Một số góp ý cho phần tính toán thủy văn-thủy lực của Dự án thủy lợi chống ngập úng tại TP HCM.[26/02/10]

01/03/2010 08:32

25

Một số góp ý cho phần tính toán thủy văn-thủy lực của Dự án thủy lợi chống ngập úng tại TP HCM

TS. Tô Văn Trường

Về phần tính toán thủy văn-thủy lực của dự án thủy lợi chống ngập úng tại TP HCM, sau khi đã đọc kỹ các tài liệu do tư vấn chuyển và nhận thức cần phải dựa vào mục tiêu, phạm vi nghiên cứu và nội dung của dự án, tôi có một số góp ý như sau:

1.Modelling: là gần đúng, nên hiểu không phải chỉ đơn thuần là khoa học mà nó còn có tính nghệ thuật nữa. Vai trò của người làm mô hình (modeller) rất quan trọng để có mô hình tốt, phụ thuộc vào sự hiểu biết vùng về thủy văn, thủy lực, có nhiều kinh nghiệm về mô hình, kiến thức về numerical methods và tài liệu cơ bản (địa hình, thủy văn vv…). Thời gian qua, nhóm mô hình của Viện KHTLMN đã có nhiều cố gắng vượt qua các khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ rất phức tạp này. Tôi đã nhiều lần trao đổi với Gs Nguyễn Tất Đắc và PGS Lê Song Giang về kết quả tính toán thủy lực của tư vấn. Về cơ bản, tôi nhất trí với bản nhận xét chính thức của Gs Nguyễn Tất Đắc. Tôi đề nghị để  cho mô hình có khả năng đủ ứng phó với nhiều trường hợp/tình huống ta nên calibrate với thời gian tương đối dài hoặc với nhiều chuỗi ngắn ( > 5 chuỗi) vì nếu không được calibrate kỹ thì mô hình không thể ứng phó được trong các tình huống mới . Tương tự như trong artificial Intelligence (trí tuệ nhân tạo)  thay vì calibrate (chỉnh sửa), người ta dùng "train" huấn luyện, một từ rất phổ thông khi train các neural networks.  Kết hợp bài toán thủy văn-thủy lực có thể xem mực nước sông (hay triều sông) là output của một hệ thống có các yếu tố tác động làm inputs thì tốt hơn là tách riêng ra rồi xem như là biến số ngẫu nhiên. Trong bài toán thủy lực ta có thể coi mực nước cửa tiêu là một ràng buộc phải thỏa mãn khi tính toán

2.Cấp công trình:  Tôi tán thành quan điểm cấp công trình phục vụ cho bài toán thủy văn, thủy lực là cấp I như quyết định 3448 của Bộ NN đã phê duyệt.

3.Tần xuất tính toán:  Đồng ý mức đảm bảo thiết kế tiêu 95%. Thông thường người ta  xem tần suất tính toán của số liệu vào ở biên (mưa, thủy triều) cũng là tần suất bảo đảm của công trình. Thực ra, tần suất đảm bảo của công trình và các tần xuất áp dụng cho điều kiện biên không phải luôn luôn giống nhau. Để có công trình đảm bảo đến mức 95% không có nghĩa là mức đảm bảo ở các biên là 95%. Bởi vì công trình chống ngập ở đây là hệ thống thoát nước chứ không phải chỉ có 1 cống thoát nước.

4.Tiêu chuẩn thiết kế áp dụng cho bài toán tiêu nước:  Theo Quyết định 3448 đã được duyệt tần suất mưa tiêu thiết kế 5%, vùng đô thị mưa trận 180 phút lớn nhất, vùng ngoại vi mưa 24 giờ lớn nhất có tính tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tôi đề nghị chọn trường hợp 7 là mưa, triều, lũ thực tế 20 năm từ  1998 đến 2007 làm cơ sở thiết kế. Ngoài ra, có thể lấy tổ hợp 7 làm tổ hợp cơ bản để đánh giá các tổ hợp khác thỏa mãn mức đảm bảo tiêu 95%. Phương cách này có khá nhiều thông tin giúp chúng ta lựa chọn theo mục tiêu cụ thể. Khi xác đinh tiêu chuẩn tính toán chống ngập có 2 yếu tố chính cần xét là mực nước trong hệ thống thoát nước so với địa hình độ ngập và thời gian ngập có thể chấp nhận. Xin lưu ý, cách tính thực tế chuỗi 20 năm cho ta cái mốc để so sánh lựa chọn các phương pháp hợp lý, tuy rằng đó chưa phải là cách tốt nhất mà chỉ là cách chấp nhận vì không ai biết được trong 20 năm tới tình hình thủy văn khốc liệt hơn hay ôn hòa hơn. Theo tôi hiểu trên nguyên tắc chúng ta phải calibrate mô hình bằng cách chứng tỏ là qua việc điều chỉnh các thông số (parameters), mô hình có thể "sinh" ra được một chuỗi "giống như" chuỗi số liệu đã đo được. Sau đó ta mới dùng mô hình đã được calibrated để thực hiện các scenarios analysis: thay đổi các tình huống khác nhau, xem kết quả do mô hình cung cấp để dùng vào vấn đề đang nghiên cứu, ở đây là CHỐNG NGẬP.  

5. Tiêu chuẩn thiết kế đảm bảo giao thông thủy: Đề nghị xem lại có cần đưa tiêu chuẩn này vào quyết định hay không vì đây là nhiệm vụ của tư vấn lập dự án trên cơ sở thỏa thuận với ngành giao thông thủy. Nếu cần đưa vào quyết định, tôi đồng ý vận tốc an toàn giao thông thủy qua cống 1,5m/s. Mực nước thiết kế giao thông thủy theo tiêu chuẩn phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa TCVN 5664-1992, mực nước xác định tĩnh không là mực nước cao tần xuất 5%. Mực nước thấp để xác định kích thước luồng tàu bao gồm cả việc xác định cao trình ngưỡng cống, âu thuyền là mực nước thấp tần suất 95%.

6. Phân cấp tuyến đê  Đồng ý phân cấp tuyến đê để thuận lợi cho lập dự án đầu tư. Cần nêu rõ việc phân cấp tuyến đê trong Tờ trình.

7. Nguyên tắc phân cấp công trình đê và cống dưới đê: phụ thuộc vào tính quan trọng của nó, do đó đê và cống dưới đê có thể cấp khác nhau vì phạm vi phục vụ cũng như tầm quan trọng của chúng có thể khác nhau mặc dù nằm trong cùng một hệ thống. Cần so sánh kết hợp quy phạm phân cấp đê, cống của ngành thủy lợi với đê kết hợp giao thông của ngành giao thông.

Thay cho lời kết: Ý kiến của các chuyên gia mỗi người chỉ am hiểu một lĩnh vực cho nên cần có “nhạc trưởng” có trình độ tổng hợp phân tích, sử lý trình Bộ xem xét, quyết định..Các vấn đề đưa ra có sự đồng thuận 100% là thuận lợi nhưng có vấn đề ý kiến khác nhau cần làm cho rõ, tránh hình thức lấy phiếu số đông cho là dân chủ.

Dự án chống ngập của Bộ chỉ hỗ trợ cho việc tiêu thoát của TP.HCM, do đó,  đề nghị thành phố với nguồn vốn ODA của chính phủ Hà Lan không nên đi quá chi tiết vào vấn đề kỹ thuật của các phương pháp tính toán, cái chính là cần xây dựng lại phương pháp luận, hướng tiếp cận giải bài toán chống ngập trên cơ sở tích hợp cả lũ, triều, mưa, biến đổi khí hậu, cập nhật các số liệu cơ bản địa hình kể cả độ lún, tài liệu thủy văn vv… để xây dựng “integrated model” trên cơ sở phát triển bền vững của TP.HCM

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 26 tháng 2 năm 2010