Diễn văn khai mạc của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.[01/06/10]

01/06/2010 11:17

28

Hội nghị thường niên lần thứ 78

của Ủy hội Đập lớn thế giới (ICOLD)

 

DIỄN VĂN KHAI MẠC CỦA

PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI

 

Tại Phiên họp toàn thể Hội thảo Khoa học

Đập và Phát triển nguồn nước bền vững”,

ngày 25 tháng 5 năm 2010

 

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các vị khách tại Hội nghị Đập lớn Thế giới lần thứ 78 vừa qua. Từ trái sang: Ủy viên Ban Thư ký VNCOLD Nguyễn Hồng Toàn, Bộ trưởng Nông nghiệp & PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch ICOLD Jia Jinsheng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Tổng thư ký ICOLD Michel De Vivo, Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Thái Lai, Chủ tich VNCOLD Phạm Hồng Giang.

 

 

Thưa Ngài Chủ tịch Ủy hội Đập lớn thế giới,

Thưa quý vị,

Thay mặt Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nhân, cùng toàn thể quí vị đại biểu đã đến dự Hội nghị thường niên lần thứ 78 của Ủy hội Đập lớn thế giới được tổ chức tại thủ đô Hà Nội, vào dịp nhân dân Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thưa quý vị,

Việt Nam có diện tích 330 ngàn km2, dân số đứng vào khoảng thứ 13 thế giới. Do đặc điểm địa hình, địa chất và vị trí địa lý, Việt Nam là một trong những Quốc gia có sự phân bố không thuận lợi về nguồn nước và phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai. Do đó, lịch sử dựng nước của nhân dân Việt Nam gắn liền với nhiệm vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, xây dựng các hệ thống công trình thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất và dân sinh. 

Việt Nam có hàng trăm hệ thống sông lớn nhỏ, tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 843 tỷ m3, với tiềm năng thuỷ điện khoảng 85.000 GWh năm. Trước đây, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào nguồn nước mưa tự nhiên. Chính phủ Việt Nam đã dành những ưu tiên cho quản lý và phát triển nguồn nước, xây dựng hàng ngàn hồ đập lớn nhỏ, các hệ thống công trình thuỷ lợi phục vụ cho tưới tiêu, chống lũ, cung cấp nước cho công nghiệp, dân sinh và nuôi trồng thuỷ sản v.v.. xây dựng được hệ thống đê dài hàng ngàn km. Nhờ đó, cùng với các chính sách phát triển kinh tế phù hợp Việt Nam từ chỗ không đủ tự cung, tự cấp lương thực đã trở thành một trong các quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới. Trong việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần giảm thiểu thiệt haị về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân, được Liên hợp quốc đánh giá cao.

Trong công cuộc phát triển hiện nay, yêu cầu dùng nước trong dân sinh, kinh tế của Việt Nam ngày càng tăng cả về khối lượng và chất lượng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển điện năng, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm tới thuỷ điện, một nguồn năng lượng sạch và tái tạo, nhiều nhà máy thuỷ điện lớn đã và đang được xây dựng như Hoà Bình, Yaly,  Sơn La ... Chúng tôi hết sức chú trọng kỹ thuật vận hành các hồ chứa, liên hồ chứa thủy điện, kết hợp hài hòa giữa phát điện với các mục tiêu cắt giảm lũ cho hạ lưu, cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt và cải thiện môi sinh, sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước.

Những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến về xây dựng và quản lý đập đã được áp dụng thành công ở Việt Nam. Nhiều đập lớn có chiều cao trên 100m, các hệ thống hồ đập thủy lợi lớn đã được xây dựng nhanh, chất lượng tốt, an toàn, giá thành hạ, sớm phát huy hiệu quả. Chúng tôi hoan nghênh những hình thức hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, đầu tư, hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực,… trong xây dựng và quản lý đập, phát triển nguồn nước.   

Việt Nam thừa nhận và thực hiện các nguyên tắc quốc tế (GWP) về quản lý tổng hợp tài nguyên nước như là “một quá trình thúc đẩy việc phát triển và quản lý nước, đất và các tài nguyên liên quan nhằm đem lại phúc lợi kinh tế, xã hội tối đa theo cách thức công bằng và không gây tác hại đối với sự bền vững của các hệ sinh thái quan trọng”.

Khoảng 60% tổng lượng nước mặt của Việt Nam đến từ các nước láng giềng, nhiều dòng sông chảy đến Việt Nam từ các nước và cũng nhiều dòng sông chảy từ Việt Nam sang các nước. Việt Nam luôn tôn trọng luật pháp quốc tế về sử dụng các nguồn nước, vì lợi ích chung của nhân dân các nước, tôn trọng sự hợp tác với các nước vì mục đích khai thác hiệu quả, bền vững nguồn nước trên các dòng sông quốc tế. 

Thưa quý vị,

Hội nghị thường niên lần thứ 78 của Uỷ hội Đập lớn thế giới với tiêu đề “Đập và sự Phát triển bền vững tài nguyên nước” với nhiều chủ đề kỹ thuật phong phú và đa dạng trong lĩnh vực quy hoạch nguồn nước, giảm nhẹ lũ lụt và hạn hán, xây dựng và quản lý an toàn đập, nghiên cứu môi trường và xã hội, vận hành tối ưu hồ chứa, mô hình toán, quản lý sử dụng nước, tưới tiêu và cấp nước v.v.., cùng với sự tham gia rất đông đảo của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nhân từ khắp các châu lục là một sự kiện quan trọng. Đây là dịp tốt để mọi người cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, nhằm thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật an toàn hồ đập và đảm bảo an ninh về nguồn nước, thích ứng tốt với nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nguy cơ suy thoái nguồn nước và biến đổi khí hậu.

Như đã bày tỏ trong thư chào mừng các quý vị đại biểu tới dự Hội nghị tại Hà Nội, tôi tin rằng nội dung của Hội nghị sẽ rất hữu ích cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đập và nguồn nước ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hội nghị thành công tốt đẹp.

Chúc Hội nghị thành công, chúc các quý vị đại biểu có những ngày làm việc hiệu quả và ngày nghỉ vui vẻ, thăm quan các danh lam thắng cảnh của thủ đô Hà Nội và Việt Nam.

Tôi xin trân trọng khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 78 của Ủy hội Đập lớn Thế giới.

Chúc sức khỏe Ngài Chủ tịch Ủy hội Đập lớn thế giới,

Chúc sức khỏe các quý vị đại biểu,

Chúc hội nghị thành công tốt đẹp,

Xin trân trọng cám ơn!