Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.[30/07/09]
29/07/2009 07:56
KẾ HOẠCH THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
(Bài trình bày tại Hội thảo Việt Nam thích ứng với Biến đổi khí hậu,
ngày 31/7/2009 tại Hội An - Quảng
GS.TS. Đào Xuân Học
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT
Tóm tắt:
Biến đổi khí hậu (BĐKH) trên phạm vi toàn cầu đã làm cho thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng về số lượng, cường độ và mức độ ảnh hưởng, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội. Lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất do BĐKH là nông nghiệp, thuỷ lợi, thuỷ sản, diêm nghiệp, lâm nghiệp, an ninh lương thực; các vùng đồng bằng và dải ven biển do mực nước biển dâng, người nghèo ở vùng nông thôn, đòi hỏi chúng ta phải có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm ứng phó kịp thời.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã sớm triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu tác động của BĐKH, lồng ghép yếu tố BĐKH vào chiến lược và quy hoạch và phát triển của ngành v.v... đồng thời đã tổ chức xây dựng và triển khai “Khung chương trình trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2008-2020”, bước đầu đạt kết quả tốt.
Bài viết này nêu tóm tắt một số tác động của BĐKH đến nông nghiệp và PTNT một số vùng dễ bị tổn thương, giới thiệu khung chương trình hành động thích ứng với BĐKH của ngành, triển khai tổ chức thực hiện và một số đề xuất, kiến nghị.
I. MỞ ĐẦU
BĐKH đang được xem là vấn đề nóng bỏng nhất - yếu tố quan trọng, có tác động toàn diện đến sự phát triển bền vững trên toàn thế giới. Do ảnh hưởng của BĐKH, thiên tai trên phạm vi toàn cầu đã, đang và sẽ xảy ra với tần suất nhiều hơn, phức tạp hơn, cường độ tăng mạnh hơn làm trầm trọng thêm mức độ ảnh hưởng của thiên tai. Ước tính hàng triệu hecta đất bị ngập, hàng chục triệu người Việt Nam có thể bị mất nhà cửa nếu nước biển dâng cao. Sản lượng lương thực có nguy cơ giảm sút lớn, đe doạ tới an ninh lương thực của nước nhà. Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý 6 lĩnh vực chính là: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và hạ tầng nông thôn có liên quan tới cuộc sống của 73% số dân của cả nước, trong đó tập trung phần lớn người nghèo - là đối tượng chịu ảnh hưởng của BĐKH nhiều nhất. Nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai là những công việc vô cùng quan trọng đối với an sinh xã hội và phát triển bền vững, vì vậy cần phải có những hành động ứng phó kịp thời.
Nhận thức rõ ảnh hưởng của BĐKH, để nâng cao khả năng giảm thiểu và thích ứng với BĐKH đảm bảo phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định số 2730/QĐ-BNN-KHCN ngày 05/9/2008, ban hành “Khung chương trình trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2008-2020”. Trên cơ sở đó, các đơn vị trực thuộc Bộ và các địa phương tổ chức triển khai các chương trình, dự án và các hoạt động nhằm chi tiết và cụ thể hoá những tác động của BĐKH và giải pháp ứng phó, lồng ghép chương trình với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của ngành và địa phương.
II. THIÊN TAI VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC DO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
2.1. Thiên tai và tác động đến phát triển kinh tế xã hội
Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, một trong năm ổ bão của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thường xuyên phải đối mặt với các loại hình thiên tai, hằng năm nước ta chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai, làm thiệt hại về người và của vô cùng to lớn. Đặc biệt trong những năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Trong 12 năm gần đây (1996 - 2008), các loại thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập hạn hán và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 9.600 người (xem hình vẽ), giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm. Mức độ thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại kèm theo những đột biến khó lường. Việt Nam có tới hơn 80% dân số có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai.
Chỉ tính riêng năm 2007, thiên tai đã làm 435 người chết và mất tích, 7800 ngôi nhà bị sập đổ, 113.800 ha lúa bị hư hại, phá huỷ và hư hỏng nặng 1300 công trình đập, cầu, cống, làm sạt lở 1500 km đê, thiệt hại ước tính 11.600 tỷ đồng, tương đương trên 1% GDP. Trong những năm gần đây, mưa lớn đã gây ngập dài ngày ở thành phố lớn TP. Hà Nội, mưa lớn và triều ngập lụt thường xuyên ở thành phố như TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ làm ách tắc giao thông trầm trọng, ảnh hướng lớn đến sinh hoạt của người dân. Đầu tháng 8/2008, đầu tháng 7/2009 mưa lũ và sạt lở ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại lớn về người và của cải.
Đầu năm 2008, trận rét lịch sử kéo dài 40 ngày đã làm hơn 150 nghìn héc-ta lúa, 9.600 héc-ta mạ bị chết. Chỉ tính riêng về giống, thiệt hại đã lên tới khoảng 180 tỷ đồng; gia súc bị chết do rét là 62.603 con, thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng,..... tại các tỉnh miền núi Phí Bắc. Thiên tai xảy ra và đã làm mất đi nhiều thành quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước. Trong 5 năm (2004 - 2008) thiên tai đã làm hơn 2.000 người thiệt mạng, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 75.000 tỷ đồng.
Thiên tai làm gia tăng sự phân hoá mức sống dân cư, làm cản trở và làm chậm quá trình xoá đói giảm nghèo, đặc biệt ở những vùng thường xuyên phải đối mặt với thiên tai. Trung bình mỗi năm có hàng triệu lượt người cần cứu trợ do bị thiên tai. Nhiều người trong số họ vừa mới thoát khỏi nghèo đói thì lại bị tái nghèo bởi thiên tai.
Thiên tai ảnh hưởng đến phát triển giáo dục, phá hoại cơ sở hạ tầng giáo dục, gián đoạn thời gian đến trường của học sinh, đặc biệt là ở những khu vực miền núi và đồng bằng sông Cửu Long; ảnh hưởng đến môi trường sức khoẻ của cộng đồng ở vùng bị lũ lụt.
Thiên tai còn gây nhiều ảnh hưởng bất lợi đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như: người già, yếu, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em.
Download (PDF; 562KB)