An toàn đập trước lũ lớn:Trao đổi ý kiến quanh sự cố Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) vừa qua.[20/10/10]

19/10/2010 08:20

12

An toàn đập trước lũ lớn:Trao đổi ý kiến quanh sự cố
Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) vừa qua

 

Một số chuyên gia về đập đã trao đổi ý kiến quanh sự cố Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xảy ra ngày 4/10/2010 vừa qua. Nội dung trao đổi mới đề cập đến sự cố ở mức rất sơ bộ và rất ngắn gọn qua e-mail (gửi 'cc' cho BBT). Tuy nhiên, an toàn đập trong mưa lũ là vấn đề hết sức hệ trọng. Xét thấy tổ chức thảo luận " bàn tròn"  là cần thiết và hữu ích để được nghe nhiều ý kiến rộng rãi hơn nữa, đồng thời đông đảo bạn đọc có thể cùng theo dõi và tham gia.

Chúng tôi xin mạn phép đăng tải  lên  www.vncold.vn  những ý kiến khởi đầu của các vị chuyên gia có tên dưới đây:

Đinh Sỹ Quát, Giám đốc Trung tâm Tư vấn & Giám định, Tổng Cty Tư vấn XD Thủy lợi VN (HEC);

Michel Hồ Tá Khanh, chuyên gia cao cấp Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF);

Nguyễn Trí Trinh, Giám đốc Văn phòng Đại diện Cty Tư vấn XD Điện 3 (PECC3) tại Hà Nội; 

Nguyễn Nam Thắng, Phó trưởng ban Hợp tác Quốc tế, Tâp đoàn Điện lực VN (EVN);

Trương Chí Hiền, Trường ĐH Bách khoa TP HCM (HCMTU).

 

Vỡ đập Khe Mơ ngày 16/10/2010

Lũ lớn đang tiếp tục gây thiệt hại nặng nề tại Bắc Trung Bộ. 7h sáng ngày 16/10/2010, đập Khe Mơ (Hà Tĩnh) đã bị vỡ. Nhiều đập khác đang bị đe dọa.

Rất mong các vị chuyên gia thủy lợi - thủy điện và bạn đọc tiếp tục tham gia cuộc trao đổi  'bàn tròn' về chủ đề "An toàn đập trước lũ lớn" đã được khởi động như sau:

 

 

An toàn đập trước lũ lớn

 

Dòng lũ tràn qua đập Hố Hô

khi 3 cửa tràn còn đang bị khóa

Ô. Đinh Sỹ Quát: Thủy điện Hố Hô 65MW trên sông Ngàn Phố. Mấy ngày đó, mưa cực lớn trong vùng. Cả 3 cửa tràn đều không thể mở được vì trạm thủy điện đã bị vùi do đất trượt lở và lưới điện hỏng. Lũ tràn cao 2m so với đỉnh đập. Vô số vật nổi mắc lại trên đỉnh đập. Phải qua rất nhiều khó khăn do mưa to và đường xá bị ngập lụt, sau 20 giờ mới đưa được máy nổ vào hiện trường để mở các cửa tràn. May mà đập chưa vỡ vì đây là đập bê tông trọng lực. Sự cố cửa tràn ở đập thủy điện Hố Hô là kinh nghiệm đau xót 'để đời' về rủi ro khi vận hành.

Đập Ngàn Trươi trên sông cùng tên là  phụ lưu của sông Ngàn Phố. Chúng tôi vừa đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT cho nghiên cứu thêm phương án tràn kiểu 'phím piano' (PK weir), không dùng cửa.

Trạm thủy điện Hố Hô sau lúc đất bị trượt lở

 

 

Ô. Michel Hồ Tá Khanh: Tôi hy vọng các kỹ sư Việt Nam sẽ xem xét kỹ hơn những qui định về an toàn đập độ rủi ro của việc đóng khóa và kẹt cửa tràn sau sự cố này. 

 Ô.Nguyễn Trí Trinh: Bài học là: "An toàn của trạm thủy điện cũng quan trọng như an toàn đập. Phải xét ổn định của trạm thủy điện một cách thận trọng".

Ô. Michel Hồ Tá Khanh: Việc cửa tràn không hoạt động không tùy thuộc vào sự ổn định của trạm thủy điện.  Ổn định của trạm thủy điện hiển nhiên là quan trọng nhưng không nhất thiết liên quan đến cửa tràn.

Ô.Nguyễn Trí Trinh: Có thể vận hành cửa tràn thế nào nếu không có điện?

Ô. Michel Hồ Tá Khanh:  Ở tất cả các cửa tràn đều phải bố trí máy nổ điezen dự phòng chứ không chỉ có dây cáp nối với trạm thủy điện. Để an toàn cần giả định khả năng hoàn toàn đứt liên lạc giữa đập và trạm thủy điện do lũ . Tại các đập ở Pháp, người ta còn phải đặt thêm thiết bị cơ khí (tất nhiên, đóng mở bằng tay mất rất nhiều thời giờ và công sức!) khi hệ thống điện bị hỏng. Tình huống này đã xảy ra tuy rất hãn hữu.

Ô.Nguyễn Trí Trinh:  Tôi nghe nói có thiết kế đặt máy nổ điezen dự phòng nhưng còn đang đi mua.

Tràn kiểu 'phím piano (PK weir)' là giải pháp tốt chỉ khi chiều rộng đập (phương vuông góc với dòng chảy) đủ lớn.

Ô. Michel Hồ Tá Khanh: Tràn kiểu 'phím piano (PK weir)' là giải pháp tốt không chỉ khi đập có chiều rộng (phương vuông góc với dòng chảy) lớn. Trái lại, nó rất hữu dụng cho những thung lũng hẹp hoặc đường tràn hẹp vì nó có thể tháo lưu lượng lớn dù chỉ với lớp nước tràn mỏng trên đỉnh đập.    

Ô. Trương Chí Hiền: Rất đúng! Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ô. M. Hồ Tá Khanh.

 Ô. Michel Hồ Tá Khanh: Ông Ng. Trí Trinh chắc  còn nhớ trong quá trình rà soát lại Nhà máy thủy điện LSS2, EDF đã nhấn mạnh với EVN và PECC1 về sự rủi ro khi các cửa tràn bị khóa hay kẹt cứng. PECC1  trả lời là: "Chúng tôi quen dùng loại cửa này với những qui định cần thiết. Chưa hề xảy ra chuyện gì!". Tôi hy vọng rằng  sự cố đập Hố Hô (may mà chưa vỡ đập) sẽ giúp các kỹ sư Việt Nam tính toán kỹ hơn rủi ro này mà đấy chính là một nguyên nhân chính phá hủy đập. Một phiên họp đặc biệt về chủ đề này sẽ được tiến hành nhân cuộc họp của Hội Đập lớn Thế giới tại Kyoto năm 2012. 

Ô.Nguyễn Trí Trinh:  Mỗi quốc gia có các qui chuẩn riêng. Những yêu cầu kỹ thuật dựa trên điều kiện kỹ thuật và kinh tế. Vì vậy yêu cầu kỹ thuật ở các quốc gia giàu nghèo luôn khác nhau. So sánh sự an toàn kết cấu giữa các quốc gia chỉ mang tính tham khảo.

Ô.Nguyễn Nam Thắng: Thiết kế tràn không phải là điều gì mới lạ. Nếu nhìn một sự cố rồi kết luận rằng mọi công trình trong thực tế đều sai cả thì không đúng. Hãy kiểm tra lại thiết kế, qui trình vận hành và trách nhiệm cá nhân khi vận hành trong trường hợp sự cố trước khi đưa ra nhận định rằng có điều gì không tuân thủ những tiêu chí  quốc tế.  

Ô.Nguyễn Trí Trinh:  Tôi tán thành ý kiến của ông Ng.Nam Thắng.

o o o

Chú ý:

Xin gửi ý kiến thảo luận 'bàn tròn'  cho chúng tôi theo địa chỉ e-mail:  

bbt@vncold.vn