Lại thêm 1 trường hợp “đạo … in văn” quá tệ hại![17/09/09]
16/09/2009 08:18
Lại thêm 1 trường hợp “đạo … in văn” quá tệ hại!
BBT. Chúng tôi mới nhận được thư của bạn đọc & cộng tác viên phản ánh một hiện tượng xấu, thiếu văn hóa gần đây trong lĩnh vực xuất bản, một lĩnh vực về văn hóa.
Một cuốn sách do Nhà xuất bản “Văn hóa – Thông tin” ấn hành năm 2004. Gần đây, trên các quầy sách lại xuất hiện một cuốn sách khác cũng ghi Nhà xuất bản “Văn hóa – Thông tin nhưng không ghi năm xuất bản và nội dung sách bị cắt bỏ đi hơn 50% .
Xin chuyển đến bạn đọc lá thư nói trên và đề nghị các cơ quan hữu quan sớm trả lời tác giả cuốn sách & công luận.
*
Thư của VÂN HẠC và HOÀNG GIANG:
Cần làm rõ và xử lý nghiêm hành vi gian trá
Ngày 16-8-1442, Thảm án Lệ Chi Viên xử tử hình Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ và tru di ba họ vị anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi đã làm ảm đạm trời đất Đại Việt lúc bấy giờ và làm nhức nhối con tim của những người quan tâm đến lịch sử dân tộc trong suốt quãng thời gian gần 600 năm qua.
Mặc dù sau này (vào năm 1464) Nguyễn Trãi đã được Hoàng đế Lê Thánh Tông ban “chế tảy oan” và ca ngợi bằng lời thơ “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”, nhưng vì nhiều lý do phức tạp, vụ án Lệ Chi Viên vẫn không được làm sáng tỏ. Thế là, suốt gần 600 năm qua, nhất là từ nửa sau thế kỷ 20 đến nay, các sử gia trong nước, những người sùng kính Ức Trai tiên sinh đã tốn không ít công sức để tìm hiểu với mong muốn làm sáng tỏ vụ án, trả lại sự trong sạch cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ và Ức Trai Nguyễn Trãi.
Ngày 19-12-2002, nhân kỉ niệm 560 năm ngày mất của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Hội thảo khoa học về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã được tổ chức tại xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nơi có ngôi đền thờ riêng bà Nguyễn Thị Lộ. Tại Hội thảo, từ góc nhìn khác nhau, các tham luận đã tập trung làm rõ cuộc đời của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ trong mối quan hệ với quê hương, dòng tộc, lịch sử, thời đại, phân tích tài năng xuất chúng, phẩm chất cao thượng và những cống hiến của bà với triều đại nhà Lê lúc bấy giờ. Các tham luận đã “xé bức màn dối trá trong thảm án Lệ Chi Viên”, làm “trắng án cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ…” một cách trung thực với những cứ liệu khoa học không ai có thể phủ nhận được.
Là một trong những thành viên sáng lập ra Trung tâm UNESCO phát triển nhân văn, Ủy viên Hội đồng sáng lập trung tâm UNESCO Văn hóa dòng họ và gia đình Việt Nam, nhà giáo Hoàng Đạo Chúc đã tập hợp các tham luận và tổ chức thành cuốn sách “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên” (chủ biên và chịu trách nhiệm xuất bản: Vũ An Chương; chịu trách nhiệm bản thảo: Phạm Ngọc Luật; Biên tập Hoàng Thị Thiệu…). Cuốn sách gồm 528 trang, khổ 14,5 x 20,5cm và được Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin ấn hành, xuất bản năm 2004, với giấy phép xuất bản số: 55-XB.QLXB/06VHTT. Cuốn sách ra đời được những người yêu mến Ức Trai Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đón nhận, nâng niu.
Thế nhưng gần đây, trên thị trường sách ở Hà Nội lại thấy xuất hiện một cuốn sách tương tự: “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên”, cũng do Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin xuất bản (nhưng không ghi năm xuất bản ở ngoài bìa). Cuốn sách mới xuất bản này chỉ có 258 trang (khổ 13 x 19cm, nhà giáo Hoàng Đạo Chúc chủ biên; chịu trách nhiệm xuất bản: Nguyễn Văn Khương; biên tập Nguyễn Huy…), có nghĩa là nội dung của cuốn sách đã bị cắt xén khá nhiều. Nguy hại hơn là trong tập sách tái bản có nhiều lỗi chính tả và in sai về thời gian. Ví dụ: Trang 81, mục 6.Trắng án Nguyễn Thị Lộ (Nỗi oan nghẽn tắc gần 600 năm) bài tham luận của nhà văn Hoàng Quốc Hải, lại bị làm sai lệch thành: 6.Trắng án Nguyễn Thị Lộ (Nỗi oan nghẽn tắc gần 6 năm). Thật là một sự cẩu thả không thể chấp nhận.
Quá bức xúc, ngày 7- 9 - 2009, nhà giáo Hoàng Đạo Chúc đã gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan chủ quản đề nghị giải quyết vụ vi phạm bản quyền này. Tiếp đó ông cũng gửi đơn đến các cơ quan thông tin đại chúng nhờ can thiệp, xác minh làm rõ hành vi vi phạm pháp luật nói trên, bảo vệ quyền lợi chính đáng của tác giả.
Trước sự việc trên, dư luận xã hội ở Hà Nội những ngày này và đặc biệt những người có tâm-đức, “Hội những người yêu kính Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi” đang đặt một câu hỏi: Gần đây, ở nước ta tình trạng vi phạm bản quyền tác giả xảy ra ở nhiều địa phương, công luận đã lên tiếng cảnh báo về mức độ nguy hại của hành vi này… Thế mà Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin lại cấp giấy phép cho tái bản cuốn sách “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên” với nội dung bị cắt xén mà không được sự đồng ý của nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, có phải là hành vi coi thường luật pháp và đạo lý? Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, cơ quan hiểu rõ Luật Xuất bản nhất, lại vi phạm luật, sẽ xử lý ra sao?
Rất mong, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để điều tra, làm rõ, xác định trách nhiệm của những người liên quan và có những xử phạt thích đáng để răn đe những kẻ cố tình vi phạm bản quyền tác giả.