Công trình cải tạo chỉnh trang đê nội thành Hà Nội 1998-2000.[09/10/10]
11/10/2010 08:56
Công trình cải tạo chỉnh trang
đê nội thành Hà Nội 1998-2000
(Nhớ lại dịp chào mừng 990 năm Thăng Long - Hà Nội)
Trong đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tường đê sông Hồng được trang trí với gốm sứ thành một bức tranh tường rất dài làm đẹp Thủ đô. Để bây giờ có bức tranh tường đó, 10 năm trước đây, đúng vào dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 10/10/2000, một công trình lớn được hoàn thành và công nhận là tiêu biểu trong dịp kỷ niệm đó. Đó là công trình cải tạo chỉnh trang đê nội thành Hà Nội, thay thế đê đất cũ bằng tường đê bêtông, mở đường giao thông trên nền đê cũ, thay đổi hẳn cảnh quan Thủ đô. Nhân dịp này chúng tôi đã có buổi trò chuyện với GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, Phó Chủ tịch Hội Đập lớn Thế giới, Chủ tịch Hội Đập lớn & PT nguồn nước VN, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, người đã trực tiếp chỉ đạo công trình này.
PV: Xin ông cho biết việc cải tạo chỉnh trang đê nội thành Hà Nội đã được đặt ra như thế nào?
Tường đê bê tông nội thành được hoàn thành đúng ngày 10/10/2000 chào mừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đáp: Đê sông Hồng được đắp nên từ bao đời nay, ngày thêm cao và rộng. Đoạn đê qua nội thành đã giữ cho Thăng Long - Hà Nội an toàn khi lũ lớn. Khi đô thị phát triển, nhiều công trình lớn, nhiều tuyến phố khang trang, hiện đại, dân cư tăng nhanh chóng,...thì con đê đất to cao lừng lững giữa nội thành trở nên vừa thiếu an toàn với nhiều ẩn họa, vừa chiếm nhiều diện tích đất đang rất cần dùng để mở rộng đường xá, lại kém mỹ quan, rất thiếu vệ sinh,... Nhiều người cũng thấy cần phải cải tạo nhưng chưa có những phương án thuyết phục, nhận thức chung còn chưa 'đổi mới', nặng 'mê tín' đê đất, nguồn kinh phí đầu tư eo hẹp . Năm 1993, Dự án ODA Phát triển Thủy lợi do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ được thông qua, trong đó có Dự án thành phần 'Gia cố & Chỉnh trang đê hữu Hồng' đoạn từ Đan Phượng qua nội thành Hà Nội tới Thường Tin, dài 61,4km. Hạng mục cải tạo đê nội thành Hà Nội từ An Dương đến Vĩnh Tuy dài 5,1km được nghiên cứu và chuẩn bị kỹ rồi mới khởi công ngày 10/10/1998.
PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về công việc cải tạo và chỉnh trang đoạn đê nội thành An Dương - Vĩnh Tuy và những nỗ lực trong thiết kế, thi công, tổ chức triển khai dự án?
Đê đất trước khi được cải tạo | |
Lễ khởi công giản dị được tổ chức ngày 10/10/1998 (ảnh trên). Thủ tướng Phan Văn Khải thăm công trình lúc hoàn thành đúng 2 năm sau, 10/10/2000 (ảnh dưới). |
Đáp: Nội dung công việc là ủi dỡ đê đất, làm tường bê tông thay thế với móng và thân tường bền chắc, an toàn chống lũ cho Thủ đô, phần đất nền thì mở đường giao thông. Đoạn đường giao thông mà sau này được đặt tên là đường 'Hồng Hà' đã được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn cao nhất về đường giao thông. Nói ngắn gọn như vậy nhưng khối lượng rất lớn, kỹ thuật cao, mặt bằng thi công chật hẹp, thời gian ngắn (chỉ trong mấy tháng mùa cạn). Rất nhiều tuyến cáp điện, cáp truyền thông, đường ống nước, cống thoát nước,.. được chôn trong đê nhưng hầu như không có sơ đồ, lại vẫn phải vận hành liên tục khi thi công đê. Vì loại hình công trình đê tường bê tông còn mới ở nước ta lúc đó, nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh. Phải chia làm 2 đợt. Năm đầu cải tạo đoạn đê An Dương - Long Biên có nền đê tương đối cao, thân đê không cao, kết cấu công trình không quá phức tạp. Sau đó, năm thứ hai tiến hành cải tạo đoạn Long Biên - Vĩnh Tuy. Chủ đầu tư là Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi (CPO) và Ban 401 (nay là Ban 1) thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT. Đơn vị thiết kế là Công ty Tư vấn Xây Dựng Thủy lợi 1 (nay là Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi VN). Các đơn vị thi công chính là Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 1, Tông Công ty Xây dựng Trường Sơn,... Ở vườn hoa nhỏ gần dốc An Dương có tảng đá lưu niệm, ghi tóm tắt quá trình triển khai dự án. Tôi vẫn nhớ các anh Đinh Vũ Bảo (Phó Giám đốc CPO), Phạm Khắc Hợp (Giám đốc Ban 1), Từ Quán (Chủ nhiệm thiết kế),... đã miệt mài, sát cánh với tập thể kỹ sư, công nhân,.. hoàn thành xuất sắc và sáng tạo nhiệm vụ được giao, cống hiến cho Thủ đô một công trình đặc biệt đúng vào dịp 990 năm Thăng Long - Hà nội.
PV: Trong quá trình triển khai dự án, có những thuận lợi song chắc cũng có nhiều khó khăn?
Đáp: Thuận lợi lớn nhất là công trình đáp ứng mong mỏi của lãnh đạo và đông đảo nhân dân Thủ đô muốn có một công trình đê mới, bền vững, tạo cảnh quan đẹp, đường giao thông mới và thông thoáng,... Công trường có yêu cầu gì, thành phố tìm mọi cách hỗ trợ ngay. Tôi nhớ những lúc quá khẩn cấp, một số hạng mục cần hoàn thành rất gấp trước khi lũ về, phải hàng tuần giao ban đôn đốc ngay trên đê, các anh Lương Ngọc Cừ, Lê Quí Đôn ( Phó Chủ tịch thành phố phụ trách công tác phòng chống lũ) và các Sở, Ban, Quận,.. của Hà Nội những năm đó đều luôn có mặt. Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã luôn tin tưởng, theo sát, động viên.
Vài hình ảnh trên công trường |
Khó khăn thì nhiều, có lúc tưởng chừng không vượt qua được. Thứ nhất là sự phản đối từ một số không ít do chưa quen, chưa hiểu, chưa hình dung ra loại kết cấu tường đê và do nhiều lý do khác. Điều này đã xảy ra chủ yếu ở đợt đầu khi thi công đoạn An Dương - Long Biên. Hàng ngày có rất nhiều đơn thư, điện thoại gọi đến Bộ Nông nghiệp & PTNT, UBND TP Hà Nội, các vị lãnh đạo Chính Phủ. Tôi nhớ khi mùa lũ sắp đến gần, đê đất được ủi đi rồi, có người gửi thư yêu cầu dừng thi công (!). Nguy quá! Lại Có người dân ở ven đê Yên Phụ vừa mới phải dỡ nhà ở chân đê năm 1995 đã gửi thư thắc mắc :"Tại sao tôi làm nhà ở gần chân đê thì các ông bắt phá nhà để bảo vệ đê, bây giờ các ông lại phá đê, thế là thế nào?" v..v.. Thứ hai là công trình đê chống lũ nhưng đồng thời phục vụ dân sinh, phải đảm bào mọi hoạt động bình thường của khu dân cư rất đông đúc. Trên địa bàn chật hẹp, thi công phải gọn từng đoạn xong trước mùa lũ. Thứ ba là vốn ODA có rất nhiều thủ tục mà chúng ta chưa quen, những qui định rất khắt khe về thời hạn, tổ chức đấu thầu,... Và tuy là vốn ODA có lãi suất ưu đãi nhất định song chúng tôi vẫn hết sức cố gắng tiết kiệm, nhất là một số hạng mục Do làm tốt công tác quản lý nên tiết kiệm được một khoản kinh phí dự án, chúng tôi đã dự định làm thêm một đoạn kè vở sông Hồng song không thể kịp giải phóng mặt bằng nên đã chuyển vào miền Trung để củng cố một số công trình thủy lợi bị hư hại do lũ năm 1999.
PV: Ý nghĩa quan trọng của công trình đã được khẳng định như thế nào, thưa ông?
Đáp: Trước hết đây là công trình đẹp và bền vững chống lũ cho nội thành Hà Nội đồng thời là một trục giao thông quan trọng của Thủ đô, xứng đáng là công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà nội. Công trình này còn giúp đặt lại vị trí vòng xoay đầu cầu Chương Dương tại ngay trên nền đê cũ, tránh phải giải tỏa khu dân cư rộng lớn phía nội thành. Đây cũng là công trình tường đê bê tông đầu tiên ở nước ta, công trình có qui mô lớn ngay tại Thủ đô. Hội đồng nhân dân TP Hà Nội lúc đó đã đánh giá rất cao công trình này, có vị đại biểu đã nhấn mạnh: "Cha ông đã đắp đê đất từ bao đời, nay chúng ta tiếp nối và xây dựng thành công đê bê tông!" . Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương lúc đó, đã coi đây là thể hiện của "tư duy mới, cách làm mới và công nghệ mới" đối với công trình đê. Sau thành công của công trình tường đê nội thành Hà Nội, nhiều nơi có đê đất qua đô thị đã chuyển đổi thành tường đê bê tông như đê sông Đào qua TP Nam Định, đê sông Cầu qua TP Bắc Ninh, ... và mang lại nhiều hiệu quả.
PV: Xin ông cho biết ý kiến về con đường "gốm sứ" chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội?
Khi ngắm những bức tranh gốm sứ trên đường đê nội thành, nhiều khách tham quan đã không quên ghé thăm phiến đá lưu niệm rất khiêm tốn đầu đường Cổ Ngư ('Thanh niên') - An Dương của những người đã làm nên bức tường đê bê tông trong những năm 1998 - 2000. |
PV: Ý tưởng ốp ghép sứ nghệ thuật trên tường đê nội thành Hà Nội là rất hay và sáng tạo. ý tưởng này được thực hiện rất công phu trên đoạn tường đê An Dương - Bác Cổ đã làm đẹp Thủ đô và gây ấn tượng rất tốt đối với người dân và khách tham quan. "Con đường gốm sứ" càng làm nổi bật thêm hiệu quả của công trình tường đê bê tông từ 10 năm trước , xứng đáng được công nhận là kỷ lục Guiness tranh gốm sứ dài nhất thế giới và là công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, rất cần chú trọng biện pháp bảo dưỡng chu đáo để giữ gìn lâu dài vẻ đẹp của con đường.
PV: Xin cám ơn ông.