Thủy lợi Việt Nam trên đường phát triển.[14/09/09]

14/09/2009 08:20

14

THUỶ LỢI VIỆT NAM TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

             

      GS.TS. Đào Xuân Học

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT

 

Hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) chứa 1,58 tỷ m3 nước

Tuổi trẻ lao động trên công trường Dầu Tiếng

cách đây 30 năm

(Diễn văn tại cuộc mít tinh chào mừng Ngày truyền thống ngành Thủy lợi -28/8/ 1945 - 2009)

 

 

   Trải qua 64 năm từ ngày thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, ngành Thuỷ lợi Việt Nam đã không ngừng phát triển. Đối với phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thuỷ lợi luôn giữ một vị trí quan trọng. Vì vậy, từ bao đời nay nhân dân ta đã bền bỉ làm thuỷ lợi, cải tạo thiên nhiên, chiến thắng hạn, úng, lũ lụt để bảo vệ, phát triển sản xuất, bảo vệ đời sống nhân dân và duy trì, phát triển xã hội. 64 năm qua, ngành Thuỷ lợi Việt Nam đã gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang. Công tác thuỷ lợi nước ta đã thật sự là một công cuộc trị thuỷ, chinh phục thiên nhiên, mang lại hiệu quả lớn lao cho việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nên những cơ sở vật chất - kỹ thuật rất cơ bản và quan trọng của chủ nghĩa xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

         Đương thời, Bác Hồ kính yêu đã từng nhấn mạnh “ Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hoà với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Lời dạy đầy ý nghĩa của Bác đã thấm sâu vào trái tim, khối óc bao thế hệ những người làm thuỷ lợi chúng ta. Trải qua bao thời kỳ lịch sử, từ sau cách mạng tháng 8 và kháng chiến chống thực dân Pháp, thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước; đặc biệt là từ sau ngày giải phóng đến nay, thuỷ lợi Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài đầy khó khăn nhưng đã giành được những thành tựu lớn lao, đáng được ghi nhận:

 - Về tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp:

Tính đến năm 2008, trên phạm vi cả nước, các hệ thống thuỷ lợi lớn, vừa và nhỏ đã đảm bảo tưới trực tiếp cho hơn 3,45 triệu héc-ta đất nông nghiệp, tiêu cho khoảng 1,4 triệu héc-ta, ngăn mặn cho gần 1 triệu héc-ta.v.v.Nhiều hệ thống công trình thuỷ lợi lớn như: Hệ thống thuỷ nông Sông Chu, hệ thống thuỷ nông Bắc Nghệ An, hệ thống thuỷ nông Đồng Cam, hệ thồng thuỷ nông Bắc Hưng Hải, Công trình thuỷ lợi Sông Sào.v.v.từ nhiều năm nay đã phát huy hiệu quả tốt, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

- Về đê điều – phòng chống và giảm nhẹ thiên tai:

 Đây là một lĩnh vực hoạt động của ngành luôn được các cơ quan từ Trung ương đến địa phương và toàn dân quan tâm. Chúng ta đã tập trung nghiên cứu, nâng cao mức đảm bảo của các hệ thống đê sông, đê biển trước diễn biến của thiên tai và biến đổi khí hậu gần đây. Đến năm 2008 đã xây dựng mới và nâng cấp gần 10.000 km đê sông, đê biển, hơn 23.000 km bờ bao, hàng trăm km kè….Nhờ vậy, hiện nay hệ thống đê biển ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể ngăn mặn và triều với tần suất 10% khi gặp bão cấp 9; ở Đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống bờ bao đã chống được lũ sớm, lũ tiểu mãn để bảo vệ vụ lúa Hè-Thu và các điểm dân cư trong vùng kiểm soát lũ.

- Về cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản:

Đi đôi với mở rộng diện tích tưới nước để đảm bảo nước ngọt quanh năm cho nhiều vùng rộng lớn ở cả đồng bằng, trung du, miền núi mà trước kia nguồn nước ngọt rất khó khăn, trước nhu cầu của đời sống, phát triển kinh tế…ngành Thuỷ lợi đã đầu tư, chú trọng đến việc cấp nước sinh hoạt, cấp nước cho công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Hiện nay, ở nông thôn trên 70% số hộ đã được cấp nước hợp vệ sinh. Đối với đô thị và khu công nghiệp, đã tham gia tạo nguồn cấp nước và tiêu thoát nước vòng ngoài cho nhiều đô thị, khu công nghiệp lớn có hiệu quả rõ rệt. Ngoài việc cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp, ngành Thuỷ lợi đã đóng góp rất lớn, đảm bảo nguồn nước cho nuôi trồng thuỷ sản nội địa và tạo điều kiện mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản vùng nước ngọt, nước lợ lên hơn 650. 000 héc-ta.

- Về tham gia phát triển thuỷ điện:

Cùng với ngành điện, trong nhiều năm qua, ngành Thuỷ lợi đã tham gia tích cực vào việc quy hoạch trị thuỷ khai thác các hệ thống sông trên phạm vi cả nước, đặc biệt là hệ thống sông Đà, sông Hồng và các sông lớn ở miền Trung và Tây Nguyên. Nhiều đề xuất, đóng góp tích cực của Hội Thuỷ lợi Việt Nam, Hội đập lớn và các chuyên gia trong ngành về phát triển thuỷ điện đã được Nhà nước đánh giá cao, là cơ sở giúp cho ngành điện trong việc quy hoạch và xây dựng các công trình thuỷ điện có hiệu quả như các công trình: Thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện Tuyên Quang, Cửa Đạt v.v.

       - Về thực hiện Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về “ Tam nông”:

      Thời gian qua, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thực hiện các Nghị quyết: Số 26 – NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Trung ương Đảng và Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ngành Thuỷ lợi, mà trực tiếp là các Hội: Hội Thuỷ lợi, Hội tưới tiêu.v.v.đã tích cực, chủ động phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam và các Ban, ngành liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết, tích cực nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến một cách nghiêm túc và có hiệu quả vào các Đề án xây dựng nông thôn mới và Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Vận dụng các Nghị quyết về “ Tam nông” của Đảng và Chính phủ vào công tác thuỷ lợi trong giai đoạn hiện nay là đẩy mạnh nghiên cứu, tập trung hiện đại hoá thuỷ lợi gắn với xây dựng nông thôn mới, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kịp thời đưa ra chủ trương cho xây dựng mô hình tưới tiêu hiện đại, tiết kiệm nước kết hợp cơ giới hoá và xây dựng nông thôn mới, trước mắt tại 3 vùng: Thái Bình (đại diện cho vùng đồng bằng Bắc Bộ), Phú Thọ (đại diện cho vùng trung du miền núi phía Bắc) và vùng khan hiếm nước ở miền Nam Trung bộ…

      Với vai trò, nhiệm vụ to lớn của mình, 64 năm qua, ngành Thuỷ lợi Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn vào việc bảo vệ, cải tạo môi trường, góp phần quan trọng vào xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Các công trình được xây dựng ở mọi miền trên đất nước, ngoài việc đảm bảo phục vụ tưới tiêu, chống lũ ..vv..còn đem lại hiệu quả to lớn cho việc cải tạo môi trường, phát triển giao thông nông thôn, phát triển văn hoá xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, đóng góp vào việc quản lý tài nguyên nước, góp phần to lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Điểm lại những thành tựu cơ bản của nghành thuỷ lợi Việt Nam trong 64 năm qua, chúng ta không thể không đề cập đến sự phát triển của khoa học kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực của ngành. Trước thực tiễn và những yêu cầu của đời sống xã hội, với những công trình thuỷ lợi đa dạng đã và đang xây dựng trên mọi miền tổ quốc, đã đánh dấu sự đổi mới, vươn lên mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật trong tất cả các khâu từ quy hoạch, khảo sát thiết kế đến thi công xây dựng và quản lý khai thác công trình. Trong những năm gần đây, nhiều công trình đã áp dụng khoa học kỹ thuật mới như: Đập bê tông đầm lăn Định Bình, đập bê tông đá đổ bản mặt Cửa Đạt.v.v. đã ghi nhận sự tiến bộ , phát triển về khoa học kỹ thuật của ngành Thuỷ lợi. Cũng từ thực tiễn và yêu cầu phát triển không ngừng của ngành Thuỷ lợi, chúng ta cũng đã đào tạo được một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, các cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý vừa có trình độ chuyên môn sâu, quản lý giỏi, đầy sáng tạo và tâm huyết với nghề. Đó là nguồn nhân lực vô cùng quý giá cho sự đổi mới, phát triển của ngành Thuỷ lợi.

Có được những thành quả to lớn trên trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp giúp đỡ của các Bộ, Ngành liên quan; các cơ quan từ Trung ương đến địa phương và toàn dân, đặc biệt là sự nỗ lực của toàn thể các bộ, công nhân ngành Thuỷ Lợi qua bao thế hệ - những người đã đóng góp sức lực, trí tuệ, cả máu và nước mắt để có được tài sản quý giá của ngành Thuỷ lợi ngày hôm nay. Và ngày hôm nay, chúng ta cũng đang đứng trước bao khó khăn, thách thức; đặc biệt là sự biến đổi khí hậu toàn cầu và khu vực sẽ dẫn đến suy giảm tài nguyên nước, mưa lũ phức tạp hơn, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, đe doạ đến ổn định của các tuyến đê sông, đê biển..v.v.Mặt khác, các hệ thống thuỷ nông được xây dựng từ lâu đời đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng, việc mở rộng đô thị, khu công nghiệp.v.v. trong khi nguồn tài nguyên nước của chúng ta có hạn và đang bị suy thoái cả về số lượng lẫn chất lượng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc quản lý, khai thác tài nguyên nước, ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp và nông dân, đến đời sống kinh tế - xã hội nói chung…

Trước những khó khăn, thách thức lớn, chúng ta vẫn khẳng định mục tiêu của công tác thuỷ lợi đến năm 2020 với những nội dung chính là :

- Đảm bảo nhu cầu nước tưới cho 7,6 triệu hec-ta gieo trồng lúa, 1,2 triệu hec-ta ngô, rau màu cây vụ đông ; nước cho nuôi trồng thuỷ sản, chủ yếu là nuôi tôm 0,65 triệu ha; nước sinh hoạt cho 100% dân nông thôn theo tiêu chuẩn hợp vệ sinh.

- Nâng cao mức an toàn phòng chống và thích nghi để giảm thiểu tổn thất do thiên tai bão lũ gây ra:

            + Các lưu vực sông lớn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Củng cố và phát triển các giải pháp phòng chống lũ để chống lũ chính vụ an toàn với mức bảo đảm: P = 0,2% (tại Hà Nội), trên Hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; p < 1%(tại Cầu Tào) trên sông Mã.v.v.

 + Các sông ở Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đảm bảo chống lũ chủ động bảo vệ dân cư sản xuất vụ Hè – Thu và Đông – Xuân với tần suất từ 5- 10%.

+ Hình thành được vùng an toàn lũ ở vùng ngập nông, đảm bảo các điều kiện thích nghi và an toàn cho dân sinh, sản xuất vùng ngập sâu của Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Hệ thống đê biển, đê cửa sông đảm báo chống được mức nước triều tần suất 5% ứng với gió bão cấp 9 (năm 2010) và cấp 10 (năm 2020).

+ Đảm bảo an toàn các công trình : Hồ chứa, đê kè cống…

            Ngoài các mục tiêu, nhiệm vụ trên, còn tham gia với ngành Tài nguyên Môi trường trong quản lý khai thác và sử dụng tổng hợp tài nguyên mức bền vững, chống ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước các lưu vực sông, nâng cao năng lực, trình độ khoa học công nghệ và nghiên cứu đánh giá nguồn nước, quy hoạch, thiết kế, xây dựng thuỷ lợi và quản lý khái thác công trình thuỷ lợi .v.v.

            Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên, chúng ta cần phải thực hiện tốt các giải pháp chính dưới đây:

             Một là: Tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi trong tình hình mới; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính năng động tự chủ của đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý công trình Thuỷ lợi; phát huy mọi tiềm lực cơ sở vật chất để vươn lên khai thác tổng hợp các nguồn tài nguyên đất, nước trong các hệ  thống thuỷ nông; đáp ứng đủ nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt, cho công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế. Cần phải đánh giá năng lực tưới tiêu, cấp nước của từng công trình, từng hệ thống công trình một cách chính xác để điều tiết nước và mở rộng khai thác triệt để năng lực các công trình đã có, đồng thời bổ sung quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu nước cho các ngành kinh tế, nhu cầu tưới tiêu và chuyển đổi sản xuất. Đồng thời phải rà soát kỹ để điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành các hồ chứa. Rà soát nâng cao tần suât  đảm bảo tiêu cho các đô thị, tần suât tưới tiêu cho các hệ thống thuỷ lợi.

            Hai là: Tăng cường công tác quản lý đê điều – phòng chống lụt bão, giữ vững an toàn hồ, đập trong mọi tình huống. Trong điều kiện Ngân sách có hạn, cần tập trung củng cố các đê kè trọng điểm, huy động sự đóng góp của địa phương và người hưởng lợi để thường xuyên củng cố, bổ sung các tuyến đê nhỏ, bờ bao. Đồng thời phải đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Luật đê điều, chiến lược phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng và xây dựng quỹ phòng chống lụt bão.

            Ba là: Đẩy mạnh công tác xây dựng cơ bản, ưu tiên vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm như dự án chống úng ngập cho tp. HCM và tp. Hà Nội, đảm bảo thi công nhanh gọn, sớm phát huy hiệu quả. Đặc biệt, trong xây dựng cơ bản, cần chú trọng đến việc đầu tư xây dựng đồng bộ giữa đầu mối và kênh mương để phát huy hiệu quả cao; tăng cường công tác quản lý chất lượng, quản lý tiến độ công trình và quản lý vốn đầu tư, chống thất thoát lãng phí. Đồng thời tăng cường hoàn thiện tổ chức quản lý xây dựng cơ bản, nâng cao năng lực và trách nhiệm cán bộ, công nhân viên chức hoạt động xây dựng cơ bản để quản lý tốt các bước từ chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào phục vụ sản xuất.

            Bốn là: Cần coi trọng, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học,quản lý kỹ thuật và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực. Trong quản lý kỹ thuật cần chú trọng rà soát và bổ sung sửa đổi các quy trình quy phạm trong khảo sát, thiết kế, thi công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển thời kỳ hội nhập và tình hình biến đổi khí hậu. Chú ý hơn nữa đến công tác tổng kết thiết kế, tổng kết thi công. Trong nghiên cứu cần xác định các mũi nhọn cần tập trung, nâng cao chất lượng và tính thực tiễn các đề tài khoa học và mở rộng phổ biến ứng dụng các đề tài khoa học vào thực tiễn.

             Năm là: Tăng cường quản lý toàn diện các lĩnh vực hoạt động của ngành và đổi mới cơ chế trong các lĩnh vực: quản lý khai thác công trình Thuỷ lợi, đê điều, phòng chống lụt bão, xây dựng cơ bản.v.v. nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo ra bước phát triển vững chắc trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá của đất nước.

            Sáu là: Từng bước nghiên cứu, lồng ghép vào việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến phòng, chống lụt, bão giảm nhẹ thiên tai trong bối cảnh có sự biến đổi khí hậu ứng với từng giai đoạn; đồng thời từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức và tăng năng lực, trang thiét bị, cơ sở vật chất cho công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương.v.v.

            64 năm qua, ngành Thuỷ lợi Việt Nam đã trải qua một chặng đường đầy gian khổ, thách thức nhưng đã mang lại niềm vinh quang và nhiều bài học quý báu cho thế hệ tương lai. Những thành tựu trong bước đường xây dựng và phát triển của ngành Thuỷ lợi Việt Nam đã được lịch sử ghi nhận là thắng lợi của đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trong đó có sự đóng góp to lớn của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, của đồng bào chiến sĩ cả nước; đặc biệt là sự cống hiến không biết mệt mỏi các thế hệ những người làm công tác thuỷ lơi trong 64 năm qua.

            Nhân 64 năm ngày truyền thống vẻ vang của ngành Thuỷ lợi Việt Nam – 64 mùa hoa rực rỡ trong bão giông và đạn bom, cho phép tôi thay mặt ngành Thuỷ lợi được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Chính phủ; cảm ơn sự hợp tác phối hợp giúp đỡ của các Bộ, Ban, Ngành liên quan, các địa phương, các cơ quan truyền thông, báo chí.v.v.đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành Thuỷ lợi Việt Nam. Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tri ân tới các thế hệ các cụ, các bác hưu trí thuỷ lợi. Xin được luôn ghi nhớ công ơn của những người - những chiến sĩ đã hy sinh trên mặt trận thuỷ lợi thầm lặng trong suốt chặng đường qua, trên mọi miền Tổ quốc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành Thuỷ lợi Việt Nam.