Ngăn sông Đà làm "phục sinh" các sông nội thành Hà Nội.[18/01/11]

18/01/2011 10:04

11

Ngăn sông Đà làm "phục sinh" các sông nội thành Hà Nội

 

Sông Đáy vùng đập Đáy & cống đập Hiệp Thuận

                                                                             Nguyễn Trường Duy

         Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nội

Nội thành Hà Nội có các sông như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu không có nguồn nước cấp thường xuyên, đã trở thành sông "chết" chỉ làm nhiệm vụ tiêu khi có mưa và tiêu nước thải trong nội Thành chưa qua xử lý, nước đen ngòm, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, làm ô nhiêm môi trường, gây bức xúc cho người dân sống dọc hai bên bờ sông. Nước thải độc hại, ô nhiễm từ các con sông này chảy vào sông Nhuệ, sông Đáy đưa mùi hôi thối xuống tận Hà Nam. Nghiêm trọng hơn là người dân lấy nước thải đó để tưới lúa, rau mầu và nuôi trồng thuỷ sản, gây bệnh tật cho người và gia súc.

Sông Nhuệ là con sông ngoại Thành tưới, tiêu kết hợp lấy nước tự chảy từ sông Hồng qua cống Liên Mạc để tưới 81.148 ha nhưng từ năm 2001 đến nay vào vụ đông xuân mực nước sông Hồng cạn kiệt không có nước chảy qua nên sông Nhuê đã trở thành sông "chết". Dự án làm sống lại sông Đáy với nhiệm vụ lấy nước từ sông Hồng, khôi phục lại dòng chảy về mùa kiệt, cấp bổ sung nước cho hạ du phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cải tạo môi trường sinh thái, kết hợp phát triển giao thông vận tải thuỷ và tham gia phân lũ sông Hồng vào sông Đáy. Hệ thống công trình đầu mối đã thi công hoàn thành nhưng cũng không có nước chảy vào đành "bó tay".

Để tạo dòng chảy thường xuyên trên các trục sông, cấp nưới tưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế phía Tây Nam sông Hồng. Đề nghị xây dựng đập dâng cuối sông Đà khu vực xã Thuần Mỹ, lấy nước qua cống Lương Phú (đang xây dựng) theo sông Tích đến cầu Ái Mỗ xây dựng đập điều tiết và tuyến kênh mới theo hướng Quốc lộ 32 cắt qua sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch về đến Hồ Tây. Chọn cao trình mực nước sau cống Lương Phú +13 đến + 14,0m, mực nước về đến Hồ Tây +8,0 đến +9.0m, tạo con sông nổi lý tưởng mà nhiều thủ đô khác không có.

Tác giả trình bày ý tưởng với các đồng nghiệp

 

Về tính khả thi và hiệu quả, trên sông Đà có hai hồ thuỷ điện bậc thang (Hoà Bình và Sơn La) đã đi vào hoạt động; hồ thuỷ điện Lai Châu đang xây dựng vì vậy nguồn nước sông Đà luôn ổn định cả về mùa kiệt (mỗi tổ máy phát điện của nhà máy thuỷ điện Hoà Bình có lưu lượng 300m3/s, nếu vận hành cả 8 tổ lưu lượng là 2.400m3/s). Nước sông Đà vào mùa kiệt không có phù sa, trong và sạch, đủ tiêu chuẩn cung cấp cho trồng rau sạch, nuôi trồng thuỷ sản và các ngành kinh tế khác, tạo ra được dòng chảy thường xuyên trên các con sông, trong khi các nhà máy xử lý nước thải chưa đưa vào hoạt động, có tác dụng pha loãng lượng nước thải bị ô nhiễm trên các sông, hồ thuộc khu vực nội Thành. Với lợi thế cao độ mực nước như trên, khi cần tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp thì đưa nước về kênh tưới Phù Sa và kênh tưới Đan Hoài, hoàn toàn chủ động được thời vụ và có thể bỏ được một số trạm bơm tưới cấp II có cao trình mực nước tưới tại bể xả thấp hơn +9.50m ở khu vực Sơn Tây, thấp hơn +8.50m ở hệ thống sông Đáy và thấp hơn +7.50m ở hệ thống sống Nhuệ, tiết kiệm điện năng, giảm tiền điện và các chi phí quản lý khác.  Kênh mới xây dựng có cao độ mực nước ổn định, nước trong và sạch, tạo ra được tuyến du lịch theo đường thuỷ từ Hồ Tây lên khu nước khoáng Thuần Mỹ, nếu kết hợp khai thác " kho vàng" khu nước nóng Thuần Mỹ và hai bên bờ kênh sẽ hái ra tiền, thời gian hoàn vốn nhanh. Đập dâng sẽ tạo ra lòng sông Đà phía thượng lưu có cột nước cao ổn định, hạn chế việc xói lở hai bên bờ sông Đà, tạo điều kiện thuận tiện cho vận tải thuỷ từ Ba Vì lên Hoà Bình không bị mắc cạn vào mùa kiệt như những năm vừa qua và có thể tái tạo được năng lượng điện sau đập dâng. Với lưu lượng khoảng 120 - 130m3/s (bằng tổng lưu lượng đã thiết kế của các cống đầu mối) nên không làm ảnh hưởng đến việc chia sẻ lượng nước của sông Đà và sông Hồng cho các địa phương khác. Về vốn đầu tư, đoạn kênh mới từ cầu Ái Mỗ về đến Hồ Tây đề nghị đấu thầu theo hình thức doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng và khai thác sử dụng dịch vụ sẽ có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia.

Với cao độ địa hình có độ dốc từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống việc xây dựng con sông nổi như trên sẽ giải quyết được tận gốc cho việc cấp nguồn ổn định để phục vụ sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và làm "sống" lại các sông nội Thành để xây dựng thủ đô Hà Nội hiện đại, xanh, sạch đẹp và bền vững./.