An toàn đập trước lũ lớn (2): Trao đổi ý kiến quanh sự cố Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) vừa qua.[23/10/10]

22/10/2010 09:29

11

An toàn đập trước lũ lớn (2): Trao đổi ý kiến quanh sự cố Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) vừa qua

 

Ngay sau khi đăng những ý kiến khởi đầu (mời xem /Web/Content.aspx?distid=2455) về an toàn đập nhân sự cố Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) và vỡ đập Khe Mơ xảy ra trong lũ lớn vừa qua tại Bắc Trung Bộ, chúng tôi đã nhận được ý kiến của các vị:

Giả Kim Hùng, Chủ tịch Chi hội Đập lớn & PT nguồn nước tại miền Trung & Tây Nguyên;

Tô Văn Trường, chuyên gia cao cấp Thủy lợi - Môi trường;

Nguyễn Thành Quang, Kỹ sư môi trường, chuyên gia CDM.

 

 

Ứng cứu đập Hố Hô trước lũ lớn

Rất mong các vị chuyên gia thủy lợi - thủy điện và bạn đọc tiếp tục tham gia cuộc trao đổi  'bàn tròn' về chủ đề "An toàn đập trước lũ lớn" đã được khởi động.

 

 

An toàn đập trước lũ lớn (2)

Ô. Giả Kim Hùng: Tôi đồng tình với nhiều ý kiến của các chuyên gia về sự cố ở thủy điện Hổ Hô  huyện Hương Khê Hà tĩnh, nhưng mới là sơ bộ và ngắn gọn nên chưa đi sâu vê các nguyên nhân và đề xuất giải pháp phòng tránh mọi sự cố có thể xảy ra. Qua tình hình các công trình thủy lợi - thủy điện (TL-TĐ) mùa lũ năm 2009 ở các tỉnh ven biển miền Trung,  mùa lũ vừa qua ở các tỉnh Bắc Trung eefmB và qua theo dõi nhiều công trình hồ đập ở miền Trung & Tây Nguyên  trong hơn 30 năm qua, tôi có vài ý kiến về việc phòng tránh sự cố cho các công trình TL-TĐ, CHỦ YẾU LÀ CÁC HỒ ĐẬP :

 ( 1 ) Hồ đập nếu để xảy ra sự cố  không  chỉ thiệt hại về tài sản cho Nhà đầu tư dù là Nhà nước hay Tư nhân mà thiệt hại to lớn hơn là tịnh mạng và tài sản của cư dân vùng hạ lưu công trình.

( 2 ) Chính phủ đã có Nghị định 72/2007 về Quản lý an toàn đập ban hành ngày 07/5/2007, cần tổ chức phổ biến và nghiêm chỉnh thực hiện. Trước mắt yêu cầu các chủ đầu tư cần đăng ký vào danh bạ Đập lớn theo theo quy định tại điều 2 (đập lớn là đập cao từ 15m trở lên hoặc đập ở hồ chứa có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên), và phải được quản lý từ bước khảo sát thiết kế đến thi công và quản lý khai thác, hàng năm phải lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt  Quy trình quản lý vận hành bảo đảm an toàn công trình

( 3 ) Hàng năm trước mùa lũ cần tổ chức  các Đoàn kiểm tra cấp Bộ hoặc Tỉnh gồm các chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm về An toàn Hồ Đập.

( 4 ) Cần ban hành một quy chuẩn về Tiêu chuẩn an toàn toàn đập kèm theo NĐ72/200; việc này các nước đều có, như Trung quốc có Tiêu chuẩn Nhà nước về

Chỉ dẫn đánh giá an toàn đập lớn ở Hồ chứa SL258-2000,

( 5 ) Nên nghiên cứu sửa đổi bổ sung TCXDVN285-2002 về Các quy định chủ yếu cho thiết kể công trình thủy lợi do Bộ Xây dựng ban hành năm 2002 cho phù hợp với tình hình phát triển trong xây dựng ở nước ta và trên thế giới  mấy năm gần đây, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, và có 1 số chỉ tiêu đã khác với NĐ 209/2004/NĐ-CP về Quản lý chất lượng công trình xây dựng.

( 6 ) Sau mùa lũ năm nay cần tổ chức một diễn đàn đánh giá tình hình lũ lụt ở nước ta, truy tìm các nguyên nhân đích thực, đề xuất các giải phòng phòng - chống - tránh lũ bằng  các biện pháp công trình và phi công trình.

 

Ô. Tô Văn Trường:  Thống kê cho thấy, chưa có năm nào biến đổi thời tiết lại trái khoáy và khốc liệt như năm nay. Miền Bắc và miền Nam khô hạn, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long lũ thấp kỷ lục trong 85 năm nay, người dân than trời vì “đói lũ”. Không có lũ như hằng năm, hệ quả là không có phù sa, thủy sản, và nguồn nước để thau chua, rửa phèn, vệ sinh đồng ruộng. Trong khí đó, ở miền Trung, 2 tháng trước cũng gặp cảnh khan hiếm khô hạn nhưng chỉ trong vòng 2 tuần đầu tháng 10 vừa qua, lũ chồng lên lũ gây nên nạn “hồng thủy” thuộc loại lớn nhất trong lịch sử gây bao tang tóc đau thương, mất mát về người và của.

Miền Trung với đặc điểm các con sông đều ngắn, dốc, lưu vực nhỏ nên đỉnh lũ nhọn, hễ mưa lớn hầu như sẽ có lũ. Mặc dù ở miền Trung có đến hàng ngàn hồ chứa như Quảng Nam có 65 hồ chứa, Quảng Ngãi 77 hồ chứa trong đó có những hồ được xây dựng từ xa xưa như hồ An Thọ (Phổ Ninh) năm 1938, hồ Hố Tre (Nghĩa Thuận) năm 1975. Duyên hải Nam Trung bộ có 18 hồ chứa. Vùng Bắc Trung bộ có khoảng 1.900 hồ đập nhỏ khả năng điều tiết kém . Các hồ chứa khi thiết kế  trước đây đều dựa vào nguồn tài liệu thủy văn ngắn hạn, tính toán dòng chảy chưa bảo đảm. Thời gian từ thập niên 60 đến  2002. Sai lầm là chỉ duy trì tính toán lũ thiết kế, bỏ qua lũ kiểm tra nên khả năng cắt lũ của các hồ chứa rất hạn chế. Biến đổi khí hậu là vấn đề hệ trọng của sự phát triển, là thách thức lớn nhất đối với mục tiêu phát triển bền vững, hiểm họa tiềm tàng đối với nhân loại. Thích ứng một cách chủ động, có các biện pháp công trình kết hợp với phi công trình là yêu cầu tất yếu đối với các nước, đặc biệt là nước còn nghèo như Việt Nam. Để phòng tránh thiên tai và “nhân tai” một cách hữu hiệu, cần phải quyết liệt thực hiện các biện pháp có tính hệ thống và đồng bộ như sau:

Rà soát, bổ sung lại quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch của các ngành, và địa phương trong điều kiện biến đổi khí hậu. Cần phải tính toán lại  khả năng lũ lớn nhất ở những công trình trọng điểm ảnh hưởng trực tiếp đô thị và dân cư sống ở vùng  hạ lưu đập. Tùy điều kiện có thể ứng dụng các phương pháp đơn giản như tính mưa khả năng theo phương pháp thống kê, nếu đủ tài liệu tính theo phương pháp cực đại hóa trận mưa hoặc chuyển vị bão.  Kiểm tra lại toàn bộ cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông phải có đủ khẩu độ tràn. Các hồ chứa sau khi kiểm tra thấy cần thiết phải mở rộng tràn hoặc xây thêm tràn sự cố hay còn gọi là tràn dự phòng để đảm bảo thoát lũ. Cần đẩy mạnh việc nghiên cứu cơ sở khoa học để sớm ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa. 

Các hồ chứa đang và cần xây dựng mới như lưu vực sông Mã: Hồ Cửa Đạt, Hủa Na, Pa Ma, Trung Sơn trên dòng chính. Trên sông Bưởi xây dựng hồ Cánh Tạng.  Lưu vực sông Cả: Hồ Bản Vẽ, Bản Mồng, Thác Muối, Ngàn Trươi, Chúc A, Đá Gân. Sông Gianh và vùng phụ cận: Hồ Thác Chuối trên sông Dinh.  Lưu vực sông Nhật Lệ: Hồ Rào Đá, hồ Bang.  Lưu vực sông Bến Hải xây dựng hồ Khe Mướp. Lưu vực sông Thạch Hãn-Ô Lâu: Hồ Sông Nhùng, hồ Ô Lâu Thượng. Lưu vực sông Hương: Hồ Dương Hòa (Tả Trạch), hồ Bình Điền (Hữu Trạch), hồ Hương Điền (sông Bồ).

Song song với việc xây các hồ mới cần quan tâm đến hơn 1000 hồ thủy lợi đang xuống cấp như hiểm họa lơ lửng từ các “lưỡi gươm” nước khổng lồ. Đừng để đến lúc vỡ đập, người chết mới nhận thức được bài học vô cảm về công tác quản lý! Chỉ cần mỗi năm bỏ ra khoảng  3% giá trị của các công trình thủy lợi để lo duy tu, bảo trì sẽ góp phần hữu hiệu vào công tác phòng chống thiên tai.

Các biện pháp phi công trình như tăng cường độ chính xác cho công tác dự báo lũ báo, chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích hợp với biến đổi thời tiết, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng ven biển. Để chủ động ứng cứu tại chỗ cần xây dựng các khu nhà phòng tránh kiên cố, nơi cư trú an toàn, dự trữ lương thực, thuốc men, ghe thuyền, phao cứu hộ. Việc đầu tư cho các khu nhà ở kiên cố, đường cứu hộ là biện pháp hữu hiệu, an toàn, rẻ rất nhiều so với sự mất mát, tàn phá của lũ lụt như hàng chục năm qua.

Từ mảnh sắt con người làm ra cây dao, nhưng tên con dao có khác nhau theo mục đích sử dụng : công cụ lao động với bà nội trợ, vũ khí tự vệ để giết thú dữ và hung khí gây án của kẻ côn đồ. Nếu tính toán thiết kế các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi sai thì những công trình này sẽ là những thuỷ tai, “thuỷ hại”. Với tầm nhìn, mục tiêu phát triển bền vũng và yêu cầu của cuộc sống, thiết nghĩ đã đến lúc phải có tổ chức mới đủ mạnh cho ngành thủy lợi để đảm bảo nguyên lý quản lý tổng hợp theo lưu vực sông để khai thác tiềm năng có ích mà vẫn phòng tránh thiên tai một cách hiệu quả.

 Ô.Nguyễn Thành Quang: Theo dõi các phát biểu của các chuyên gia trong ngành thủy lợi, thủy điện về an toàn đập thủy điện, và những sự cố đã xảy ra như đối với thủy điện Hố Hô và sẽ còn có thể xảy ra trong tương lai đối với lĩnh vực thủy điện, tôi xin có một vài ý kiến. Là một người làm về Năng lượng tái tạo lâu năm, trong đó có thủy điện, tôi nhận thấy rằng trong qúa trình thiết kế và phê duyệt dự án thủy điện không có phần Đánh giá an toàn đập, đặc biệt các dự án thủy điện lớn công suất từ 100MW trở lên. Trong khi ở nước ngoài, các dự án thủy điện từ 20MW trở lên là phải có Báo cáo an toàn đập và Quy trình phá hủy đập trong trường hợp đập không còn sử dụng được nữa.

Việc xây dựng đập thủy điện ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường tự nhiên và xã hội từ thay đổi dòng chảy tự nhiên, phá hủy rừng và đặc biệt là nguy cơ vỡ đập gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân vùng hạ du.

Các nhà máy thủy điện thường ở khu vực khó khăn trong việc tiếp cận điện, nhiên liệu vì vậy việc dự phòng nhiên liệu cho máy phát điện desiel là việc rất cần thiêt trong các trường hợp xảy ra sự cố.

Kiến nghị trong quá trình phê duyệt dự án thủy điện, đặc biệt các dự án thủy điện quy mô lớn cần phải có Báo cáo An toàn đập, phương án xả lũ và vận hành trong mùa lũ để tránh nguy cơ vỡ đập gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương. Khuyến khích phát triển các dự án thủy điện quy mô vừa và nhỏ loại đường dẫn, không có hồ chứa hoặc hồ chứa điều tiết ngày vừa ít ảnh hưởng đến môi trường và quy mô đập cũng nhỏ. Tập trung khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, mới khác như gió, mặt trời, sinh khối…

o o o

Chú ý:

Xin gửi ý kiến thảo luận 'bàn tròn'  cho chúng tôi theo địa chỉ e-mail:  

bbt@vncold.vn