh hiện đại.

- Các hồ đập được xây dựng ở mọi miền đã làm tăng độ ẩm, điều hoà dòng chảy, tạo điều kiện để ổn định cuộc sống định canh định cư để giảm đốt phát rừng. Các trục kênh tiêu thoát nước của các hệ thống thuỷ nông đã tạo nguồn nước ngọt, tiêu thoát nước thải cho nhiều đô thị, thành phố.

- Song hành với hệ thống tưới, tiêu, đê điều và đường thi công thuỷ lợi đã góp phần hình thành mạng giao thông thuỷ, bộ rộng khắp. Ở nông thôn đã cải tạo trên diện rộng các vùng đất, nước chua phèn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều vùng đất “chiêm khe mùa thối” mà trước đây người dân phải sống trong cảnh “6 tháng đi chân, 6 tháng đi tay”, thành những vùng 2 vụ lúa ổn định có năng suất cao, phát triển được mạng đường bộ, bảo vệ được cây lưu niên, có điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

6. Đóng góp quan trọng vào xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tạo điều kiện để bố trí lại dân cư tập trung thuận tiện cho sản xuất, giao thông và tránh lũ như ở ĐB Sông Cửu Long.

7. Đóng góp vào việc quản lý tài nguyên nước

Đã thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước như xây dựng Luật Tài Nguyên Nước, một số văn bản dưới Luật, thành lập các Ban Quản lý lưu vực sông trọng điểm, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, xây dựng quy hoạch khai thác sử dụng tổng hợp tài nguyên nước và phòng chống tác hại do nước gây ra.

Cùng với ngành điện xây dựng nhiều hồ chứa, các hệ thống chuyển nước lưu vực. Đã thực sự đóng góp to lớn vào việc điều hoà nguồn nước giữa mùa thừa nước và mùa thiếu nước, giữa năm thừa nước và năm thiếu nước, giữa vùng thừa nước và vùng khan hiếm nước, biến nguồn nước ở dạng tiềm năng đổ ra biển thành nguồn nước có ích cho quốc kế dân sinh.

8. Phát triển khoa học kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực

Trong 63 năm qua đã đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của công tác khoa học kỹ thuật trong việc giải quyết các yêu cầu phức tạp của ngành từ quy hoạch, thiết kế, thi công xây dựng và quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, các công trình thuỷ lợi và phòng chống thiên tai; đã đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đông đảo có trình độ chuyên môn sâu.

Từ một ngành kỹ thuật còn rất non trẻ đến nay chúng ta đã đào tạo bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ, chuyên gia, công nhân kỹ thuật có đủ trình độ làm chủ được các vấn đề khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý nghiên cứu khoa học phức tạp ngang tầm các nước trong khu vực.

Ngành thuỷ lợi cũng là ngành xây dựng đã xây dựng được nhiều tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật chặt chẽ, tiên tiến trong quy hoạch, thiết kế, thi công; đã xây dựng Bộ Sổ tay Tra cứu Thuỷ lợi trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ thuật nhà nước, đặc biệt là quy trình vận hành liên hồ lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta do Thủ tướng Chính phủ giao để phục vụ cho chống lũ, phát điện, cấp nước cho hạ du từ năm 2006 trở lại đây.

Trường Đại học Thuỷ lợi – Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, Huân chương Hồ Chí Minh – là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và khoa học công nghệ lớn của ngành. Cho đến nay Trường đã đào tạo hàng chục ngàn cán bộ khoa học kỹ thuật trình độ cao cho ngành thuỷ lợi và ngành nông nghiệp – phát triển nông thôn, đã và đang thực hiện một chương trình đổi mới toàn diện và sâu sắc với mục tiêu trở thành một trong 10 Trường Đại học hàng đầu của Việt Nam và là trung tâm đào tạo hàng đầu khu vực về kỹ thuật tài nguyên nước, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

 Đó là vốn quý để thực hiện những nhiệm vụ to lớn hơn trong thời gian tới.

Có được những thành quả to lớn trên trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp giúp đỡ của các Bộ ngành liên quan và toàn dân, trong đó có các thế hệ cán bộ công nhân viên qua các thời kỳ.

Xin phép được thay mặt ngành Thuỷ lợi bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; cảm ơn sự phối hợp giúp đỡ của các Bộ, Ngành liên quan, các địa phương, các cơ quan truyền thông, báo chí đã hết lòng giúp đỡ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thuỷ lợi.

Xin được gửi tới các thế hệ các cụ, các bác Hưu trí Thuỷ lợi, những người đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp thuỷ lợi trong những thời kỳ khó khăn của đất nước vừa qua. Chúc các cụ, các bác, các đồng chí luôn mạnh khoẻ và tiếp tục có những đóng góp xây dựng ngành và bồi dưỡng, truyền đạt cho những thế hệ sau những kiến thức, kinh nghiệm quý báu để hoàn thành các nhiệm vụ của Ngành trong thời gian tới. Chúc toàn thể cán bộ công nhân viên chức đang hoạt động trong các lĩnh vực thuỷ lợi trên cả nước phấn đấu không ngừng, vươn lên giành những thành tựu mới.

 

II. NHIỆM VỤ, MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2020