Hồ Kẻ Gỗ - Một bản tình ca. [22/4/09]

22/04/2009 08:16

46

Hồ Kẻ Gỗ - Một bản tình ca

 Kẻ Gỗ là đây bao năm đợi tháng chờ, này vùng Đá Bạc đồi núi lô nhô…”, đã hơn ba mươi năm nay lời ca trong sáng, trữ tình ấy vang lên từ mảnh đất một thời mỏi mắt ngóng trông dòng nước. Đến hôm nay, chúng tôi mới có dịp tận mắt chiêm ngưỡng một khung cảnh hữu tình: Hồ Kẻ Gỗ.

Từ Hà Nội dọc theo quốc lộ 1, qua Thành phố Hà Tĩnh chúng ta bắt gặp những đồi cây, ruộng lúa, luống khoai xanh ngắt và một biển nước giữa rừng thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên. Không còn “Những dòng suối nhỏ theo sông về với biển; bỏ đồi hoang lại trong nắng, trong mưa; để người thêm khổ như đất kia cằn khô…” thủa nào. Tất cả nhờ có Hồ Kẻ Gỗ.

Hồ Kẻ Gỗ được quy hoạch từ đầu thế kỷ 20, đến ngày 26/3/1976 khởi công xây dựng, năm 1980 cơ bản hoàn thành, đến năm 1983 chính thức đưa vào sử dụng toàn bộ hệ thống.

Diện tích lưu vực 223 km2, đã tạo nên hồ dài 29 Km, diện tích mặt hồ ứng với MNDBT khoảng 30 km2, Hồ có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 21.136 ha; cấp nước sinh hoạt với lưu lượng 1,6 m3/s; nuôi cá, phòng lũ, cải tạo môi trường khí hậu, tạo cảnh quan du lịch hấp dẫn.

Cụm công trình đầu mối gồm: Một đập chính; 3 đập phụ; một tràn xả lũ chính, một công trình lấy nước, một tràn sự cố.

Đập chính là đập đất đồng chất. Cao trình đình đập là +35,4m (cao trình đáy đập là -2,0 m), tường chắn sóng trên đỉnh đập bằng bê tông cốt thép có cao trình đỉnh là +36,4 m. Chiều cao đập lớn nhất là 37,4m, chiều dài đỉnh đập là 1004 m, mái thượng lưu của hồ được bảo vệ bởi những tấm bê tông có kích thước b x l x h = 1 x 1 x 0,2 (m).

Tràn chính (còn gọi là Tràn Dốc Miếu) đặt ở eo núi bên trái hồ có ngưỡng thực dụng, cao trình ngưỡng tràn ở + 26,5 m. Tràn gồm 2 cửa, mỗi cửa rộng 10m; van cung; cột nước tràn lớn nhất là 8,11 m; lưu lượng xả lớn nhất 910 m3/s. Nối tiếp sau ngưỡng là dốc nước và tiêu năng mũi phun.

Nhìn từ thượng lưu tràn chính

Sinh viên Trường Đại học Thủy lợi chụp ảnh  ở hạ lưu tràn chính


Cống lấy nước đặt ở bờ phải hồ, kích thước b x h = 3 x 3 m. Đáy cửa vào ở cao trình +10,5. Đoạn cuối cống nối với 6 đường ống đường kính 1600 mm, 3 ống dẫn vào nhà máy thủy điện (hiện đã hỏng), 3 ống dẫn ra kênh tưới.

Tháp cống lấy nước

Một hạng mục công trình mới xuất hiện từ năm 2001, đó là tràn sự cố. Hồ Kẻ Gỗ sau khi đi vào hoạt động đã nảy sinh một vấn đề: Lượng mưa thực tế vượt lượng mưa thiết kế hơn 15%. Để đảm bảo an toàn cho cả cụm công trình đầu mối, đã tiến hành xây dựng tràn sự cố. Cao trình ngưỡng tràn là +31,5 m, cột nước tràn lớn nhất: 3,89 m. Trên ngưỡng tràn có đập đất tạm bố trí các lỗ mìn . Khi lũ đến vượt thiết kế, cho nổ mìn phá đập tạm trên ngưỡng và tràn sự cố thực thụ làm việc. Nối tiếp sau tràn sự cố là dốc đất tự nhiên và năng lượng thừa tự tiêu hao.

Tràn sự cố kiểu đập đất nổ mìn gẫy vỡ

 

Bằng ấy công trình đã tạo nên một hồ chứa có:

            Mực nước chết (MNC) = + 14,7 m

Dung tích chết Vc = 25 triệu m3

Mực nước dâng bình thường (MNDBT) = +32,5 m

            Dung tích hữu ích Vh = 320 triệu m3

            Dung tích hồ ứng với MNDBT: Vh = 345 triệu m3

            Mực nước lũ ứng với p = 0,5% là +34,61 m.

Và cùng với gần một nghìn km kênh mương các loại, hàng trăm công trình trên kênh khác nhau đã tạo nên “từng đàn cá lội, cây lúa thêm nặng bông” trong mỗi cánh đồng, trong từng thôn xóm của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà -Hà Tĩnh.

Trước mắt chúng tôi đan xen giữa “mặt hồ lay động nên sóng mênh mông” hôm nay, với những cảnh công trường tấp nập, vất vả nhưng nên thơ ngày nào:

                                 Tay anh phá núi, tay em đào sỏi

                                 Ngồi trong xe ủi, anh nhớ những ngày hè

                                Chân lội qua khe, em nhớ mùa đông giá

                                Ta nghe trong gió bao nhiêu là chuyện lạ

                                Ngày ta đi học em nói thích nghề gì

                               Nay da em nâu tươi mầu suy nghĩ

                               Thấy mùa phượng vĩ ta ngỡ gặp mùa thi

                               Cũng ngày phượng nở, hai đứa mình ra đi

Quả thực, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã có tác phẩm “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” quá hay, làm say đắm hàng triệu con tim. Người Thủy lợi tự hào cội nguồn của những giai điệu trữ tình ấy, cái cốt lõi làm bật lên những ca từ trong sáng và mênh mang ấy chính là thành quả lao động của mọi người đã tạo dựng nên Hồ Kẻ Gỗ. Rất khiêm tốn và thật công bằng khi chúng ta nói rằng: “Hồ Kẻ Gỗ - một bản tình ca”.

Bài và ảnh: Việt Bắc (VB)

(Nguồn WRU)

 
Bài liên quan:
Hồ Kẻ Gỗ. [27/6/07]