Trao đổi: Giải pháp chống hạn cho đồng bằng Sông Hồng.[07/05/11]
10/05/2011 08:35
TRAO ĐỔI
Giải pháp chống hạn cho đồng bằng Sông Hồng
TS. Nguyễn Trí Trinh
Tình hình cạn kiệt của sông Hồng trong bối cảnh hiện nay cho thấy sự cần thiết phải nghiên cứu đề tài "Giải pháp chống hạn cho đồng bằng Sông Hồng Mùa kiệt bằng hệ thống bậc thang công trình điều tiết trên sông". Đề tài nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiển cao, nhiều điểm sáng tạo nhằm cải thiện tình hình cạn kiệt hệ thống sông Hồng. Qua đọc báo cáo, có mấy điểm sau rất mong được trao đổi với với nhóm tác giả để có thể nâng cao tính khả thi của đề tài:
Các tác giả thể hiện sự cạn kiệt của hệ thống sông Hồng thông qua 2 đặc trưng tổng lượng và mực nước là hợp lý. Tuy nhiên, các tác giả chỉ nêu nhu cầu dùng nước của các tỉnh đồng bằng sông Hồng theo các năm 2009, 2020, 2050 mà chưa đánh giá nguồn cung cấp nên chưa làm rõ được sự cạn kiệt về nguồn nước. Nên chăng cần tính toán cân bằng nước để làm rõ sự cạn kiệt về nguồn nước ở khu vực này. Việc tính toán cân bằng nước cần được tiến hành không những cho năm thiết kế mà còn cả cho từng tháng và đặc biệt ngày đại biểu trong tháng do tính chất làm việc các công trình thuỷ lợi trên sông Hồng (hồ chứa thuỷ điện, trạm bơm, cống lấy nước). Nếu không có thể dẫn đến việc cân bằng nước năm thiết kế hoặc tháng thiết kế đảm bảo về tổng lượng song các ngày cần thiết lại không lấy được nước. Rõ ràng cân bằng nước phải xét đến quy trình vận hành của các công trình trên hệ thống sông, đặc biệt các công trình thuỷ điện lớn trên dòng chính Sông Hồng (Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu…).
Phải công bằng mà nói các hồ thuỷ điện điều tiết dài hạn (điều tiết mùa, năm, nhiều năm) ngoài lợi ích phát điện còn có tác dụng điều tiết nước thừa mùa lũ bổ sung cho lượng nước mùa kiệt làm cho tình hình dòng chảy hạ du điều hoà hơn và giảm bớt nguy cơ cạn kiệt. Thêm vào đó, tuỳ thuộc đặc điểm công trình các hồ có thêm dung tích phòng lũ hoặc dung tích điều tiết lũ nên ít nhiều đã giảm nhẹ lũ lụt hạ du. Đây là tính tích cực của hồ thuỷ điện điều tiết dài hạn. Tuy nhiên nếu quy trình vận hành của hồ thuỷ điện dài hạn mà áp dụng kiễu ngày đêm thì dẫn đến tác động tiêu cực tương đối nghiêm trọng. Thay vì xả đều (phát điện) trong ngày thì không phát hoặc phát ít trong giờ thấp điểm và tập trung xả ồ ạt trong giờ cao điểm. Điều này dẫn đến mực nước hạ du thay đổi lớn trong ngày, các công trình lấy nước hạ du trên sông Hồng chỉ lấy được nước trong vào giờ cao điểm với giá mua điện cao, thời gian lấy nước bị rút ngắn (7h), các công trình lấy nước trên sông Hồng không dủ công suất để có thể lấy hết nước và lượng nước thừa do không thể lấy kịp sẽ chảy ra biển. Kiễu vận hành này tương tự vận hành đập Xayaburi, đập dự kiến xây dựng đầu tiên trong số 12 dự án trên dòng chính hạ nguồn sông Mê Kông gây ra tranh cãi chưa thống nhất được của các nước thành viên Uỷ Ban Sông Mê Kông. Hậu quả vận hành Xayaburi gây nhiều tác động lớn cho đồng bằng sông Cửu Long về thoái hoá đất, giảm chất dinh dưỡng, xói lở, mất cân bằng và đa dạng về sinh thái…, song lớn nhất là hậu quả gây ra xâm nhập mặn (xem thêm chi tiết trên www.vncold.vn trang /Web/Content.aspx?distid=2587, trong đó tác giả đã phản đối phương án vận hành theo kiễu điều tiết ngày đêm đ? phủ đỉnh của Xayaburi).
Do vậy nội dung đề tài nghiên cứu cần làm rõ thêm về tác động vận hành của các hồ thuỷ điện lớn trên hệ thống sông Hồng để làm rõ các nguyên nhân cạn kiệt dòng chảy và hướng khắc phục kể cả vận hành các công trình xả nước, lấy nước. Hiện nay ngành Điện dang có dự án mở rộng Thuỷ điện Hoà Bình để phát thêm điện và chạy phủ đỉnh. Nếu sử dụng Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng để phát thêm điện năng thì mức độ tác động đến hạ du là vấn đề không lớn, song nếu sử dụng Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng để phủ đỉnh thì sẽ gây cạn kiệt cho hạ du như đề cập bên trên.
Tóm lại, đề tài cần nghiên cứu ảnh hưởng của các công trình chính trên hệ thống sông Hồng để đánh giá cân bằng nguồn nước theo các biến (W, H, Q, t), các công trình gồm có hồ chứa thuỷ điện, trạm bơm, cóng lấy nước…Trên cơ sở đánh giá này mới đề xuất được giải pháp kỹ thuật hợp lý, lâu dài.
Hà Nội, ngày 05/05/2011