Văn hào Bernard Shaw (Anh) và mấy mẩu chuyện vui về ông.[27/11/08]

27/11/2008 09:19

33

Văn hào Bernard Shaw (Anh) và mấy mẩu chuyện vui về ông.

Bernard Shaw được coi là văn hào Anh lớn nhất thế kỷ XX.

Ông sinh ngày 26/7/1856 và lớn lên tại Dublin (Ireland) rồi di cư sang Anh năm 1876. Xuất thân trong một gia đình công chức nghèo nên ông phải trải qua tuổi niên thiếu khó nhọc, vừa làm nhiều nghề vừa học  cho đến ngoài 20 tuổi thì chuyển hẳn sang viết báo, nghiên cứu & phê bình sân khấu, rồi viết kịch và viết văn.

Đến đầu thế kỷ XX thì  các vở kịch của ông đã chiếm lĩnh sân khấu các nước châu Âu & Mỹ, nổi tiếng nhất là vở “Những ngôi nhà của những người góa vợ (Widowers' Houses)” sáng tác năm 1892. Tiếp đó, Vua Anh đã dự buổi diễn vở Hòn đảo khác của John Bull (John Bull's Other Island)” vào năm l904. Năm 1923, vở Nữ thánh Joan (Saint Joan) ra đời và được đánh giá là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông. Hai năm sau (1925) ông được nhận giải Nobel về văn chương dùng tiền thưởng của giải thành lập Quỹ Văn học dành cho các nhà soạn kịch trẻ. Trong lịch sử giải Nobel về văn chương có 3 người được trao giải nhưng không đến dự lễ trao giải, Bernard Shaw là người đầu tiên vào năm 1925 (người thứ hai là nhà văn Mỹ Ernest Hemingway vào năm 1954, riêng người thứ ba là nhà văn & triết học Pháp đứng đầu trường phái “hiện sinh” Jean-Paul Sartre vào năm 1961 chẳng những không đến nhận tại lễ trao giải mà còn hoàn toàn từ chối giải thưởng). Theo Bernard Shaw thì giải thưởng Nobel về văn chương chẳng khác gì “chiếc phao được ném cho người đã bơi tới bờ rồi”. Năm 1938 ông nhận giải Oscar do bộ phim được chuyển thể từ vở kịch “Pygmalion” của ông. Cho đến nay chưa có nhà văn nào khác được trao cả 2 giải Nobel và Oscar. Sự nghiệp sáng tác của Bernard Shaw hết sức đồ sộ và thể hiện rõ tư tưởng nhân đạo và cấp tiến của ông luôn diễu cợt, đả kích và lên án các hình thức áp bức, bất công. Ông cũng rất nổi tiếng về giọng văn hài hước với nội dung hết sức thâm thuý. Ông đi thăm nhiều nơi trên thế giới, trong đó có 3 lần thăm Liên bang Xô viết vào những năm 1930 với nhiều thiện cảm và trở nên thân thiết với văn hào Nga xô viết Maxim Gorky. Ông mất ngày 2/11/1950 tại nhà riêng ở Hertfrordshire (Anh). Dưới đây là mấy mẩu chuyện vui về Bernard Shaw.

Cần phải ăn một con cá voi!

 Một độc giả gửi thư hỏi: “Tôi nghe nói ăn nhiều cá sẽ thông minh hơn. Điều đó có đúng không?”. Bernard Shaw viết trả lời: “Quả thực tôi không biết điều đó có đúng hay không. Nhưng nếu đúng thì chắc là ông cần phải ăn một con cá voi!”

Lời tỏ tình của nữ ngôi sao điện ảnh.

Bernard Shaw cao, gày gò, khắc khổ và có dị tật ở chân do bị ngã lúc còn trẻ. Một nữ tài tử điện ảnh xinh đẹp nổi tiếng ngưỡng mộ tài năng của ông và viết thư ngỏ lời:”…Em muốn kết hôn với anh để rồi con chúng ta sẽ có trí thông minh của anh và có nhan sắc của em”.  Bernard Shaw viết trả lời cảm ơn và bày tỏ băn khoăn của mình: “Tôi chỉ ngại rằng nếu chúng ta lấy nhau thì con chúng ta sẽ có trí thông minh của cô và có nhan sắc của tôi!”

 

Cốc nước có thuốc độc

Có lần Bernard Shaw tranh luận rất gay gắt với một nữ luật sư. Cuộc tranh luận kéo dài mà không ai chịu ai. Cuối cùng, nữ luật sư nổi nóng: ”Nếu tôi là vợ ông thì tội sẽ bỏ thuốc độc vào cốc nước của ông!”. Bernard Shaw mỉm cười trả lời: ”Nếu tôi là chồng bà thì tôi sẽ uống cốc nước đó ngay lập tức!”.

Trả lời phỏng vấn
Một lần trả lời phỏng vấn báo chí, một nhà báo hỏi:

-          “Xin cho biết ông viết văn vì mục đích gì?”

Bernard Shaw  nhìn thấy người hỏi là một phóng viên “lá cải”, có tiếng là xoay tiền rất thiếu tư cách, bèn trả lời chiếu lệ:

-          “Vì tiền!”

-          “Trời ơi, một nhà văn lừng danh như ông mà viết văn vì mục đích thấp kém như vậy sao?”. Tay phóng viên hơi ngạc nhiên vì câu trả lời của Bernard Shaw dường như ngoài trông đợi.

-          “Thế ông viết vì cái gì vậy?”   Bernard Shaw nhíu mày hỏi lại.

-          “Tôi viết vì lương tâm và danh dự của người cầm bút!”. Tay phóng viên lên giọng dạy đời.

-          “Ờ! Thế cũng được! Ai thiếu cái gì thì viết vì cái đó!”. Bernard Shaw hạ giọng.

Dân Anh đói khổ do đâu?

Bernard Shaw gày gò, khắc khổ, trông rất “hom hem”. Trong một buổi họp mặt,  có vị “đại gia” béo tốt, hồng hào, y phục sang trọng và trang sức rất đắt tiền tới gặp và trêu Bernard Shaw:

-          “Này ông Bernard Shaw, người nước ngoài nào mà nhìn thấy ông thì chắc họ sẽ nghĩ dân Anh phải chịu đói kém, khổ sở lắm!”.

-          “Và rồi khi nhìn sang ông, họ hiểu ngay nguyên nhân của sự đói khổ đó là do đâu!”

A.H.A. www.vncold.vn st