Dự thảo: Luật tài nguyên nước (sửa đổi).[09/03/11]

07/03/2011 21:23

10

Dự thảo

 LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC

 (sửa đổi)

BBT. Những góp ý cho Dự thảo có thể được gửi trực tiếp đến Bộ Tài nguyên & Môi trường (cơ quan soạn thảo) hoặc cho bbt@vncold.vn .

 

Căn c Hiến pháp c Cộng h hội ch nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết s51/2001/QH10,

Quốc hội ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định việc điều tra cơ bản tài nguyên nước; bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tài nguyên nước quy định trong Luật này bao gồm nước mưa, nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất. Nước biển, nước khoáng và nước nóng thiên nhiên được điều chỉnh bằng pháp luật khác.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng, bao gồm sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, ao, các tầng chứa nước dưới đất; mưa, băng, tuyết;

2. Nước mặt là nước tồn tại trong sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, ao trên mặt đất liền hoặc hải đảo;

3. Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất;

4. Nguồn nước quốc tế là nguồn nước từ đó nước chảy từ lãnh thổ Việt Nam sang lãnh thổ nước khác hoặc từ lãnh thổ nước khác vào lãnh thổ Việt Nam; nguồn nước nằm trên biên giới giữa Việt Nam và nước khác;

5. Lưu vực sông là vùng địa lý mà trong phạm vi đó nước mặt, nước dưới đất chảy tự nhiên vào sông;

6. Mục tiêu chất lượng nguồn nước là chất lượng nguồn nước cần đạt được và duy trì nhằm đáp ứng mục đích sử dụng nguồn nước;

7. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của nguồn nước;

8. Khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước là khả năng nguồn nước có thể tiếp nhận thêm một lượng nước thải mà vẫn bảo đảm chất lượng nguồn nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam phù hợp với mục đích sử dụng nguồn nước;

9. Dòng chảy tối thiểu là dòng chảy ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông, bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước của các đối tượng sử dụng nước;

10. Ngưỡng khai thác nước dưới đất là giới hạn hạ thấp mực nước cho phép khi khai thác bảo đảm không gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, sụt lún mặt đất và các tác động xấu đến môi trường, nguồn nước mặt liên quan;

11. Bảo vệ tài nguyên nước là các hoạt động nhằm phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, bảo đảm an toàn nguồn nước; ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước và khôi phục nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.

Điều 3. Nguyên tắc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

1. Việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải tuân theo chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm tính hệ thống của lưu vực sông, không chia cắt theo địa giới hành chính.

2. Bảo vệ tài nguyên nước phải lấy phòng ngừa là chính, gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng và khả năng tái tạo tài nguyên nước; xây dựng và sử dụng tổng hợp, hiệu quả các công trình điều tiết nước; đồng thời kết hợp với khắc phục, hạn chế ô nhiễm và ưu tiên tập trung nguồn lực để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước có tầm quan trọng đối với quốc gia, từng vùng và từng địa phương.

3. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải bảo đảm tổng hợp, tiết kiệm, an toàn, có hiệu quả và được xem xét tổng thể trong mối quan hệ với tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm công bằng, hợp lý và bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các tổ chức, cá nhân, giữa thượng lưu và hạ lưu, giữa bờ trái và bờ phải.

4. Phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải có kế hoạch và biện pháp chủ động; bảo đảm kết hợp hài hòa lợi ích của cả nước với các vùng, các ngành, giữa các vùng, ngành; giữa khoa học, công nghệ hiện đại với kinh nghiệm truyền thống của nhân dân và phù hợp với khả năng của nền kinh tế.

5. Các dự án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải góp phần phát triển kinh tế, xã hội và phải có các biện pháp bảo đảm đời sống dân cư, quốc phòng, an ninh; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và môi trường.

6. Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của Luật này.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước             

1. Nhà nước đầu tư và tổ chức thực hiện quy hoạch, điều tra cơ bản tài nguyên nước; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước; nâng cao khả năng dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại do nước gây ra; xây dựng  đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong các hoạt động về tài nguyên nước.

2. Nhà nước có kế hoạch ưu tiên đầu tư để giải quyết nước sinh hoạt cho dân cư các vùng khan hiếm nước, thường xuyên bị thiếu nước; đầu tư, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước.

3. Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích đối với tổ chức, cá nhân đầu tư vào các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; nghiên cứu, áp dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ về sử dụng nước tiết kiệm, tái sử dụng nước.

4. Nhà nước áp dụng chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí tài nguyên nước đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều 5. Quan hệ quốc tế về tài nguyên nước

Nhà nước khuyến khích mở rộng quan hệ quốc tế và hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các bên cùng có lợi và phù hợp với Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 6. Phân loại lưu vực sông  

1. Lưu vực sông được phân thành lưu vực sông lớn, lưu vực sông liên tỉnh và lưu vực sông nội tỉnh.

a) Lưu vực sông lớn bao gồm các lưu vực sông: Hồng - Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vũ Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai - Sài Gòn,  Sê San, Srêpốk và sông Cửu Long;

b) Lưu vực sông liên tỉnh, bao gồm các lưu vực sông có diện tích lưu vực nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên;

c) Lưu vực sông nội tỉnh, bao gồm các lưu vực lưu vực sông có diện tích lưu vực nằm trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt danh mục sông nội tỉnh; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục lưu vực sông liên tỉnh.

Điều 7. Phân loại nguồn nước thuộc lưu vực sông