Tọa đàm mở: Thủy điện dòng chính sông Mekong dưới góc nhìn phát triển bền vững.[17/05/11]
18/05/2011 11:00
TOẠ ĐÀM MỞ Thủy điện dòng chính sông Mekong dưới góc nhìn phát triển bền vững Hà Nội, ngày 26-5-2011
Bối cảnh
Sông Mekong là sông quốc tế lớn chảy qua 6 quốc gia Trung Quốc, Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Từ 1957, bắt đầu thực hiện hợp tác giữa bốn quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nhằm phối hợp nghiên cứu hạ lưu vực Mekong. Năm 1995, sự hợp tác trong Uỷ Hội sông Mekong - MRC đạt khung pháp lý chính thức với Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong. Năm 2010, lần đầu tiên có hội nghị thượng đỉnh Mekong, tại đó bốn Thủ Tướng đã cam kết tăng cường hợp tác nhằm tối ưu hoá việc sử dụng đa mục tiêu tài nguyên nước vì lợi ích chung của các nước ven sông; tránh bất kỳ tác động bất lợi nào do thiên nhiên và con người gây ra; bảo vệ giá trị lớn lao các hệ sinh thái tự nhiên và sự cân bằng sinh thái.
Trong mấy chục năm qua, chương trình Mekong từng nghiên cứu toàn diện các điều kiện kỹ thuật, kinh tế và pháp lý của việc khai thác sử dụng chung nguồn nước dòng chính. Tuy nhiên, các quốc gia chưa thoả thuận về bất kỳ kế hoạch phát triển nào và sau 1995, việc nghiên cứu dòng chính bị đứt quãng. Mười năm sau, từ năm 2005, Lào bắt đầu ký thoả thuận (bên ngoài chương trình Mekong) với nhiều nhà đầu tư để nghiên cứu xây dựng các công trình dòng chính trên lãnh thổ mình.
Được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các nhà tài trợ và dư luận khu vực cũng như sự hợp tác của các quốc gia thành viên, từ năm 2009 MRC đã có điều kiện tiến hành ba nghiên cứu: (i) Kịch bản phát triển lưu vực Mekong bao gồm thuỷ điện dòng chính tại Trung Quốc, 12 thuỷ điện dòng chính hạ lưu vực và các thuỷ điện sông nhánh; (ii) Đánh giá môi trường chiến lược (SEA) do phát triển thuỷ điện dòng chính. Hai nghiên cứu này đã đánh giá hiệu ích kinh tế về điện và tưới và đánh giá tác động môi trường và xã hội đối với dòng chảy, thuỷ sản, phù sa và dinh dưỡng, xâm nhập mặn …; (iii) Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước xây dựng từ kết quả hai nghiên cứu trên, đề ra các hoạt động ưu tiên, các nghiên cứu bổ sung để cập nhật Kịch bản và SEA, khắc phục các rủi ro và không chắc chắn. Chiến lược này đã được Hội đồng MRC thông qua tháng 1-2011.
Tháng 9-2010, Lào chính thức đệ trình dự án Xayabyri để MRC xem xét theo quy trình Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận. Kế hoạch Xayabyri - và tiếp theo là 11 thủy điện dòng chính hạ lưu vực - đã dấy lên mối quan ngại sâu sắc trong lưu vực và quốc tế về tác động to lớn đến sinh thái, môi trường sông Mekong, đến sinh kế hàng triệu người dân ven sông và tổn hại đến kinh tế của các quốc gia hạ lưu, đặc biệt là ĐBCL của Việt Nam. Theo tiến trình Tham vấn trước về Xayaburi của MRC, tháng 2/2011, Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam (VNMC) đã tổ chức 2 đợt tham vấn với các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội dân sự. Ngày 15/3/2011, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), Mạng lưới Cộng tác vì Nước của Việt Nam (VNWP) cùng một số tổ chức NGO khác, cũng tổ chức tham vấn trong xã hội dân sự và có một số kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời nhóm các nhà khoa học VRN đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ về hoãn thủy điện Xayaburi và bậc thang thủy điện dòng chính hạ lưu vực Mekong.
Tại hội nghị Uỷ ban Liên hợp MRC Tham vấn trước về Xayaburi ngày 19-4-2011, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đều cho rằng báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA) về Xayaburi chưa đủ thông tin; cần làm rõ tác động xuyên biên giới; cần xem xét chia xẻ lợi ích và đền bù các tác hại; cần thời gian dài hơn để nghiên cứu thêm. Việt Nam đề nghị cụ thể lùi ít nhất 10 năm để nghiên cứu trước khi có quyết định về Xayaburi cũng như về thuỷ điện dòng chính hạ lưu vực nói chung.
Ngày 7-5-2011, tại cuộc gặp song phương bên lề Jakarta ASEAN Summit, Thủ tướng Lào Thoongsing Thammavong đã thông báo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Lào quyết định tạm dừng dự án thủy điện Xayaburi. Hai vị lãnh đạo nhất trí chỉ đạo các cơ quan liên quan hai bên phối hợp nghiên cứu chung, thúc đẩy nghiên cứu trong khuôn khổ MRC và có thể cùng mời các nhà khoa học quốc tế có uy tín và kinh nghiệm tiến hành nghiên cứu để có đủ cơ sở khoa học vững chắc làm căn cứ cho các quyết định tiếp theo.
Vấn đề bậc thang thuỷ điện dòng chính hạ lưu vực Mekong trước sau vẫn là mối quan tâm và thách thức, trước mắt cũng như lâu dài đối với MRC và Việt Nam. Để tạo cơ hội cho các chuyên gia và xã hội dân sự tiếp tục trao đổi quan điểm về vấn đề này, nhóm 5 tổ chức phi chính phủ bao gồm: (xem lại tên có đúng ???)
· Hội Đập lớn và Phát triển Nguồn Nước Việt Nam (VNCOLD)
· Mạng lưới Cộng tác vì Nước Việt Nam (VNWP)
· Trung tâm Hỗ trợ Quản lý Tổng hợp Tài nguyên Nước (CIWAREM)
· Trung tâm Quản lý Lưu vực sông (CRBM)
· Trung tâm Quản lý Tài nguyên Nước và Biến đổi Khí hậu (CIWAREC)
cùng Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam (VNMC) đồng thuận tổ chức một cuộc Toạ đàm Mở trong giới xã hội dân sự quan tâm đến sự nghiệp phát triển và bảo vệ tài nguyên và môi trường bền vững.
Thác Khôn trên dòng chính Mekong tại Nam Lào có thể sẽ không còn?
Các chủ đề dự kiến trao đổi tại Toạ đàm Mở
· Những hướng nào có thể giúp các quốc gia hạ lưu vực phát triển tài nguyên nước Mekong một cách bền vững?
· ĐBCL có vị trí sống còn đối với Việt Nam nhưng sẽ bị tác động lớn nhất, vậy cân bằng thế nào trong quan hệ với thuỷ điện dòng chính Mekong? trong hội nhập và hợp tác khu vực, nên xử lý về kinh tế - chính trị - xã hội – môi trường như thế nào? cùng có lợi? chia xẻ lợi ích? đánh đổi?
· Việt Nam cần nghiên cứu những gì cho ĐBCL và châu thổ Mekong để tham gia chủ trương về thuỷ điện dòng chính?
Tổ chức Toạ đàm Mở
Dự kiến tổ chức tại Hà Nội ngày 26-5-2011 với sự tham gia của các hội nghề nghiệp, trung tâm sự nghiệp NGO, cơ quan sự nghiệp, cơ quan quản lý, chuyên gia độc lập, các doanh nghiệp xây dựng thuỷ điện tại Lào và Campuchia và cơ quan truyền thông quan tâm.
Cuộc Toạ đàm Mở do GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển Nguồn nước Việt Nam chủ trì.
BAN TỔ CHỨC