Sổ tay kỹ thuật thủy lợi: Phần 2 - Tập 1 - Mục B - Chương 2:Đập hỗn hợp đất đá, đập đá đổ, đập đá xây.[24/09/09]
24/09/2009 08:30
Chương 2
ĐẬP HỖN HỢP ĐẤT ĐÁ, ĐẬP ĐÁ ĐỔ, ĐẬP ĐÁ XÂY
Biên soạn: GS. TSKH. Trịnh Trọng Hàn
2.1 TỔNG QUÁT VÀ PHÂN LOẠI
2.1.1. Tổng quát về đập đá đổ
Đập đá đổ thuộc loại đập vật liệu địa phương bằng đất đá thi công theo phương pháp đổ trực tiếp, trong đó phần khối lượng chủ yếu của đập là đá cỡ lớn. Để chống thấm qua thân đập đá đổ sử dụng các loại kết cấu chống thấm khác nhau (gọi tắt là vật chống thấm – VCT) bằng vật liệu ít thấm như đất á sét, đất sét hoặc các kết cấu không phải là đất như bê tông, bê tông cốt thép, gỗ, kim loại, bê tông apphan, chất dẻo tổng hợp v.v.. Đá đổ thường là hỗn hợp đá núi được khai thác từ các mỏ đá và đưa thẳng vào vị trí đắp đập không qua khâu xử lý hay sàng lọc nào cả.
Đập đá đổ có những ưu điểm lớn là:
1) Sử dụng được khối lượng lớn để xây dựng đập bằng vật liệu tại chỗ, kể cả vật liệu đào ở hố móng công trình, vì vậy giảm đến mức tối đa khối lượng vật liệu phải chuyên chở từ xa đến công trình;
2) Cho phép xây dựng đập ở điều kiện địa chất phức tạp kể cả trên nền đất cát sỏi;
3) Làm việc tin cậy trong môi trường tải trọng động như ở vùng có động đất;
4) Đập có cấu tạo từ vật liệu thiên nhiên là đất đá nên có độ bền vững cao (tuổi thọ rất lớn);
5) Công việc xây dựng đập có thể tiến hành quanh năm trong điều kiện thời tiết khác nhau kể cả vùng khú hậu băng tuyết bắc cực;
6) Có khả năng cơ giới hóa toàn bộ các khâu thi công từ khai thác, vận chuyển và đắp đập, do đó có thể rút ngắn thời gian thi công, hạn chế đến mức tối thiểu số lao động thủ công và giảm giá thành xây dựng đập;
7) Trong điều kiện nhất định có thể xây dựng đập không cần làm đê quây và xử lý nền, bằng cách đổ đá vào trong nước có dòng chảy ( trong quá trình đổ đá, các loại hạt mịn như cát nhỏ, đất bùn v.v… sẽ bị dòng chảy cuối trôi, nhờ vậy chất lượng nền được nâng cao hơn);
8) Trong một số trường hợp có thể tháo lưu lượng thi công qua phần đập đá đổ đang xây dựng.
Download (PDF; 914KB)