Hội Đập lớn Việt Nam tuổi lên 5. [25/02/09]

25/02/2009 08:51

28

Hội Đập lớn Việt Nam tuổi lên 5

 

Đất nước chúng ta đang phát triển nhanh về đập để phục vụ điện, thủy lợi, khai thác & bảo vệ nguồn nước…Hội Đập lớn Việt Nam (VNCOLD) - một Hội khoa học chuyên ngành đang ở tuổi lên 5. Đầu xuân Kỷ Sửu, chúng tôi, phóng viên Tạp chí Khoa học và Tổ quốc” đã có buổi trò chuyện với GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội. xin giới thiệu đến bạn đọc nội dung buổi trò chuyện.

 

Phóng viên:  Thưa Giáo sư, quả thực chúng tôi chưa hiểu biết nhiều về Hội Đập lớn Việt Nam, vậy xin GS giới thiệu đôi nét về VNCOLD.

 

Đại hội VNCOLD lần thứ nhất tại Đại học Thủy lợi

ngày 11/7/2004

GS.TSKH. Phạm Hồng Giang: Hội Đập lớn Việt Nam là Hội khoa học kỹ thuật chuyên ngành về thủy lợi, thủy điện, nguồn nước…được thành lập theo Quyết định số 42/2004/QĐ-BNV ngày 21 tháng 5 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đại hội lần thứ nhất của Hội đã được tổ chức ngày 11 tháng 7 năm 2004, VNCOLD là thành viên thuộc Tổng Hội Xây dựng Việt Nam. Ngay khi thành lập, Hội đã hoạt động rất tích cực, tổ chức và động viên hội viên là những chuyên gia giỏi góp phần thực hiện những chương trình lớn của Đảng và Nhà nước về thủy lợi, thuỷ điện, tài nguyên nước, phòng tránh thiên tai, bảo vệ và cải thiện môi trường nước,… Hội là thành viên hoạt động tích cực của Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, ngày sau thành lập một năm, VNCOLD đã là thành viên chính thức thứ 85 của Ủy Hội Đập lớn thế giới (ICOLD).

Phóng viên: VNCOLD đang tuổi lên 5, xin GS cho biêt những nét chính mà VNCOLD đã làm được trong thời gian qua.

GS.TSKH. Phạm Hồng Giang:  Hội mới đang ở tuổi lên 5, cũng có thể coi là mới so với thâm niên của nhiều Hội chuyên ngành khác. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu thành lập VNCOLD đã có phương hướng hoạt động tích cực.

Hội thảo khoa học – công nghệ thường xuyên 2 – 3 cuộc mỗi năm

 

Có thể nêu thành 3 điểm nhấn trong hoạt động của VNCOLD, thứ nhất, là Hội khoa học kỹ thuật, cần thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện và tham gia các đề tài nghiên cứu: Hội đã thành lập Ban Khoa học công nghệ để tập hợp đông đảo các chuyên gia hàng đầu tham gia các hoạt động chuyên môn, giải quyết thành công những vấn đề kỹ thuật phức tạp trong thực tế hiện nay.  Tham gia các đề tài nghiên cứu về đập. Một trong những công trình lớn Hội tham gia tư vấn giải pháp kỹ thuật là Đập Cửa Đạt ( Thanh Hóa), với giải pháp kỹ thuật đập đá nện phủ mặt bê tông chống thấm, có chiều cao 118m, là đập lớn thứ 4 trong những đập đã và đang xây dựng ở Việt Nam: Sơn La- Bản Vẽ- Hòa Bình – Cửa Đạt…, trong giải pháp kỹ thuật đá nện phủ mặt bê tông chống thấm Đập Cửa Đạt là công trình cao nhất hiện nay. Ngoài ra VNCOLD còn đóng góp ý kiến với một số đập khác, và tham gia một số đề tài nghiên cứu, những ý kiến đóng góp của VNCOLD được chủ đầu tư và nhà quản lý đánh giá cao.

Thứ hai, đó là hoạt động thông tin, phổ biến khoa học công nghệ: Hội thảo khoa học công nghệ được tổ chức đều đặn từ khi thành lập đến nay, mỗi năm đều có từ 1 đến 2 hội thảo về những chủ đề thời sự trong xây dựng và quản lý thủy lợi- thủy điện…Hội thảo nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các chuyên gia trong và ngoài nước: Thiết kế và thi công đập bê tông đầm lăn (2004); Tiết kiệm chi phí trong thiết kế đập (2005); Công nghệ khoan phụt tiên tiến trong xây dựng đập lớn (2006); Phân tích ứng suất và chuyển vị bản mặt bê tông cốt thép của đập đá nện có chiều cao lớn (2007); Lập hồ sơ điện tử và mô hình 3D cho công trình thủy lợi (2008); Công nghệ tiên tiến trong chế tạo các thiết bị nước (2008); Tính toán ảnh hưởng của động đất đến công trình (2008)…nhiều đề xuất trong các Hội thảo đã được áp dụng hiệu quả trong thực tế. Xuất bản những ấn phẩm chuyên ngành, đặc biệt là trang thông tin điện tử  www.vncold.vn , trang web đã  hoạt động hiệu quả như một tờ báo điện tử, hàng ngày đều đăng tải thông tin mới, ngoài tiếng Việt, còn có tiếng Anh, tiếng Pháp, tính đến ngày 14 tháng 2 năm 2009, đã có 1 triệu lượt truy cập, trong đó 30% là nguồn truy cập từ quốc tế, và 25%  IPs truy cập từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng.

Thứ baquan hệ quốc tế mạnh mẽ: Mở rộng quan hệ quốc tế là hoạt động quan trọng của Hội. Khi mới một năm tuổi (2005), Hội đã trở thành thành viên thứ 85 của Hội Đập lớn thế giới (ICOLD), và là thành viên hoạt động tích cực. Năm 2006, Hội đã phối hợp với Tập đoàn truyền thông

Hội thảo quốc tế “Thủy lợi và Phát triển năng lượng tái tạo ở châu Á” tại Đà Nẵng, 3/2008

  

“Thủy điện& Đập” (Anh) tổ chức rất thành công Hội thảo “ASIA 2006 – Thủy lợi và Phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở châu Á” tại Đà Nẵng với sự tham gia của 500 đại biểu đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, Hội nghị thành công tốt đẹp, hiệu quả cao, đã là tiền đề để VNCOLD tháng 6 năm 2008 trong Hội nghị thường niên ICOLD tại Sofia vượt qua 6 ứng cử viên muốn đăng cai, Việt Nam đã giành được quyền đăng cai Hội nghị thường niên ICOLD năm 2010 tại Hà Nội.Việc một hội viên mới có 3 năm tham dự ICOLD, giành được đăng cai tổ chức là điều hết sức hiếm. Với Hội nghị thường niên ICOLD, sẽ có khoảng 1000 thành viên tham dự.

Trong thời gian tới, VNCOLD sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động theo các hướng đã nêu với trách nhiệm là Hội khoa học kỹ thuật chuyên ngành về kết cấu hạ tầng nước giữ vai trò ngày càng trọng yếu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm nay, Hội sẽ tổ chức Đại hội lần thứ II và để đáp ứng đúng với hoạt động của Hội đang triển khai, dự kiến Hội sẽ được bổ sung với tên gọi đầy đủ là “Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam”.

Phóng viên: Là thành viên trong Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, và Tổng Hội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Giáo sư có ý kiến gì về vị trí đứng của Hội trong Tổng Hội, trong Liên hiệp Hội.

GS. TSKH. Phạm Hồng Giang: Bản thân tôi, cũng như nhiều anh em khác cũng đã là Hội viên của Hội Xây dựng từ lâu, nhiều nhà khoa học tham gia các Hội chuyên ngành khác nhau, vì về khía cạnh nào đó, mỗi người có thể hoạt động trên nhiều lĩnh vực . Khi thành lập, VNCOLD mong muốn được là thành viên của một tổ chức uy tín như Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, và đúng là VNCOLD đã nhận được nhiều quan tâm của Tổng Hội trong thời gian qua. Trong Tổng Hội đã có nhiều Hội chuyên ngành kết hợp với nhau thành khối xây dựng hạ tầng rất phù hợp, có thể hỗ trợ nhau trong chuyên môn.

Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, là tổ chức lớn trong hệ thống chính trị của nước ta. Chúng tôi mong muốn Liên hiệp Hội, với vị thế của mình, ngoài việc quan tâm đến Tổng Hội, còn quan tâm cả đến một số thành viên trong Tổng Hội. Không phải tất cả các Hội đều đã hoạt động đều tay như nhau, với những Hội hoạt động hiệu quả, Liên hiệp Hội nên có cơ chế huy động và giải quyết trực tiếp.

Thứ nhất là những chương trình đề tài khoa học phù hợp chuyên ngành để đạt được đúng hiệu quả cao nhất trong chuyên môn sâu. Hội là nơi tập hợp được những chuyên gia giỏi nhất. Các chuyên gia này, có thể nói là bậc thầy của nghề, mà người Việt ta có câu “ thầy già, con hát trẻ”, nhất là trong lĩnh vực thủy lợi, kinh nghiệm vô cùng quan trọng, vậy có trải qua nghề, mới nhìn đã hiểu nguyên nhân của sự cố và biết hướng giải quyết tốt nhất, nếu không kinh nghiệm rất khó làm. Trong khoa học cơ bản, có thể chỉ có tư duy logic thuần túy đã có thể có thành tựu, phát minh…Trong ngành thủy lợi, ngoài kiến thức cơ bản vững vàng và thường xuyên cập nhật những thành tựu khoa học công nghệ mới, các chuyên gia giỏi còn phải có những kinh nghiệm thực tế. Đến tuổi nghỉ hưu, mọi kiến thức, kinh nghiệm của họ vẫn còn nguyên giá trị, nếu không được sử dụng sẽ thiệt thòi cho công việc chung, là lãng phí lớn của xã hội. Những người làm được việc, có thực tài, luôn nhận được lời mời làm việc này việc nọ với thu nhập khá song đem lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng thì không nhiều. Nếu được sử dụng một cách trân trọng và thích hợp thì họ sẽ có những đóng góp quí giá và trực tiếp cho đất nước. Những trí thức chân chính luôn nghĩ về trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, với nhân dân và mong muốn làm được những việc vì lợi ích của cộng đồng như là sự trả ơn xã hội đã tạo cho mình  những cơ hội được đào tạo nên người, được học hành đến nơi đến chốn.

Thứ hai là ở nước ta hiện nay còn khá nhiều qui định và cách nhìn nhận mang nặng tính hành chính, cứng nhắc đối với các hoạt động xã hội. Vai trò của các hội khoa học kỹ thuật, hội nghề nghiệp.. còn bị coi rất nhẹ khác với những nước phát triển, trong đó những mối quan hệ của một xã hội dân sự đã hình thành khá hoàn chỉnh. Trong hoàn cảnh đó, nếu Liên hiệp Hội sâu sát hơn đến các hội đó (dù là thành viên của Liên hiệp Hội hay Tổng hội) thì chắc chắn nhiều khó khăn, vướng mắc sẽ được tháo gỡ kịp thời, nhanh chóng. Một ví dụ nhỏ là khi tổ chức cuộc Hội thảo quốc tế tại Đà Nẵng tháng 3/2008 như đã nhắc đến ở trên, một số đại biểu quốc tế có nguyện vọng được làm thủ tục nhập cảnh (visa) ngay tại sân bay của Việt Nam (do thời gian quá gấp, do quá xa hay ở đó chưa có Cơ quan Lãnh sự Việt Nam,..), VNCOLD đã phải phiền hà nhờ cậy nhiều cơ quan.   

Xin cảm ơn Giáo sư, chúng tôi tin rằng Liên hiệp Hội KH & KT Việt Nam và các cơ quan chức năng sẽ ngày càng quan tâm hơn đến các Hội thành viên và tạo cơ chế hoạt động hiệu quả nhất. Chúc Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam ngày càng hoạt động hiệu quả.

Anh Kiệt ( thực hiện)