Sự cố công trình: Định nghĩa và phân loại.[14/11/09]
13/11/2009 07:58
SỰ CỐ CÔNG TRÌNH: ĐỊNH NGHĨA VÀ PHÂN LOẠI
(Theo báo cáo của Ban Tổ chức Hội thảo khoa học
“SỰ CỐ VÀ PHÒNG NGỪA SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG Ở VIỆT NAM -
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP”, Tổng hội Xây dựng VN, 10/12/2009)
….. Theo Khoản 29 Điều 3 Luật Xây dựng “Sự cố công trình là những hư hỏng vượt qua giới hạn an toàn cho phép làm cho công trình có nguy cơ sụp đổ; đã sập đổ một phần hoặc toàn bộ công trình; hoặc công trình không sử dụng theo thiết kế”.
Điều đáng lưu ý các trong Luật và Nghị định, Thông tư hướng dẫn không đề ra định lượng. Vì vậy có thể có nhiều cách hiểu khác nhau thậm chí lầm lẫn giữa sự cố và có vấn đề về chất lượng hoặc có vi phạm, thiếu sót hoặc ngược lại nhiều trường hợp là sự cố nhưng lại coi là vi phạm chất lượng thông thường. Và từ đó việc thống kê, phân loại sự cố, các yêu cầu báo cáo về sự cố để có sự tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm cũng bị hạn chế.
Sự cố khi xây dựng nhà ở TP HCM |
Lấy ví dụ ở Trung Quốc họ quy định: Công trình mà chất lượng không đạt được tiêu chuẩn yêu cầu, phải tiến hành làm lại, gia cố hoặc phá bỏ “tổn thất kinh tế trực tiếp do nó tạo thành trên 5 000 tệ (# 14. 000.000 đ VN) gọi là sự cố chất lượng công trình, nếu tổn thất dưới 5 000 tệ gọi là có vấn đề về chất lượng. Đối với thương vong của con người thì chỉ gây ra trọng thương 2 người đã được coi là sự cố. Họ cũng còn định nghĩa sự cố chất lượng công trình bình thường, sự cố chất lượng công trình lớn dựa theo thương vong con người và tổn thất kinh tế.
Sự cố công trình bình thường là sự cố có hai người bị trọng thương hoặc tổn thất kinh tế dưới 100 000 tệ (240 triệu đồng Việt Nam).
Sự cố công trình lớn là sự cố có 1 người chết hoặc 3 người bị trọng thương trở lên hoặc tổn thất kinh tế trên 100 000 tệ.
Vì vậy cần phải có định nghĩa rõ ràng hơn trong đó cần quy định các tiêu chí
định lượng cụ thể về sự cố công trình thậm chí có ý kiến đề nghị phân loại định nghĩa thêm loại sự cố đặc biệt nghiêm trọng (3 loại).
Theo Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn của Việt Nam, sự cố công trình được chia thành 4 loại:
1- Sự cố sập đổ: bộ phận công trình hoặc toàn bộ công trình.
2- Sự cố sai lệch vị trí: Móng sai lệch vị trí, sai sót về hướng, sai lệch vị trí quá lớn của kết cấu hoặc chi tiết đặt sẵn phải sửa chữa hoặc thay thế.
3- Sự cố về biến dạng: Nền móng bị lún quá lớn, kết cấu bị nghiêng, vặn, võng không thể sử dụng bình thường, phải chi phí sửa chữa.
4- Sự cố về công năng: thấm dột, cách âm, cách nhiệt, quá trình công nghệ không đạt yêu cầu, thẩm mỹ, phản cảm phải sửa chữa thay thế để nâng cao công năng sử dụng.
Phân loại như trên còn chung chung, khó tổng hợp, phân tích. Ví dụ: sự cố vết nứt, sự cố lún sụt mái dốc, nền, sự cố do vượt tải ... Vì vậy theo chúng tôi cần phân loại chi tiết hơn. Xin nêu để chúng ta cùng tham khảo cụ thể chia ra các loại sự cố. Về kết cấu gồm 3 loại
1. Sự cố sập đổ (Như trên)
2. Sự cố sai lệch vị trí (Như trên)
3. Sự cố biến dạng (Như trên).
Đưa thêm 9 loại sự cố như sau:
4.Sự cố nứt: Bao gồm nứt khối xây, khối bê tông, nứt thềm đập đất... vết rạn vật liệu xây dựng khác như thép, gỗ.
5. Sự cố công trình nền: bao gồm nền biến dạng lún sụt, mất ổn định, mái dốc và nền nhân tạo (đắp tôn nền), nhà, công xưởng, nền đường …
6. Sự cố công trình móng: Bao gồm chất lượng bê tông móng (rỗ, cường độ thấp hơn thiết kế). Sự cố liên quan đến gia cố bằng cọc (cọc bằng gỗ, cọc tre, bê tông, thép…) hoặc biến dạng, sai lệch vị trí.
Sự cố tại cầu Cần Thơ |
7. Sự cố khả năng chịu tải của kết cấu: do nguyên nhân bên trong của kết cấu (do tính toán thiếu, do thi công đặt thiếu thép, mối nối không đúng …) hoặc do sử dụng vượt tải (đọng nước trên mái, xe quá tải qua cầu, va chạm tàu thuyền và các vật khác vào cầu).
8. Sự cố do ảnh hưởng của việc thi công công trình liền kề (gây sụp đổ, lún, nứt … công trình khác do thi công công trình bên cạnh gây nên).
9. Sự cố liên quan đến biện pháp thi công (sụp đổ trong quá trình đổ bê tông do chống đỡ không đảm bảo, lắp dựng kết cấu thép không đồng bộ gây xụp đổ, … thi công không đảm bảo bị vỡ đê bao tạm thời gây sự cố công trình chính, đổ cẩu làm hư hỏng công trình ….)
10. Sự cố liên quan đến thương vong của con người (điện giật, ngã cao, đổ tường, sạt lở, đổ cẩu…)
11.Sự cố do sử dụng không đúng quy trình quy phạm, không đúng thiết kế (vượt tải, sử dụng không đúng công năng, đục phá sửa chữa thay đổi kết cấu…)
12. Ngoài ra nên có loại sự cố khác có tính đặc thù không xếp vào các loại trên (như sự cố thi công giếng chìm, sự cố các công trình trên biển, sự cố bất khả kháng khác như lốc xoáy, lũ lụt bão vượt giới hạn …)
Riêng đối với sự cố do công năng: Ngoài nội dung như đã nêu ở phần trên (4) 13. Sự có về công năng: Thấm dột, cách âm. cách nhiệt, quy trình công nghệ không đạt yêu cầu, thẩm mỹ phản cảm phải sửa chữa thay thế để đảm bảo công năng sử dụng như yêu cầu thiết kế.
Cần bổ sung thêm:
14. Sự không phù hợp với yêu cầu sử dụng. Cần phải bổ sung, sửa đổi nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả sử dụng.
…..