Công nghệ xây dựng Đập xà lan.[06/04/11]
06/04/2011 22:03
GS.TS.Trương Đình Dụ,
PGS.TS.Trần Đình Hòa,
ThS.Trần Văn Thái, ThS. Thái Quốc Hiền,
ThS. Trần Minh Thái, TS. Vũ Hồng Sơn,
ThS. Nguyễn Thế Nam, ThS. Phan Đình Tuấn
Đập xà lan đề xuất được nguyên lý từ năm những năm 1995, nhưng từ đó đến 2003 cũng chưa có thêm kết quả nghiên cứu, ứng dụng nào. Đến năm 2003, do yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất tôm lúa, một số cống ngăn mặn giữ ngọt truyền thống vùng ĐBSCL bị dân biểu tình yêu cầu phá bỏ để lấy nước mặn nuôi tôm. Sau khi xem xét, nghiên cứu tình hình cụ thể, Bộ NN và PTNT đã đồng ý cho mở hàng loạt cống như Phó Sinh, Láng Trâm, Hộ Phòng,.v.v.. trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu để lấy mặn vào vùng ngọt hóa quản lộ phụng hiệp phục vụ nuôi tôm. Diện tích nuôi tôm biến động liên lục dẫn đến ranh mặn ngọt thay đổi nên các vùng này không thể xây cống cố định mà chỉ xây đập đất tạm hàng năm. Điều này đã gây nên khó khăn lớn cho sản xuất và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Thực tế này đòi hỏi phải có một loại đập có thể di động khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu kỹ và đề xuất công nghệ đập xà lan di động có thể linh hoạt chuyển đổi vị trí xây dựng công trình đáp ứng yêu cầu của thực tế sản xuất. Kết quả nghiên cứu đã được Bộ KHCN cho tiến hành dự án SXTN hoàn thiện công nghệ thiết kế thi công quản lý vận hành đập xà lan di động, thực hiện từ năm 2003 và kết thúc 2007. Công trình đập xà lan đầu tiên được xây dựng tại cống Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) từ tháng 1/2004 đến tháng 8/2004. Ngay sau khi công Phước Long đưa vào quản lý, vận hành khai thác, với tính năng ưu việt của công nghệ, hàng loạt công trình khác đã được triển khai xây dựng đó là cống Thông Lưu (Bạc Liêu) năm 2006, 7 công trình ở địa bàn tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ trong dự án Omon - Xà no, hàng loạt công trình ở tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và đỉnh cao là dự án phân ranh mặn ngọt Bạc Liêu – Sóc Trăng gồm 63 cống dạng đập xà lan đã được thiết kế và xây dựng.