“Miễn giảm thuỷ lợi phí” hay “Miễn giảm thuỷ lợi phí cho nông dân” ? [05/4/09]

06/04/2009 06:55

21

   Thảo luận

“Miễn giảm thuỷ lợi phí” hay

“Miễn giảm thuỷ lợi phí cho nông dân” ?

Nguyễn Xuân Tiệp

 

BBT. Sau khi đăng bàiCHÍNH SÁCH MỚI VỀ THỦY LỢI PHÍ VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM( /Web/Content.aspx?distid=1788 ) của tác giả Nguyễn Xuân Tiệp, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến thảo luận. Bạn đọc Bùi Quốc Tuấn đã gửi bức thư với tiêu đề “Cần phải hiểu thật chính xác thuật ngữ : miễn giảm thuỷ lợi phí" như sau:

Kính gửi anh Tiệp,

Trong thời gian qua, khi Chính phủ ban hành NĐ 154CP và sau  1 năm NĐ 115CP thay thế NĐ 154CP, các phương tiện thông tin, báo chí và nhiều người vẫn hiểu chưa đầy đủ thuật ngữ :"miễn giảm thuỷ lợi phí" cho nên các tổ chức quốc tế cũng đã hiểu không đúng về  chính sách thuỷ lợi phí của nước ta. Thực ra không có miễn giảm thuỷ lợi phí mà chỉ có miễn giảm thuỷ lợi phí cho nông dân. Thuỷ lợi phí còn nguyên và thậm chí mức thuỷ lợi phí theo NĐ 115CP còn tăng lên. Bản chất vấn đề là Nhà nước trả tiền thuỷ lợi phí thay cho nông dân. Cho nên cần phải sử dụng thuật ngữ :"miễn giảm thuỷ lợi phí cho nông dân" chứ không thể dùng "miễn giảm thuỷ lợi phí".

Vài lời mạo muội mong anh để tâm.

 

Dưới đây là trả lời của Tác giả.

*****

Trước hết tôi chân thành cảm ơn anh Tuấn đã thật sự quan tâm đến chính sách TLP, một chính sách nhạy cảm mà nhiều người đã có cách hiểu khác nhau

Về câu hỏi của anh, tôi muốn được trình bày như sau :

         Cụm từ “thủy lợi phí” đã và đang dẫn đến bao nhiêu điều rắc rối. Vì thế tôi muốn chia sẻ với anh hơi dài dòng  về vấn đề này để anh và mọi người suy nghĩ thêm. Biết đâu, nay mai sẽ không còn cụm từ này nữa!
         Thủy lợi phí ( TLP ) là gì ?   Theo Nghị định số 66-CP ngày 5 tháng 6 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) thì “phí tổn về quản lý và tu sửa của các hệ thống nông giang” mà người dùng nước phải trả được gọi là "thủy lợi phí”.
         Trong nghị định này đã khẳng định “…Tất cả các hệ thống nông giang do Nhà nước đầu tư vốn phục hồi hoặc xây dựng mới và sản lượng của ruộng đất được tưới hay tiêu nước đã tăng lên, đều do nhân dân, hợp tác xã có ruộng đất được hưởng nước chịu phí tổn về quản lý và tu sửa.  Phí tổn này gọi là thủy lợi phí

Như vậy, theo tôi hiểu thì đối tượng phải trả TLP chủ yếu là nông dânkhi nói đến thủy lợi phí là nói đến nông dân.

Công trình thủy lợi ngày càng được đầu tư hoàn chỉnh và hiện đại hơn, nhằm phục vụ tốt, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước ngày càng lớn của nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có cả đối tượng là các tổ chức làm dịch vụ, kinh doanh. Chi phí cho quản lý khai thác công trình lớn hơn, nhà nước không bao cấp nổi, thiếu vốn cho tu sửa bảo dưỡng ..công trình ngày càng xuống cấp …nên chính sách TLP đã phải thay đổi nhiều lần.

Nhiều nhà hoạch định chính sách đến nay vẩn chưa thừa nhận « chính thức» và thống nhất về tính chất «hàng hóa» của nước được cung cấp từ công trình thủy lợi, mặc dầu đã có nhiều nghiên cứu khẳng định nước là một loại «hàng hóa đặc biệt» vì nó không giống bất kỳ loại hàng hóa nào, vì nó là loại «vật tư» hay «nguyên liệu» quí hiếm không có gì thay thế được. Nhiều người đã coi nước là loại «vàng trắng». Sự «tranh cãi» kéo dài, không có trọng tài «phân xử»

Có chuyên gia đã khẳng định «thủy lợi phí» thực chất là một khoản chi phí đầu vảo của «sản phẩm nông nghiệp có tưới» tương tự như phân, giống, điện, dầu bơm nước vào ruộng của hộ nông dân.. mà người nông dân phải trả và đặt ra câu hỏi đơn giản là :

«Tại sao phân thì có giá phân, điện có giá điện, nhưng tại sao nước lại không có giá nước ?».  Nhà nước đã có chính sách đối với từng đối tượng cụ thể, như giá điện đối với doanh nghiệp, kinh doanh (phải tính đủ) còn điện bơm nước tưới, tiêu, điện sinh hoạt được bao cấp…Như vậy, nước (nước sạch) đã có giá, thì nước tưới cho nông nghiệp cũng phải có giá, tuy phải được nhà nước bao cấp nhiều hơn (áp dụng chính sách đối với nông dân, nông nghiệp). Mức giá này được nhà nước bao cấp, chỉ tương đương với mức TLP mà nông dân phải trả . Có nghĩa là nên sử dụng cụm từ  «giá nước» nhằm tác động mạnh vào ý thức của người dùng nước là  « dùng nước phải trả tiền » (vì nước đã có giá như các vật tư khác) như đã được Luật Tài nguyên nước qui định.

Kênh không có nước (Tương dương, Nghệ An) (ảnh trái).

Đã có nước để chuẩn bị gieo (Đức Phổ, Quảng Ngãi) (ảnh phải)

 

        Trước đây, khi chuẩn bị trình Quốc hội ban hành Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đã có ý kiến bàn không nên sử dụng cụm từ «Thủy lợi phí» mà nên dùng cụm từ chung nhất là «giá nước» được áp dụng đối với tất cả các đối tượng dùng nước từ công trình thủy lợi với các mức giá khác nhau (trong đó có giá nước đối với nông nghiệp được nhà nước bao cấp mà đấy chính là mức TLP ). Nhưng rồi ý kiến kết luận vẫn là «lâu nay nông dân đã gọi quen từ TLP rồi, nên cứ để nguyên cụm từ TLP». Tuy nhiên trong Pháp lệnh bước đầu đã có sự phân biệt hai cụm từ : «Thủy lợi phí»  và « tiền nước». Nếu anh đọc lại Pháp lệnh trên thì sẽ hiểu rõ thêm các cụm từ này với định nghĩa :      

Thủy lợi phí “là phí dịch vụ thu từ tổ chức, cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi cho mục đích sản xuất nông nghiệp để góp phần chi phí cho việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ công trình thủy lợi và "tiền nước“ là giá tiền trong hợp đồng dịch vụ về nước thu từ tổ chức, cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi ngoài mục đích sản xuất nông nghiệp

Từ các thông tin và định nghĩa nêu trên thì « miễn giảm thủy lợi phí » cũng có thể được hiếu là « miễn giảm thủy lợi phí cho nông dân ». Tuy nhiên nếu nói đầy đủ « miễn giảm thủy lợi phí cho nông dân » người đọc có thể thỏa mãn hơn, có phải không anh Tuấn ?

Đọc thư của anh, tôi suy nghĩ về điều anh viết : « ..Thuỷ lợi phí còn nguyên và thậm chí mức thuỷ lợi phí theo NĐ 115CP còn tăng lên .. » 

Theo tôi hiểu, mức hỗ trợ miễn TLP được ghi trong Nghị định 115 chính là mức thu TLP tại qui định của Nghị định 143 cộng thêm phần trượt giá (nhân lên bình quân 2 lần). Nhìn  bề ngoài một số ít ngưới đã có cùng suy nghĩ như anh (mức ghi trong Nghị định 115 cao hơn mức thu TLP tại qui định của Nghị định 143), nhưng thực chất là : Mức thu TLP NĐ 143 tại thời điểm qui định chỉ bằng 50-60 % tổng chi phí yêu cầu và được tính đổi thành tiền theo giá thóc 1800-2000 đồng / 1 kg , giá điện bình quân 250 – 500 đồng / 1Kw.h.., tiền lương bình quân 200.000 đồng/người/ tháng…(thời điểm năm 1999, 2000) nhưng tại thời điểm ban hành Nghị định 115 (năm 2008) thì giá thóc không chỉ tăng gấp 2 mà là 3-4 lần, giá điện, vật tư, nhân công cũng tăng tương tự (so với thời điểm năm 1999, 2000), cho nên không phải là « còn tăng lên » như anh nghĩ mà ngược lại đấy

Ông Bùi Đình Nhiệm, HTXNN Vũ Thuận, Vũ Thư, Thái Bình (ảnh trái).

Các ông Phạm Xuân Trường, Liêng A Chang, Ly văn Dìn, Bát Sát, Lào Cai (ảnh phải)

 

Thủy lợi phí đã tác động đến nhiều khía cạnh mà nhiều nước trên thế giới đã rút ra nhiều bài học và có cùng chung quan điểm là « Nhà nước và nhân dân cùng làm». Chỉ  được thực thi bằng các biện pháp khác nhau : «trực thu, hay gián thu»  mà thôi

 

Ở nước ta cán bộ ngành nông nghiệp và các ngành liên quan, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu...đã tốn rất nhiều giấy mực, công sức, nhưng vấn chưa có được « lời kết» chuẩn mực. Một cán lãnh đạo ở huyện Phù Yên (Sơn La) gần đây đã thổ lộ với chúng tôi bằng một nhận xét là « chính sách TLP vẩn chưa đảm bảo được tính bền vững»

Nhân đây tôi  muốn nhắc lại chuyện cũ với anh tâm trạng của các ông Phạm Xuân Trường, Liêng A Chang, Ly văn Dìn (nông dân ở thôn Làng San, Xã Quang Kim, Huyện Bát sát, Lào cai ) ngày16/6/2007, đã trăn trở khi trao đổi với tôi là:“.. phục vụ tốt, có nước, thuỷ lợi phí nộp cao hơn cũng được. Không phải nộp thuỷ lợi phí, (miễn) nhưng mà không có nước, mất mùa, dân sẽ khó khăn hơn thì nộp TLP lại tốt hơn…” “dân lo bỏ cái này lại thu thêm cái khác, bỏ thuế nông nghiệp rồi, tăng thu thêm cái khác , giống như cái âu chuyển sang cái liễn” thôi mà.hàng năm mỗi  gia đình ở đây phải đóng 190-200.000,00 đồng cho các loại quĩ, trong khi đó TLP chỉ phải đóng 20.000,00 đ / 2 vụ».

          Ngày 17/6/2007, bác nông dân Bùi đình Nhiệm (xã Vũ thuận, Vũ thư, Thái bình) khi gặp tôi 17/6/2007) đã lo lắng: “thủy lợi phí là chi phí đầu vào, là tiền nước (khác với thuế..)  mà người dân phải trả không đáng là bao (nhỏ) so với lợi ích thủy lợi đem lại, nhờ nước được cung cấp đáp ứng yêu cầu cả về chất và lượng đảm bảo tăng năng suất, tăng sản lượng cây trồng do tăng vụ. Có giống tốt rồi, nước không đủ, hạn và cả úng ngập nữa thì không có năng suất cao.. Tỉnh Thái bình đã giảm 50% TLP vụ mùa, giảm nữa cũng vẫn khó khăn, không làm giàu được. Vì đất chật (chưa đầy 500m2/người) người đông, không có nghề gì khác, chỉ biết bám ruộng, ngày công nông nghiệp quá thấp, thu nhập từ nông nghiệp đơn thuần sẽ không đáp ứng được giá cả thị trường tăng vọt làm mất cân đối thu và chi của mỗi hộ nông dân. Vì vậy Nhà nước hỗ trợ được ít hay nhiều đều tốt. Trong thời bao cấp không có điện để bơm nước, nông dân phải tát nước để tưới, vẩn hăng hái. Bây giờ Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương..việc tưới nước thuận lợi hơn nhiều. Nhà nước bỏ TLP – 6,7 kg/sào có giảm được 5-7% chi phí, nhưng để rồi nông dân phải tự lo nước. Thiếu nước do công trình xuống cấp, năng suất giảm. Thậm chí mất trắng, lại mất đi gấp nhiều lần số thóc được nhà nước giảm TLP…”

        Thế đó ! Nông dân lo một, Chính phủ phải lo mười. Nghị định 154 mới ban hành (2007) chưa «ráo mực», nhưng vì chưa phù hợp nên chỉ 1 năm sau (2008) Chính phủ đã ban hành Nghị định 115 thay thế và chắc chắn Chính phủ phải có chính sách TLP ngày càng phù hợp hơn

       Tôi luôn tin như thế và chắc anh Tuấn cũng vậy ?  

(www.vncold.vn)