Phần 2 - Tập 2 - Mục A - Chương 5 - Qui định chung về công trình tháo lũ.[18/01/10]
18/01/2010 08:25
Chương 5
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Biên soạn: GS. TS. Ngô Trí Viềng
5.1 PHÂN LOẠI CÔNG TRÌNH THÁO LŨ
Trong đầu mối công trình thủy lợi hồ chứa nước, ngoài một số công trình như đập dâng, công trình lấy nước, công trình chuyên môn, còn phải làm các công trình để tháo nước lũ thừa không thể chứa trong hồ. Các công trình đó có lúc đặt ở sâu để đảm nhận thêm việc tháo cạn một phần hay toàn bộ hồ chứa khi cần thiết phải kiểm tra sửa chữa hoặc tháo bùn cát trong hồ. Có công trình tháo lũ thì hồ mới làm việc được bình thường và an toàn.
Có nhiều loại công trình tháo lũ. Căn cứ vào cao trình đặt, có thể phân làm hai loại: công trình tháo lũ kiểu xả sâu (lỗ tháo nước) và công trình tháo lũ trên mặt (đường tràn lũ).
1. Công trình tháo lũ kiểu xả sâu có thể đặt ở dưới đáy đập trên nền (cống ngầm), qua thân đập bê tông (đường ống), có thể đặt ở trong bờ (đường hầm) khi điều kiện địa hình địa chất cho phép. Với loại này có thể tháo được nước trong hồ ở bất kỳ mực nước nào, thậm chí có thể tháo cạn hồ chứa. Loại này không những để dùng tháo lũ mà còn tùy cao trình, vị trí và mục đích sử dụng có thể dẫn dòng thi công lúc xây dựng, tháo bùn cát lắng đọng trong hồ chứa hoặc lấy nước tưới, phát điện….
Do điều kiện cụ thể mà có thể kết hợp nhiều mục đích khác nhau trong một công trình tháo nước dưới sâu.
2. Công trình tháo lũ trên mặt thường đặt ở cao trình tương đối cao. Do cao trình của ngưỡng tràn cao, nên nó chỉ có thể dùng để tháo dung tích phòng lũ của hồ chứa. Công trình tháo lũ trên mặt bao gồm các kiểu sau đây:
- Đập tràn
- Đường tràn dọc
- Đường tràn ngang (máng tràn ngang)
- Xi phông tháo lũ
- Giếng tháo lũ
- Đường tràn kiểu gáo
Công trình tháo lũ có thể phân thành:
- Công trình tháo lũ trong thân đập (đập tràn, xi phong tháo lũ, cống ngầm, đường ống…) và công trình tháo lũ ngoài thân đập (đường tràn dọc, tràn ngang, giếng tháo lũ, đường hầm…)
- Công trình tháo lũ cột nước cao và công trình tháo lũ cột nước thấp. Cột nước cao khi >= 60m. Phân loại này nói lên đặc điểm, chế độ làm việc.
Đối với từng loại đầu mối công trình thủy lợi, cần phân tích kỹ đặc điểm làm việc, điều kiện địa hình, địa chất và thủy văn, các yêu cầu về thi công, quản lý khai thác để chọn loại đường tràn thích hợp.
Download(PDF; 375KB)