Nông nghiệp Việt Nam – 65 năm trưởng thành và phát triển.[17/11/10]

17/11/2010 09:05

14

NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

 65 NĂM TRƯỞNG THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

 

Trích Phát biểu của

Bộ truởng Nông nghiệp & PTNT Cao Đức Phát

tại lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Canh nông

14/11/1945 - 14/11/2010

                       

Ngày 14/11/2010, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức kỷ niệm trọng thể 65 năm ngày thành lập Bộ Canh nông. Dự lễ kỷ niệm có các vị  lãnh đạo ngành nông nghiệp qua các thời kỳ, các vị đại biểu Quốc hội Khóa XII đang công tác về lĩnh vực nông nghiệp và PTNT, các vị đại diện của các Bộ, Ban ngành Trung ương, các Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, đông đảo cán bộ, công chức trong ngành.  Bộ truởng Cao Đức Phát đã đọc diễn từ ôn lại truyền thống vẻ vang của Bộ và Ngành Nông nghiệp & PTNT, những thành tựu phát triển và nhiệm vụ trong thời gian tới.  Xin trân trọng giới thiệu nội dung chính trong bài phát biểu của Bộ trưởng.

BBT.

 

...Đúng ngày này cách đây 65 năm, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ ngày 14/11/1945, do Chủ Tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã xác định: Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp, 95% dân số Việt Nam sống về đồng ruộng. Muốn giải quyết vấn đề canh nông vừa về phương diện xã hội, vừa về phương diện chuyên môn, cần phải có một cơ quan tối cao và ngay ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông có nhiệm vụ chăm lo chỉ đạo phát triển nền Nông, Lâm nghiệp nước nhà.

...Ngay sau khi giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và thuỷ lợi. Cùng với sự phát triển của sự nghiệp cách mạng của cả nước, tổ chức của Bộ luôn có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu của mỗi thời kỳ. Những dấu mốc quan trọng về tổ chức của Bộ trong 65 năm qua như sau:

- Bộ Canh nông, năm 1945; Nha Thuỷ lợi năm 1953; Bộ Nông Lâm; Bộ Thuỷ lợi-Điện lực năm 1955;

- Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường, Bộ Thuỷ lợi Điện lực; Tổng cục Lâm nghiệp; Tổng cục Thuỷ sản, Cục Lương thực năm 1960;

- Bộ Thuỷ lợi; Tổng cục Lương thực năm 1962;

- Uỷ Ban Nông nghiệp Trung ương, Bộ Lương thực thực phẩm năm 1971;

- Bộ Lâm nghiệp, Bộ Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lương thực, Tổng cục Cao su, Bộ Nông nghiệp và CNTP ở những năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước;

- Bộ Nông nghiệp và PTNT từ 1/11 năm 1995 trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và CNTP, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thủy lợi năm 1995;

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và PTNT (cũ) với Bộ Thủy sản năm 2007.

... trong suốt 65 năm qua, ngành Nông nghiệp và PTNT đã vượt qua nhiều gian nan thử thách, đấu tranh với đói nghèo, thiên tai, địch họa, có những bước trưởng thành về nhiều mặt, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:

1-  Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống giặc xâm lược (1945-1975), nông nghiệp, nông dân, và nông thôn đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của "hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn". Thực hiện lời dạy của Bác: "Ruộng rẫy là chiến trường, quốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương" cùng với những phong trào tiêu biểu như "hũ gạo nuôi quân"; "thóc không thiếu một cân, quân không thiều một người"...đã góp phần vô cùng quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lại hoà bình, thống nhất đất nước.

2- Trong những năm tháng khó khăn của thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh (1975- 1985), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã phấn đấu vượt qua khó khăn đi tiên phong trong công cuộc Đổi mới của đất nước.

Trong những năm tháng đó, nông nghiệp đã vượt lên những khó khăn, trì trệ kéo dài trong sản xuất, tìm hướng đi mới và đã đạt được bước tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là về sản xuất lương thực, góp phần quan trọng ổn định đời sống, kinh tế của cả nước. Nhiều loại sản phẩm tăng hơn 2- 3 lần so với các thời kỳ trước đó, tạo tiền đề cho nông nghiệp nước ta chuyển sang thời kỳ mới – thời kỳ Đổi mới.

3. Thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng (1986-2010), 25 năm qua nông nghiệp và nông thôn liên tục giành được những thành tựu to lớn và toàn diện,

- Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt trên 18 tỷ USD, đưa nước ta thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn trên thế giới.

Tất cả các lĩnh vực sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản đều có bước phát triển rất mạnh mẽ: năng suất lúa liên tục tăng qua các năm, ước năng suất lúa năm 2010 đạt 53 tạ/ha, gấp 4,4 lần năng suất năm 1945 và gần gấp 2 lần năm 1985, trước thời kỳ Đổi mới; sản lượng lúa tăng mạnh, năm 2010 đạt gần 40 triệu tấn; sản lượng thịt tăng gấp 5 lần so với năm 1985; độ che phủ của rừng tăng từ 27,2%  năm 1990  - là năm có độ che phủ rừng thấp nhất lên 39,5% năm 2010; khai thác và nuôi trồng thuỷ sản đều có bước phát triển nhanh và liên tục, năm 2010 đạt tổng sản lượng 4,8 triệu tấn. Sản lượng muối đạt 1,1 triệu tấn.

- Cùng với việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, nước ta đã tham gia xuất khẩu gạo với số lượng và giá trị ngày càng tăng. Nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung đã được hình thành và phát triển; tạo ra khối lượng hàng hoá lớn làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến xuất khẩu như gạo, cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, thủy sản, các loại lâm sản. Nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản có sức cạnh tranh cao, chiếm được vị thế quan trọng trên thị trường thế giới như: hạt điều, hạt tiêu có giá trị xuất khẩu cao nhất thế giới và được đánh giá cao về chất lượng; gạo, cà phê đứng thứ hai, cao su đứng thứ 4, thủy sản đứng thứ 5, chè đứng thứ 7,... Đã có 5 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên là gạo, thủy sản, đồ gỗ, cà phê và cao su.

- Hàng nghìn công trình thuỷ lợi được xây dựng trong 65 năm qua, trong đó có nhiều công trình quy mô lớn là yếu tố vô cùng quan trọng tạo ra sự phát triển của sản xuất nông lâm thuỷ sản; nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và xây dựng nông thôn. Hệ thống thuỷ lợi với hàng ngàn hồ đập, trạm bơm, hàng chục ngàn km kênh mương, đê kè được hình thành là một thành tựu hết sức to lớn của đất nước ta mà nhiều nước đang cố gắng làm theo.

-  Nhờ sản xuất phát triển, đời sống người dân nông thôn liên tục được cải thiện, từ chỗ có hàng triệu người chết đói năm 1945; cảnh thiếu đói kéo dài mấy chục năm đến chỗ đủ ăn và hiện nay người nông dân đang chuyển từ bữa ăn no đến bữa ăn ngon, từ chỗ chủ yếu lo về đời sống vật chất thì nay đang nâng cao và làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần. Hầu hết các vùng nông thôn đã và đang có bước phát triển rất nhanh, nhà xây nhà ngói đang cơ bản thay thế những mái tranh nghèo năm xưa.

Sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế-xã hội trong nước. Đồng thời, những thành tựu này đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nổi bật là những thành tựu trong việc giải quyết vấn đề an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo, xuất khẩu nông sản với một số mặt hàng có vị thế cao trên thị trường quốc tế.

Cùng với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, hệ thống tổ chức ngành ngày càng hoàn thiện, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng cao về năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị và tinh thần phục vụ. Đã hình thành một guồng máy quản lý nhà nước tương đối thông suốt từ trung ương đến địa phương. Các tổ chức về thú y, bảo vệ thực vật, kiểm lâm, quản lý thuỷ lợi, các viện nghiên cứu, các trường đã không ngừng lớn mạnh với đội ngũ đông đảo cán bộ được đào tạo có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, trang thiết bị hiện đại dần tiếp cận với trình độ quốc tế....

...Chúng ta ghi nhớ sâu sắc công lao của các Vị Bộ trưởng đã đặt những viên gạch "tổ chức" đầu tiên của ngành Nông nghiệp và PTNT, đó là:

- Bộ trưởng Cù Huy Cận, Bộ trưởng Bộ Canh Nông đầu tiên của Chính phủ lâm thời;

- Bộ trưởng Bồ Xuân Luật, Bộ trưởng Bộ Canh Nông đầu tiên của Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến;

- Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng Bộ Canh nông đầu tiên của Chính phủ mới (11/1946);

- Bộ trưởng Nghiêm Xuân Yêm, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nông lâm của Chính phủ mở rộng 

- Bộ trưởng Hoàng Văn Kiểu, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Lâm nghiệp,

- Bộ trưởng Trần Đăng Khoa, Bộ truởng đầu tiên của Bộ Thuỷ lợi, Điện lực;

- Bộ trưởng Ngô Minh Loan, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Lương thực - Thực phẩm

- Bác Võ Chí Công, nguyên Chủ tịch nước là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Hải sản;

 

...Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia. Để tiếp tục phát huy truyền thống của ngành, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của cả nước, ngành Nông nghiệp và PTNT đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 là: đạt được sự tăng trưởng bền vững, chất lượng, cải thiện cơ bản điều kiện sống của dân cư nông thôn nhất là người nghèo, bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Phấn đầu đạt tốc độ tăng trưởng ngành từ 3,5 đến 3,8%; kim ngạch xuất khẩu đạt 21 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn còn 7%, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 95% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra toàn ngành phải tập trung phát huy cao truyền thống của ngành, tiếp tục đổi mới thể chế tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, doanh nhân các thành phần kinh tế làm ăn có hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu sắc; đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật làm cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông, lâm, thuỷ sản; đẩy mạnh phát triển thuỷ lợi và cơ sở hạ tầng nông thôn làm nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời tạo điều phát triển bền vững các ngành xã hội khác, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đào tạo nhân lực, nâng cao hàm lượng tri thức trong tất cả hoạt động của ngành để tiếp tục thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện phải nhanh chóng rút bớt lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp; cải cách bộ máy hành chính để ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, tăng cường chống tham nhũng, lãng phí...