Xayabury những điều chưa được nói đến.[28/04/11]
29/04/2011 11:35
XAYABURY NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐƯỢC NÓI ĐẾN
Tô Văn Trường
| |
Đoạn sông Mekong trên đất Lào |
Trên thế giới, tất cả các nước đều muốn khai thác sử dụng nguồn tài nguyên của đất nước thành những giá trị cho chính mình và các cộng đồng xung quanh. Gần đây, sự kiện có tính thời sự liên quan đến việc nước Lào muốn xây dựng đập thủy điện Xayabury trên dòng chính sông Mekong đã gây ra tranh luận, chưa có tiếng nói chung giữa các nước trong Ủy hội sông Mekong (MRC). Dự kiến đến cuối năm nay tháng 11/2011 hội nghị cấp Bộ trưởng của MRC sẽ xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án Xayabury.
Ông Viraphonh Viravong, giám đốc Tổng cục Điện lực thuộc Bộ Năng lượng và khoáng sản Lào, trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Tuổi Trẻ tại Vientiane mới đây phát biểu: ” Lào muốn phát triển kinh tế bằng tài nguyên thiên nhiên. Một trong các loại tài nguyên đó là thủy điện. Chúng tôi cho rằng thủy điện là năng lượng có thể tái tạo, thân thiện với môi trường nếu so sánh với điện nguyên tử, điện than. Chúng tôi có tiềm năng rất lớn đối với thủy điện, không chỉ để cung cấp trong nước mà còn để xuất khẩu cho các nước khác…”
Gió Lào khô khan thổi vào đất Việt từ bao đời nay, song cũng từ bao đời nay người Việt hiểu chính rào cản thiên nhiên là dãy Trường Sơn đã tạo nên khắc nghiệt thiên nhiên. Làn gió mát từ Lào không vượt qua được rào cản thiên nhiên, song tấm lòng của con người đã không có rào cản hay ranh giới. Chúng ta chia sẻ và đồng cảm với mong muốn của nước Lào anh em nhưng về nguyên tắc trong Hiệp định Mekong 1995 đã nêu rõ các thành viên của MRC không thể cứ đơn phương thực hiện dự án mà không xem xét đến các ý kiến của các nước trong hiệp định MRC. Trong pham vi bài viết này, chúng tôi đề cập bổ xung đến 2 lĩnh vực để các bạn Lào quan tâm, xem xét, trong nghiên cứu đánh giá tác động của Xayabury.
Thứ nhất, Xayabury là đập dâng, không phải hồ chứa nên chỉ có tác dụng điều tiết ngày. Lưu lượng bình quân mùa khô ứng với mức bảo đảm 95% chính là lưu lượng phát điện. Dòng chảy phía sau đập Xayabury là cả đoạn dài về phía hạ lưu dọc đường sẽ được điều tiết lại cho nên không ảnh hưởng lớn đến dòng chảy ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nếu Xayabury là công trình mở đầu có tính chất “đầu xuôi, đuôi lọt” cho 11 bậc thang thủy điện tiếp theo ra đời thì tác động đến dòng chẩy ở hạ lưu như thế nào là điều phía Lào cần phải có giải đáp trong bài toán phân tích hệ thống.
Thứ hai là cần phải xét đến vấn đề an toàn hồ chứa liên quan đến động đất ở Lào. Cho đến nay nước Lào chưa có mạng trạm Quốc gia quan trắc các hoạt động động đất. Các trận động đất mạnh xảy ra trên lãnh thổ Lào được ghi nhận từ những năm hai mươi của thế kỷ trước trở lại đây nhờ mạng trạm quốc tế cho thấy, nước Lào cũng không phải là vùng yên tĩnh về động đất. Trong đó phần bắc và trung Lào có tính hoạt động địa chấn cao hơn. Chỉ tính từ khoảng những năm 20 của thế kỷ trước trở lại đây, trên lãnh thổ nước Lào đã ghi đươc 8 trận động đất có biên độ từ 6.0 – 6.8 độ Richter. Động đất từ 5.0 – 5.9 độ Richter do mạng trạm quốc tế ghi được cũng lên đến 18 trận. Trong số đó có 8 trận xảy ra trong đới đứt gãy Oudomxay, 5 trận được dự đoán xảy ra trong đới đứt gãy Nậm Thi, 3 trận xảy ra trong đới Điện Biên- Pắcnưa. Đây là đoạn đứt gãy Lai Châu - Điện Biên kéo dài sang Lào. Trong 3 trận xảy ra ở đoạn đứt gãy này bên Lào có trận đạt đến 5.6 độ Richter xảy ra tại khu vực phía đông Muangxai vào năm 1989 và động đất Điện Biên 19/2/2001.
Sơ đồ thủy điện Xayaburi trên sông Mekong. Ảnh ISC |
Vùng đông nam nước Lào, từ khu vực Phonxavan xuống phía nam không ghi được nhiều động đất mạnh. Đáng ghi nhận nhất là trận động đất 5.5 độ Richter năm 1918 xảy ra trên phần kéo dài của đứt gãy Sông Cả tại khu vực bắc Phonxavan, cách biên giới Việt Nam tại vùng Nghệ An hơn 80 km. Tại phần phía nam nước Lào thì 1 trận động đất 5 độ Richter xảy ra năm 1968 ghi nhận xảy ra trong phần kéo dài của đứt gãy Trường Sơn từ Việt Nam sang Lào.
Động đất nhỏ hơn 5 độ Richter được ghi nhận không đầy đủ, chủ yếu nhờ mạng trạm của một số nước láng giềng từ khoảng năm 1960 đến nay cũng lên đến gần 200 trận, trong đó có nhiều trận từ 4.0 đến 5.0 Richter.
Sơ bộ đánh giá theo số liệu động đất nêu trên có thể thấy, vùng bắc Lào nguy cơ động đất mạnh mang tính phá huỷ là khá lớn. Tại đây tính hoạt động địa chấn cũng tích cực hơn nhiều so với phần đông nam nước Lào. Tại phần đông nam chưa ghi được trận động đất nào đến 6,0 độ Richterr. Do cho đến nay trên lãnh thổ nước Lào các nghiên cứu về đứt gãy hoạt động và nghiên cứu địa chấn kiến tạo còn rất hạn chế, bởi vậy việc liên kết hoạt động địa chấn với các đới đứt gãy như vừa nêu trên cũng còn mang nhiều yếu tố dự đoán. Hơn nữa, kết quả định vị chấn tiêu động đất ghi được bởi mạng quốc tế theo mô hình truyền sóng toàn cầu áp dụng cho từng vùng cụ thể vẫn có thể chịu những sai số. Kết quả dẫn đến tình trạng là: động đất xảy ra trong đới đứt gãy này nhưng chấn tiêu lại được xác định xảy ra trong đới đứt gãy khác là chuyện thường tình.
Cho dù thế nào thì nguy cơ động đất mạnh trên lãnh thổ nước Lào vẫn là một thực tế. Để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững thì nước Lào không thể không tính đến ảnh hưởng của động đất đến phát triển. Điều này cho thấy việc thiết lập một mạng trạm địa phương ghi động đất, kết hợp với việc nghiên cứu địa chấn kiến tạo, xác định các vùng nguồn phát sinh động đất mạnh là rất cần thiết. Ngoài ra, việc tiến hành nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm động đất đối với lãnh thổ nước Lào cũng cung cấp thêm được nguồn số liệu giúp ta hoàn thiện hơn vần đề nghiên cứu cùng hướng này cho lãnh thổ Việt Nam, bởi một số nguồn phát sinh động đất mạnh ở lãnh thổ nước ta vẫn tiếp tục chạy sang Lào như: đới Lai Châu - Điện Biên, đới FuMâyTun, đới Sông Mã, đới Sông Cả và đới Trường Sơn v.v...
Trong tháng 3/2011 vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin vùng Xayabury của Lào có động đất liên đới với cả Myamar và Thái Lan. Phía Myanmar thiệt hại khá nặng nề cả về người và của. Đây là điều cảnh báo liên quan đến bài toán an toàn, ổn định liên hồ chứa cho nên phía Lào cần phải bổ sung, xem xét, đánh giá thận trọng trong thuyết minh hồ sơ dự án của đập thủy điện Xayabury.
Khó nhất của các nhà khoa học là không đi sâu phân tích các tác hại môi trường của dự án là do ảnh hưởng của nguồn tài liệu mà họ tham khảo hoặc do sự không sẵn có của nguồn dữ liệu nền đáng tin cậy về nguồn tài nguyên lưu vực sông tổng thể và về quy hoạch dòng sông trong khu vực. Đây là lý do chính khiến cho hiện nay không tổ chức hay cá nhân nào có thể đưa ra dữ liệu bằng chứng cụ thể để có thể đưa ra kết luận thỏa đáng. Thông qua sự kiện này, cộng đồng các nhà khoa học trong khu vực cũng như quốc tế đã đề nghị lên kế hoạch triển khai các dự án nghiên cứu về hệ thống dữ liệu vùng, vượt ra khỏi phạm vi biên giới và chính quyền các nước để làm cơ sở phân tích đánh giá một cách định lượng, đề ra các biện pháp khai thác sử dụng tài nguyên nước sông Mekong một cách vững bền vì quyền lợi chung của tất cả các nước trong lưu vực sông Mekong.