Vấn đề xử lý phòng trừ mối cho công trình thủy lợi ở Việt Nam hiện nay. [27/12/08]

26/12/2008 09:21

12

Vấn đề xử lý phòng trừ mối cho công trình thủy lợi ở Việt Nam hiện nay

Nguyễn Tân Vương

1. Đặt vấn đề

Mối là một nhóm các loài côn trùng xã hội. Các cá thể trong một đàn sống quần tụ trong một tổ. Tổ của nhiều loài là các khoang rỗng lớn trong lòng đất, đường kính khoang tổ có thể tới hàng mét. Một tổ có thể có tới hàng trăm khoang, hàng trăm hang giao thông đi ra từ các khoang tổ, tổng thể tích rỗng của một tổ mối có thể tới vài chục mét khối. Chính thể tích rỗng của tổ mối là nguyên nhân gây tác hại đối với các công trình thủy lợi bằng đất; vào mùa lũ nước chảy qua thân đê, thân và nền đập theo hệ thống rỗng của tổ mối. Theo ghi nhận của Phòng quản lý công trình – Ty thủy lợi điện lực Quảng Châu và nhiều tác giả khác cho thấy mối đã gây ra hàng chục vụ vỡ đê, đập, hàng trăm vụ sự cố rò rỉ trên thân đê đập ở tỉnh Quảng Đông Trung Quốc [1;5,]. Ở Việt Nam, nhiều vụ tổ mối gây ra sập mái đê, rò rỉ thân đê như vụ ô tô bị sập và chui vào tổ mối ở đê Tả Hồng huyện Đông Anh, Hà Nội vào năm 1969 (theo lời kể của cán bộ quản lý đê Đông Anh, Hà Nội). Chúng tôi đã từng chứng kiến một vụ tổ mối gây rò rỉ thân đê sông Hồng, khi chúng tôi đến đội quản lý đê đã cắm biển báo sự cố do tổ mối, từ lỗ rò vẫn thỉnh thoảng thây mối chui ra và xung quanh có nhiều xác mối (xem hình 1, 2). Trước đấy 12 giờ, nước trong sông vượt mức báo động 3, nước phun ra ở mái phía đồng thành vòi trong đó có xác mối (theo lời kê của người quản lý đê). Tóm lại, tác hại của mối đối với các công trình thủy lợi là rất lớn, việc xây dựng giải pháp xử lý mối để bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện bằng đất là rất quan trọng. Công tác xử lý mối cho công trình thủy lợi hiện nay chủ yếu là 2 biện pháp đào bắt mối chúa và khoan phụt xử lý tại tổ mối.

2. Hiện trạng xử lý phòng trừ mối cho công trình đê đập ở Việt Nam hiện nay

2.1. Về tiêu chuẩn và định mức kỹ thuật

Nhận thấy rõ tác hại của mối đối với công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành một số tiêu chuẩn định mức liên quan đến công tác khảo sát và xử lý mối như sau:

Tiêu chuẩn ngành 14TCN 89-93 qui định rõ về “Thành phần và khối lượng khảo sát và xử lý mối cho đập đất”. Trong đó nêu rõ các cấp độ đập cần được khảo sát và xử lý mối, phạm vi cần khảo sát và xử lý mối, các loài mối cần được xử lý.

Tiêu chuẩn ngành 14TCN 182: 2006 về”Qui trình kỹ thuật khảo sát, phát hiện tổ mối và ẩn họa trong thân đê, đập”. Trong đó qui định các nội dung tiến hành khảo sát xác định tổ mối và ẩn họa trong thân đê, đập.

Tiêu chuẩn ngành 14TCN 167:2006 về “Mối gây hại công trình thủy lợi – Phân loại và đặc điểm sinh học, sinh  thái”. Trong đó qui định rõ các loài gây hại cần xử lý và công trình có các dấu hiệu về mặt sinh học, sinh thái mối cần được tiến hành khảo sát và xử lý mối.

Định mức 221 qui định về “Định mức dự toán cho công tác điều tra, khảo sát và xử lý mối” (QĐ 221/1998/Q Đ/BNN-XDCB).

Tóm lại, các tiêu chuẩn và định mức kỹ thuật để thực hiện công tác xử lý mối cho công trình thủy lợi là tương đối đầy đử.

2.2. Về thực tế xử lý phòng trừ mối

Trong 20 năm qua, nhiều tuyến đê và hàng trăm đập thủy lợi, thủy điện, đã được tiến hành xử lý phòng trừ mối cho đập xây dựng mới và đập đang vận hành. Qua quá trình thực hiện chúng tôi thấy còn một số điều bất cập sau:

Công tác xử lý phòng trừ mối đối với đập đang vận hành thường được tiến hành đồng thời với các dự án sửa chữa nâng cấp đập. Nói như vậy có nghĩa là các đập không thuộc diện cần nâng cấp, sửa chữa thì dù có mối hại cũng không được xử lý phòng trừ mối, như: đập Xạ Hương (Vĩnh Phúc), Đạ Hàm (Lâm Đồng), EaKao (ĐakLak)…hiện nay có nhiều mối nhưng không có dự án để xử lý mối. Điều này không hợp lý vì mối hại âm thầm trong thân đập nên dễ gây ra sự cố bất ngờ. Điều này có thể được giải quyết bằng hai cách yêu cầu các cán bộ quản lý đập trực tiếp kiểm tra giám sát đập theo tiêu chuẩn ngành 14TCN 167:2006 về “Mối gây hại công trình thủy lợi – Phân loại và đặc điểm sinh học, sinh  thái”. Khi có các dấu hiệu sinh học, sinh thái học cho thấy cần xây dựng kế hoạch phòng trừ thì báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để xây dựng kế hoạch xử lý.

Đối với đập đang vận hành, nhiều đập thường được tiến hành xử lý tổ mối bằng cách đào bắt mối chúa như ở đập Núi Một (Bình Định), Dầu Tiếng (Tây Ninh), Xạ Hương (VĨnh Phúc)…. Kết quả của biện pháp này chỉ đạt được hiệu quả diệt các tổ mối nổi là 35%,  số tổ mối được xử lý bằng phương pháp này hoạt động trở lại là 65% và các tổ hoạt động trở lại có khả năng đào khoét thân đập mạnh hơn trước [2]. Điều quan trọng hơn là sau khi đào đất đầm lại khó đạt dung trọng cần thiết và hệ thống hang giao thông của tổ mối trong thân đập vẫn chưa được lấp kín. Hơn nữa, các tổ mối chìm trong thân đập hầu như chưa được phát hiện nên chưa được  xử lý. Trong thực tế, mật độ tổ mối ở các đập có khác nhau. Điều này phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên của từng đập. Nhiều đập có điều kiện thuận lợi cho mối làm tổ nên sau khi xử lý một vài năm trên thân đập có nhiều tổ mối nhưng không có dự án sửa chữa, nâng cấp nên công tác xử lý phòng trừ mối cũng không được tiến hành, điển hình như các đập Dầu Tiếng (Tây NInh), Vân Trục (Vĩnh Phúc), Đạ Hàm (Lâm Đồng), Phú Ninh (Quảng Nam)…. Điều này có thể giải quyết bằng cách xây dựng một tiêu chuẩn về quản lý an toàn về mối cho đập trong đó qui định rõ chu kỳ khảo sát và xử lý phòng trừ mối đối với từng loại đập.

Đối với đập xây dựng mới, hiện nay nhiều dự án thiếu công tác khảo sát và xử lý mối cho nền đập như đập Phước Hòa (Bình Dương), Sông Ray (Đồng Nai)…. VIệc này xảy ra do các nhà thiết kế không phải là các nhà sinh học, nên trong quá trình khảo sát thực địa để lập báo cáo trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư không thấy được dấu hiệu tổ mối ở nền công trình nên không đưa công tác khảo sát và xử lý mối vào công tác xây lắp. Thực tế cho thấy, một số dự án khi triển khai, ban quản lý thấy nền đập có nhiều mối lúc đó mới tiến hành bổ xung hạng mục xử lý mối như đập Suối Đá (Khánh Hòa), việc bổ xung hạng mục sẽ gây rất nhiều vấn đề phức tạp về tiến độ cũng như chế độ chính sách. Việc này có thể giải quyết bằng một qui định bắt buộc trong báo cáo chuẩn bị đầu tư có nội dung đánh giá về hiện trạng mối.

Đối với đê, mỗi cung đoạn đê đều có đội quản lý đê. Hàng năm các đội quản lý đê thường tiến hành đào bắt mối chúa, sau khi đào bắt mối chúa tổ mối được đổ thuốc trừ sâu và hoàn trả mái đê như cũ, việc đào bắt mối chúa trên đê được sử dụng rất phổ biến vào những năm 70-80 của thế kỷ trước [4] . Qua thực tế đào bắt mối chúa ở nhiều đoạn đê cho thấy tỷ lệ bắt được chúa chỉ khoảng 30% số tổ đã đào, các tổ đã bị bắt chúa vẫn có khả năng hoạt động trở lại, nguyên nhân của hiện tượng này là do mối có khả năng thay thế mối chúa khi bị chết chúa [3]. Nhược điểm nữa của giải pháp này là hang giao thông cũng vẫn không được xử lý, ẩn họa trong thân đê vẫn còn và làm vỡ kết cấu của thân đê. Hiện nay, nhiều đoạn đê xung yếu đã được tiến hành xử lý mối bằng công nghệ khoan phụt xử lý mối tại tổ. Hiệu quả của công nghệ này chắc chắn là rất tốt, nó giúp cho việc lấp bịt khoang tổ và hang giao thông bằng vữa sét mà không phải đào bới, hiệu quả xử lý hầu như đạt 100%. Tuy nhiên, việc xử lý mối bằng công nghệ khoan phụt tại tổ mối mới được tiến hành cục bộ ở từng đoạn, tổng chiều dài các đoạn đê đã được xử lý nhỏ hơn rất nhiều so với chiều dài toàn tuyến đê. Các các đoạn đê còn lại và môi trường xung quanh chưa được xử lý mối. Do đó mối hàng năm mối cánh từ các đoạn đê chưa xử lý  và môi trường xung quanh sẽ bay vào các đoạn đê đã xử lý để làm tổ. Theo nghiên cứu của chúng tôi, số lượng tổ mối thành lập mới sau 1 năm khoảng 15% so với số lượng tổ đã xử lý, như vậy khoảng 6 năm sau khi xử lý, số lượng tổ mối sẽ tương đương với số lượng tổ mối đã xử lý. Như vậy, sẽ hiệu quả hơn nếu tiến hành xử lý mối cho cả tuyến đê dài. Điều này cho thấy cần có giải pháp phòng mối cho đê sau khi xử lý. Ví dụ, hàng năm cho tiến hành xử lý bổ xung ở các tuyến đê đã xử lý, hoặc tiến hành triệt tiêu các tổ mối ở môi trường xung quanh.

3. KIến nghị

Để công tác xử lý phòng trừ mối cho công trình thủy lợi được thực hiện đầy đủ, chúng tôi đưa ra các kiến nghị sau:

Cần có qui định bắt buộc đối với các cơ quan quản lý đập theo dõi các dấu hiệu sinh học, sinh thái mối theo tiêu chuẩn ngành 14TCN 167:2006 về “Mối gây hại công trình thủy lợi – Phân loại và đặc điểm sinh học, sinh  thái” để đánh giá mức độ mối hại và cần tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ quản lý đập.

Không tiến hành xử lý mối bằng phương pháp đào bắt mối chúa, mà chỉ tiến hành xử lý phòng trừ mối bằng công nghệ khoan phụt tại tổ mối.

Cần nghiên cứu và đưa qui trình quản lý mối hại vào qui trình vận hành từng loại đập hồ chứa.

Cần có giải pháp xử lý phòng từ mối toàn diện cho các tuyến đê sông và nghiên cứu giải pháp phòng mối cho đê.

Tài liệu tham khảo

1. Lý Đống, Nguyên Tường, 1993. Đê Thiên Lý Kim bị vỡ  do mối – Mối là kẻ thù lớn đối với công trình thủy lợi. Tuyển tập luận văn về mối ở Trung quốc, Nhà xuất bản Thiên Tắc, trang 998-1000, (bản dịch từ tiếng Trung).

2. Nguyễn Tân Vương, 1999. Một só vấn đê về biện pháp đào bắt mối chúa trong đê đập. Viện khoa học thủy lợi - Tuyển tập kết quả khoa học và công nghệ 1994-1999, 256-258.

3. Coaton X,G,H, 1949. Queen removal in termite control. Farrming in South of Africa: No24;335-338.

4. Cục đê điều – Bộ Thủy lợi, 1975. Kỹ thuật tìm diệt và xử lý tổ mối trong thân đê, 1- 59.

5. Phòng Quản lý công trình, Ty thủy lợi điện lực Quảng Đông, 1993. Biện pháp ký thuật phòng trừ mối hại đê đập tỉnh Quảng Đông. Tuyển tập luận văn về mối ở Trung quốc, Nhà xuất bản Thiên Tắc, trang 612-616, (bản dịch từ tiếng Trung).

(www.vncold.vn)