Phiên khai mạc: Hội nghị thường niên lần thứ 78 của Ủy hội Đập lớn thế giới (ICOLD).[02/06/10]

02/06/2010 08:58

26

GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, Chủ tịch VNCOLD, phát biểu chào mừng & giới thiệu  đại biểu dự Hội nghị Đập lớn Thế giới

Hội nghị thường niên lần thứ 78

của Ủy hội Đập lớn thế giới (ICOLD)

 

PHÁT BIỂU CHÀO MỪNG

VÀ GIỚI THIỆU ĐẠI BIỂU CỦA

CHỦ TỊCH HỘI ĐẬP LỚN &

PHÁT TRIỂN NGUỒN NƯỚC VIỆT NAM (VNCOLD)

tại Phiên họp toàn thể Hội thảo Khoa học

Đập và Phát triển nguồn nước bền vững”,

ngày 25 tháng 5 năm 2010


         Kính thưa Ngài Hoàng Trung Hải,

Phó Thủ tướng Chính Phủ

nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

Kính thưa Ngài Jia Jinsheng,

Chủ tịch  Ủy hội Đập lớn Thế giới,

Thưa quý vị,

Ủy hội Đập lớn Thế giới  (ICOLD) là một tổ chức xã hội và nghề nghiệp lớn gồm các Hội thành viên tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nhân,….  tại hơn 90 quốc gia, được thành lập tại Paris năm 1928.  Kể từ đó,  cứ 3 năm một lần, Ủy hội tổ chức Đại hội và  hàng năm tổ chức Hội nghị thường niên. Năm nay,  Hội nghị thường niên  Đập lớn Thế giới lần thứ 78 được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam.

Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam  (VNCOLD) được thành lập tháng 7/2004 và gần một năm sau được công nhận là thành viên chính thức của Ủy hội Đập lớn Thế giới . Sau một thời gian tìm hiểu và chuẩn bị, được phép của Đảng và Nhà nước Việt Nam, năm 2007, Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam  đã chính thức đệ đơn xin đăng cai Hội nghị  Đập lớn Thế giới lần thứ 78 và được nhất trí chấp thuận tại Hội nghị lần thứ 76 tại Sophia (Bulgaria).  

Quyết  định chọn Hà Nội, thủ đô Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là địa điểm tổ chức Hội nghị Đập lớn Thế giới thể hiện thiện cảm quốc tế đối với đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị của Chính phủ Việt Nam, đối với đất nước Việt Nam thanh bình và mến khách đang trên đường phát triển và hội nhập quốc tế.

Quyết định này cũng  nói lên sự chú ý đối với những thành tựu quan trọng về xây dựng và quản lý đập, về thủy lợi và thủy điện, về phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường nước của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Những đập cao trên 100m được xây dựng với những vật liệu và công nghệ mới, những nhà máy thủy điện với công suất hàng ngàn MW, những hồ chứa có dung tích hàng tỷ m3 nước, những hệ thống thủy lợi lớn cho hàng chục vạn hecta đồng ruộng,.. cùng với các công trình và hệ thồng thủy lợi-thủy điện vừa và nhỏ rộng khắp trong cả nước đã cung cấp 36% điện lượng, đã góp phần đưa Việt Nam vào những nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê và những nông sản phong phú khác, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quyết định trên   còn là sự đánh giá cao đối với những hoạt động tích cực  của Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam, mặc dù lúc đó mới được thành lập 4 năm và 3 năm là thành viên của  Ủy hội. Thành công  của Hội nghị là kết qủa của những nỗ lực lớn và đánh dấu bước tiến mới của  Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực mở rộng quan hệ quốc tế. Sau khi Quuyết định nói trên của của được công bố, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã gửi thư chào mừng đến các đại biểu.

Những hoạt động chính của Hội nghị lần thứ 78 gồm có:

    Họp chấp hành và họp các Ban Kỹ thuật của Ủy hội Đập lớn Thế giới;

    Bàn tròn về “Đập và Thủy điện vì sự phát triển bền vững tại châu Phi”;

    Triển lãm Kỹ thuật của hơn 30 Tập đoàn quốc tế lớn, các Hội Đập lớn các nước và tổ chức quốc tế. 

     Và đăc biệt là Hội thảo Khoa học với tiêu đề “Đập và Phát triển bền vững nguồn nước” diễn ra trong 2 ngày 25 & 26/5/2010 với khoảng 180 báo cáo khoa học được lựa chọn từ gần 300 bản đăng ký tóm tắt.

Dự lễ khai mạc trọng thể Hội thảo khoa học hôm nay, về phia Việt Nam, tôi xin trân trọng giới thiệu:

Ngài Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính Phủ,

Ngài Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn,

Ngài Cao Lại Quang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng,

Ngài Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường,

Ngài Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam,

cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nhân.

Về phía quốc tế, tôi xin trân trọng giới thiệu:

Ngài Jia Jinsheng, Chủ tịch, các vị Phó Chủ tịch và ông Michel De Vivo, Tổng thư ký của Ủy hội Đập lớn Thế giới cùng với khoảng 600 đại biểu từ 63 nước. Trong đó, các nước có số đại biểu đông nhất (trên 40 người) là, Nhật Bản, Trung Quốc, Iran, Nga. Tiếp đó là các nước (mỗi nước khoảng 20 – 40 người) là Hàn Quốc, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Brazil,.. Nhiều nước có khoảng 10 người/mỗi nước là Australia, New Zealand, Nam Phi, Nigeria, Canada, Tây Ban Nha , Na Uy,..  Ngoài ra, rất nhiều nước khác từ những vùng xa đất nước chúng tôi về địa lý như Nam Mỹ (Bolivia, Colombia, Venezuela, Chile, Peru, Paraguay, Argentina, Panama..), châu Phi (Ethiopia, Marocco, Madagascar, Buorkina Faso, Mali, Zambia, Ghana, Ai Cập, Mozambic,,…), châu Âu (Italy, Cộng hòa Czech, Áo, Romania, Slovenia, Bulgaria, Cyprus, Ba Lan, Bỉ , Hà Lan, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Ukraina, Latvia,  đến những vùng gần hơn như Tây Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Lebanon, Thổ Nhĩ  Kỳ, Libya,..), Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Malaysia, Indonesia, Philippines,…),.. đều cử đại biểu.   Đây là sự kiện lớn nhất về lĩnh vực xây dựng và quản lý đập, thủy lợi, thủy điện, nguồn nước, môi trường,.. được tổ chức tại Đông Nam Á.

Xin chân hành cảm ơn quý vị đã đến dự lễ khai mạc trọng thể này .