Điều chỉnh phương án kỹ thuật đập RCC Nước Trong (Quảng Ngãi).[23/07/09]

23/07/2009 07:58

12

Thượng nguồn sông Trà Khúc
Điều chỉnh phương án kỹ thuật đập
RCC Nước Trong (Quảng Ngãi)

 

 

Đập Nước Trong trên thượng nguồn sông Trà Khúc tại xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã được giới thiệu trên trang /Web/Content.aspx?distid=992 . Đập chính là đập trọng lực bằng bêtông đầm lăn (RCC).

 

 

Mặt cắt ngang đập RCC trọng lực Nước Trong

Mặt cắt đập RCC được thiết kế chống thấm bằng khối RCC “biến thái” phía thượng lưu. Giải pháp kỹ thuật này tạo điều kiện thi công nhanh, được dùng tại nhiều đập lớn RCC ở Trung Quốc, và ở nước ta tại một số đập thủy điện như Sơn La, … Tuy nhiên việc dùng RCC “biến thái” cũng đang còn nhiều thảo luận. Đập Định Bình, đập RCC được khởi công đầu tiên ở nước ta, được thiết kế với tường thượng lưu chống thấm bằng bêtông thường đã đạt yêu cầu kỹ thuật cao mặc dù thi công tường cũng phần nào làm chậm tiến độ chung. Chủ đầu tư (Ban Quản lý Đầu tư & XD Thủy lợi 6) và nhà thầu thi công (Công ty XD 47) là đơn vị đã thi công đập RCC Định Bình đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét những điều chỉnh cần thiết cho đập RCC Nước Trong.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ra các Quyết định số 1612/QĐ-BNN-KHCN ngày 11/6/2009 và số 1851/QĐ-BNN-KHCN ngày 01/7/2009 thành lập Hội đồng Khoa học công nghệ tư vấn kỹ thuật công trình Nước Trong gồm các chuyên gia hàng đầu về xây dựng đập RCC và vật liệu bê tông trong nước ta do Chủ tịch Hội Đập lớn VN, GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, chủ trì để bàn về phương án điều chỉnh cần thiết.

Phiên họp thứ nhất của Hội đồng đã có ý kiến thống nhất như sau: 

1.       Đập Định Bình là đập RCC được khởi công đầu tiên ở nước ta, mặt thượng lưu là tường chống thấm bằng BT cốt thép thường (các chuyên gia Trung Quốc gọi là kiểu “kim bao ngân”), đã được CT47 thi công đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, do  phải tiến hành thi công RCC sau khi thi công tường  bê tông cốt thép thường ở mặt thượng lưu đập nên  tiến độ thi công bị hạn chế và khó đảm bảo tiếp giáp tốt giữa tường và khối RCC.

Đập Nước Trong được thiết kế không theo cấu tạo “kim bao ngân” mà đổ lớp RCC “biến thái” ở thượng lưu. Loại mặt cắt đập này đã được áp dụng tại một số đập RCC ở nước ta và nhiều nước khác, nhưng vẫn còn những quan niệm khác nhau về lớp RCC “biến thái”. RCC là loại vật liệu mới (được sử dụng khoảng 30 năm trở lại đây cùng với sự xuất hiện các phương tiện đầm lăn lớn), dùng it xi măng và nhất là thi công rất nhanh. Song cũng vì ít xi măng nên RCC có khả năng chống thấm rất hạn chế. Mặt khác, để phát huy lợi thế thi công nhanh thì phải đổ khối lớn nên dễ phát sinh nứt do nhiệt. Thiết kế các lớp vật liệu chống thấm phía thượng lưu có tầm quan trọng đặc biệt đối với an toàn đập RCC.

2.       Vì vậy, để tăng cường khả năng chống thấm của đập, đồng ý thay lớp RCC biến thái ở thượng lưu (theo thiết kế trước đây) bằng bê tông thường. Lớp bê tông thường này được  trộn trong trạm trộn riêng và thi công đồng thời với khối RCC. Ở chố tiếp giáp giữa bê tông thường và RCC, cần kết hợp cả đầm sục và đầm lăn.  Tư vấn thiết kế, Tổng Công ty Tư vấn XD Thủy lợi VN (HEC), phối hợp với các cơ quan nghiên cứu bê tông để xác định bề dày, cấp phối và các loại phụ gia thích hợp cho lớp bê tông thường nói trên, đảm bảo tính chống thấm theo thiết kế, không phát sinh nứt và đủ tính năng cần thiết để có thể thi công đồng thời với RCC.

3.       Nên bố trí lưới cốt thép thích hợp (có tính cấu tạo) trong lớp bê tông thường để tăng cường độ bê tông và sự nối tiếp vững chắc giữa các lớp đổ phía thượng lưu. Tư vấn thiết kế nghiên cứu kỹ và đề ra những biện pháp cụ thể đảm bảo chất lượng chỗ tiếp giáp giữa các lớp đổ và không phát sinh nứt do nhiệt.

(www.vncold.vn)