15 năm xây dựng và phát triển Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi.[22/12/09]

24/12/2009 08:12

26

15 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

BAN QUẢN LÝ TW CÁC DỰ ÁN THỦY LỢI

PGS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh

Giám đốc Ban Quản lý Trung ương

các dự án thủy lợi (CPO)

 

Vào đầu những năm 1990, trước yêu cầu và nhiệm vụ tiếp nhận các nguồn tài trợ quốc tế, Bộ thuỷ lợi (cũ) đã thành lập Ban Quản lý Trung ương dự án Thủy lợi tại quyết định số 162 QĐ/TCCB-LĐ ngày 26/02/1994, viết tắt là CPO. Quyết định có tính lịch sử này là bản khai sinh ra Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi. Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, đồng hành qua những giai đoạn lịch sử của đất nước, Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi hôm nay đã trưởng thành về nhiều mặt và đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn của đất nước.

 

SỰ LỚN MẠNH VÀ HOÀN THIỆN TỔ CHỨC QUA NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

 

Khi Ban mới ra đời, chỉ có ba đồng chí cán bộ làm nhiệm vụ chuyên trách và chưa có trụ sở chính thức. Do yêu cầu phát triển của dự án, đến tháng 5/1995, Bộ có quyết định chính thức điều chỉnh bổ sung một số đồng chí lãnh đạo và chuyên viên từ các đơn vị của Bộ chuyển về Ban.

Đến tháng 11/1995, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập trên cơ sở 3 Bộ: Nông nghiệp, Thuỷ lợi, Lâm nghiệp, Ban vẫn giữ nguyên trụ sở và chức năng nhiệm vụ. Do hướng đi đúng đắn, đội ngũ cán bộ Ban đã lớn mạnh, với tổng số hiện nay là 70 cán bộ, viên chức, được Bộ tin tưởng giao quản lý thực hiện 9 dự án lớn từ các nhà tài trợ WB, ADB, AFD và JICA; 2 dự án hỗ trợ kỹ thuật; chuẩn bị kỹ thuật 3 dự án và 3 dự án giúp nước bạn Lào.

CPO năm 2009

 

     Từ chỗ hoàn toàn bỡ ngỡ về các thủ tục quản lý thực hiện dự án ODA nói chung và thủ tục của Ngân hàng phát triển Châu Á nói riêng khi tiếp nhận dự án đầu tiên (ADB1) do ADB tài trợ vào năm 1994, đồng thời tại thời điểm đó, Nhà nước chưa có quy chế về quản lý các Dự án ODA. Với phương châm vừa học, vừa làm, đến nay, Ban đã có một đội ngũ cán bộ am hiểu chính sách và thông lệ quốc tế, thủ tục về quản lý thực hiện dự án của ADB, WB, AFD và JICA. Nhiều đồng chí đã tự học qua công việc, hoặc qua các đợt tập huấn trong nước và ngoài nước, đã trưởng thành và có năng lực quản lý tốt các dự án ODA và có khả năng truyền đạt lại cho lớp trẻ kế tiếp cha anh.

Vấn đề xây dựng cơ quan vững mạnh về các mặt là nhân tố cơ bản và quan trọng hàng đầu trong sự trưởng thành của Ban. Từ khi thành lập đến nay, Ban đã  xây dựng và dần dần hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ, đặc biệt là mối quan hệ giữa chính quyền, cấp Ủy và các tổ chức đoàn thể cho phù hợp với từng giai đoạn.

Với quy mô và đội ngũ đảng viên hiện có, vào tháng 8/2009, Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định lập Đảng bộ Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi, đó vừa là niềm tự hào, đồng thời thể hiện sự tin tưởng của lãnh đạo cấp trên đối với sự trưởng thành của Ban.

 

THỰC HIỆN THẮNG LỢI CÁC NHIỆM VỤ

Đập tràn Bái Thượng trên sông Chu (Thanh Hóa) vận hành từ những năm 30 thế kỷ trước đã được xây dựng lại gàn như hoàn toàn mới trong dự án ADB1 để cấp nước tưới cho hơn 5 vạn ha canh tác và cấp nước cho vùng có 2 triệu người dân

 

Từ khi thành lập đến nay, Ban đã quản lý thực hiện hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng có hiệu quả 4 dự án với tống số vốn vay là 355 triệu USD (bao gồm 2 dự án do WB tài trợ 202 triệu USD và 2 dự án do ADB tài trợ 153 triệu USD) và 3 dự án viện trợ cho nước bạn Lào khoảng 11 triệu USD.

1. Dự án Khôi phục Thuỷ lợi và chống lũ (gọi tắt là ADB1)

Đây là dự án được Ngân hàng phát triển châu Á tài trợ đầu tiên ở Việt nam, với tổng vốn vay là 77 triệu USD, được thực hiện tại TP.Hà Nội và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị.  Dự án được thực hiện từ năm 1994 và kết thúc hoàn thành vào ngày 30/6/2001, đã thực hiện thành công theo đúng mục tiêu của dự án, đó là: Đảm bảo tưới ổn định cho khoảng 100.000ha đất canh tác, chống úng cho 6.000 hộ dân và đảm bảo an toàn cho 5 triệu dân.

Do quá trình thực hiện dự án phải thực hiện theo thông lệ quốc tế của Nhà tài trợ, đó là thời kỳ thử thách nhất đối với cán bộ, viên chức của Ban còn non trẻ; Với phương châm vừa làm, vừa học tập và cập nhật những vấn đề mới, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý ODA của Ban được nâng lên mọi mặt kể từ dự án này.

Hiệu quả đem lại từ dự án ADB1 đã góp phần thuyết phục được Chính phủ trong việc tiếp tục kêu gọi ODA cho lĩnh vực thủy lợi. Với các kết quả đạt được, Bộ đã đặt niềm tin và giao cho Ban thực hiện thêm một số dự án khác.

2. Dự án Thuỷ lợi đồng bằng sông Hồng (ADB2)

Dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á, với tổng số 60 triệu USD, được thực hiện tại 30 tiểu dự án thuộc 17 hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng. Dự án đã hoàn thành vào ngày 31/12/2001 và đảm bảo mục tiêu của dự án, đó là: Diện tích tưới tăng thêm khoảng 44.000 ha và tạo nguồn cho 60.000 ha đất canh tác; diện tích tiêu tăng thêm 60.000 ha, đồng thời tưới ổn định diện tích của các hệ thống hiện có.

Do tiết kiệm được trong khâu đấu thầu, với giải pháp kỹ thuật phù hợp và đặc biệt là khâu quản lý chặt chẽ, không để thất thoát, nên hai dự án ADB1 và ADB2 đã dư khoảng 16 triệu USD. Được Chính Phủ cho phép và ADB chấp thuận dùng vốn kết dư này để đầu tư khắc phục hậu quả bão lụt của các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.

 

3. Dự án Khôi phục thuỷ lợi miền Trung và TP Hồ Chí Minh (WB1)

Lãnh đạo và chuyên viên CPO gặp gỡ các chuyên gia tư vấn quốc tế của dự án WB1

Dự án được thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố miền Trung, TP. Hồ Chí Minh và Long An, với tổng số vốn vay của Ngân hàng thế giới khoảng 100 triệu USD.

Dự án đã kết thúc vào ngày 30/6/2003 và được Ngân hàng thế giới đánh giá tốt. Dự án hoàn thành đã góp phần tưới ổn định cho khoảng 70.000 ha đất canh tác, cấp nước sinh hoạt cho 370.000 người và tiêu úng cho 34.000 ha.

4. Dự án Thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long (WB2)

Dự án được thực hiện tại 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới là 102 triệu USD. Sau khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2007, đã phát huy hiệu quả tốt trong việc phục vụ tưới tiêu, xổ phèn, ngăn mặn, lấy phù sa, cải tạo đất cho 39.000ha đất nông nghiệp của tỉnh Cần Thơ và Kiên Giang. Ngoài ra, còn góp phần kiểm soát mặn, lấy nước giữ ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn cho 377.000 ha đất canh tác và 490.000 ha đất tự nhiên của 4 tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Dự án được đánh giá là một trong những dự án thành công nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Ngoài ra, Ban còn quản lý thực hiện 3 dự án giúp nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào với tổng số vốn khoảng 11 triệu USD.

 

Đối với các dự án đang triển khai thực hiện

Cống đập Cần Chông (Trà Vinh) được xây dưng trong dự án WB2

Hiện nay, Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi đang triển khai thực hiện 5 dự án vốn vay của Ngân hàng thế giới, Ngân hàng pháp triển châu Á, Cơ quan phát triển Pháp và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, với tổng số 495 triệu USD. Trong đó, WB đầu tư 2 dự án với tổng kinh phí 245 triệu USD, 2 dự án ADB với kinh phí 204 triệu USD và JICA 1 dự án 46 triệu USD. Qua từng dự án, năng lực thực hiện của Ban ngày càng được nâng cao. Mặc dù có nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng kết quả thực hiện năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Chúng tôi rất phấn khởi và vui mừng báo cáo với Bộ trưởng và các quý vị đại biểu rằng, đến nay, tổng giá trị giải ngân năm 2009 các dự án đạt 144 triệu USD, vượt 28% so với kế hoạch Bộ giao và vượt 8% kế hoạch cam kết với Nhà tài trợ. Các dự án WB3, WB4, ADB3 và ADB4 đã có những chuyển biến mang tính bước ngoặt,  được Bộ và Nhà tài trợ đánh giá cao.

 

Xin điểm qua tình hình tình hiện từng dự án như sau:

1. Dự án  Hỗ trợ Thủy lợi Việt Nam (WB3)

Dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố, với tổng vốn vay của Ngân hàng thế giới là 158 triệu USD, bao gồm 4 hợp phần, đó là: Hiện đại hoá tưới, An toàn đập, Phát triển lưu vực sông Thu Bồn và Tăng cường năng lực quản lý dự án. Ngoài ra, WB còn cung cấp một khoản tài trợ không hoàn lại 1,65 triệu USD từ Quỹ phát triển xã hội của Nhật Bản để hỗ trợ các hoạt động tăng cường quản lý tưới có sự tham gia của cộng đồng. Đến nay, dự án đang thực hiện theo chiều hướng tốt, đáp ứng yêu cầu và đã giải ngân 75 triệu USD, đạt 47% so với Hiệp định.

2. Dự án Quản lý rủi ro thiên tai (WB4)

      Dự án được thực hiện tại 17 tỉnh, bao gồm 4 hợp phần, đó là: Đầu tư để phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai; Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng; Hỗ trợ tái thiết sau thiên tai, và Tăng cường thể chế và xây dựng năng lực. Dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới 86 triệu USD và các nguồn vốn khác là 23 triệu USD. Hiện nay, dự án đã có chuyển biến rõ rệt, được thực hiện đảm bảo yêu cầu và đã giải ngân  62  triệu USD, đạt 63% so với Hiệp định vay.

3. Dự án Thủy lợi lưu vực sông Hồng giai đoạn 2 (ADB3)

Dự án được tài trợ bởi Ngân hàng phát triển chấu Á và cơ quan phát triển Pháp, với tổng vốn vay là 130 triệu USD, gồm 32 tiểu dự án (trong đó vốn ADB 18 tiểu dự án và AFD 14 tiểu dự án) tại các tỉnh, thành phố lưu vực sông Hồng. Phần vốn AFD đã hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng mục tiêu, được Nhà tài trợ đánh giá cao. Các tiểu dự án sử dụng vốn ADB đang thực hiện đảm bảo yêu cầu của Nhà tài trợ và sẽ đóng khoản vay vào ngày 30/6/2010. Đến nay, dự án đã giải ngân 109 triệu USD, đạt 84% so với Hiệp định vay.

4. Dự án Thủy lợi miền Trung (ADB4)

Dự án được triển khai thực hiện tại 6 tỉnh miền Trung, với tổng số 74 triệu USD vay vốn Ngân hàng phát triển châu Á. Dự án đang thực hiện đáp ứng yêu cầu và sẽ phấn đấu hoàn thành trước 6 tháng so với Hiệp định. Đến nay, dự án đã giải ngân 21 triệu USD, đạt 28%  so với Hiệp định vay.

5. Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết

Dự án sử dụng vốn vay của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật bản, được thực hiện tại tỉnh Bình Thuận, với tổng vốn vay là 4,87 tỷ Yên (tương đương 46 triệu USD). Dự án có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 16.000 ha đất canh tác, cấp nước cho dân sinh và cải thiện môi trường sinh thái trong vùng. Đến nay, đã giải ngân được 8 triệu USD, đạt 18% so với Hiệp định vay.

o

o  o

 

Hiện nay, đứng trước nguy cơ của biến đổi khí hậu sẽ tạo ra các trạng thái cực đoan của thiên nhiên, thiên tai sẽ xuất hiện nhiều hơn, không theo quy luật tự nhiên, đặc biệt là vấn đề nước biển dâng, xâm nhập mặn và thiếu nguồn nước ngọt phục vụ phát triển kinh tế và dân sinh, Bộ đã giao cho Ban chuẩn bị 5 dự án vốn vay mang tính tổng hợp, đa mục tiêu với tổng kinh phí khoảng 570 triệu USD. Trong đó, 2 dự án hỗ trợ kỹ thuật, đó là: Dự án Tăng cường quản lý thủy lợi và cải tạo các hệ thống thủy nông, dự kiến vốn vay 130 triệu USD của ADB và AFD; Dự án Quản lý và giảm nhẹ rủi ro lũ lụt và hạn hán Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, dự kiến vay 60 triệu USD của ADB; và chuẩn kỹ thuật 3 dự án, đó là: Dự án Phát triển hệ thống kênh tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã, nguồn vốn vay ADB 80 triệu USD; Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long, nguồn vốn vay WB 150 triệu USD và Dự án Thích ứng và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nguồn vốn vay WB 150 triệu USD.

Ngoài ra, Ban cũng đang chủ động đề xuất và tham gia chuẩn bị kỹ thuật một số dự án cấp bách của ngành để vận động tài trợ trong những năm tiếp theo.

Với những nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn gian khổ trong suốt 15 năm qua, Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý thực hiện dự án ODA, các dự án hoàn thành đều phát huy hiệu quả cao, thiết thực góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, được nhân dân vùng hưởng lợi đánh giá cao. Mười lăm năm đã đi qua, Ban hoàn toàn tự hào và phấn khởi đón nhận những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 15 năm xây dựng và phát triển, Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

            Nhân dịp này, cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sâu sát, toàn diện và trực tiếp của Ban Cán sự và Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các Bộ, Ban, Ngành Trung ương; các Nhà tài trợ; các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ; các địa phương, các cơ quan liên quan trong nước và quốc tế các Hội đã quan tâm giúp đỡ và phối hợp tốt trong quá trình thực hiện dự án.

Sự trưởng thành của Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi luôn luôn gắn liền với các thế hệ lãnh đạo và cán bộ qua các giai đoạn, đó là phải kể đến các đồng chí nguyên Trưởng ban Lê Văn Hiến, Nguyễn Đình Hiệp, Hà Thanh Liêm và nguyên các phó Trưởng ban Đinh Vũ Bảo, Nguyễn Công Phương, Chu Trần Đạo, Nguyễn Trọng Hoàng, cũng như tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ trong Ban hiện nay. Nhân dịp này, thay mặt Đảng ủy và Lãnh đạo Ban, tôi xin trân trọng cảm ơn đến toàn thể cán bộ, viên chức đã công tác ở Ban qua các thời kỳ về những đóng góp cho sự nghiệp phát triển Ban.

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ, viên chức Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi xin hứa sẽ đoàn kết một lòng, tiếp tục phấn đấu vươn lên, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại mới, thiết thực góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.