Nhịp đập của một trái tim lớn. [20/4/09]

19/04/2009 09:06

13

Nhân giỗ đầu Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

 

 

 

Cố Thủ tướng
Võ Văn Kiệt

NHỊP ĐẬP CỦA MỘT TRÁI TIM LỚN

 

 

Tô Văn Trường

            Nhìn nhận về lịch sử, người ta thường tranh luận “Thời thế tạo anh hùng hay anh hùng tạo ra thời thế”? Có thể ở trong trường hợp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cả 2 trường hợp nêu trên đều đúng. Éo le thay, thời gian thì trôi quá nhanh, mà cuộc đời con người lại ngắn ngủi “như bóng câu qua cửa sổ” nên khi thời thế tạo ra anh hùng thì anh hùng chưa kịp làm hết mọi ước nguyện để tạo ra thời thế, nhất là trong giai đoạn có quá nhiều sự kiện và biến cố ở cả trong và ngoài nước. 

Đã gần một năm rồi, kể từ khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) từ biệt chúng ta về cõi vĩnh hằng, trái tim ấy không còn đập nữa. Nhưng dường như trái tim ông vẫn đập trong tâm trí của nhiều người, bởi tấm lòng  nhân hậu, tình thương bao la của ông để lại cho mọi người và nhịp đập trái tim của ông hòa với nhịp đập của nhân dân đã từ rất lâu. Điều đó, cũng dễ hiểu bởi vì những vui buồn, sướng khổ, mất mát, đau thương của đất nước, của đồng bào dường như ông Sáu đã phải chịu đựng và trải nghiệm cả theo nghĩa đen của nó.

Ngay từ nhỏ, phải đi ở đợ, mới trưởng thành đã đi tham gia Nam kỳ khởi nghĩa, do điều kiện khốc liệt của cuộc chiến tranh, ông Sáu Dân không được đào tạo, học hành có bằng cấp nhưng có bộ óc thông tuệ nhờ ông chịu khó đọc, biết lắng nghe, học hỏi, tìm hiểu, suy nghĩ, lăn lộn, học ở trường đời, rèn luyện chủ kiến. Nhà thơ Trần Việt Phương, nguyên trợ lý Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có nhận xét rất xác đáng về nét riêng của ông Sáu Dân nguyên văn như sau: “ Sống cùng dân, sống trong dân, với từng người, với mọi tầng lớp, với cả dân tộc, trong đó đặc biệt ông Sáu chú trọng 5 lớp người (1) Những người nghèo khổ, thiệt thòi, đau thương nhất; (2) Những người đứng đầu sóng, ngọn gió trong chiến tranh là người lính và người chỉ huy ngoài mặt trận, trong hòa bình là người lao động và doanh nhân ở những trọng điểm;(3) Những người giàu sáng kiến và thành tựu, làm giàu, làm mạnh, làm đẹp cho đất nước;(4) Những tri thức giàu tâm huyết và tài năng, truyền bá kiến thức, kỹ năng và làm ra kiến thức, kỹ năng; (5) Những người tưởng chừng khó đi cùng dân tộc, nhưng thực tế lại rất gắn bó, trung thành và hết lòng dâng hiến”.

  Ông Sáu giữ vai trò quan trọng trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc có nhiều biến cố và nhiều thách thức nhất. Ông đã được đánh giá là người cộng sản đổi mới tư duy sớm nhất, can đảm “xé rào” khi còn là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, là một trong những kiến trúc sư của tiến trình Đổi mới. Ông chủ trương, tích cực thúc đẩy thực hiện việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và các nước Tây phương, cũng như việc Việt Nam gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Ông Sáu là người đi tiên phong thực hiện hòa giải dân tộc qua việc mời chuyên gia của chế độ cũ làm tư vấn từ ngày mới giải phóng, tiếp đó là chào đón các tri thức việt kiều hợp tác, tư vấn về kinh tế, giáo dục và khoa học. Trọng dụng trí thưc từ mọi nguồn đào tạo, tâm huyết với đất nước, ông biết “thuật dùng người” cho nên nhiều công trình trọng điểm quốc gia như đường dây 500 Kv, hệ thống đường cầu giao thông, nhiều công trình thủy lợi, nhà máy thủy điện vv…trên mọi miền đất nước đều mang dấu ấn của ông.

Trong các sản phẩm của ông Sáu để lại, có 2 bài viết rất công phu, tâm huyết gây chấn động trong xã hội. Đó là “Bức tâm thư gửi Bộ chính trị” năm 1995, mục đích chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ VIII với nhiều nhận xét và kiến nghị táo bạo mặc dù ông biết rằng sẽ gặp phải không ít phiền toái và trở ngại vì cái tội “cầm đèn chạy trước ô tô”!  Sản phẩm thứ hai là trước Đại hội Đảng lần thứ X, năm 2006, ông đóng góp ý kiến gửi cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến hôm nay, nếu suy ngẫm lại về 2 bài viết nói trên, những điều ông cảnh báo, ông phân tích, và kiến nghị đã được thực tế chứng minh đó chính là tầm nhìn xa, “con chim báo bão” nhìn trước thời cuộc. Dám nói lên sự thật, những suy nghĩ táo bạo, đụng đến các “vùng cấm” dù đang ở cương vị Thủ tướng bị chi phối bởi cơ chế “tập trung dân chủ” là bản lãnh, tính cách riêng của công dân Võ Văn Kiệt.

Trong cuộc sống đời thường, dù không còn chức vụ, tuổi đã cao, ông vẫn xông xáo, đi khắp mọi miền của tổ quốc, tiếp xúc với đủ thành phần dân chúng phản ánh những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, quan tâm đến vận mệnh tương lai của đất nước. Ông Sáu được người dân ngưỡng mộ, tin tưởng, kính trọng vì ông biết cảm thông, chia sẻ, là chỗ dựa tinh thần, niềm hy vọng của nhiều tầng lớp trong xã hội.  Ngoài ra, ông còn nhiều bức thư công tác, góp ý riêng về các vấn đề “nhạy cảm” liên quan đến chủ trương, chính sách, chương trình phát triển gửi đến cơ quan và những người có trách nhiệm quản lý đất nước.          

 Riêng đối với giới khoa học, ông Sáu rất coi trọng đội ngũ chuyên gia giỏi, các nhà khoa học, nhà giáo, những người có tri thức, tư duy độc lập và sản phẩm đóng góp cho xã hội. Ông hiểu và luôn cổ vũ cho việc nghiên cứu ứng dụng các thành quả của khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới vào Việt Nam. Ông không có năng khiếu về lý luận và không ham thích lý luận có tính hàn lâm nhưng quan tâm và lắng nghe những lý luận định hướng có tính chất thiết thực về cuộc sống của người dân, các công việc của Nhà nước. Ông bỏ nhiều thời gian lắng nghe và thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học của các ngành, đặc biệt là của  Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Giáo dục để cùng suy nghĩ ứng dụng vào thực tế vì lợi ích lâu dài của đất nước.   

Trong bộ óc thông tuệ của ông Sáu, những ngày cuối đời vẫn còn đang trăn trở, suy nghĩ về chiến lược và các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là muốn đi Hà Lan vừa để nghiên cứu kinh nghiệm làm đê biển của quốc gia sống trong điều kiện đất đai thấp hơn mực nước biển, vừa muốn nhắc nhở Việt Nam không thể chậm trễ hơn, nghiên cứu ảnh hưởng của hiện tượng này và có giải pháp chuẩn bị sớm. Tưởng nhớ nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân 49 ngày về cõi vĩnh hằng, www.vncold.vn (/Web/Content.aspx?distid=1477 ) đã đăng bài viết của tôi “Lỡ một chuyến đi xa” phản ánh ước vọng cuối đời của một con người luôn vì dân, vì nước, dự định đi Hà Lan nhưng lại dở dang không bao giờ thực hiện được.

Day dứt về việc mở rộng Thủ đô, mặc dù biết đã muộn, ông vẫn cho công bố ý kiến của mình trên công luận. Ông không hề ngạc nhiên khi được đọc bản sao công văn “hỏa tốc” của một Tổng công ty lớn của Nhà nước vận động mọi người trong cơ quan (kể cả cộng tác viên) vào mạng, bấm nút ủng hộ chủ trương của Nhà nước mở rộng Thủ đô mà ông cho rằng đó là “trò chơi” của việc lấy phiếu đồng thuận! Ông kể cho tôi nghe đã gửi thư riêng cho Bộ Chính trị khẳng định lại những điều mà mình đã viết đăng tải trên báo và không quên lưu ý những người có trách nhiệm quản lý đất nước phải làm sao có các bước đi thích hợp, không nên mang Thủ đô ra làm thí điểm!

Thấu hiểu đất nước muốn phát triển bền vững, việc quan trọng nhất là phải thực sự biết trọng dụng hiền tài, tri thức với cốt cách của kẻ sĩ cho nên ông Sáu đang ấp ủ đề xuất giải pháp “đột phá” trong công tác nhân sự của Đại hội Đảng và Quốc hội lần tới, đặc biệt ông muốn nâng tầm vai trò của Quốc hội (cơ quan dân cử) thực sự là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Nhà nước. Ông cũng dự định viết bài báo về việc cần cải tổ cơ cấu tổ chức hoạt động kinh tế bởi vì một số Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước, nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến phát triển của đất nước nhưng tiếc thay do “mệnh trời” các ý tưởng, mong muốn cuối đời của ông lại lỗi hẹn.

Những năm cuối đời, ông lại nghĩ nhiều đến sự đoàn kết, hòa hợp dân tộc để phát triển đất nước. Ông thấu hiểu nỗi đau, mất mát của chiến tranh biết bao anh hùng liệt sỹ phải hy sinh để đất nước có ngày thông nhất. Chiến tranh đã cướp mất của ông 4 người thân yêu nhất, vợ và 3 người con hy sinh, có 3 người bị bom không tìm được thi thể, còn bản thân ông cũng  trải qua biết bao bao gian khổ, và không ít lần hiểm nguy vì bom đạn của quân thù. Có thể nói gia đình ông là 1 trong những gia đình chịu nỗi đau mất mát nhiều nhất bởi chiến tranh nên ông luôn trân trọng giá trị của hòa bình, tự do và độc lập. Trái tim đầy xúc động, nhân ái của ông, không chỉ rung lên những đau thương, tổn thất to lớn không gì bù đắp nổi của đồng bào, chiến sỹ của ta mà còn biết cảm thông, chia sẻ cả mất mát của người dân bên kia chia tuyến. Ông hiểu rõ những vết thương trên cơ thể của đất nước, những di chứng để lại trong tâm hồn của không ít đồng bào cả 2 bên chiến tuyến. Biết nén thù nhà, đặt sự nghiệp phát triển của đất nước lên trên tất cả, sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, mặc dù biết rằng một số đồng chí của mình có thể chưa cảm thông, chia sẻ nhưng ông Sáu vẫn mạnh dạn viết lên những lời tâm huyết tự đáy lòng mình về kết quả cuộc chiến tranh khốc liệt hai mươi năm là “có hàng triệu người vui nhưng cũng làm cho hàng triệu người buồn.”

Sau khi ông mất, nhiều cuốn sách, bài báo, bài viết đã nhận định, đánh giá về sự nghiệp, những thành tích to lớn của ông kể cả trong thời chiến cũng như thời bình. Ông không chịu ngủ yên trên thành tích mà vẫn năng động, dấn thân, luôn suy nghĩ tích cực theo đuổi mục tiêu phát triển đất nước. Ông can đảm và sòng phẳng nhìn nhận cả những khiếm khuyết và bài học kinh nghiệm rút ra từ khi mình còn giữ trọng trách quản lý đất nước. Ông là một người yêu nước, một trong những vị lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước có tầm nhìn chiến lược và những bước chiến thuật rất thực tế trong lịch sử. Ông Sáu là người lịch lãm, cởi mở chân thành, hòa đồng thân mật giầu kinh nghiệm sống nhưng cũng là người cả tin, dễ trao sự tin cậy của mình. Người từng trải ấy, vẫn có sự ngây thơ. Đó là nét dễ thương của con người và một nhược điểm của người lãnh đạo.

Thấm thoát, gần 1 năm đã qua, kể từ ngày ông Sáu Dân về cõi vĩnh hằng với biết bao sự kiện diễn ra trên đất nước, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu. Kỷ niệm 1 năm ngày mất của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là dịp để chúng ta kiểm nghiệm lại những điều ông Sáu đã nghĩ, đã nói và đã làm. Nhịp đập trái tim của ông, một Người cộng sản chân chính vẫn thúc dục, động viên chúng ta vượt qua những thử thách cam go trước mắt để vững tin vào tương lai của đất nước, của dân tộc.  

 

Thành phố Hồ Chí Minh,1 giờ 30 phút sáng ngày 19 tháng 4 năm 2009

                                                                               (www.vncold.vn)