Quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng tham luận: Đánh giá ảnh hưởng của trình trạng cạn kiệt sông Hồng tới các ngành dùng nước.[09/05/11]

10/05/2011 09:05

14

QUY HOẠCH PHÒNG CHỐNG LŨ HỆ THỐNG SÔNG HỒNG

THAM LUẬN CỦA ĐẠI DIỆN CỤC QUẢN LÝ ĐÊ ĐIỀU & PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO  (TỔNG CỤC THUỶ LỢI - BỘ NÔNG NGHIỆP & PTNT) TẠI HỘI THẢO

'ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG CỦA TÌNH TRẠNG CẠN KIỆT SÔNG HỒNG TỚI CÁC NGÀNH DÙNG NƯỚC'

 

I. Giới thiệu chung:

Hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình có diện tích lưu vực 169.020 km2, phần lưu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam chiếm 51% tương ứng 86.720km2, hàng năm thường xảy ra lũ lụt nghiêm trọng. Đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình gồm trọn vẹn lãnh thổ của 10 tỉnh và một phần lãnh thổ của các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh. Đặc biệt có thủ đô Hà Nội và một số thành phố lớn khác. Tổng diện tích tự nhiên là 14.425km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 8.793km2 chiếm 61%, diện tích rừng 802km2 chiếm 5,6%, còn lại là các loại đất khác, trong đó 243km2 đất trống đồi trọc có khả năng mở rộng cho các cây trồng và 407km2 mặt nước. Tổng diện tích nằm trong hệ thống đê bảo vệ là 10.185km2 chiếm 71% diện tích tự nhiên của đồng bằng và trung du sông Hồng, sông Thái Bình.

Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung nhiều nhất hệ thống thủy lợi với 10.800 km kênh tưới, 9.300 km kênh tiêu, 3.828 cống tưới, 4.300 cống tiêu, 3.212 máy bơm tưới và 3.220 máy bơm tiêu, 4.500 km đê sông và đê biển cùng 2.266 cống dưới đê. Các công trình hạ tầng cơ sở khác cũng khá tập trung như 13.200 km đường dây tải điện, 2.895 máy biến thế,...

Trong những năm gần đây, nhiều trận lũ lớn thường xuyên xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, trong khu vực và có xu thế ngày càng gia tăng. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu sự tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, trong vài thập kỷ gần đây cho thấy những trận lũ lớn xảy ra liên tiếp trên phạm vi cả nước và có xu thế ngày càng gia tăng cả về số lượng và cường độ, trong đó có hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Trong vòng 60 năm qua đã xảy ra 4 trận lũ lớn vào các năm 1945, 1969, 1971 và 1996 với mực nước lũ vượt mực nước thiết kế đê tại Hà Nội từ 0,7m đến 1,5m. Trong đó có 2 năm lũ lớn 1945 và 1971 đã gây vỡ đê nhiều nơi làm ngập hàng trăm ngàn hecta, gây tổn thất nghiêm trọng về tài sản và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người.

2. Tiêu chuẩn phòng, chống lũ:

Theo Quyết định 92/2007/QĐ-TTg ngày 21/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình và Quyết định số 60/2002/QĐ-BNN ngày 5/7/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Tiêu chuẩn ngành 14 TCN 122-2002, Tiêu chuẩn phòng chống lũ đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2010 - 2015 như sau:

- Tần suất đảm bảo chống lũ: đối với nội thành Hà Nội là 0,2% (chu kỳ lặp lại 500 năm); đối với các vùng khác là 0,33% (chu kỳ lặp lại 300 năm).

Mực nước lũ thiết kế và lưu lượng lũ thiết kế đê xác định trên cơ sở tiêu chuẩn phòng lũ. Trong đó:

- Tại Hà Nội: bảo đảm chống được lũ tương ứng với mực nước sông Hồng tại trạm Long Biên là 13,4 m và thoát được lưu lượng tối thiểu là 20.000 m3/s;

- Tại Phả Lại: bảo đảm chống được lũ tương ứng với mực nước sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là 7,2 m;

- Đối với hệ thống đê điều các vùng khác: bảo đảm chống được lũ tương ứng với mực nước sông Hồng tại trạm Long Biên là 13,1 m;

Tiêu chuẩn chống lũ cụ thể đối với  một số các sông khác:

- Đối với sông Đà: lưu lượng lũ thiết kế 15.500 m3/s tại Lương Phú tương ứng với trường hợp thuỷ dđện Hoà Bình xả 8 cửa xả đáy và lưu lượng phát điện.

- Đối với sông Đáy:

Thực hiện theo Nghị định số 04/2011/NĐ-CP về việc thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng, theo đó: bãi bỏ việc sử dụng các khu chậm lũ Tam Thanh (Phú Thọ), Lương Phú - Quảng Oai, Ba Vì (Hà Nội), Lập Thạch (Vĩnh Phúc) kể từ khi công trình thuỷ điện Sơn La chính thức tham gia cắt lũ cho hạ du; cải tạo sông Đáy để chủ động đưa nước sông Hồng vào sông Đáy qua công trình điều tiết đầu mối với lưu lượng mùa kiệt từ 30 - 100 m3/s, mùa lũ 600 - 800 m3/s; trường hợp gặp lũ lớn hơn  500 năm hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều thuộc nội thành Hà Nội thì chủ động thoát an toàn với lưu lượng tối đa 2.500 m3/s.

            3. Các giải pháp phòng chống lũ:

Theo Quyết định 92/2007/QĐ-TTg ngày 21/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ,  các giải pháp phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, bao gồm: điều tiết các hồ chứa cắt giảm lũ; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn; củng cố và nâng cấp hệ thống đê điều; cải tạo lòng dẫn tăng khả năng thoát lũ; tràn qua các đường tràn cứu hộ và có giải pháp bảo đảm an toàn đê trong trường hợp tràn toàn tuyến; tổ chức hộ đê và cứu hộ đê điều.

            3.1. Điều tiết các hồ chứa cắt giảm lũ: các hồ chứa nước đã và đang xây dựng trên thượng nguồn hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ tham gia điều tiết cắt giảm lũ cho hạ du.

            Hồ Sơn La và hồ Hòa Bình trên sông Đà là 07 tỷ m3, hồ Tuyên Quang là 01 tỷ m3, hồ Thác Bà là 450 triệu m3. Vận hành điều tiết liên hồ, đảm bảo lưu lượng lũ trên sông Hồng tại trạm Thủy văn Sơn Tây nhỏ hơn hoặc bằng 28.000 m3/s; tại trạm thủy văn Hà Nội nhỏ hơn hoặc bằng 20.000 m3/s và mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội không vượt quá 13,40 m. Trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều hoặc dự báo xuất hiện trận lũ lớn hơn lũ 500 năm xuất hiện một lần, nhưng nhỏ hơn lũ thiết kế công trình hồ Sơn La (lũ 10.000 năm xuất hiện một lần) được sử dụng một phần dung tích chống lũ cho công trình để cắt giảm lũ cho hạ du nhưng phải đảm bảo an toàn công trình.

Trong mùa mưa lũ, các hồ chứa phải thực hiện việc cắt giảm lũ cho hạ du; đồng thời phải bảo đảm an toàn cho công trình. Việc vận hành cắt giảm lũ của các hồ chứa phải tuân thủ theo quy trình vận hành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3.2. Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn:

- Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn là một trong những giải pháp quan trọng, lâu dài trong công tác phòng, chống lũ cho hạ du, nhằm tăng độ che phủ, chống xói mòn, chống cạn kiệt, phòng, chống lũ quét;

- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình trồng rừng, chú trọng công tác bảo vệ rừng và khai thác một cách hợp lý, bảo đảm duy trì độ che phủ và tiếp tục trồng rừng bổ sung ở những nơi có điều kiện để tăng thêm diện tích được che phủ.

3.3. Củng cố và nâng cấp hệ thống đê điều:

a) Đê là giải pháp chống lũ cơ bản, lâu dài đối với đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Hệ thống đê hiện tại đã bảo đảm chiều cao chống được các trận lũ lớn đã từng xảy ra;

Cần giữ cao trình đê ở mức hiện tại, chú trọng việc đầu tư củng cố, nâng cấp và kiên cố hóa hệ thống đê để bảo đảm an toàn chống lũ, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội.

b) Các giải pháp kỹ thuật củng cố, nâng cấp, kiên cố hóa đê điều bao gồm:

- Thân đê: đắp tôn cao, áp trúc mở rộng mặt cắt và đắp cơ đê để hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn thiết kế; phát hiện và xử lý ẩn họa trong thân đê; xây dựng các đường tràn sự cố phòng lũ cực hạn trên một số tuyến đê và trong khu vực phân lũ, chậm lũ; trồng cây chống sóng, trồng cỏ chống xói mòn bảo vệ mái đê, đồng thời tạo cảnh quan môi trường; 

 

 

Hình 1. Củng cố, nâng cấp đê: cứng hoá mặt đê, trồng tre chắn sóng.

 

- Nền đê: áp dụng khoa học công nghệ mới, vật liệu mới để xử lý nền đối với những đoạn nền đê có địa chất yếu nhằm bảo đảm an toàn cho đê. Lấp đầm, hồ ao ven đê để tăng cường ổn định cho đê. Đắp tầng phủ nhằm kéo dài đường viền thấm; đắp tầng phản áp tăng khả năng chống trượt ở những khu vực nền đê yếu, thường xuyên bị đùn sủi;

- Cải tạo mặt đê, đường hành lang chân đê: gia cố mặt đê chủ yếu bằng bê tông để tăng ổn định cho thân đê khi mặt đê bị nước tràn qua trong trường hợp có lũ lớn, kết hợp làm đường giao thông nông thôn, làm đường sơ tán dân trong tình huống khẩn cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đê, tổ chức hộ đê. Xây dựng đường hành lang chân đê phục vụ công tác quản lý đê, hộ đê, chống lấn chiếm thân đê và kết hợp làm đường gom ở những khu dân cư;

- Phòng, chống sạt lở bờ sông: việc xử lý sạt lở bờ sông cần kết hợp hài hoà giữa giải pháp công trình và phi công trình; phải có kế hoạch di dời dân cư trong vùng sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở; đồng thời không quy hoạch xây dựng công trình và bố trí dân cư ở những vùng có nguy cơ sạt lở. Đối với khu vực không có dân cư, công trình thì giải pháp bảo vệ bờ chủ yếu là trồng cỏ.

- Xây dựng, nâng cấp các cống qua đê: việc đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp các cống qua đê phải bảo đảm an toàn chống lũ, an toàn cho đê điều; phù hợp với mặt cắt thiết kế đê; đủ khả năng chịu tải khi kết hợp giao thông; những nơi có điều kiện thì thiết kế hệ thống lấy nước phù sa để cải tạo đồng ruộng;

c) Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ: tăng cường nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ mới, vật liệu mới và các thiết bị tiên tiến trong quá trình quản lý, xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa công trình đê điều.

 

   Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày /12/2009 phê duyệt Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020. Mục tiêu củng cố, nâng cấp các tuyến đê nhằm đảm bảo an toàn chống lũ thiết kế và phấn đấu chống được lũ cao hơn theo quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều của các hệ thống sông các tỉnh, thành phố có đê sông từ Hà Tĩnh trở ra. Hiện nay đã bước đầu được bố trí kinh phí để triển khai thực hiện.

3.4. Cải tạo lòng dẫn đảm bảo thoát lũ:

Cải tạo lòng dẫn để tăng cường khả năng thoát lũ là biện pháp chống lũ quan trọng được áp dụng trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Theo kết quả phân tích chỉ từ năm 1930 - 1990 với cùng cấp lưu lượng tại Sơn Tây 20.000 m3/s mực nước đã tăng 0,6 - 0,7 m, với cấp lưu lượng 29.000 m3/s tại Sơn Tây mực nước tăng lên 0,9 m. Các nguyên nhân chính gây nên sự gia tăng mực nước trong khoảng thời gian gần đây là:

a. Do xây dựng công trình, lấn chiếm bãi sông, lòng dẫn làm co hẹp dòng chảy:

Trong chiến lược phát triển giao thông nói chung nhiều công trình cầu, cảng đã và đang được xây dựng. Chỉ tính riêng đoạn sông Hồng qua Hà Nội đã có 5 cầu là: Thăng Long, Long Biên, Ch­ương Dư­ơng, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, trong tương lai sẽ xây dựng thêm một số cầu nữa.

Việc xây dựng các mố cầu và trụ cầu đã làm cản trở đến khả năng thoát lũ của hệ thống sông và gây sạt lở bờ sông một số nơi ở hạ lưu cầu. Kết quả tính toán thủy lực cho thấy mỗi cầu sẽ làm chênh lệch cục bộ mực nư­ớc giữa thư­ợng và hạ lư­u cầu lớn nhất từ 0,15 - 0,25 m (tùy thuộc vào khẩu độ cầu), độ chênh này chỉ duy trì trên một đoạn chiều dài nhất định khoảng 2 - 4 km. Tuy nhiên, nếu xét tổng thể khi làm tất cả các cầu trên sông Hồng sẽ làm dâng thêm mực nước lũ lớn nhất tại Hà Nội khoảng 0,12 - 0,18 m.

b. Do xây dựng đê bối trên bãi sông:

Sông Hồng phía bờ tả có 29 bối, phía bờ hữu có 24 bối trong đó số bối rộng từ 500 - 2000 ha chiếm tới 20 bối. Khoảng cách giữa 2 đê chính ở Sơn Tây là 3.750 m, nhưng khoảng cách giữa hai đê bối chỉ có 935 m, ở Phú Gia từ 2.600 m giảm xuống còn 1.200 m, Thanh Trì