Bảo vệ và khai thác sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước Việt Nam - Vấn đề cấp thiết trong tình hình mới.[30/01/10]

01/02/2010 11:49

11

BẢO VỆ VÀ KHAI THÁC SỬ DỤNG BỀN VỮNG

NGUỒN TÀI NGUYÊN NƯỚC VIỆT NAM

 - VẤN ĐỀ CẤP THIẾT TRONG TÌNH HÌNH MỚI

GS.TS Ngô Đình Tuấn

 

 

Tóm tắt

Hạn hán & lũ lụt

 Vấn đề suy thoái tài nguyên nước Việt Nam đang là vấn đề thời sự. Bài báo nêu lên những hạn chế của tài nguyên nước mặt, đặc biệt là những nguyên nhân làm suy thoái nguồn nước do tác động trực tiếp hay gián tiếp từ hoạt động kinh tế xã hội của con người gây ra. Từ đó đề xuất giải pháp khai thác sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững và bảo vệ, phòng, chống, hay giảm thiểu.

I- Những hạn chế chính của Tài nguyên nước Việt Nam

1- Việt Nam có nguồn tài nguyên nước mặt vào loại trung bình kém trên thế giới. Với nguồn nước nội địa chỉ đạt 3600 m3/người/năm, ít hơn 4000 m3/người/năm thuộc quốc gia thiếu nước. Nếu tính cả nước ngoài lãnh thổ chảy vào nước ta đạt được 9650 m3 lớn hơn 7400 m3/người/năm (trung bình thế giới). Nước nguồn ngoài lãnh thổ chiếm 63% tổng nguồn tài nguyên nước mặt Việt Nam, khó chủ động bảo vệ, khai thác và sử dụng. Đặc biệt những năm gần đây là sự khai thác của các nước ở thượng nguồn ngày càng nhiều và có chiều hướng bất lợi. Ví dụ: Trung Quốc đã và đang xây dựng hơn 10 hồ chứa lớn trên sông Mekong, sông Nguyên; Lào đã và đang xây dựng 35 công trình thuỷ lợi- thuỷ điện trong đó có 27 hồ chứa trên sông nhánh và 8 đập dâng trên sông chính. Ở Thái Lan, đã có 10 hồ chứa vừa và lớn và đang có kế hoạch xây thêm. Ở Campuchia có dự kiến giữ mực nước Biển Hồ với một cao trình nhất định để phát triển tưới...

Đó là chưa kể những dự định chuyển nước ở thượng nguồn sang một lưu vực khác có lợi riêng của quốc gia, họ không xem xét quyền chia sẻ nguồn nước có thể gây thiệt hại trầm trọng không riêng gì thiếu nước, ô nhiễm môi trường mà còn nhiều thiệt hại nguy hiểm khác cho các nước hạ lưu, đặc biệt là Việt Nam.

2- Tính cực đoan của nguồn tài nguyên nước thể hiện sự phân bố rất không đều theo thời gian (mùa khô và mùa mưa), theo không gian (vùng mưa nhiều và vùng khô hạn).

3- Tài nguyên nước Việt Nam có xu thế suy thoái do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

a- Nhiệt độ không khí có xu thế ngày một tăng lên đã được khẳng định. Kịch bản có thể chấp nhận là đến năm 2070, ở các vùng ven biển có khả năng tăng thêm +1,50C, vùng nội địa +2,0°C. Chúng kéo theo lượng tăng bốc thoát hơi lên khoảng 7,7- 8,4%, nhu cầu tưới tăng lên, lượng dòng chảy nước mặt sẽ giảm đi tương ứng khi lượng mưa không đổi.

b- Bão. ElNino và LaNina làm tăng thêm tính cực đoan của thời tiết. Hậu quả làm tăng thêm tính cực đoan của lượng dòng chảy trong năm trên các dòng sông.

c- Hạn. ElNino gắn liền với việc gây hạn hán rất nặng nề ở nước ta. Những năm có ElNino, lượng mưa và lượng dòng chảy trong sông đặc biệt là trong mùa cạn thường bị giảm mạnh, thậm chí không có dòng chảy như sông Lòng Sông, sông Luỹ... (Bình Thuận), sông KrongBuk (Daklak), sông Hà Thanh (Bình Định)... Hạn đến nỗi ngay cả súc vật cũng không thể sống được, người dân phải di chuyển chúng đến vùng khác. Hàng chục ngàn ha cây trồng bị chết do thiếu nước.

d- Mực nước biển dâng: Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường với kịch bản cao đến năm 2100, mực nước biển có khả năng dâng lên thêm 1,00m. Diện tích đồng bằng sông Cửa Long bị ngập khoảng 15.116km2. Mực nước biển dâng lên kéo theo sự xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền làm giảm đáng kể tài nguyên nước ngọt...

4- Tài nguyên nước Việt Nam có xu thế suy thoái do khai thác và sử dụng thiếu bền vững.

a- Các phát triển Kinh tế Xã hội có liên quan đến phát triển nhà kính

            1) Sự phát triển dân số kéo theo sự phát triển diện tích trồng lúa và sản lượng thóc.

            Năm 2000 so với năm 1900: Dân số Việt Nam tăng gấp 1,6 lần, Flúa tăng gấp 2,56 lần, sản lượng thóc tăng 8,2 lần.

            2) Phá và trồng rừng. Năm 1943 độ che phủ là 43%, đến nay độ che phủ rừng còn đạt khoảng 35%, song chất lượng rừng bị giảm nặng nề phần lớn là rừng thứ sinh, rừng thoái hoá, rừng trồng.

            3) Xây dựng hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trước năm 1994 có tổng dung tích khoảng 20 tỷ m3 nước, tổng dung tích hiệu ích khoảng 16 tỷ m3.

            4) Sử dụng năng lượng bằng than, khí, quá trình công nghiệp, chất thải đã phát thải khí nhà kính một tỷ trọng đáng kể.

b- Khai thác và sử dụng Tài nguyên nước thiếu bền vững

            1) Bịt cửa các phân lưu để khai thác các bãi sông trong đê sử dụng cho mục đích nông nghiệp. Ví dụ:

            - Năm 1990, bịt cửa sông Cà Lồ là phân lưu tự nhiên của sông Hồng, sông Cà Lồ trở thành một nhánh của sông Cầu- sông chứa nước mưa, nước thải ô nhiễm các chất hữu cơ, dầu mỡ.

            - Năm 1937, bịt sông Đáy bằng Đập Đáy, sông Đáy trở thành khúc sông chết (từ Đập Đáy đến Ba Thá). Năm 1967, bịt cửa Đáy bằng cống Vân Cốc và Đê Cửa Hát để khai thác bụng hồ Vân Cốc- Đập Đáy. Hiện nay sông Đáy- sông Nhuệ trở thành con sông tiêu nước thải, nước bẩn từ các đô thị lớn Hà Nội, Hà Nam, đang kêu cứu.

            2) Các sông nhỏ trong nội đô của các Thành phố bị ô nhiễm nặng do nước thải sinh hoạt, công nghiệp.

            - Suối Phượng Hoàng chảy trong Thành phố Thái Nguyên, bị ô nhiễm chất hữu cơ nghiêm trọng do nước thải của nhà máy sản xuất Giấy Đế thải trực tiếp.

            - Các sông Tô Lịch, sông Sét, Kim Ngưu... chảy trong nội thành Hà Nội bị ô nhiễm rất nghiêm trọng trực tiếp đổ vào sông Nhuệ.

            - Các kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, kênh Tàu Hũ, kênh Tân Hoà- Lò Gốm, kênh Tham Lương, kênh Đôi- Tẻ và các kênh rạch khác chảy trong nội đô Thành phố Hồ Chí Minh đổ trực tiếp vào sông Sài Gòn gây ô nhiễm nghiêm trọng.

            3) Các sông nói chung có thể phân đoạn ô nhiễm khi sông chảy qua các khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, hay hoạt động nông nghiệp...

            4) Xây dựng đập dâng sử dụng hết lượng nước cơ bản tạo ra khúc sông “khô” dưới đập.

            - Các đập dâng thuỷ lợi như đập Thạch Nham trên sông Trà Khúc, đập Lại Giang trên sông Đại Giang, đập Đồng Cam trên sông Đà  Rằng, đập Nha Trinh- Lâm Cấm trên sông Cái Nha Trang... 30 năm trước đây về mùa khô vẫn có nước tràn qua đập. Vài chục năm gần đây do tăng diện tích tưới, tăng lượng nước cấp cho sinh hoạt, công nghiệp, mặt khác do rừng đầu nguồn bị phá nặng nề nên mùa khô là hạ lưu hết nước có năm kéo dài vài ba tháng nếu không có mưa- vùng hạ lưu các đập dâng này nhiều cư dân sinh sống ven sông và trên sông, chịu tác động tiêu cực là rất đáng kể.

            - Các đập dâng thuỷ điện:

            + Tạo ra khúc sông “chết” đoạn giữa hạ lưu đập và nhà máy. Tuy dân cư ở vùng này thưa thớt song đối với đa dạng sinh hoặc hệ sinh thái thuỷ sinh, sự tổn thất không thể không xét đến.

            + Do điều tiết ngày đêm tạo ra nửa ngày ở hạ lưu không có nước xả. Ảnh hưởng này là đáng kể không những đến hoạt động kinh tế xã hội liên quan đến đường thuỷ mà ngay cả đối với các hoạt động của động vật, thực vật có liên quan đến nước.

            5) Trong qui hoạch, thiết kế các hồ chứa nước, trong một thời gian dài không quan tâm đến hoặc quan tâm không đầy đủ đến dòng chảy môi trường phía hạ lưu đập nên đã gây những khiếu tố của người dân, nhiều địa phương không đáng có.

            6) Khai thác nước quá mức, thiếu qui hoạch, kế hoạch đồng bộ.

            - Khai thác nước ngầm quá mức gây ô nhiễm trầm trọng ở Daklak, Ninh Thuận và Bình Thuận, đòi hỏi phải có biện pháp bổ cập.

            - Theo qui hoạch về nguồn nước, đến năm 2010 đáp ứng yêu cầu cấp nước tưới cho 5 tỉnh Tây Nguyên là 80.000 ha cà phê. Đến năm 2000 riêng tỉnh Daklak (cũ) đã trồng được 260.000 ha cà phê. Hậu quả là không đủ nước tưới hàng chục ngàn ha cà phê bị chết.

            7) Quản lý tài nguyên nước bị phân tán, tính ràng buộc không chặt chẽ, thiếu thống nhất nên đã xảy ra tình trạng:

            - Thiếu nước “nhân tạo” do không có qui trình vận hành hồ về mùa cạn (nước sông Hồng không đáp ứng yêu cầu mực nước cần thiết trong các tháng II, III hàng năm).

            - Thiếu tập trung, thiếu nghiêm lệnh, nhiều cơ quan cùng ban hành lệnh cấm nhưng không có cơ quan nào quyết định. Ví dụ: Trên sông Krong Ana đoạn cầu Giang Sơn, Trạm Thuỷ văn Giang Sơn có 3 thông cáo qui định của 3 Bộ: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ  Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với ba biển cấm cùng có 1 điều cấm: Cấm lấy cát trên đoạn sông. Thực tế không được chấp hành: Trục cầu vẫn bị xói, tàu thuyền vẫn đậu kín khai thác cát gây xói lở bờ sông, làm sai lệch số liệu quan trắc thuỷ văn.

 

II- Các giải pháp bảo vệ và khai thác sử dụng bền vững nguồn Tài nguyên nước Việt Nam.

1- Hạn chế và giảm thiểu suy thoái Tài nguyên nước do biến đổi khí hậu toàn cầu.

a. Giảm nhẹ khí nhà kính theo Chương trình mục tiêu Quốc Gia về biến đổi khí hậu.

b. Các biện pháp thích ứng:

            1) Từ 1994- 2020, xây dựng thêm khoảng hơn 70 hồ chứa thủy lợi, thuỷ điện có Vhi ≥ 10 triệu m3 với ∑Vtb > 50 tỷ m3, ∑Vhi >33 tỷ m3, trong đó có 46 hồ chứa với Vhi ≥ 400 triệu m3.

            2) Cải thiện, nâng cấp và mở rộng các hệ thống thoát lũ, tiêu úng.

            - Nâng cấp các hệ thống cũ.

            - Qui hoạch xây dựng bổ sung hệ thống mới, với hệ thống tưới, tiêu nước độc lập.

            - Thực hiện nghiêm chỉnh các Luật Tài nguyên nước, Bảo vệ môi trường, Đê điều... bảo đảm thoát lũ, bảo vệ bờ sông, chỉnh trị lòng sông, cửa sông thông thoát lũ...

            3) Nâng cấp đê biển, đê cửa sông.

            4) Củng cố bồi trúc đê sông đảm bảo an toàn đê với mực nước thiết kế đã qui định.

            5) Khai thác hợp lý đất đai chưa sử dụng.

            6) Thực hiện cơ chế sản xuất sạch.

            7) Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ, đặc biệt là rừng ngập mặn ven biển.

2- Hạn chế và giảm thiểu suy thoái Tài nguyên nước do khai thác, sử dung Tài nguyên nước không bền vững.

a- Nông nghiệp

1) Giảm nhu cầu nước.

- Tưới tiết kiệm nước.

- Giảm tổn thất nước:

            + Cứng hoá kênh mương.

            + Nâng cấp công trình đầu mối.

            + Nâng cao hiệu quả quản lý:

            *) Quản lý theo nhu cầu dùng nước không phải quản lý theo khả năng công trình.

            *) Tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia quản lý của xã hội, công dân và cộng đồng.

            *) Tăng cường năng lực quản lý.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có nhu cầu sử dụng nước thấp, nhưng có giá trị kinh tế cao.

- Phòng chống ô nhiễm nguồn nước.

b- Công nghiệp

1) Nâng cao hiệu quả tái sử dụng nước.

2) Xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

3) Phòng chống ô nhiễm nguồn nước.