Bà tôi

13/02/2010 07:25

14

Bà tôi

Dương Hiền Nga

 

 

Thị do thiên địa tổ tông chi linh, hữu dĩ

mặc tương âm hựu, nhi trí nhiên dã

(Nguyễn Trãi – trích   Bình Ngô Đại Cáo),

dịch nghĩa: Thế là nhờ có trời đất tổ tông

khôn thiêng vẫn thầm che chở giúp cho

nước ta vậy.

BBT. Cách đây 80 năm, ngày 9/2/1930, những nhà ái quốc của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp tại một số vùng:  Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao, Sơn Tây, Vĩnh Yên, Hà Nội, Hải Dương,…trong đó mũi tấn công chủ lực ở Yên Bái. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Hàng ngàn nghĩa quân bị bắt  và bị tàn sát. 13 vị lãnh đạo  VNQDĐ bị xử tử trên máy chém tại Yên Bái. Tất cả đều hiên ngang hô lớn “Việt Nam muôn năm!” trước lúc hy sinh. Dù biết khởi nghĩa có nhiều khả năng thất bại, song Ban lãnh đạo VNQDĐ vẫn quyết  định khởi nghĩa để nêu gương nghĩa liệt với đồng bào và với đời sau, như câu nói bất hủ của lãnh tụ Nguyễn Thái Học  không thành công cũng thành nhân”, người cuối cùng, sau khi chứng kiến 12 liệt sĩ đã hy sinh, đã hiên ngang bước lên máy chém. Bạn chiến đấu rất thân thiết của Nguyễn Thái Học là Nguyễn Khắc Nhu, người chỉ huy khởi nghĩa ở Hưng Hóa, Lâm Thao. Việc không thành, bị giặc Pháp bắt, ông đã tuẫn tiết ngày 11/2/1930. Ngày nay, ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác, nhiều đường phố, trường học,..đã mang tên những vị liệt sĩ anh hùng của cuộc khởi nghĩa Yên Bái như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chinh, Đoàn Trần Nghiệp,… Dưới đây là bài viết về người con gái của liệt sĩ Nguyễn Khắc Nhu cùng với ký ức về người cha thân yêu của bà.

 

***

Lúc còn nhỏ, nhiều lần được theo cha về quê nội, tôi rất ấn tượng với một người cha tôi gọi là thím, xưng con rất kính cẩn. Bà thường đon đả chạy ra ôm chầm lấy cha tôi và thốt lên: “Con đã về!”, rồi bà đột ngột đẩy bố tôi ra nhìn xem gầy hay béo. Tôi bẽn lẽn ôm chân bố lý nhí: “Cháu chào bà trẻ ạ!”. Bà bế tôi lên thơm vào má rồi tất bật tìm thứ gì cho tôi ăn, lúc thì quả cam, múi bưởi trong vườn nhà, khi thì tấm mía hay củ khoai luộc ngọt lịm… Ấn tượng của tôi về bà là một người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và rất giầu tình cảm. Gương mặt bà còn giữ lại được nhiều nét thanh tú của một thời xuân sắc, đôi mắt bồ câu đen láy, đôi môi ăn trầu cắn chỉ đỏ tươi… Bà nội tôi mất sớm nên mỗi khi về quê, tôi thường quấn quýt bên bà. Yêu quí bà nên xa tôi rất nhớ.

Sau này lớn lên tôi mới hiểu thứ bậc trong gia đình. Bà là vợ em trai ông nội tôi: Ông Dương Huy Lân. Theo tục lệ ở quê, không ai gọi tên riêng của bà, cả dòng họ đều gọi bằng tên chồng: Bà Lân.

Thời gian thấm thoắt trôi, bà tôi trở thành mẹ của sáu người con, bốn trai, hai gái, các cô chú tôi đều được bà nuôi dạy học hành chu đáo và trở thành bộ đội, cán bộ, giáo viên. Cả dòng họ nhà chồng đều yêu quí, kính trọng bà. Ai cũng khen bà là lao động giỏi, đảm đang tần tảo, rất mực yêu thương chồng con, sống nghĩa tình với họ hàng, làng xóm.

Ai dám bảo những người phụ nữ phương Đông cả đời không đi thoát ly công tác là không có sự nghiệp gì? Bà tôi có cả một sự nghiệp riêng của người phụ nữ ở thời bà sống. Đó là sự tần tảo đảm đang, tay trên đồi, tay dưới ruộng, tay trong nhà, tay ngoài vườn để nuôi đàn con ăn học, trưởng thành có ích cho xã hội.

Có lần tôi được nghe bố mẹ tôi nói chuyện  bà là một tiểu thư khuê các ở Hà Nội làm vợ ông trẻ tôi, nên đã theo ông về Yên Bái, làm ruộng sinh sống cùng gia đình nhà chồng. Ai cũng cảm phục vì một cô gái Hà Nội gót chân đỏ như son đã không quản ngại khó khăn vất vả. Bà học cày, học bừa, học cấy, học gặt… bà học làm ruộng và giỏi như một nông dân thực sự. Bố mẹ tôi bảo: Bà là con gái cụ Xứ Nhu. Lúc đó tôi còn bé cũng không hiểu cụ Xứ Nhu là ai và cũng không dám hỏi leo chuyện người lớn. Sau này tôi mới vỡ lẽ bà là con gái ruột của nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu, một trong  những nhà lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng, là một trong những nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái, đánh thực dân Pháp dành độc lập cho đất nước.

Ra trường tôi đi công tác xa ít có dịp về thăm bà. Năm 2009 gia đình tổ chức mừng thọ bà tròn 90 tuổi. Ở tuổi 90 bà vẫn khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, đôi mắt vẫn tinh tường. Bà vui mừng nói với tôi là bà đã được về Bắc Giang dự lễ khánh thành tượng đài nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu đặt tại khu mộ của gia đình. Nói rồi bà cho tôi xem bức ảnh chụp toàn cảnh khu tượng đài. Bàn tay khô héo của bà nâng niu, vuốt ve tấm ảnh như một báu vật. Ánh mắt bà long lanh nhìn vào khuôn mặt người cha kính yêu. Rồi bà chỉ cho tôi ngôi trường nằm phía sau tượng đài được mang tên: “Trường trung học cơ sở Nguyễn Khắc Nhu”.

Đêm đó tôi ngủ lại với bà, nghe bà tâm sự bao câu chuyện đời thường của một người vợ, người mẹ, người bà đã sống non một thế kỷ, với bao buồn vui của nhân tình thế thái. Nhưng bà nói nhiều nhất về người cha kính yêu. Trong ký ức không bao giờ phai của bà, đó là người cha có tấm lòng nhân hậu, rất mực thương con và sống nhân ái với mọi người. Bà cho biết, Nguyễn Khắc vốn là dòng họ lớn có nhiều người thành đạt. Làng Song Khê, Yên Dũng, Bắc Giang nơi Nguyễn Khắc Nhu chào đời được dân gian tôn vinh là mảnh đất: “Văn vật danh hương”. Lúc mới 14, 15 tuổi Nguyễn Khắc Nhu có dịp đi theo một gánh hát chèo, đã được đặt chân đến đại bản doanh của ông Hoàng Hoa Thám, đó là một vùng đất độc lập ngay trong vòng vây của thực dân Pháp. Ý chí vũ trang đánh Pháp dành độc lập cho đất nước đã ăn sâu vào tiềm thức Nguyễn Khắc Nhu từ đó. Người thầy dạy học của Nguyễn Khắc Nhu là cụ cử Đường cũng là một danh sỹ của đất Bắc Hà đã từng tham gia phong trào Cần Vương và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Những câu chuyện kể của người thấy kính yêu về những hành động anh dũng cứu nước của các anh hùng, nghĩa sỹ đã hun đúc thêm bầu máu nóng của người trai trẻ Nguyễn Khắc Nhu. Đặc biệt có lần Nguyễn Khắc Nhu được thầy giáo cử đi đưa đường cho Phan Bội Châu từ Nội Duệ đi Yên Thế để gặp Hoàng Hoa Thám. Trong mấy ngày được trò chuyện với nhà yêu nước Phan Bội Châu và được gặp các chiến sỹ Yên Thế đã giúp Nguyễn Khắc Nhu tìm thấy lý tưởng và con đường cứu nước của mình. Bà tôi khẳng định đó là lý do chính làm nên một tâm hồn yêu nước thương dân sâu sắc của Nguyễn Khắc Nhu. Sau này khi đã là một trong ba người lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng, cha của bà tôi giữ trọng trách: “Trưởng ban lập pháp và kiểm soát” của Đảng. Cụ không chỉ là nhà yêu nước có xu hướng vũ trang, mà còn là người quan tâm đổi mới cải tạo hương thôn theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Cụ chủ trương phát triển tiểu thủ công theo yêu cầu mới của thị trường như: Dệt vải khổ lớn, lập hội “Quốc dân dục tài”, nên cụ đã cùng Nguyễn Thái Học quyết tâm đánh Pháp dành độc lập và muốn canh tân đất nước theo hướng mới. Lý tưởng và tâm nguyện ấy cao cả biết bao!

Đêm Yên Bái tĩnh lặng, vầng trăng soi chênh chếch hiên nhà, ngôi nhà lá đơn sơ ở gần nhà máy đá chìm trong ánh trăng, bà ôm lấy tôi thủ thỉ: “Năm 1930 khi cha hy sinh, bà mới 10 tuổi, cái chết của người cha thân yêu để lại một dấu ấn mất mát vô cùng to lớn trong tâm hồn non nớt. Song sự ra đi vô cùng oanh liệt của cha khiến bà suốt đời tôn thờ và ngưỡng mộ. Vì cha đã hy sinh cho cuộc đấu tranh dành độc lập dân tộc, đã sống, chiến đấu vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Bà cũng không ngờ sau này mình lại lấy chồng và định cư lâu dài ở Yên Bái, nơi người cha vô cùng yêu quí đã chiến đấu và ngã xuống chính mảnh đất này. Lúc ấu thơ bà ít được gần cha vì cha đi hoạt động cách mạng xa nhà. Từ nhà bà đến Khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 ở công viên Yên Hòa chỉ 1km. Bà cảm thấy cha luôn ở bên mình, tiếp thêm niềm tin, nghị lực và tình yêu thương để vượt qua bao sóng gió cuộc đời. Bà coi đó là một ân huệ lớn, một sự bù đắp mà số phận dành cho mình…

Sáng hôm sau tôi cùng bà ra thăm công viên Yên Hòa. Một ngày nắng đẹp, mây trời Yên Bái lung linh soi mặt hồ, cô con gái nhỏ Nguyễn Thị Thúc giờ đây mái đầu đã bạc phơ đứng trước tượng đài của cha và các đồng đội của Người, bao nhiêu ký ức lắng đọng và trào dâng. Điều gì lãng quên, điều gì ghi khắc vĩnh hằng trong tâm hồn bà tôi, tôi đã hiểu. Mảnh đất Yên Bái thân thương hơn, đẹp hơn nhờ ánh sáng tỏa mãi từ cuộc đời của những người anh hùng như Nguyễn Khắc Nhu và đồng đội của cụ đã từng sống chết với Yên Bái. Tôi chợt nhớ bài thơ thầy giáo dạy môn sử năm xưa đã đọc cho cả lớp nghe khi dạy bài Khởi nghĩa Yên Bái, tôi khẽ đọc cho bà nghe:

“Quyên sinh vì dân vì nước vì chủ nghĩa

Thề không cùng sống với quân giặc

Bất tử là danh, là tâm, là tinh thần

Quyết đem cái chết khích đồng bào”

                                   (Nhớ Nguyễn Khắc Nhu – tác giả vô danh)

Nghe xong, bà bảo: “Bà 90 tuổi rồi, đã tận mắt chứng kiến bao đổi thay của quê hương Yên Bái, bà rất mừng. Thành phố ngày càng to đẹp, đời sống người dân ngày càng no ấm hơn… Các cháu là thế hệ hậu sinh, không thể thấm thía bằng thế hệ của bà một điều này: Được sống trong hòa bình trên một đất nước độc lập là điều sung sướng nhất đấy cháu ạ.

Tôi ở Yên Bái cũng đã 30 năm, nhưng chính từ những ký ức xưa cũ, đứt nối của bà, ngày hôm nay tôi nhận ra thêm những vẻ đẹp mới của mảnh đất thân yêu này.