Trao đổi ý kiến về: Đề án 'Đê biển Vũng Tàu - Gò Công'.[20/12/10]

21/12/2010 14:26

12

Trao đổi ý kiến về

Đề án

'Đê biển Vũng Tàu - Gò Công'

Ý tưởng mới về cấu trúc đê biển đang được nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Delft (Hà Lan) (www.vncold.vn sẽ đưa thông tin chi tiết về vấn đề này)

 

Sau khi ý tưởng về đề án 'Đê biển Vũng Tàu - Gò Công' được công bố (/Web/Content.aspx?distid=2521), nhiều chuyên gia, bạn đọc đã có một số  ý kiến trao đổi. Xin giới thiệu để cùng tham khảo.

  BBT

TS. Tô Văn Trường: ... Một trong những vấn đề nghiêm trọng gây bức xúc trong người dân, cản trở việc phát triển kinh tế xã hội ở TP.HCM là ngập lụt do mưa, thủy triều và xả nước ở các hồ chứa phía thượng lưu. Nhiều năm qua, thành phố đã tốn không biết bao tiền của, công sức nhưng cho đến nay hiệu quả chống ngập vẫn như một  thách đố lớn! Các dự án chống ngập trước đây do thiếu tầm nhìn về quy hoạch và không có “nhạc trưởng” đủ sức mạnh chỉ huy thống nhất nên các giải pháp đưa ra không mang tính hệ thống, hiệu quả thấp.

Để hỗ trợ thành phố giải quyết bài toán chống ngập, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 phê duyệt Dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh với kinh phí 11.500 tỷ đồng. Ngay từ ngày ấy, khi tham gia hội thảo, một số chuyên gia đã băn khoăn, trăn trở, không tán thành dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập của Bộ vì mới chỉ chống ngập do thủy triều chủ yếu cho  vùng 1 (bờ hữu sông Sài Gòn – Nhà Bè), không có tính tổng hợp, thiếu tầm nhìn xa, đê và cống quá nhiều, vận hành phức tạp, hiệu quả kinh tế xã hội không cao. Các bài viết đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ cuối tuấn, Sài Gòn tiếp thị, Người Lao Động vv…của các nhà khoa học  và người dân rất đáng suy ngẫm.

Qua nghiên cứu thực tế, nhất là các bài học kinh nghiệm chống ngập lụt và chiến lược tiến ra biển của Hàn Quốc, Hà Lan đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng có xu thế ngày càng khắc nghiệt và phức tạp, Tổng cục Thủy lợi đã đưa ra ý tưởng mới là xây dựng tuyến đê biển Vũng Tầu-Gò Công. Dự án này có tính tổng hợp cao, đa mục tiêu, liên quan trực tiếp đến vùng đất trũng thấp thuộc lưu vực sông Vàm Cỏ và hệ thống sông Đồng Nai, bao gồm khu vực Đồng Tháp Mười và khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

Mục tiêu của dự án:

Dự kiến Tuyến đê biển nối Vũng Tàu với Gò Công

 

Chống lũ lụt và ngập úng cho toàn vùng TP. Hồ Chí Minh trước mắt và lâu dài, tăng cường khả năng thoát lũ, chống ngập úng, chống xâm nhập mặn cho TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng Tháp Mười trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phòng chống thiên tai và các tác động từ biển cho toàn bộ khu vực TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng Tháp Mười  rút ngắn khoảng cách giao thông, tạo sự liên kết giữa các tỉnh miền Tây với Vũng Tầu và các tỉnh ở Nam Trung Bộ, mở rộng các khu đô thị mới cho TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, phát triển du lịch, điện năng và phát triển kinh tế xã hội cho khu vực.

Nội dung đề xuất dự án:

Xuất phát từ nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quản lý nước và phát triển bền vững kinh tế xã hội trong vùng, dự án đê biển bao gồm một tuyến đê dài 32 km, xuất phát từ Vũng Tàu đến Gò Công, chiều sâu nước  trung bình 6 m, nơi sâu nhất 12m và một cống kiểm soát triều, thoát lũ và các âu thuyền phục vụ giao thông thủy, mặt đê rộng 50m. Sau khi đê được xây dựng sẽ tạo được một hồ chứa với diện tích mặt nước 56.000ha (chưa kể diện tích bán ngập), dung tích hồ chứa khoảng 3,3 tỷ m3 (chưa kể khối lượng nước ở trong các sông khoảng hơn 1 tỷ m3), trục giao thông kết nối Vũng Tàu với miền Tây.

Những tác động tích cực của dự án: 

 Kiểm soát lũ, chống ngập lụt và các thiên tai từ biển: Thông qua cống kiểm soát triều ở đê, khống chế mực nước trong hồ theo yêu cầu; với diện tích mặt nước 56.000 ha và dung tích hồ chứa 3,3 tỷ m3, có thể chứa lũ, chứa nước mưa khi triều lên, khi triều rút thì xả nước mưa và lũ, như vậy khả năng thoát lũ của các sông sẽ tăng lên tạo điều kiện thoát lũ vùng Đồng Tháp Mười và khu vực TP.HCM. Theo kết quả tính toán sơ bộ tổng lượng nước được tiêu sẽ tăng lên xấp xỉ 2 lần trong cùng một đơn vị thời gian. Do đó mực nước trên sông sẽ được hạ thấp, tạo điều kiện tăng khả năng thoát nước mưa từ hệ thống cống rãnh trong thành phố. Con đê lớn và bền vững có thể kiểm soát các loại thiên tai từ biển như phòng chống sóng, gió bão đối với tàu bè bảo vệ tài sản và nhân dân ven biển trong khu vực. Kiểm soát xâm nhập mặn, tạo ra trục giao thông thuận lợi kết nối giữa các vùng,  tạo quỹ đất rộng rãi dọc hai bên đê để xây dựng cảng biển cho Vũng Tàu, Tiền Giang và các tỉnh trong vùng. Với diện tích 56.000 ha mặt nước mới được tạo ra và còn khoảng 5.000ha vùng trũng thấp bán ngập ven hồ, ven sông chưa được sử dụng, sẽ dành một phần đất để phát triển các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ và các khu đô thị thuộc thành phố Vũng Tàu, Tp. HCM, Tiền Giang và Long An. Riêng TP. HCM diện tích vùng trũng thấp (khoảng gần 100.000ha) sẽ được khai thác hiệu quả hoặc phát triển đô thị một cách an toàn. Sử dụng năng lượng thuỷ triều, điện gió. Theo tính toán sơ bộ, nếu đầu tư xây dựng trạm thủy điện sử dụng năng lượng thủy triều có thể đem lại:  Công suất lắp máy khoảng 300.000kw, điện lượng 2,0 *109 kwh (đã trừ 3 tháng mùa lũ không điều hành phát điện).  Phía trong đê còn là nơi dự trữ nguồn nước ngọt trong tương lai với khoảng 5 tỷ m3. Đặc biệt, không còn phải đầu tư  vốn xây dựng các cống lớn và hệ thống đê trong khu vực như Cống Vàm Cỏ rộng khoảng 800m (đã nghiên cứu xây dựng tiền khả thi năm 2005); cống trên sông Lòng Tàu (đáy sông sâu 30m, rộng khoảng 300m) và Soài  Rạp (rộng khoảng 3km, sâu khoảng 20m).  Hệ thống  12 cống lớn và hàng loạt các cống nhỏ trong dự án chống ngập úng ở TP. HCM đã được phê duyệt đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư  sẽ được xem xét, đánh giá lại về sự cần thiết và quy mô trong thời gian tới. Hệ thống đê sông của Long An, hệ thống đê biển của TP.HCM và vùng Gò Công của Tiền Giang khoảng 300km không cần phải xây dựng mới ở TP. HCM và nâng cấp.

Các tác động tiêu cực của dự án :

Khi xây dựng đê biển Vũng Tàu-Gò Công ngoài các mặt lợi kể trên, chắc chắn sẽ có các tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu và cụ thể hàng loạt các vấn đề liên quan đến chế độ thủy văn, thủy lực, biến đổi của dòng hải lưu, lòng dẫn. Nghiên cứu bài bản về đánh giá môi trường chiến lược, và tác động môi trường của các thành phần dự án đến cảng, giao thông thủy, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, thủy sản vv…để đưa ra các giải pháp giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực. Cần có một số đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực làm cơ sở khoa học  về phương pháp luận, khả thi cho việc lựa chọn tuyến và các giải pháp về kỹ thuật và công nghệ xây dựng công trình vv…

            Cơ chế thực hiện

Kinh phí xây dựng đê, cống, thủy điện sử dụng năng lượng triều và đường giao thông sẽ chủ yếu do các thành phần kinh tế, các tập đoàn được hưởng lợi từ quỹ đất để xây dựng đô thị, du lịch và các dịch vụ. Nhà nước hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, lập dự án, thiết kế và một phần trong xây dựng. Đây là cách làm đúng hướng có tính xã hội hóa cao huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân và người dân. Ý tưởng xây dựng dự án đê biển Vũng Tàu-Gò Công còn được Ông Martien Beek  thư thứ nhất về quản lý nước của Đại sứ quán Hà Lan hoan nghênh và sẵn sàng hỗ trợ nghiên cứu thực hiện.

            Thay cho lời kết: 

Biến đổi khí hậu, dẫn đến nước biển dâng đã được các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế cảnh báo Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có nguy cơ bị đe dọa thiệt hại nặng nề nhất, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long. Truyền thuyết “Sơn Tinh - Thủy Tinh” nói lên khát vọng và ý chí ngàn đời của dân tộc ta trong việc phòng chống thiên tai lụt lội. Hình tượng Sơn Tinh dâng núi, trong khi Thủy Tinh dâng nước cũng chính là hình tượng đẹp về dân tộc ta đã biết “vượt lên chính mình” trong cuộc chiến phòng chống thiên tai.  

Dự  án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng  cho khu vực TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt 11.500 tỷ đồng nhưng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư đã tăng lên gần 3 lần khoảng 30 ngàn tỷ đồng mà hiệu quả kinh tế xã hội  và sức lan tỏa của dự án không thể so sánh với dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công (Kinh phí theo tính toán sơ bộ cũng khoảng  hơn 30 nghìn tỷ đồng). Nếu thực hiện dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công  thì nhiều hạng mục công trình đã được phê duyệt của dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM sẽ được kịp thời dừng lại, không cần thiết xây dựng để tránh lãng phí ngân sách của nhà nước, thực chất cũng là tiền thuế của nhân dân.

TS Nguyễn Trí Trinh: Với những thông tin sơ bộ, tôi thấy đây là một ý tưởng lớn cần được nghiên cứu nghiêm túc. Nếu có điều kiện chúng tôi sẽ tham gia nghiên cứu hạng mục Nhà máy thuỷ điện triều để giúp làm rõ hơn mức độ thành công của dự án. Tuy nhiên, đề nghị tác giả nên trình bày thêm vài thông số liên quan đến vấn đề chống lũ, tính khả thi của vấn đề chống lũ, chống ngập của thành phố Hồ Chí Minh, lấy ví dụ:

- Dung tích max, min của hồ, khả năng trử nước để chống lũ, tổng lượng lũ các sông đổ về hồ theo các tần suất từ đó có thể kết luận dự án về sơ bộ có thể giải quyết cho con lũ với tần suất bao nhiêu?

- Sơ bộ về cơ chế vận hành các cửa thông ra biển như thế nào: Trước lũ, sau lũ vận hành các cửa ra sao, các trạng thái của hồ trước, trong và sau lũ, việc tổ hợp với triều ra sao

Rất mong được tác giả xem xét