Trao đổi ý kiến (5) về Đề án 'Đê biển Vũng Tàu - Gò Công'.[16/01/11]
14/01/2011 10:42
Trao đổi ý kiến (5) về Đề án 'Đê biển Vũng Tàu - Gò Công'
Ý kiến của các ông:
Đê biển Hà Lan Mời xem các bài liên quan đã đăng: /Web/Content.aspx?distid=2521 /Web/Content.aspx?distid=2525 /Web/Content.aspx?distid=2532 /Web/Content.aspx?distid=2533 /Web/Content.aspx?distid=2537
Tô Văn Trường & Lê Văn Đài.
Về đề án 'Đê biển Vũng Tàu - Gò Công' được công bố (/Web/Content.aspx?distid=2521), nhiều chuyên gia, bạn đọc vẫn có những ý kiến trao đổi. Trong bài này, xin giới thiệu ý kiến của các ông:
· Tô Văn Trường, Tiến sĩ, nguyên Viện trưởng Qui hoạch Thủy lợi miền Nam;
· Lê Văn Đài, Cty CP Bách Việt.
BBT
Xin cám ơn các tác giả đã gửi báo cáo về ý tưởng xây dựng dự án đê biển Vũng Tầu – Gò Công và dự kiến 6 đề tài nghiên cứu khoa học.
Đây là ý tưởng táo bạo, dự án mang tính tổng hợp cao tác động lớn đến các mặt kinh tế xã hội môi trường của vùng rộng lớn nên chắc chắc sẽ có nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ và phản đối tùy theo nhận thức, góc đứng, cách nhìn của mỗi người. Trách nhiệm của Tổng cục Thủy lợi là bình tĩnh, lắng nghe tất cả các ý kiến phản biện để tiến hành nghiên cứu một cách bài bản trên cơ sở khoa học và minh chứng một cách định lượng các lợi ích của dự án mang lại là tối đa và tác hại là tối thiểu vì khi con người tác động vào tự nhiên bao giờ cũng có được và mất. Lần trước, sau khi nghe báo cáo ở hội thảo do Hội Thủy lợi tổ chức về ý tưởng xây dựng dự án đê biển Vũng Tàu-Gò Công, tôi viết bài “Vượt lên chính mình” đã đăng tải trên báo VNN và TuanVN. Hôm nay, sau khi đọc báo cáo mới cập nhật, tôi có một số ý kiến cụ thể như sau:
1. Ý tưởng của dự án nếu thực hiện được là rất hay, đặc biệt đối với việc chống ngập ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh vì làm công trình ngăn triều từ xa hiệu quả hơn làm nhiều công trình nhỏ trong nội địa.
2. Một công trình gồm các hạng mục: đê, cống, âu thuyền đồ sộ như vậy thì điều kiện địa chất và thủy văn là rất quan trọng quyết định nền móng của công trình. Trong báo cáo chưa nêu rõ các điều kiện địa chất cũng như thủy văn biển: dòng hải lưu, sóng, gió sự xâm lấn của biển như thế nào?. Thực tế nhiều công trình ven bờ nếu xây dựng không tốt sẽ bị biển nhấn chìm, trong báo cáo chỉ nêu sơ sài là nước sâu 7~10m, sâu nhất là 20m, đấy là chỉ nói từ mặt nước tới đáy sông, đáy biển, còn nền tảng để bảo đảm công trình đứng vững như vật liệu xây dựng chính của đê, nguồn cấp lấy từ đâu? Lần trước nghe báo cáo độ sâu trung bình của vùng này từ 6-12 m, tôi nghi ngờ về độ chính xác của số liệu này vì thực tế tầu lớn trọng tải 60 ngàn tấn vẫn ra vào nhưng được giải thích là số liệu đo bằng máy siêu âm? Theo tôi biết, cửa Soài Rạp bị bồi lắng có thể độ sâu không đáng kể nhưng cửa Lòng Tầu có chỗ sâu nhất đến 42 m. Cần kiểm chứng lại độ sâu vì ảnh hưởng đến tính toán khối lượng và giá thành của công trình.
3. Vấn đề về môi trường, trong báo cáo nêu quá sơ sài, không thể nói một cách định tính như trong báo cáo "Trong một ngày dòng chảy vào khoảng 2 tỷ m3 và chảy ra 2 tỷ m3, nước trong hồ vẫn là hồ nước mặn nên không ảnh hưởng đáng kể đến hệ sinh thái khu vực bên trong đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển rừng Cần Giờ ".
Xin lưu ý, khi đã có tác động tới thiên nhiên là có ảnh hưởng môi trường, đã thay đổi trạng thái tự nhiên là có ảnh hưởng, vấn đề phù sa do thay đổi tốc độ dòng chảy, bồi xói trong kênh rạch , xả thải trong khu vực khi vùng nước là khép kín, những vùng đất bán ngập nẩy sinh sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái, thảm thực vật vv... Cần phải có nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược cho cả vùng và đánh giá tác động môi trường (EIA) của dự án để đưa ra các nhận xét một cách định lượng. Vấn đề tác động môi trường, chính là vấn đề mà các nhà khoa học Hà Lan đang đau đầu với hệ thống đê biển của họ, là cực kỳ sâu sắc không những đối với khu vực Rừng Sát mà còn đối với môi trường thủy sản ven biển.
3. Vấn đề rất lớn là giao thông thủy ven biển từ Vũng Tầu tới Gò Công có nhiều cửa sông tàu thuyền đi lại từ biển vào sông, vào bờ tấp nập, có rất nhiều cảng biển, cảng cá. Cần thu thập thông tin, số liệu, thảo luận với các chuyên gia ngành giao thông về các giải pháp âu tầu, chế độ đóng mở cửa cống vv...
4. Campuchia đang tăng cường với sự giúp đỡ đầu tư của Trung Quốc khai thác vùng bắc Đồng Tháp Mười như thuê đất phát triển nông nghiệp, đào thêm kênh lấy nước từ sông Tiền (Niec Lương) đưa về đầu Vàm Cỏ sẽ làm thay đổi chế độ thủy văn đối với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng Tháp Mười. Trong bài toán thủy lực của dự án đê biển Vũng Tàu-Gò Công cần cập nhật các tác động của phía thương lưu. Trong báo cáo tính toán thủy lực ngoài biên trên, nên nói rõ điều kiện biên dưới, luận chứng phân lũ sông Đồng Nai ra sông Thị Vải và tính toán xâm nhập mặn để người đọc dễ theo dõi, kiểm chứng.
5. Vấn đề sử dụng nhà máy điện thủy triều trên thế giới một số nước như Nga, Đức đã thực hiện. Có thể diễn giải một cách đơn giản:
Năng lượng = Lưu lượng x Cột nước
Đối với dự án đê biển Vũng Tàu- Gò Công tuy có dao động thủy triều lớn nhất khoảng 4 m nhưng khả năng lợi dụng cột nước phát điện chỉ 2 m là quá nhỏ cho nên chủ yếu phải dựa vào lưu lượng để phát điện. Cần xem lại mục tiêu tổng thể của dự án đê Vũng Tàu-Gò Công để đưa ra khả năng xây dựng nhà máy điện thủy triều vì giá thành thiết bị rất đắt, lại hoạt động trong môi trường ăn mòn kim loại. Thông thường giá thành nhà máy điện thủy triều gấp 2,5 – 3 lần so với giá của nhiệt điện, thủy điện.
6. Tôi đã viết trực tiếp comment 14 điểm cần lưu ý ở dưới các trang báo cáo (gửi kèm theo dưới đây để tham khảo)
Kết luận và kiến nghị:
Tôi đánh giá cao sự dũng cảm, ý tưởng táo bạo của dự án đê biển Vũng Tàu-Gò Công. Người ta thường nói khi giải quyết vấn đề nếu vội vàng dễ hỏng việc mà chậm trễ dễ mất thời cơ. Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.Hồ Chí Minh được Thủ tướng phê duyệt là bài học về “dục tốc bất đạt”! Để tránh đi vào “vết xe đổ” của dự án nói trên cần chú trọng đến phương pháp luận, cách tiếp cận của dự án từ tầm nhìn đến mục tiêu để biến ý tưởng và bước đi cụ thể vào trong quy hoạch vùng có cả tính chất không gian và thời gian hay nói cách khác đây là bài toán đa mục tiêu có tính chất hệ thống.
Công việc cấp bách là rà soát đánh giá lại các hạng mục dự án đầu tư đê, cống đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Dự án Quy hoạch chống ngập khu vực TPHCM, thảo luận với các cơ quan chức năng của thành phố xác định lại các dự án ưu tiên chống ngập cả do mưa và thủy triều để tránh sự lãng phí không cần thiết khi có dự án đê biển Vũng Tàu-Gò Công. Bài học thực tế, giải quyết riêng việc chống ngập kết hợp xử lý nước thải rất hiệu quả của thành phố Bangkok rất đáng suy ngẫm.
Cần thu thập, khảo sát đánh giá các nguồn số liệu và tiến hành một số đề tài nghiên cứu khoa học cần thiết làm cơ sở khoa học cho dự án đê biển Vũng Tầu-Gò Công như :
- Nghiên cứu giải pháp tổng thể kiểm soát ngập lụt do tổ hợp lũ – triều –mưa cho Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. (Chú ý nghiên cứu cả hệ thống kênh sông phía trong cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng).
- Nghiên cứu chế độ thủy động lực và hải văn học vùng biển Vũng Tàu – Gò
Công dưới tác động của Dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công.
- Nghiên cứu cấu trúc địa khu vực dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công.
- Nghiên cứu những vấn đề kinh tế - xã hội – môi trường khi xây dựng đê biển Vũng Tàu-Gò Công vv...
Khả năng huy động nguồn vốn: Tôi đánh gía cao ý tưởng huy động nguồn vốn xây dựng dự án, đặc biệt chủ yếu dựạ vào xã hội hóa. Thực tế chúng ta đều biết điểm son nổi bật nhất của đất nước trong năm 2010 chính là hoạt động đối ngoại, tốc độ tăng trưởng cao hơn một chút so với dự kiến nhưng cái giá phải trả rất đắt như lạm phát so với cũng kỳ năm trước tăng tới 11,75%, lãi xuất cho vay tăng vọt lên 15-18%, chênh lệch tỷ giá trong và ngoài ngân hàng trên 10%, nhập siêu (chưa kể vàng) xấp xỉ 15 tỷ đô la, thâm hụt ngân sách đến mức báo động, trong xã hội còn nhiều nhiễu nhương, bất cập vv…VNExpress chọn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là nhân vật trong năm, Ban biên tập mời tôi trả lời bài phỏng vấn vì đây là vấn đề “nhạy cảm” mà đặc tính của tôi không muốn dối lòng, sau khi suy nghĩ mặc dù biết là khiếm nhã tôi đã phải khước từ bình luận. Làm lãnh đạo đất nước hay một ngành không thể tránh khỏi các khiếm khuyết, vì nhận thức là quá trình, cái chính là biết dũng cảm sửa sai, “vượt lên chính mình” cho nên ý tưởng xây dựng đê Vũng Tàu-Gò Công dù có phủ nhận dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập TPHCM vẫn là điều rất đáng ghi nhận.
Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học:
Việc tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học cần thực hiện càng sớm càng tốt. Dự án đê biển Vũng Tàu-Gò Công có tính chất tổng hợp, đa mục tiêu để khách quan và có điều kiện tập trung trí tuệ của nhiều nhà khoa học của các ngành ở trung ương và địa phương, nên tập trung các đề tài đưa vào 1 vấn đề cần giải quyết trong chương trình trọng điểm quốc gia của KC08/11-15 hoặc KC09/11-15 của Bộ KHCN.
Tô Văn Trường
Tôi rất hoan nghênh trang web Hội Đập lớn đã đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin hữu dụng. Nhiều dự án lớn như: Dự án chống ngập TP Hồ Chí Minh, ý tưởng đề án “Đê biển Vũng Tàu - Gò Công” … được đưa ra trao đổi, lấy ý kiến để bạn đọc có những góc nhìn nhận khác nhau và là diễn đàn chia sẻ. Lại nói về ý tưởng đề án “Đê biển Vũng Tàu - Gò Công”, đã gọi là ý tưởng thì rất đáng hoan nghênh, ở đây tôi chỉ nói về cách chuẩn bị và các ý kiến đóng góp của bạn đọc. Sau hơn một tháng lấy ý kiến trao đổi và có rất nhiều bài viết của chuyên gia, bạn đọc trong đó có rất nhiều bài viết hay, chuyên sâu nhưng có nhiều ý bài viết tôi có cảm nhận như đang “lobby” cho dự án.
Chúng ta đang ở điểm đầu của dự án, chưa biết dự án này có ảnh hưởng (tích cực, tiêu cực) đến bao nhiêu dân số, có cơ bản chống ngập cho thành phố hay không, về tương lai thích ứng với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng như thế nào, có phù hợp với qui hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội của thành phố (HCM, Vũng Tàu) trong 20 năm, 30 năm nữa hay không, sau đó mới làm qui hoạch dự án rồi mới xét bài toán kinh tế - kỹ thuật. Trong khi đó có những tác giả chỉ đề xuất một loại Tuốc bin, nêu lên một vài ý kiến rồi kết luận “sớm được thông qua” hoặc là “mong được thực thi”, một nhóm tác giả lại vẽ phối cảnh dự kiến chỗ này là khu đô thị, chỗ kia là khu du lịch biển mà không thấy nêu một số liệu gì liên quan hoặc không biết sau này có phù hợp với qui hoạch chung của dự án hay không!
Mặc dầu chỉ là mới ý tưởng nhưng rất cần có các số liệu điều tra về kinh tế - xã hội, cần có các tính toán khoa học, tầm nhìn trong tương lai và lộ trình thực hiện mới có cơ sở đưa ra lấy ý kiến.
Lê Văn Đài
Xin gửi ý kiến trao đổi về: