Thủy lợi và phát triển nuôi trồng thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long. [04/10/08]
04/10/2008 17:37
Giới thiệu chung
Trong những năm gần đây ngành nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp đáng kể cho sự phát triển ngành thuỷ sản nói riêng và cho nền kinh tế quốc dân nói chung. Trong các hoạt động hỗ trợ cho sự phát triển của ngành nuôi trồng thuỷ sản, chế biến thức ăn, sản xuất giống thuỷ sản, thú y và đặc biệt là công tác phát triển hệ thống thuỷ lợi là không thể không nhắc đến.
Trước đây, các hệ thống thuỷ lợi mới chủ yếu được phát triển phục vụ cho mục đích nông nghiệp là chính, thuỷ sản chỉ là hoạt động thứ yếu được hưởng lợi từ phát triển thuỷ lợi. Mặc dù vậy, phần lớn các hoạt động NTTS vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung hiện vẫn đang phải dựa vào sự hỗ trợ của hệ thống thuỷ lợi này (kênh mương, nguồn cấp thoát nước…) để phát triển do không có hệ thống riêng của mình. Mặt khác, cũng phải nhìn nhận rằng việc xây dựng một hệ thống thuỷ lợi riêng biệt phục vụ cho NTTS trong khi đã có một hệ thống thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp tương đối phát triển là việc làm không thích hợp và rất lãng phí. Do đó, trong thời gian gần đây hoạt động phát triển thuỷ lợi mặc dù chưa hoàn toàn chính thức nhưng đã có những động thái nhằm thúc đẩy sự phát triển theo hướng phục vụ đa mục đích trong đó có phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản.
Như chúng ta đã biết, hoạt động NTTS của Việt Nam chủ yếu được tiến hành ở vùng ĐBSCL - là vùng chiếm phần lớn cả về sản lượng và diện tích NTTS của cả nước với tổng diện tích có khả năng phát triển NTTS toàn vùng khoảng 1.377.800 ha và diện tích hiện đã đưa vào phát triển NTTS (2005) là 709.980 ha, tổng sản lượng NTTS (2005) đạt 1.014.590 tấn chiếm tới 72% tổng sản lượng NTTS toàn quốc. Với hiện trạng phát triển như vậy hoạt động NTTS vùng ĐBSCL cũng cần có các đầu vào tương ứng bao gồm cả con giống, thức ăn và đặc biệt là nguồn cấp và thoát nước - vốn phải dựa chủ yếu vào hệ thống thuỷ lợi hiện có.
Hệ thống thuỷ lợi vùng ĐBSCL
Hệ thống thuỷ lợi khu vực ĐBSCL được chia làm bốn vùng, 22 tiểu vùng và 120 khu thủy lợi dựa trên các điều kiện về tự nhiên, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, nguyên tắc quản lí tài nguyên… Bốn vùng chính thuộc hệ thống thuỷ lợi của ĐBSCL là vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Bán đảo Cà Mau, vùng giữa sông Tiền và Hậu và vùng tả sông Tiền.
a. Vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX)
TGLX được giới hạn bởi: phía bắc là biên giới Việt Nam - Campuchia, đông là sông Hậu, tây là biển Tây, Nam là kênh Cái Sắn. Vùng TGLX nằm trên ba tỉnh Kiên Giang, An Giang và TP Cần Thơ, với tổng diện tích tự nhiên 498.938 ha được phân thành ba tiểu vùng và 15 khu thủy lợi. Hệ thống thủy lợi đang làm nhiệm vụ:
· Tăng cường khả năng cấp nước ngọt từ sông Hậu cho TGLX, vùng tứ giác Hà Tiên chủ yếu lấy nước từ kênh Vĩnh Tế và kênh Mạc Cần Dưng, Tri Tôn. Vùng đông kênh Trà Sư - Tri Tôn mở rộng đào sâu các kênh không đủ mặt cắt, đồng thời phát triển kênh cấp II và nội đồng.
· Tăng cường đưa lũ vào TGLX để tháo chua, rửa phèn. Tiếp tục đào các kênh thoát lũ.
· Vùng ảnh hưởng mặn ven biển Rạch Giá - Hà Tiên sẽ được kiểm soát mặn bằng các cống ven biển, kết hợp đê ngăn mặn. Hiện nay đã xây dựng xong 23 cống và kênh. Vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới là xây cống Vàm Răng để ngăn mặn.
b. Vùng Bán đảo Cà Mau (BĐCM)
Vùng BĐCM được giới hạn bởi: bắc là kênh Cái Sắn, đông là sông Hậu, nam là biển Đông, tây là biển Tây. BĐCM thuộc TP Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau với tổng diện tích tự nhiên 1.692.218 ha được phân thành 7 tiểu vùng và 51 khu thủy lợi.
Định hướng phát triển thủy lợi lâu dài vùng BĐCM là ngoài phần dự án Quản Lộ-Phụng Hiệp đã được xác định là phải ngọt hóa, các vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ, sẽ được mở rộng ngọt hóa, phát triển sản xuất theo hệ sinh thái nước ngọt. Hệ thống sông Cái Tàu, sông Trẹm và sông Cán Gáo sẽ được ngọt hóa bằng giải pháp ngăn mặn trên sông Cái Lớn-Cái Bé, sông Ông Đốc và hệ thống đê cống ven biển Tây. Đây là vùng rộng lớn nhất trong cả 4 vùng thuộc ĐBSCL và được chia thành các tiểu vùng: U Minh Hạ, U Minh Thượng, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Cà Mau, vùng ven biển Bạc Liêu - Vĩnh Châu và vùng Tây sông Hậu. Hệ thống thuỷ lợi khu vực bán đảo Cà Mau được đầu tư quy hoạch xây dựng khá tốt tuy nhiên cũng giống với các vùng khác trước đây là hệ thống phục vụ chủ yếu cho mục tiêu sản xuất nông nghiệp và mặc dù đây là vùng trọng điểm phát triển NTTS của ĐBSCL cũng như của cả nước nhưng ở đây cũng chưa có một hệ thống thuỷ lợi riêng phục vụ cho mục đích này.
c. Vùng giữa sông Tiền và Hậu
Vùng giữa sông Tiền và Hậu được giới hạn bởi: bắc và đông bắc là biên giới Việt
d. Vùng tả sông Tiền
Vùng tả sông Tiền được giới hạn phía bắc là biên giới Việt Nam-Campuchia, đông là sông Vàm Cỏ Đông và biển Đông, tây và tây nam là sông Tiền. Tổng diện tích tự nhiên 813.133 ha, bao gồm 5 tiểu vùng và 22 khu thủy lợi.
· Vùng nam kênh Nguyễn Văn Tiếp đến Gò Công được chia thành 6 khu dự án, diện tích tự nhiên 271.000 ha, nguồn nước được lấy trực tiếp từ sông Tiền ở phía nam của vùng và tiêu theo hướng Bắc-Nam. Tổng số các kênh cấp I là 23 kênh, với chiều dài là 20 km, trong đó có 20 kênh thoát nước lũ, rạch Bảo Định, kênh Xuân Hòa, kênh 14 cấp nước cho khu Gò Công và Bảo Định.
· Vùng phía Bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp với tổng diện tích tự nhiên 387.400 ha, được chia thành 8 khu dự án, lấy nước sông Tiền ở phía Tây và tiêu nước ra sông Vàm Cỏ ở phía Đông. Trong vùng bố trí 8 kênh trục giải quyết cấp và tiêu nước. Riêng kênh Hồng Ngự còn làm nhiệm vụ cấp nước sang sông Vàm Cỏ.
· Khu vực Tứ Thường là khu vực độc lập, lấy nước trực tiếp từ sông Tiền cho khoảng 8.000 ha, bằng các kênh Tứ Thường, Cái Sách và Nam Hang. Hệ thống kênh cấp I của vùng này được thực hiện tưới tiêu kết hợp và nối các kênh trục với nhau, mang tính chất của từng tiểu vùng. Khoảng cách giữa hai kênh cấp I từ 5-7 km, với chiều rộng đáy từ 8-10m, cao trình đáy -2.0 đến -.30.
· Vùng giữa hai sông Vàm Cỏ gồm 4 khu dự án với tổng diện tích tự nhiên 140.465 ha. Nguồn nước cung cấp chủ yếu cho vùng này là từ sông Tiền, thông qua 8 kênh trục ở Bắc Nguyễn Văn Tiếp, ngoài ra còn lượng cấp từ sông Vàm Cỏ Đông cho vùng ven sông. Tiêu nước cho vùng này được xác định về hai phía sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Các công trình thủy lợi kết hợp tiêu nước, dẫn nước và kiểm soát mặn theo từng tiểu khu riêng biệt (Ven sông Vàm Cỏ Đông từ Xuân Khánh xuống hạ lưu và ven sông Vàm Cỏ Tây từ Ba Hồng Minh xuống đến hạ lưu).
Với chương trình ngọt hóa và kiểm soát lũ của ĐBSCL hiện tại hệ thống thuỷ lợi cấp thoát chính của vùng là kênh cấp I và cấp II. Hệ thống này cùng với hệ thống sông rạch tự nhiên đã làm cho ĐBSCL là vùng sông rạch dày đặc. Với vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Bán đảo Cà Mau, Nam Mang Thít có mật độ kênh khá dày, trung bình cứ 2 km có kênh cấp 2; 5 km có kênh cấp 1. Tuy nhiên, hê thống thuỷ lợi nói chung của ĐBSCL đặc biệt là hệ thống thuỷ lợi vùng ven biển được thiết kế quy hoạch cho phát triển nông nghiệp (chủ yếu là cho phát triển cây lúa) do vậy khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang NTTS hệ thống thuỷ lợi này đã bộc lộ nhiều điểm bất cập. Khẩu diện cống được thiết kế nhỏ hơn nhiều so với mặt cắt kênh nên khi mở và đóng cống, tốc độ dòng chảy vượt quá khả năng di chuyển của các loài thủy sản từ biển, từ sông. Các cống chỉ đóng mở một chiều (tiêu nước từ trong cánh đồng ra) nên không thích hợp với lấy nước mặn và nguồn giống thủy sản từ sông, biển vào. Ngoài ra các kênh trục đều được thiết kế cho mục tiêu kết hợp giao thông thủy, nên việc kiểm soát mặn ngọt cho từng vùng dọc kênh khó thực hiện. Việc dung hòa mâu thuẫn giữa các vùng nuôi tôm - lúa vẫn là điều nan giải hiện nay và cần có hệ thống thuỷ lợi phù hợp. Hệ thống công trình dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp, Chà Và - Thâu Râu (Nam Mang Thít) cho thấy rõ điều này. Việc tiêu thoát nước thải luôn là mối quan tâm của hoạt động NTTS vì dịch bệnh có thể lan truyền nhanh trong môi trường tác động qua lại. Trong nhiều trường hợp, các ao nuôi tôm ở hạ lưu thiệt hại cao hơn. Để có thể phát triển NTTS ở trình độ cao (thâm canh) không những hệ thống thuỷ lợi tiếp ngọt phải thực sự ổn định mà còn cần có hệ thống thuỷ lợi dẫn mặn chủ động. Ngoài ra, hệ thống thuỷ lợi hiện tại chưa là hệ thống liên kết liên hoàn từ vùng NTTS đến vùng phát triển trồng trọt hay trồng rừng để tạo môi trường sinh thái, theo nguyên lý chất thải của NTTS là nguồn cấp dinh dưỡng cho nông nghiệp và lâm nghiệp, đồng thời nông nghiệp và lâm nghiệp làm vai trò xử lý chất thải cho NTTS.
Đối với hệ thống thuỷ lợi nội đồng của các vùng NTTS tập trung: Hiện nay một số vùng quy hoạch và các dự án đã đầu tư hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, có ao lắng và ao xử lý chất thải, còn lại các vùng phát triển nuôi trồng tự phát, các chủ nuôi (hộ gia đình) vẫn chưa có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt trong hệ thống thuỷ lợi nội đồng do sản xuất nhỏ, đất đai manh mún. Việc đầu tư thêm hệ thống kênh mương là rất khó khăn.
Về quy họach phát triển cho đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2020 như sau:
- Tưới tiêu, cấp nước: Có trên 4.430 km kênh trục và kênh cấp I, trên 6.000 km kênh cấp II, 80 cống rộng từ 5 m trở lên (lớn nhất là cống đập Ba Lai rộng 84m), hàng trăm cống rộng 2-4 m và hàng vạn cống nhỏ. Có 105 trạm bơm điện lớn và vừa, hàng vạn máy bơm nhỏ để tưới tiêu với năng lực tưới thiết kế 81.620 ha (thực tưới được 23.380 ha). .
- Kiểm soát lũ: Có khoảng 7.000 km bờ bao chống lũ tháng 8 bảo vệ lúa hè-thu. Đang xây dựng 450 km đê biển, 1.290 km đê sông và khoảng 7.000 km bờ bao ven các kênh rạch nội đồng để ngăn mặn cho vùng ven biển. Có hơn 200 km đê bao giữ nước chống cháy cho các khu rừng chàm tập trung.
Chiến lược phát triển thủy lợi cho NTTS đến năm 2020 nêu rõ:
Mục tiêu đến năm 2010 là:
- Cấp nước cho nuôi thả thuỷ sản, chủ yếu là nuôi tôm được 0,563 triệu ha: nuôi quảng canh cải tiến 0,4 triệu ha, bán thâm canh 0,086 triệu ha, thâm canh 0,077 triệu ha(5). Trong đó cấp nước chủ động cho khoảng 70% diện tích nuôi trồng thuỷ sản, phần lớn tập trung ở vùng ven biển ở ĐBSCL và ĐBSH.
Mục tiêu đến năm 2020 là:
- Cấp nước cho nuôi thả thuỷ sản, chủ yếu là nuôi tôm 0,65 triệu ha: nuôi quảng canh cải tiến 0,35 triệu ha, bán thâm canh 0,15 triệu ha, thâm canh 0,15 triệu ha. Trong đó cấp nước chủ động cho khoảng 80% diện tích nuôi trồng thuỷ sản, phần lớn tập trung ở vùng ven biển ở ĐBSCL và ĐBSH.
Tóm lại, thành tựu của thuỷ lợi hoá ở ĐBSCL chính là tiền đề cho sự phát triển nhanh chóng nuôi trồng thuỷ sản khi có lợi thế thị trường trong những năm qua. Tuy nhiên, thuỷ lợi trước đây chỉ nhằm mục đích phục vụ nông nghiệp và dân sinh và cũng chưa có các mô hình cụ thể nào về xây dựng hệ thống thuỷ lợi phục vụ cho NTTS một cách hiệu quả. Do đó để đảm bảo cho nuôi trồng thuỷ sản phát triển bền vững cần phải cải tạo và xây dựng bổ xung các công trình thuỷ lợi mới đáp ứng được các đòi hỏi đặc thù của nuôi trồng thuỷ sản.
Đề xuất giải pháp cho phát triển thuỷ lợi phục vụ NTTS ĐBSCL
Mục tiêu của phát triển NTTS ĐBSCL là đưa ngành này phát triển thành một ngành sản xuất hàng hoá quan trọng của vùng trên cơ sở hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái, hoà nhập với sự phát triển thuỷ sản cả nước, khu vực và quốc tế, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản và xoá đói giảm nghèo. Các giải pháp cho công trình thuỷ lợi phục vụ cho phát triển NTTS phải rất linh hoạt, phù hợp với các vùng sinh thái và hạn chế tới mức thấp nhất các ảnh hưởng xấu từ tự nhiên. Nhìn chung, sẽ có ba vùng sinh thái cơ bản là vùng có nước ngọt quanh năm, vùng nước lợ và vùng nước mặn ven biển. Các vùng này sẽ phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng tập trung vào các loài tôm, cá tra, ba sa, sò huyết, nghêu và một số loài cá biển. Với định hướng như vậy, cần tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, đồng thời phục vụ mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái; Xây dựng mới và quy hoạch lại hệ thống cấp thoát nước riêng biệt nhằm đảm bảo hiệu quả nuôi trồng thủy sản. Quy hoạch hệ thống đê bao kiểm soát lũ phù hợp với NTTS với các mô hình đắp bờ bao (không be bờ ao, bờ ao cao vừa phải và bờ ao cao vượt lũ) đảm bảo tận dụng tối đa các địa hình, điều kiện tự nhiên vừa không ngăn cản dòng chảy, không làm nâng cao mực nước lũ, vừa tận dụng được tối đa bồi lắng phù sa, rửa sạch phèn và chất hóa học, ngăn ngừa dịch bệnh, tạo môi trường cho thuỷ sản tự nhiên phát triển, giao thông thủy thuận lợi; sử dụng hệ thống thủy lợi kết nối các ao nuôi và ruộng lúa, vườn cây tạo môi trường sinh thái, phát triển bền vững. Hệ thống thủy lợi sẽ đảm bảo cho vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản kết hợp với phát triển nông nghiệp thành vùng phát triển sinh thái tự nhiên dựa trên nguyên tắc bền vững về môi trường và giảm giá thành trong sản xuất. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng cần kết hợp các giải pháp đồng bộ khác về cung cấp điện và giao thông đồng thời có giải pháp vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng các vùng NTTS một phần từ ngân sách Nhà nước nhằm điều chỉnh hệ thống thủy lợi, xây dựng hệ thống kênh cấp thoát nước riêng biệt, nạo vét các kênh bị bồi lắng, quy hoạch vùng nuôi theo mô hình sinh thái, đầu tư hệ thống điện và giao thông tới các vùng nuôi. Các địa phương cần phân bổ nguồn ngân sách đầu tư cho các hạng mục hạ tầng cơ sở tiếp theo đáp ứng cho NTTS theo các giải pháp trên.
Biện pháp thuỷ lợi cho các mục tiêu này là nạo vét lại hệ thống kênh mương sẵn có để cấp nước ngọt đồng thời đảm bảo việc thoát nước thải. Hệ thống cần đảm bảo yêu cầu tách biệt được vùng sinh thái nước ngọt với vùng sinh thái mặn và lợ.
Hệ thống công trình thuỷ lợi phục vụ cho vùng này có thể chỉ cần tận dụng hệ thống sẵn có phục vụ nông nghiệp tuy nhiên cần xem xét lại về quy mô cho phù hợp với từng tiểu vùng.
Hệ thống này cần được nhanh chóng hoàn thiện vừa để đảm bảo việc phục vụ cho quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp - NTTS phù hợp với các vùng/tiểu vùng vừa đảm bảo tính ổn định của các vùng sinh thái, tránh các tác động xấu cả từ quá trình mặn hoá và ngọt hoá gây ảnh hưởng đến sản xuất.
· Đối với vùng nước lợ: cần có các công trình thuỷ lợi phục vụ cho việc chuyển đổi mục đích sản xuất (trồng lúa chuyển sang nuôi tôm trong mùa khô và quay trở lại trồng lúa trong mùa mưa). Như vậy, hệ thống công trình này cần đảm bảo có thể lấy đủ nước mặn cho phát triển NTTS mặn lợ (chủ yếu là tôm sú) trong mùa khô và cũng cung cấp đủ nước ngọt và thoát nước trong mùa mưa phục vụ cả sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.
Biện pháp thuỷ lợi cần được tiến hành cho vùng này là nạo vét hệ thống kênh mương các cấp, xây dựng hệ thống cống đầu kênh dưới đê để lấy nước mặn trong mùa khô phục vụ NTTS và lấy nước ngọt cũng như thoát nước thải trong mùa mưa. Quy mô, hình thức cũng như kết cấu cần được thiết kế để thực hiện được nhiệm vụ này.
· Đối với vùng nước mặn ven biển: hệ thống thuỷ lợi trong khu vực này cần chú ý đến việc bảo đảm an toàn cho các vùng nuôi ven biển, tránh các thiệt hại gây ra do triều cường, sóng biển hay bão gió… Ngoài ra, hệ thống công trình thuỷ lợi ở đây cần đảm bảo sự chủ động trong việc lấy nước mặn và thoát nước phục vụ NTTS hay việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp - NTTS hoặc thậm chí kết hợp nhiều hoạt động sản xuất (áp dụng các mô hình tôm - lúa, tôm rừng…)
Với đặc thù về điều kiện địa lí của vùng này, ngoài hệ thống công trình thuỷ lợi thông thường (kênh, mương, cống…) hệ thống thuỷ lợi trong vùng này sẽ cần có thêm hệ thống đê biển, đê cửa sông và công trình dưới đê. Các công trình này cần đảm bảo yêu cầu lấy nước mặn cho NTTS cũng như thoát nước và có thể phục vụ cho việc trồng lúa 1 vụ trong mùa mưa. Giống như các vùng khác kênh rạch ở đây cũng cần được thiết kế mới và cải tạo sao cho phù hợp với địa hình cụ thể vừa có thể làm nhiệm vụ cấp thoát nước vừa kết hợp tốt với mục đích giao thông đường thuỷ cũng như phục vụ cho việc di chuyển của tàu thuyền khai thác hải sản. Hệ thống thuỷ lợi nội đồng cần có các tuyến đê nhỏ với mục đích ngăn mặn, phân cách các vùng mặn, vùng nước ngọt, vùng chuyên NTTS, vùng kết hợp NTTS và nông nghiệp… Các cống xả phèn cho sản xuất lúa trong mùa mưa ở vùng này cũng cần được quan tâm để đảm bảo cho sản xuất lúa sau vụ NTTS
· Môi trường: nhằm phát triển sản xuất đặc biệt là với mục đích NTTS trong cả 2 mùa cũng như kết hợp với các mục đích nông lâm nghiệp hệ thống công trình thuỷ lợi cần được phát triển một cách tương ứng. Tuy nhiên, cần lưu ý trong mùa khô để ngăn mặn các cống cần hạn chế hoạt động và do đó sẽ dẫn đến khả năng lưu thông nước kém và khả năng ô nhiễm nước tăng cao nhất là đối với những vùng ở cách xa cửa cống. Vì vậy, các khu vực đều cần xây dựng kế hoạch đóng mở cửa cống hợp lí sao cho vừa co thể ngăn mặn vừa đảm bảo được lưu thông nước, tránh ô nhiễm. Việc chống lũ, ngăn triều là cần thiết nhưng cũng cần tận dụng các yếu tố tích cực của nó như phù sa, nguồn giống và thức ăn cho thuỷ sản và kể cả nguồn lợi cho khai thác thuỷ sản. Thông thường, sự hoạt động của các công trình thuỷ lợi ngoài việc ảnh hưởng đến chất lượng môi trường (lưu thông nước) còn ảnh hưởng cả đến giao thông đường thuỷ do đó cần kết hợp các công trình thuỷ lợi với các biện pháp hỗ trợ cho giao thông thuỷ (hệ