Vùng duyên hải miền Trung ứng phó với biến đổi khí hậu: Thực tiễn và giải pháp.[07/09/09]

07/09/2009 08:16

15

VÙNG DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU:
THỰC TIỄN VÀ GIẢI PHÁP.

TS. Trần Văn Minh

Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng

I.Mở đầu

            Vùng duyên hải miền Trung được cấu tạo bởi một dải đất nằm giữa dãy Trường Sơn về phía Bắc, vùng cao Nguyên Nam Trung Bộ về phía Nam, và Biển Đông. Dải đất bị chia cắt bởi nhiều nhánh núi Trường Sơn vươn ra đến tận biển nên đồng bằng ở miền Trung rất hạn hẹp.

            Bờ biển vùng duyên hải miền Trung dài 1200 km và gồm các tỉnh  từ  Thanh Hoá đến Bình Thuận. Dãy Trường Sơn chạy suốt theo bờ biển. Có nhiều sông tương đối khá lớn, như  sông Gianh ở Quảng Bình, sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, sông Hương ở Thừa Thiên- Huế, sông Vu Gia ở Đà Nẵng, sông Thu Bồn ở Quảng Nam, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi. Sông, suối nhiều nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn. Lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh. Các cửa sông lại hay bị bồi lấp làm cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng (hình 1).

Hình 1. Ảnh vệ tinh vùng Duyên hải miền Trung

 

 

Vùng duyên hải miền Trung là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thiên tai. Qua thực tiễn cho thấy đây là khu vực đang chịu ảnh hưởng ít nhất của 8 loại hình do thiên tai, hiểm họa gây ra bao gồm: Bão, lũ (kể cả lũ quét), lụt, hạn hán, sạt lở đất, lốc, xâm nhập mặn và xói lở bờ sông.

Hiện nay, ảnh hưởng và tác động của biến đổi khí hậu như sự nóng lên của trái đất, nước biển dâng, diễn biến của khí hậu ngày càng khắc nghiệt không còn là chuyện của thế giới, của những nhà khoa học mà nó đang trở thành một hiểm hoạ thực sự cho Việt Nam, trong đó có khu vực vùng duyên hải miền Trung.

            Theo các mô hình nghiên cứu, trong thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình của Trái đất có thể tăng từ 1,1 – 6o C. Nhiệt độ trái đất nóng lên làm cho băng của dãy Himalaya và Nam cực, Bắc cực và các vùng khác tan chảy. Những núi băng này tan chảy sẽ làm cho mực nước biển tăng lên. Mực nước biển có khả năng dâng lên từ 28 - 43 cm và có thể cao hơn nữa tùy theo sự phát thải của hiệu ứng nhà kính và tác động của con người gây ra. Trong báo cáo “Tác động của biến đổi khí hậu với vùng ven biển”   TS. Nguyễn Thế Tưởng, Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam đã nêu ra một số dự báo:

   - Những biến đổi khí hậu tại Việt Nam:
                +Nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,3o C.

            +Xu thế biến đổi của lượng mưa trên phần lãnh thổ Việt Nam, lượng mưa giảm đi trong tháng 7, 8 và tăng lên trong các tháng 9, 10, 11, hiện tượng mưa phùn giảm đi rõ rệt ở Bắc và Bắc Trung Bộ.               

                       +Mực nước biển dâng lên trung bình 0,435 cm đến 0,635 cm năm.
           - Sự biến đối khí hậu đến năm 2070:
                     +Nhiệt độ vùng duyên hải tăng 1,5oC và vùng nội địa là 2,5o C.
                     +Trên các khu vực, mưa trong gió mùa đông bắc tăng 0 - 5% vào mùa khô và 0 – 10% vào mùa mưa.
                     + Nước biển dâng cao 45 cm.

         Vì vậy bão lũ và nước biển dâng của vùng duyên hải miền Trung còn nan giải hơn rất nhiều khi tính đến yếu tố liên quan bởi hiện tượng biến đổi khí hậu. 

Trong 4 thập kỷ qua, một thực tế có thể nhìn thấy được đó là cường độ và tần suất các dạng thiên tai ngày càng tăng lên và dữ dội hơn. Trong thập kỷ 90, khu vực miền trung đã phải chống chịu hơn 15 cơn bão, trong đó một số cơn bão có sức gió giật mạnh trên cấp 12 gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

 

II. Thực trạng

              Như đã nêu ở trên, vùng duyên hải miền Trung chịu tác động của nhiều  lọai thiên tai, hiểm họa, tuy nhiên qua thực tiễn lãnh vực bão, lũ lụt, nước dâng luôn là mối đe dọa rất lớn về người và tài sản trong khu vực, do đó chúng tôi chỉ tập trung vào các lãnh vực trên.

2.1. Bão, Lũ lụt.   Hàng năm những trận bão  và gió mùa Đông Bắc đã gây nên những trận mưa lớn ở miền Trung. Những năm gần đây, do ảnh hưỡng của biến động thời tiết trên toàn thế giới như El Nino và La Nina, những trận bão và mưa lớn xảy ra càng khốc liệt hơn. Mùa mưa bão thường kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11, và trung bình hàng năm có 4 cơn bão. 

          Mưa lớn điển hình là vào năm 1999 với những trận mưa liên tục từ ngày 18 tháng 10 đến ngày 06 tháng 11 đã nâng  mực nước các sông lớn ở miền Trung đến độ cao chưa từng thấy. Với lượng mưa 1384 mm tại Huế trong vòng 24 giờ (từ 7 giờ sáng ngày 2  đến 7 giờ sáng ngày 3 tháng 11) , làm mực nước Sông Hương lên cao gần 6 m, cao hơn mực nước trận lụt năm 1953 đến 0.46 m.  Lượng mưa vào ngày 2 tháng 11 tại Huế là lượng nước mưa lớn thứ nhì trên thế giới, sau kỷ lục 1870 mm đo được tại Cilaos, đảo Réunion vào ngày 16 tháng 3 năm 1952.  Tiếp đến là các trận mưa lớn đã xãy ra từ ngày 01 đến ngày 07 tháng 12, nhất là ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Lượng nước mưa lên đến 2192 mm ở thượng lưu Sông Tam Kỳ và 2011 mm ở gần Ba Tơ.  Đặc điễm của trận lụt năm 1999 là nước lũ dâng cao rất nhanh nhưng xuống chậm, làm nhiều nơi bị ngập lụt đến 3-4 ngày.

           Khác với Sông Hồng ở miền Bắc, các sông ngòi ở miền Trung không có hệ thống đê để ngăn lũ. Ngoài ra cũng không có các hồ chứa nước lớn ở vùng thượng lưu để điều tiết nhằm giảm thiểu lũ lụt ở vùng đồng bằng, vì vậy các khu dân cư ở hai bên bờ sông bị ngập tràn mỗi khi có mưa to.

Hình 2- Một số hình ảnh lũ lụt ở miền Trung.

 

 

2.2. Biển dâng

           Mực nước biển dâng và sự không ổn định của địa mạo ở vùng ven biển miền Trung ngày càng diễn biến phức tạp. Mực nước biển dâng bao gồm: dâng do thủy triều, dâng do bão, lũ, dâng do biến đổi khí hậu. Vì vậy những năm gần đây, tình hình bờ biển bị xâm thực xảy ra nhiều hơn.  Sự đe dọa của mực nước biển dâng lên các khu dân cư và cơ sở hạ tầng  dọc bờ biển là thường xuyên hơn.
              Đã nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa bão, người dân sống dọc ven biển của các địa phương vùng ven biển miền trung thường rơi vào trạng thái lo lắng bởi nạn xâm thực của sóng biển. Cứ vào mỗi mùa mưa bão, nhà cửa, đất đai và nhiều tài sản khác bị sóng cuốn ra biển. 

Hình 3 - Người dân phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu đóng kè chắn sóng.

 

 

           Điển hình trong nhiều năm qua, gần 100 hộ dân sống dọc biển Nam Ô (TP Đà Nẵng) luôn phải sống trong nỗi ám ảnh bởi sự xâm thực của sóng biển. 750ha đất sản xuất, đất sinh hoạt của người dân nơi đây đang ngày càng bị thu hẹp bởi biển ngày càng “ăn” sâu vào đất liền.

         Trong các trận bão cuối năm 2007 và 2008, tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), nước biển đã ăn sâu vào đất liền, cuốn trôi nhà cửa và ao tôm của 16 hộ chuyên nuôi tôm giống. Cạnh đó, một đoạn đê dài gần 2 km chạy dọc sông Cu Đê (đoạn cầu Nam Ô, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc) cũng bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của cầu Nam Ô. Sóng biển xâm thực đã đánh sập và hư hỏng hàng chục căn nhà. Sóng biển cũng đã ăn sâu 100m vào khu vực dân cư phía Bắc ghềnh Nam Ô, gần 40 ngôi mộ buộc phải di dời khẩn cấp trước khi bị nước biển nhấn chìm.

          Tại tỉnh Quảng Nam, dự án kè Tam Thanh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2006 nhưng đến nay hơn 50 hộ dân sống khu vực này vẫn bị sóng biển đe dọa. Từ năm 2003, Nhà nước đã đầu tư 60 tỷ đồng để xây dựng 3 km kè biển Tam Thanh và 1km kè sông và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2006. Thế nhưng, đến cuối năm 2006, sóng biển đã làm sạt lở gần 100m ở khu vực dốc ông Dũ và ông Ổi.  

Hình 4- Nhiều đoạn của tuyến đê ngăn mặn tại

huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) bị sạt lở gần hết. Ảnh: Hoàng Trọng.

 

            Tỉnh Bình Định hiện có 105 km đê ngăn mặn và gần 390 km đê sông, là một trong những địa phương có hệ thống đê nhiều nhất miền Trung. Thế nhưng, phần lớn tuyến đê này cũng đã bị xuống cấp, có nhiều đoạn bị sạt lở sâu vào thân đê, đe dọa cuộc sống của hàng ngàn hộ dân khi có  mưa bão.

            Bên cạnh đó, hệ thống đê khu Đông của sông Hà Thanh có chiều dài trên 50 km, từ TP Quy Nhơn đến phía đông Tuy Phước, Phù Cát càng đáng lo ngại hơn. Theo Chi cục Quản lý đê điều Bình Định (thuộc Sở NN-PTNT), hệ thống đê này vẫn còn 25 km chưa từng được tu bổ trong hơn 10 năm qua nên nguy cơ vỡ đê rất lớn.

            Những biến động sâu sắc về môi trường tự nhiên và về kinh tế-xã hội nêu  trên không những có ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng duyên hải miền Trung mà còn đối với cả nước.


III. GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU:

 

            Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, thiên tai khí hậu là điều khó  dự báo một cách chính xác. Tuy nhiên việc phòng chống, đối phó với tác động của sự biến đổi khí hậu là điều hết sức cấp thiết. Vì vậy có hai vấn đề cần đặt ra, thứ nhất là làm giảm tác động biến đổi khí hậu và thứ hai là thích ứng với biến đổi khí hậu.

             Với đặc điểm của vùng duyên hải miền Trung, để phòng chống và hạn chế những thiệt hại do lũ lụt, nước biển dâng, chúng tôi đề nghị cần tập trung một só giải pháp sau:

 

3.1.Giải pháp kỹ thuật

- Đẩy mạnh việc thực hiện chương trình bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển.

            - Đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển, đê sông. Việc quy hoạch, xây dựng các dự án ở những vùng ven biển, cửa sông đều phải tính tới yếu tố ổn định  địa mạo và yếu tố biển dâng một cách cụ thể.

- Xây dựng một số các công trình như Nhà trú ẩn đa năng kiên cố phục vụ cho việc di dân tránh bão lụt tại các cộng đồng dân cư trong khu vực. 

- Rà soát lại các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch ngành tại các tỉnh miền Trung với các phương án phải đối mặt với lũ, lụt và nước biển dâng. Đặc biệt thống kê số hộ và số dân hiện đang cư trú dọc bờ biển miền Trung những nơi bị đe dọa xâm thực để cần được bố trí đến nơi cư trú mới an toàn trên từng độ cao nhất định, phân bố lại lực lượng sản xuất. Thách thức biển dâng chính là động lực thúc đẩy nhà nước suy tính sâu sắc hơn trong việc quản lý kinh tế theo vùng lãnh thổ.


3.2. Giải pháp quản lý

            - Tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ và của người dân về các phương thức và phương án giảm nhẹ thiên tai, tăng cường năng lực quản lý tổng hợp vùng bờ một cách có hiệu quả. Làm cho cả xã hội nhận thức đầy đủ về tính tất yếu phải ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động của nó đến tự nhiên, kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.

- Phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các hội đoàn thể tổ chức các lớp nâng cao năng lực phòng chống bão cho ngư dân, nhân dân vùng ven biển.  Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang triển khai dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại thành phố Đà Nẵng” do quỹ Rockefeller tài trợ với kinh phí 200.000 USD đã bước đầu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với 02 quận Liên Chiểu và Sơn Trà, nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách về biến đổi khí hậu, xây dựng chiến lược tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai thông qua các buổi hội thảo với sự góp mặt của các cơ quan, hội đoàn thể; đồng thời dự án cũng đã xây dựng và nâng cao năng lực cho người dân tại khu vực quận Liên Chiểu và Sơn Trà về hậu quả, ảnh hưởng và các biện pháp thích ứng của thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, dự án cũng đã vận động viện trợ cho hợp phần tiếp theo nhằm triển khai các hoạt động nghiên cứu và đánh giá về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở cấp thành phố. Đây là một mô hình tốt cần được triển khai nhân rộng cho các tỉnh vùng duyên hải miền Trung.

            - Đẩy mạnh sự hợp tác và điều phối liên vùng để có thông tin, số liệu được cập nhật liên quan đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam, trong đó có vùng duyên hải miền Trung; hợp tác trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và điều tra nghiên cứu những đề tài khoa học đặt ra cho khu vực. Trước mắt cần khảo sát đo đạc để xây dựng bản đồ địa hình của các vùng ven biển, các vùng đồng bằng để xác định bản đồ ngập lụt theo từng cấp dự báo để có phương án bảo vệ thích hợp.  

- Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, phát huy năng lực đào tạo tại các Đại học trong vùng như: Đại học Đà Nẵng, Tây nguyên, Huế, Vinh, Nha Trang, Quy Nhơn, trong việc đào tạo liên thông và liên kết  nhằm đào tạo cán bộ kỹ thuật có khả năng phân tích dự báo, đề ra các giải pháp đối phó với sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng duyên hải miền Trung.

            Các giải pháp nêu trên phải được thực hiện một cách đồng bộ và tùy theo khả năng kinh tế của đất nước, sự hợp tác quốc tế để xác định cấp độ ứng phó  và chống chọi với sự biến đổi của khí hậu trong từng giai đoạn nhất định.