Sách mới‘Xây dựng đập đá đổ đầm nén bản mặt bê tông Tuyên Quang’.[05/07/11]
05/07/2011 22:47
Sách mới
‘Xây dựng đập đá đổ đầm nén bản mặt bê tông Tuyên Quang’
Nhà xuất bản Xây dựng vừa phát hành cuốn sách ‘Xây dựng đập đá đổ đầm nén bản mặt bê tông Tuyên Quang’của các tác giả Phan Đình Đại, Nguyễn Tài Sơn và Bùi Kính Hoàng. Sách dày 258 trang, được biên soạn công phu và trình bày đẹp, rất hữu ích cho các chuyên gia, kỹ sư, nghiên cứu sinh, sinh viên,.. về xây dựng thủy lợi. Bạn đọc có thể tìm tại các hiệu sách hoặc liên hệ với Văn phòng Hội Đập lớn & PT nguồn nước Việt Nam (nhà 10 / 95 Chùa Bộc, Đống Đa , Hà Nội – tel. 04 35639142). Dưới đây là Lời giới thiệu và Mục lục sách.
LỜI GIỚI THIỆU
Đá là vật liệu được sử dụng từ hàng ngàn năm nay để xây dựng những đập ngăn nước trên các sông suối, nhất là ở những vùng sẵn có đá tự nhiên. Đá là loại vật liệu bền chắc và có khả năng chịu nén cao, việc thi công ít bị ảnh hưởng bởi những biến động của thời tiết. Tuy nhiên trong thân đập đá có những khoảng rỗng đáng kể làm cho nước dễ thoát qua đập xuống hạ lưu. Để giữ nước, người ta phải dùng những biện pháp kết hợp với những vật liệu khác như làm lõi chống thấm giữa thân đập bằng đất, bê tông asphalt,… hoặc phủ mặt thượng lưu đập bằng bản bê tông cốt thép (gọi tắt là "CFRD" – concrete face rockfill dam).
Những CFRD đầu tiên trên thế giới được xây dựng từ những năm 20 của thế kỷ tr−ớc, song đó chỉ là một số ít đập nhỏ. Vài thập kỷ gần đây, cùng với sự xuất hiện của các thiết bị lớn đủ sức đầm nện chặt khối đá thân đập, qua đó làm giảm hẳn độ lún mặt đập và giữ cho bản mặt bê tông không bị nứt gãy, tạo nên bước phát triển nhanh của đập CFRD ở khắp nơi, mang lại hiệu quả lớn. Có thể kể những CFRD vào loại cao nhát thế giới hiện nay là các đập: Shuibuya (233m, Trung Quốc), Jiangpinghe (221m, Trung Quốc), La Yesca (210, Mexico), Bakun (205m, Malaysia), Campos Novos (202m, Brazin),… Cũng có thể kể thêm, tháng 5/2008, đã xảy ra trận động đất (8 độ Richter) tại vùng Tứ Xuyên (Trung Quốc). Cách tâm chấn 20km là CFRD Zipingpu cao 156m (thuộc "top" 50 CFRD cao nhất thế giới và "top" 10 CFRD cao nhất Trung Quốc) vẫn an toàn tuy có chút ít xô xệch.
Ở nước ta, hiện nay mới có 3 CFRD đều do các chuyên gia Việt Nam thiết kế và tổ chức thi công. Đầu tiên là đập Rào Quán (Quảng Trị) cao 69m, tiếp đó là đập Nà Hang (Tuyên Quang) cao 92m và gần đây là đập Cửa Đạt (Thanh Hóa) cao 118m đã được khánh thành. Các chuyên gia quốc tế nhất trí nhận định rằng CFRD có những yêu cầu kỹ thuật rất nghiêm khắc và đập càng cao thì càng có nhiều vấn đề rất phức tạp phải giải quyết, cả trong thiết kế và thi công. Kỹ thuật CFRD không ngừng được điều chỉnh, đổi mới và cập nhật. Chẳng hạn, trước đây có quan niệm coi bản mặt bê tông cốt thép như kết cấu màng mỏng, có chuyển vị áp theo mặt đập, nên chỉ đặt cốt thép đơn. Thực tế tuy bề dày bản là nhỏ so với các kích thước khác của mặt đập, song bản vẫn phải được coi là kết cấu chịu uốn, có độ cứng kháng uốn nhất định, đặc biệt là ở những đập cao, nhiều khả năng bị lún không đều trên mặt đập. Vì vậy, chúng ta đã đặt cốt thép kép tại bản mặt đập Cửa Đạt. Cách làm này được thảo luận và nhất trí cao trong Hội nghị quốc tế Đập đá tại Thành Đô (Trung Quốc) tháng 10/2009.
Cuốn "Xây dựng đập đá đổ đầm nén bản mặt bê tông Tuyên Quang" vừa là bản tổng kết kỹ thuật đầy đủ vừa là tài liệu h−ớng dẫn chi tiết rất hữu ích, nhất là về thi công CFRD, dành cho các kỹ sư, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý, nghiên cứu, sinh viên,… Chúng tôi đánh giá rát cao công phu biên soạn của các tác giả, Phan Đình Đại, Nguyễn Tài Sơn, Bùi Kính Hoàng, những chuyên gia đầu ngành về xây dựng thủy điện đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu của mình qua suốt quá trình chỉ đạo và trực tiếp tham gia thiết kế, thi công, theo dõi xây dựng đập Tuyên Quang để cho ra mắt cốn sách này.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phạm Hồng Giang,
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học,
Chủ tịch Hội Đập lớn & Phát triển nguồn nước Việt Nam,
Phó Chủ tịch Hội Đập lớn thế giới.