Vượt vòng cung Lô Gâm đến với Thủy điện Tuyên Quang. [21/4/09]

20/04/2009 14:53

51

Vượt vòng cung Lô Gâm đến với Thủy điện Tuyên Quang

Ai lên Tuyên Quang vượt vòng cung Lô Gâm đến Na Hang quê em... phượng hoàng đã về đây, em mong anh về đây anh ơi... thương anh như chín mươi chín ngọn núi, nhớ anh như núi Pác Tạ  anh ơi". Giai điệu bài hát “Tâm tình cô gái Nà Hang” của nhạc sĩ Lê Việt Hòa vấn vương, như mời gọi những người con thủy lợi lên xây dựng vùng đất thiêng liêng này.

 Cái tên Na Hang bắt nguồn từ hai chữ Nà Hang, theo tiếng địa phương có nghĩa là ruộng cuối. Trước đây từ thị xã Tuyên Quang đến Na Hang chỉ duy nhất một con đường độc đạo dài hơn 100km nhưng phải mất vài ngày đường. Ở nơi đây có những cánh đồng lúa, đồng bông màu mỡ xen kẽ những núi đá vôi, những khu rừng nguyên sinh, những hồ trên núi tạo nên phong cảnh hữu tình. Có thể nói Na Hang như một nàng công chúa ngủ trong rừng chưa ai đánh thức.

Dòng sông Gâm hiền hòa, xanh ngát

    Tuổi thơ của tôi gắn với dòng sông Gâm xanh mát uốn lượn như một dải lụa qua những khu dân cư, làng bản ven sông. Vào mùa khô sông Gâm hiền hòa  là thế nhưng khi lũ về nó đục ngầu, gào thét. Hầu như năm nào thị xã Tuyên Quang cũng bị ngập úng vài lần.

Thị xã Tuyên Quang vào mùa lũ khi chưa có Thủy điện Tuyên Quang

     Năm 2002 khi chính phủ phê duyệt báo cáo tiền khả thi công trình thủy điện Tuyên Quang tôi đang là một học sinh của một trường phổ thông cách chân đập Thủy điện hiện nay khoảng 1km. Ngày ấy tôi chỉ mường tượng về một công trình thủy điện lớn chặn dòng sông Gâm với tổng vốn đầu tư đến gần chục ngàn tỷ chắc hẳn là rất hoành tráng và sẽ làm cho quê hương tôi thêm giàu đẹp. Vì thế tôi quyết định thi vào trường Đại học Thủy lợi để hiểu hơn về nó, để được đóng góp công sức của mình cho quê hương.

5 năm qua, mỗi lần về nhà tôi đều đến công trình mơ ước và chứng kiến sự thay đổi của quê hương. Từ năm 2006 thị xã Tuyên Quang đã không còn chịu cảnh lũ lụt nhờ có hồ cắt lũ, điều tiết và quê hương Na Hang của tôi thay da đổi thịt ngày càng giàu đẹp, khang trang hơn. Nhiều người đã biết đến Na Hang như một khu du lịch lý tưởng khi du thuyền lòng hồ tham quan những hang động, thác nước gắn các sự tích của dân tộc vùng cao, hay đến với bà con dân bản với những làng nghề dệt vải, trồng bông truyền thống.

Thác Mơ, cách đập 1,5km phía thượng lưu

Các cô gái dân tộc Tày bên khung cửi

 

           Sông Gâm bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua các tỉnh Hà Giang (Sông Nho Quế), Cao Bằng, Tuyên Quang (Sông Gâm) với độ dốc tương dối lớn. Vị trí của tuyến công trình Thủy điện Tuyên Quang đặt tại khu vực địa giới xã Vĩnh Yên và thị trấn Na Hang, cách trung tâm thị trấn Na Hang 2km về phía Bắc. 

Vùng lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang nằm trong địa phận huyện Na Hang thuộc tỉnh Tuyên Quang, một phần thuộc huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang và huyện Ba Bể và tỉnh Bắc Cạn.

Lòng Hồ với ngọn núi Pác Tạ cao vút biểu tượng của người Na Hang

    Công trình thủy điện Tuyên Quang gồm có 3 hạng mục chính: Đập chính (không tràn) cao 97,3m; tràn xả lũ có 2 phần xả mặt 4(15x15,15m) và xả đáy 8(4,5x6m); nhà máy thủy điện có 3 tổ máy. Đập chính là loại đập đá đầm nện bản mặt bê tông (Concrete Face Rockfill Dam) đầu tiên của Việt Nam. Công trình có nhiệm vụ chính là phát điện với công suất thiết kế 342MW, kết hợp phòng lũ cho thị xã Tuyên Quang và là nguồn góp phần duy trì dòng chảy mùa kiệt cho vùng đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra công trình còn góp phần cải tạo khí hậu, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và tạo ra khu du lịch sinh thái lòng hồ.

Toàn cảnh Thủy điện Tuyên Quang nhìn từ hạ lưu cuối năm 2007

Tràn xả lũ nhìn từ hạ lưu

Sinh viên Thủy lợi thực tập tốt nghiệp đang "chinh phục" mái hạ lưu đập đá đầm nện

Bản mặt bê tông thượng lưu đập đá đầm nện


Nguyễn Đình Tứ (45C2-Đại học Thủy lợi)

(www.vncold.vn)