An toàn đập trước lũ lớn (4): Trao đổi ý kiến quanh việc vận hành và sự cố đập trong những trận lũ miền Trung vừa qua.[13/11/10]

12/11/2010 09:41

14

An toàn đập trước lũ lớn (4):

Trao đổi ý kiến quanh việc vận hành và sự cố đập
trong những trận lũ  miền Trung vừa qua

 

Tiếp theo sự cố một số đập (Hố Hô, Khe Mơ,..) xảy ra trong lũ lớn vừa qua tại Bắc Trung Bộ, những trận lũ lớn đã xảy ra tại Nam Trung Bộ. Đập Phước Trung (Ninh Thuận) bị vỡ, đập Sông Ba Hạ và một số đập khác xả lưu lượng lớn,.. đang gây nhiều tranh cãi,.. Chúng tôi tiếp tục nhận được thêm ý kiến của các ông:

Michel Hồ Tá Khanh, chuyên gia cao cấp Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF);

Trương Chí Hiền, Trường ĐH Bách khoa TP HCM (HCMTU);

Lương Công Lũy, Giám đốc Cty Thủy điện Vĩnh Sơn (VSHE).

Rất mong các vị chuyên gia thủy lợi - thủy điện và bạn đọc tiếp tục tham gia cuộc trao đổi  'bàn tròn' về chủ đề "An toàn đập trước lũ lớn" đã được khởi động.

 

 

An toàn đập trước lũ lớn (4)

Thủy điện Sông Ba Hạ xả lưu lượng hơn 6000m3/s ngày 2/11/2010 

mời xem:                          

/Web/Content.aspx?distid=2455

 /Web/Content.aspx?distid=2467

/Web/Content.aspx?distid=2468

Ô. Michel Hồ Tá Khanh: Tôi cũng nói thêm là tôi lo ngại về an toàn của các đập nhỏ phục vụ tưới và rất nhiều đập thủy điện mới của tư nhân hơn là của các đập lớn do EVN thiết kế và xây dựng thường có sự hợp tác với những chuyên gia nước ngoài.

Để trả lời ý kiến bình luận của ông Trương Chí Hiền & ông Đinh Sỹ Quát rằng 'may mà đập Hố Hô là đập bê tông trọng lực', tôi muốn bổ sung nhận xét như sau:

Xét ổn định của các đập bê tông trọng lực thì thấy một số đập bị vỡ do tràn vì sự ổn định của chúng rất nhạy cảm với mức tăng đầu nước. Tham số để xem xét là bề dày lớp nước tràn và chiều cao khối đập. Đấy là lý do mà loại phá hủy này thường xảy ra ở các đập thấp và ở phần đập trên bãi sông của các đập cao hơn (đây chính là sự rủi ro chính ở đập Hố Hô). Yếu tố thứ hai gây phá hủy đập là hiện tượng xói nền tại đế móng đập (đây là sự rủi ro có thể ở đập Hố Hô do nền là đá diệp thạch). Cá nhân tôi đã có  những kinh nghiệm từ mấy năm trước qua theo dõi sự cố vỡ một đập bê tông trọng lực loại nhỏ bị lũ tràn tại Madagascar (châu Phi). Sức chịu của đá (nham thạch) đủ đảm bảo ổn định của đập nhưng không đề kháng nổi dòng xói khi tràn.

Chỉ có một loại đập đề kháng tốt khi bị tràn là đập vòm vì khi đầu nước càng cao thì sức đề kháng cũng càng cao do hiệu ứng của vòm. Đập vòm chỉ được xây dựng trên nền đá tốt.

Một kiểu đập bê tông đầm lăn (RCC) cũng có thể kháng tràn nếu đế móng được bảo vệ tốt. Đó là đập có các mặt hoàn toàn đối xứng như đề xuất của các ông Londe và Lino, rồi gần đây được các chuyên gia Nhật gọi là 'CSG' (loai đập này sẽ được giới thiệu đầy đủ trên www.vncold.vn - BBT). Chính vì vậy mà tôi đã đề nghị ông Lino chọn kiểu đập này làm đập tạm như trong bài trình bày tại Hội nghị ICOLD tại Hà Nội hồi tháng 5/2010 vừa qua.

Cũng nên nhớ rằng vỡ đập bê tông thường nguy hiểm hơn vỡ đập đất vì nó đột ngột nên khó cảnh báo trước.  

Tôi nghĩ rằng chúng ta đã may mắn khi đập Hố Hô chưa vỡ không phải vì đấy là đập bê tông mà vì lũ đã không tiếp tục dâng cao và không kéo dài quá nữa.   

Ô. Trương Chí Hiền: Cám ơn ông M. Hồ Tá Khanh. Những khuyến cáo của ông sẽ được chuyển đến Cty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi 2 (HEC2). Nhân đây muốn hỏi ý kiến ông về việc dùng tro bay trong vật liệu làm đập bê tông đầm lăn (RCC). Lượng tro bay được đảm bảo cung cấp thường thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Vậy có thể chọn loại vật liệu nào để thay thế tro bay? 

Ô. Michel Hồ Tá Khanh: RCC sẽ rất có lợi khi giá tro bay thấp do công trường đập không xa nhà máy nhiệt điện (điều này thường gặp ở Trung Quốc). Tuy nhiên, vẫn có thể thay thế tro bay bởi một  số loại vật liệu khác như: puzzolan tự nhiên, bột đá mịn, xi măng với  hàm lượng cao nếu giải quyết được vấn đề thoát nhiệt. 

Ô. Lương Công Lũy: Cám ơn ông M. Hồ Tá Khanh đã quan tâm đến Dự án Vĩnh Sơn 3. Tôi gửi cho ông một số tư liệu về cửa tràn và đập dâng kiểu phím piano (PKW). Tôi cũng xin thông báo một số mức nước max của hồ Vĩnh Sơn 3:

- Mức lũ kiểm tra khi dùng PKW với 3 khoang: 316,45m ứng với lũ 500-năm;

- Mức lũ thiết kế khi dùng PKW với 3 khoang: 313,49m ứng với lũ 100-năm;

- Mức lũ thiết kế chỉ với 2 cửa: 316,7m.

Ô. Michel Hồ Tá Khanh: Ở tất cả các nước, đối với các đập trọng lực cỡ như Vĩnh Sơn 3, lũ thiết kế phải có tần suất thấp nhất là 0,1% và lũ kiểm tra là 0,02%. Trường hợp tràn có cửa, đỉnh đập nhất thiết phải cao hơn mức nước cao nhất khi các cửa bị khóa. Rõ ràng là các qui định của Việt Nam chưa đủ đảm bảo an toàn và cần có sự thay đổi. Tôi hy vọng những bài học từ sự cố đập Hố Hô sẽ được xem xét. Sự cố này cũng cho thấy tràn tự do (trường hợp PKW) an toàn hơn và giá thành hạ hơn so với tràn có cửa nhưng phải xét đến yêu cầu nâng đỉnh đập cao hơn mức nước ứng với lúc các cửa bị kẹt, khóa.   

o o o

Chú ý:

Xin gửi ý kiến thảo luận 'bàn tròn'  cho chúng tôi theo địa chỉ e-mail:  

bbt@vncold.vn