Dự án đường cao tốc SHINKANSEN Bắc –Nam ở Việt Nam

19/04/2010 07:58

13

DỰ ÁN ĐƯỜNG CAO TỐC SHINKANSEN  BẮC-NAM Ở VIỆT NAM

 

Tô Văn Trường

 

Theo tin tức từ Nhật Bản ngày 14/4/2010, Thủ tướng Nhật đã quyết định đầu tư xây dựng đường cao tốc Shinkansen Bắc-Nam ở Việt Nam. Bộ trưởng phụ trách chiến lược phát triển quốc gia  Sengoku và bộ trưởng giao thông Maehara sẽ đến thăm Việt Nam vào đầu tháng 5/2010, đúng vào dịp lễ để bàn kế hoạch xây dựng. Việt Nam sẽ sử dụng công nghệ đường sắt cao tốc của Nhật Bản và điều này sẽ được thông qua ở kỳ họp của Quốc hội vào giữa tháng 5 năm 2010. Theo kế hoạch công trình xây dựng sẽ khởi công vào năm 2012, vận hành 1 phần của tuyến vào năm 2020.

Có một số ý kiến bình luận nước ta còn nghèo, nợ nước ngoài cao, chưa rõ việc tính toán so sánh hiệu quả kinh tế giữa phương án mở đường cao tốc với phương án tận dụng, cải tạo mở rộng chỉ thêm 1 đường ray mới để sử dụng đồng thời cả 2 loại đường ray 1,4 m và 1,1m. Trong tình hình thực trạng yếu kém về sử dụng vốn của hệ thống, nếu bê nguyên hệ thống Shinkasen đặt vào Việt Nam không phải là phương án có lợi nhất  cho Việt Nam. Hiện đại phải tương thích với trình độ phát triển, bởi vì không sử dụng hết công suất sẽ đọng vốn. Những người ủng hộ phương án đường cao tốc cho rằng dự án này đơn thuần về kinh tế, không gây tranh cãi như một số dự án khai thác tài nguyên liên quan đến an ninh quốc phòng, gây ô nhiễm môi trường . Nhớ lại dự án hệ thống điện cao áp 500 kV Bắc Nam trước đây cũng nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng đó là 1 dự án không khả thi cả về điều kiện thi công, khả năng vận hành, kinh phí lớn, cả về chuyên môn khi cho rằng với chiều dài như thế là đã bằng 1/4 chu kỳ 50 Hz v.v.... Dự án 500 kV đã thành công ngoài mong đợi, không những theo hướng ban đầu từ cụm nguồn miền Bắc vào Trung tâm phụ tải miền Nam, mà ngày nay, đường 500 kV đã hoạt động hiệu quả cả 2 chiều Bắc - Nam và Nam - Bắc. Và cán bộ kỹ thuật của EVN đã làm chủ được công nghệ và vận hành hiệu quả hệ thống này. Hiện nay, việc mở rộng mạng lưới 500 kV trên khắp đất nước đã và đang tiến hành để đáp ứng nhu cầu mới.

Một số chuyên gia từng du học ở Viện kỹ thuật Á Châu (AIT) bình luận dự án đường cao tốc Shinkansen nếu thành công có ý nghĩa vượt ra khỏi vai trò một hệ thống giao thông vận tải thông thường. Trong lịch sử phát triển Shinkansen của Nhật Bản, người khởi sướng,vận động thúc đẩy kế hoạch Shinkansen thành hiện thực không phải là bộ trưởng bộ giao thông hay bộ Xây dựng mà là do ông Tanaka bộ trưởng bộ công nghiệp và thương mại. Ông Tanaka có tầm nhìn xa, trông rộng và thấy được vai trò của Sinkansen trong việc nối kết các trung tâm kinh tế giữa Tokyo và Osaka với các vùng xa, tỉnh lẻ, để cân bằng trong sự phát triển kinh tế xã hội. Thực tế, khi tuyến Sanyo được mở phần kéo dài của tuyến Tokaido nối Tokyo với  Osaka thì có hơn 700 công ty mở văn phòng đầu tư ở thành phố Fukuoka, làm thay đổi toàn bộ diện mạo của thành phố được đánh giá kém phát triển này.

Cái chính là cần rút ra được kinh nghiệm của các nước đi trước để chúng ta thực sự tiếp cận và làm chủ một công nghệ tiến tiến, phải nghiên cứu phát triển nó thành cái của mình và xa hơn nữa có thể đem đi bán cho nước ngoài như bài học của Hàn Quốc. Nếu không làm được như thế thì tổng giá trị của dự án bị giảm đi khoảng 20%. Xin lưu ý, người Nhật từ thời Minh Trị đã học rất nhiều công nghệ Đức, châu Âu, và biến nó thành của Nhật. Đài Loan là nước nhập công nghệ  Shinkansen của Nhật Bản nhưng lại thất bại trong việc kiểm soát và làm chủ nó. Hiện nay, Đài Loan phụ thuộc vào phía nhà cung cấp Nhật Bản, khi nào có trục trặc, rủi ro đều phải mời chuyên gia Nhật Bản sang và tất nhiên phải trả tiền rất đắt. Ngược lại, Trung Quốc làm khá tốt trong việc tiếp nhận công nghệ tầu cao tốc chẳng những của Nhật mà còn của cả Đức và Pháp. Đặc biệt Hàn quốc vừa dạy cho Pháp và châu Âu một bài học đau đớn về chuyển giao công nghệ tàu cao tốc bằng việc qua mặt Alstom-TGV thắng gói thầu  tàu cao tốc ở Brazil  với công nghệ KTX-II  được phát triển dựa trên chính  công nghệ TGV của Pháp.

Nhiều người dân không còn mặn mà, quan tâm chờ đợi vai trò của Quốc hội thảo luận, tranh luận, trước khi bấm nút phê duyệt các dự án quan trọng nếu đó là các dự án thuộc về chủ trương lớn của Nhà nước. Làm thế nào để Shinkansen Việt Nam trở thành hiện thực và hoạt động có hiệu quả còn rất nhiều việc phải làm, cụ thể phải chuẩn bị có lộ trình “thay máu” cho ngành đường sắt của Việt Nam từ cung cách quản lý, khai thác kinh doanh, và đào tạo nguồn nhân lực.