2. Bối cảnh mới mà quy hoạch thủy lợi phải tính đến là gì? Biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, hay cả hai, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng? Đúng là biến đổi khí hậu toàn cầu làm tan băng ở Bắc và Nam Cực, dẫn đến biển dâng. Tan băng ở thượng nguồn làm thay đổi chế độ thủy văn của sông Mêkông, vì vậy có ý kiến cho rằng chỉ cần nói biến đổi khí hậu là đủ. Lập luận như vậy đúng nhưng e rằng chưa gióng đủ tiếng chuông biển dâng là thách thức tác động trực tiếp và sâu sắc đến các mặt tự nhiên, kinh tế, xã hội và đời sống ở đồng bằng sông Cửu Long.
Thế thì chỉ nên thu hẹp về yếu tố mực nước biển dâng chăng? Tôi lại e rằng như vậy sẽ không tính đến các thách thức một cách đầy đủ. Chúng ta đều biết biến đổi khí hậu không chỉ là biển dâng mà còn là bão tố, là tài nguyên nước bị tác động, là biến đổi của nhiệt độ bề mặt của nước biển và dòng hải lưu, của lượng mưa, nhiệt độ và bức xạ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng vật nuôi, đến sức khỏe con người, đến đa dạng sinh học, năng lượng, những biến đổi mà tài nguyên nước rất cần để chế ngự các hậu quả tiêu cực.
Do vậy phải tính đến cả hai biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng và quan trọng trên hết, đến các tác động hệ thống giữa biến đổi khí hậu (toàn cầu và khu vực) với nước, nông nghiệp, đa dạng sinh học, sức khỏe và năng lượng. Có thế mới thấy hết nhiệm vụ của quy hoạch thủy lợi, nặng nề và phức tạp trong bối cảnh mới này.
3. Một điểm mới khác trong quy hoạch thủy lợi hiện nay là không chỉ đáp ứng các yêu cầu của các ngành kinh tế khác trong phát triển, của cuộc sống của người dân và an sinh xã hội mà còn phải bao gồm (hay thể hiện) sự ứng phó đối với biến đổi khí hậu và biển dâng.
Về sự ứng phó, tổng kết từ nhiều địa bàn trên thế giới, có ba cách ứng phó với mực nước biển dâng: bảo vệ (hay chống đỡ, đương đầu), thích nghi và rút lui về phía sau. Ba cách này đều áp dụng đối vớái các đối tượng: các công trình kiên cố, sản xuất nông nghiệp (theo nghĩa rộng), và các hệ sinh thái, đặc biệt các hệ sinh thái đầm lầy. Không có một cách ứng phó duy nhất cho mọi đối tượng, ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi phương án biển dâng. Ứng phó không thể riêng lẻ từng tỉnh mà phải theo yêu cầu của giải pháp ứng phó và Yêu cầu đối với ứng phó là gìn giữ tối đa thành quả của lao động quá khứ, sinh mạng, tài sản và đời sống của nhân dân 1.
4. Thời gian quy hoạch thủy lợi như thế nào là hợp lý? Cuộc họp về quy hoạch thủy lợi Bán đảo Cà Mau, tháng 9/2007, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, đã nêu lên một “mâu thuẫn” của quy hoạch thủy lợi là phải phục vụ yêu cầu của sản xuất và đời sống trước mắt nhưng lại phải xây dựng những công trình tồn tại “lâu dài”. Cái khó này càng nhân lên khi mà sau mỗi kế hoạch 5 năm mực nước biển lại dâng lên thêm vài xăng-ti-mét với các hậu quả đi kèm mà quy hoạch thủy lợi phải tính tới và ứng phó.
Gần đây lãnh đạo các quốc gia trên thế giới ý thức được hiểm họa của biến đổi khí hậu đối với nhân loại, đã nhất trí tăng cường các biện pháp nhằm cắt giảm các nguyên nhân dẫn đến BĐKH và giảm bớt việc tiêu dùng lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Giả thiết rằng thỏa thuận này sẽ được thực hiện thì cũng phải đến những năm 2050 quá trình mực nước biển dâng mới chậm lại. Do vậy, quy hoạch thủy lợi đặt tầm nhìn đến năm 2050 là hợp lý với điều kiện công tác dự báo phải ngang tầm.
5. Nói chung mực nước biển, nhiệt độ, vũ lượng, … tăng giảm bao nhiêu chưa đủ mà phải nói được những hiện tượng đó đã diễn ra như thế nào trong không gian và theo thời gian. Có như vậy mới biết ứng phó thế nào, tại mỗi nơi, với cái gì và vào thời điểm nào. Đó là yêu cầu bức thiết đối với công tác quy hoạch thủy lợi hiện nay. Khó khăn lớn nhất là phải có các chuỗi số liệu đo đạc cần thiết.
Những nhận xét “trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,70C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm”, hay thông báo “mực nước biển dâng cao thêm 3-15cm (năm 2010) và 15-90cm (năm 2070)” hoàn toàn không đủ để trả lời cụ thể ở Huyện Duyên hải (tỉnh Trà Vinh), người dân sẽ còn có thể ở lại đó hay phải di dời; ở Huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), đê biển có trụ được không, phải được gia cố và nâng cao bao nhiêu? Những thông tin đó còn “thô” hơn cả Hình 5 (tài liệu đã dẫn) mà Tổ chức liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) dựa trên các số liệu đo đạc, đã tính toán mực nước biển dâng trên thế giới, trong vùng Đông Nam Á vào những năm cuối thế kỷ XX. Tôi có dịp được thấy các bản đồ biến đổi của vũ lượng, số ngày mưa, số ngày nắng trung bình năm trên lãnh thổ Thái Lan trong hai thời đoạn 30 năm (1951-1980) và (1976-2005). Những bản đồ này cung cấp những thông tin về nhu cầu nước đối với sản xuất và sinh hoạt tại các vùng khác nhau trên lãnh thổ.
6. Hiện nay chúng ta đang triển khai Chương trình xây dựng đê biển. Chủ trương này là rất đúng, nhất là trong bối cảnh biển dâng. Nhưng chương trình thành công nhiều hay ít, thậm chí có những nơi có thể thất bại, lãng phí ngân sách nhà nước tùy thuộc vào hiểu biết địa mạo vùng ven biển. Chương trình “Điều tra cơ bản tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long” 2 đã chỉ ra tình hình xói lở ở Cửa Bồ Đề (tỉnh Cà Mau) từ năm 1885 đến năm 1985 và đến năm 2005. (Hình 1).
Hiểu biết sự giao thoa giữa hai chế độ triểu Biển Đông (bán nhật triều) và triều Vịnh Thái Lan (nhật triều) là cần thiết về mặt khoa học và còn là nền tảng trong việc quy hoạch phát triển bền vững huyện Ngọc Hiển (nay là hai huyện Ngọc Hiển và Năm Căn). Trung tâm Nghiên cứu Phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã nghiên cứu phân vùng thủy văn, thủy lực huyện này năm 1996 3. (Hình 2).
Theo tôi, điều tra cơ bản tổng hợp là bước đi trước không thể thiếu. Chất lượng của quy hoạch thủy lợi tùy thuộc rất nhiều vào công tác này. Trong điều kiện mà chúng ta thiếu khá nhiều số liệu cơ bản về khí tượng thủy và hải văn, cần thống kê các số liệu đã có và xây dựng một chương trình điều tra nghiên cứu cơ bản làm rõ những điều mà công tác quy hoạch cần.
7. Khi mực nước biển dâng, hậu quả dễ thấy nhất là nhiều vùng sẽ bị ngập. Nhưng hậu quả của biển dâng không phải chỉ có ngập tĩnh. Động lực biển vùng ven bờ và cửa sông, sóng vỗ khi tiếp cận bờ sẽ tác động mạnh hơn lên đường bờ, bãi triều. Bờ biển bị xâm thực và cơ sở hạ tầng ven biển bị đe dọa lớn hơn.
Ở các đồng bằng ven biển, độ ngập sâu hơn, thời gian ngập kéo dài hơn. Xâm nhập mặn sẽ vào sâu hơn, nguồn nước ngọt khan hiếm hơn. Chế độ thủy văn, thủy lực trên từng địa bàn và trên cả đồng bằng sẽ có nhữäng thay đổi, khiến cho động thái bồi xói bờ biển, bờ sông, cù lao, cồn bãi, bồi lắng phù sa trên hệ thống sông chính và vùng cửa sông cũng thay đổi. Các đề tài của chương trình khoa học nói ở điểm 6 ít nhất phải giải đáp cụ thể các nội dung trên đây, trên ba vùng của đồng bằng sông Cửu Long, vùng quá trình biển chiếm ưu thế, vùng quá trình sông chiếm ưu thế và vùng giao thoa hỗn hợp giữa hai quá trình sông, biển 4; chỉ ra những vùng địa mạo không ổn định, bán ổn định ven biển hiện nay và trong bối cảnh biến đổi khí hậu và biển dâng, … thì công tác quy hoạch thủy lợi mới đáp ứng mong đợi mà xã hội đặt vào nó.
8. Cho tới nay công tác quy hoạch ngành là “mảnh đất dành riêng” của ngành. Các viện nghiên cứu, các trường đại học, nhất là “ngoài ngành” rất ít được mời tham gia. Tình trạng “khép kín” sẽ dẫn đến lãng phí kinh phí, thời gian và chất xám, và chỉ gây thiệt hại cho công tác quy hoạch. Có nhiều đơn vị góp sức vào là cần thiết. Nhưng nhận phần việc riêng lẻ và chia phần kinh phí là chưa đủ. Cái cốt yếu là phải phối hợp giải quyết những nhiệm vụ của quy hoạch, thường đòi hỏi một sự tiếp cận tổng hợp, liên ngành.
9. Số liệu, tài liệu khoa học, ảnh vệ tinh, ảnh máy bay, … nói chung có tình trạng vừa thiếu vừa sử dụng rất lãng phí, nơi có thì giữ kín làm của riêng, ai cần sử dụng thì phải trả tiền, nơi cần để nghiên cứu thì không có. Xây dựng cơ sở các dữ liệu, hay ít nhất là lập danh sách các dữ liệu có liên quan, đang có ở cơ quan nào, và quy chế sử dụng chung các dữ liệu này phục vụ công tác quy hoạch thủy lợi, là một trong những việc mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường phải làm, vì đã từ lâu đó là mong đợi, là yêu cầu rất chính đáng của cộng đồng khoa học nước nhà.
10. Mêkông là một con sông quốc tế. Việt Nam là quốc gia cuối cùng ở hạ lưu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và biển dâng, bảo vệ quyền lợi quốc gia đối với sử dụng nước sông Mêkông ở thượng nguồn đúng với quy định của luật pháp quốc tế là một nhiệm vụ hàng đầu của Ủy ban Quốc gia sông Mêkông. Có các kết quả điều tra nghiên cứu cơ bản cần thiết tương ứng là một công cụ mạnh để chúng ta đàm phán, bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia.
Lực lượng khoa học của chúng ta để phục vụ dự án còn mỏng. Thông tin, số liệu còn thiếu và cần được cập nhật. Hợp tác quốc tế có mục tiêu nhằm đào tạo nguồn nhân lực am tường, cập nhật thông tin, số liệu, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm thông qua nghiên cứu và trao đổi chuyên gia và phổ biến rộng rãi các kết quả tiếp thu được là một công tác quan trọng cần triển khai. ___________________ 1. Xem bài “Ứng phó với biến đổi khí hậu và biển dâng ở đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung - Một số nhiệm vụ cần triển khai”, Tạp chí Tia Sáng, 14/7/2008, 2. Chương trình “Điều tra cơ bản tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long” là một chương trình khoa học cấp nhà nước từ 1983-1990, có mã số 60-02 (1983-1985) và 60-B (1986-1990), có hai mục tiêu: hiểu biết cơ bản về ĐBSCL và phục vụ quy hoạch phát triển vùng đất này. 3. Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn văn Đăng, Bùi Đắc Tuấn, Lê Đình Hồng. “Phân vùng thủy văn thủy lực Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Minh Hải”, Hội thảo khoa học “Nuôi tôm trong rừng ngập mặn: hiện trạng, các vấn đề và triển vọng”, do Ủy ban nhân dân tỉnh Minh Hải, TTNCPTĐBSCL cùng tổ chức với sự tham gia của cơ quan nghiên cứu ORSTOM (Pháp) tại Cà Mau, 10-11/9/1996. 4. Xem Mục IV, tài liệu đã dẫn.
(www.vncold.vn) |